Chánh kinh:
Nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi, tất đắc siêu tuyệt khứ, vãng sanh vô lượng thanh tịnh A Di Đà Phật quốc, hoành tiệt ư ngũ thú, ác đạo tự bế tắc. Vô cực chi thắng đạo, dị vãng nhi vô nhân.
Ai nấy đều nên siêng tinh tấn, nỗ lực tự cầu lấy thì ắt được siêu tuyệt, vãng sanh cõi A Di Ðà Phật thanh tịnh vô lượng, chặt ngang năm đường, ác đạo tự đóng lấp. Ðạo thù thắng vô cực dễ đi mà chẳng có người theo!
Giải:
Những đoạn kinh trước đoạn kinh này đều nói về công đức trí huệ của thánh chúng cõi Cực Lạc; còn trong đoạn này là lời đức Thế Tôn nhắc nhở đại chúng trong pháp hội phải siêng năng tu tập cầu sanh Cực Lạc.
Trước đó, Ngài đã khai thị: Chân tâm thường trụ ai ai cũng có, ai cũng có thể thành Phật. Tâm vốn tự thanh tịnh sanh ra muôn pháp. Ngộ thì khế hợp ngay với bổn Phật, mê thì chìm mất trong sanh tử.
Ngay khi ấy, đức Thế Tôn xót thương, buông lời khuyên dụ từ bi: Đại chúng đã biết “tâm này là Phật” thì phải tinh tấn để “tâm này làm Phật”. Vì thế, Phật mới nói: “Nghi các cần tinh tấn” (Ai nấy đều nên siêng tinh tấn). Chữ “các” (各: ai nấy) không những chỉ để những người trong pháp hội thuở ấy mà còn kiêm chỉ hết thảy những ai trong đời sau nghe được pháp này: Ai nấy đều phải tuân theo lời dạy từ bi của đức Phật, tin nhận, phụng hành, niệm Phật vãng sanh nhằm thể hiện phương tiện rốt ráo “tâm này làm Phật”.
“Nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi” (Ai nấy đều nên siêng tinh tấn, nỗ lực tự cầu lấy) là lời đức Phật khuyên đại chúng ai nấy đều phải nên tinh tấn siêng tu, nỗ lực tự thực hành cầu sanh Tịnh Ðộ, chứng triệt để nguồn tâm, viên mãn Phật trí.
Luận Câu Xá giảng chữ “cần” (勤: siêng năng) như sau: “Cần (siêng) khiến cho tâm dũng mãnh trở thành tánh”. “Cần” cũng có nghĩa là tinh tấn. “Cầu” (求) là cầu đạo, mà cũng chính là cầu sanh Tịnh Ðộ.
Phẩm Chí Tâm Tinh Tấn trong kinh này có câu: “Nhân hữu chí tâm cầu đạo, tinh tấn bất chỉ, hội đương khắc quả” (Người chí tâm cầu đạo tinh tấn chẳng ngơi, ắt sẽ đắc quả). Vì thế, tiếp theo ngay câu “nghi các cần tinh tấn” (ai nấy nên siêng tinh tấn), kinh nói tiếp: “Tất đắc siêu tuyệt khứ” (Ắt đạt đến chỗ siêu tuyệt).
Chữ “tự” trong câu “tự cầu” rất quan trọng. Những chữ “tự” trong các câu như “nhữ tự đương tri” (ông nên tự biết), “nhữ ưng tự nhiếp” (ông nên tự nhiếp) được ghi trong kinh này cũng đóng vai trò quan trọng như vậy. Sách Hội Sớ nói: “Vui cầu nơi chính mình, mà cái ‘chính mình’ đó chính là tự tâm. Vì thế nói là Tự Cầu”. Ý nói: Tịnh Tông tuy là tha lực pháp môn, nhưng tự tâm hành nhân nếu chẳng tinh tấn, đoạn trừ nghi hoặc, sanh lòng chánh tín sâu xa, khẩn thiết nguyện cầu được vãng sanh thì trọn chẳng được vãng sanh. Bởi thế, Phật căn dặn “nỗ lực tự cầu chi” (nỗ lực tự cầu lấy).
“Tâm này là Phật” là tánh đức; “tâm này làm Phật” là tu đức. Có công tu đức thì tánh đức mới được hiển hiện. Vì thế, nỗ lực tự cầu thì “tất đắc siêu tuyệt khứ” (ắt đạt đến chỗ siêu tuyệt). “Siêu” (超) là siêu thoát, “tuyệt” (絕) là diệt sạch, trừ dứt. Do đó, “siêu tuyệt” là vượt thoát luân hồi, đoạn trừ sanh tử.
Sách Hội Sớ viết: “Ngay trong một lúc nhanh chóng vượt khỏi tam giới, đoạn tuyệt các nghiệp buộc ràng trong bao kiếp nên bảo là ‘siêu tuyệt’, mà cũng là do đã đoạn tuyệt [nghiệp chướng] nên được siêu thoát vậy”. Thánh, phàm, trí, ngu, chín phẩm muôn loài ai nấy đều được “siêu tuyệt” toàn là nhờ vào Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, từ quả khởi tu, chỉ trong một đời được thành tựu nên đều được sanh về “cõi Phật A Di Ðà thanh tịnh vô lượng”.
Do đó, “hoành tiệt” có nghĩa là hoành xuất, hoành siêu (vượt khỏi tam giới theo chiều ngang); các pháp môn khác phải theo thứ tự đoạn trừ dần từng lớp phiền não để thoát khỏi sanh tử nên gọi là vượt khỏi tam giới theo chiều dọc (thụ siêu, thụ xuất).
Sách Gia Tường Sớ lại bảo: “Tu nhân Bồ Ðề, dứt ngang sự chuyển vần trong năm đường nên ‘ác đạo tự bế tắc”. Chữ “tự” ở đây là “tự nhiên”.
Sách Hội Sớ giảng chữ “vô cực” trong câu “vô cực chi thắng đạo” (đạo vô cực thù thắng) như sau: “Phàm phu sanh về đó liền mau chóng tiến lên quả địa nên bảo là vô cực”. Bản Ngụy dịch ghi là “vô cùng cực”. Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Câu ‘thăng đạo vô cực’ diễn tả cái sở đắc. Ðắc đạo sâu rộng nên bảo là vô cùng cực”.
Như vậy, sách Hội Sớ cho rằng phương tiện khiến cho phàm phu nhanh chóng chứng được quả vị là phương tiện tột cùng, chẳng thể thấu hiểu đến cùng cực được nên phương tiện đó được xưng tụng là “vô cực”; còn Tịnh Ảnh Sớ lại coi tánh đức sâu rộng khó nghĩ lường của quả vị là “vô cực”. Còn theo Gia Tường Sớ thì: “Người sanh về nhiều nên bảo là vô cực”, tức là ngài Gia Tường hiểu do đạo ấy khiến vô lượng người được vãng sanh nên đạo ấy được gọi là “vô cực”.
Thế thì: Người vãng sanh nhiều vô cực, đắc quả nhanh chóng là phương tiện vô cực. Tánh đức thù thắng của quả đức rộng sâu vô cực khiến ta thấy được rằng: Ân đức của Phật Di Ðà là rốt ráo vô cực nên kinh mới chép là “vô cực chi thắng đạo” (đạo vô cực thù thắng) .
Câu “dị vãng nhi vô nhân” (dễ đi mà chẳng có người theo) được Tịnh Ảnh Sớ giảng như sau: “Tu nhân liền được sanh về nên gọi là ‘dị vãng’ (dễ đi). Không có kẻ tu nhân, ít người vãng sanh nên bảo là ‘vô nhân’ (chẳng có người)”. Ngài Gia Tường bảo: “Chỉ tu mười niệm thành tựu liền được vãng sanh, mà ít người thực hành nên mới bảo là dễ đi mà chẳng có người theo”.
Đoạn: Ngay khi ấy, đức Thế Tôn xót thương, buông lời khuyên dụ từ bi: Đại chúng đã biết “tâm này là Phật” thì phải tinh tấn để “tâm này làm Phật”. Vì thế, Phật mới nói: “Nghi các cần tinh tấn” (Ai nấy đều nên siêng tinh tấn). Chữ “các” (各: ai nấy) không những chỉ để những người trong pháp hội thuở ấy mà còn kiêm chỉ hết thảy những ai trong đời sau nghe được pháp này: Ai nấy đều phải tuân theo lời dạy từ bi của đức Phật, tin nhận, phụng hành, niệm Phật vãng sanh nhằm thể hiện phương tiện rốt ráo “tâm này làm Phật”.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nên vốn có sẳn đầy đủ đức tướng, trí huệ của Như Lai. Tuy nhiên do mê lầm, bị nghiệp chướng che lấp nên mới thành ra nông nổi này. Chúng ta tu hành cầu sanh Cực Lạc là để tìm về với chân tâm tự tánh vốn có của mỗi chúng ta. Cực Lạc là nơi tốt đẹp nhất để thực hiện việc này, tìm về với tự tánh làm Phật vốn có của mỗi chúng sanh, thế nên mới gọi Cực Lạc là quê hương [của chúng sanh]. Thế nên mới nói "tâm này [vốn] là Phật", nên cần phải đốc lòng tinh tấn [tu tập cầu sanh về Cực Lạc] để "tâm này [chắn chắn sẽ] làm Phật", chứ đừng làm chúng sanh trong lục đạo nữa, khổ lắm! Vạn pháp từ tâm tưởng sanh, mười Pháp giới từ tâm hiển hiện.
Câu tiếp theo: “Nghi các cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu chi” (Ai nấy đều nên siêng tinh tấn, nỗ lực tự cầu lấy) là lời đức Phật khuyên đại chúng ai nấy đều phải nên tinh tấn siêng tu, nỗ lực tự thực hành cầu sanh Tịnh Ðộ, chứng triệt để nguồn tâm, viên mãn Phật trí.
Trong tu học, bên cạnh sự khuyến tấn, nhắc nhở của thiện tri thức, đồng tu, thì sự tự giác của mỗi người là quan trọng nhất. Ví dụ, lòng tin, chẳng ai tin dùm mình được, họ chỉ chỉ bảo, nhắc nhở, khuyên lơn mà thôi. Rồi tâm cầu giải thoát, xả ly Ta Bà, hân nguyện về Tịnh Độ. Tinh tấn hành trì, dụng công tu tập, thời khóa công phu, đi đứng nằm ngồi... Tất cả chỉ ở ta thọ dụng, quyết định. Các yếu tố bên ngoài [môi trường, trợ duyên] thật ra cũng rất cần thiết và quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định [việc thành bại].
Câu: Vì thế, tiếp theo ngay câu “nghi các cần tinh tấn” (ai nấy nên siêng tinh tấn), kinh nói tiếp: “Tất đắc siêu tuyệt khứ” (Ắt đạt đến chỗ siêu tuyệt).
Trong mấy vạn Pháp môn mà Phật thuyết ra, chắc chỉ có Pháp môn này Đức Phật mới khẳng định chắc chắc rằng “Tất đắc siêu tuyệt khứ” [ắt đoạn tuyệt quá khứ sanh tử, [siêu thăng Tịnh Độ]]. Bởi đơn giản đây là Pháp môn đặc biệt, có một không hai [mà Đức Phật đã thuyết ra].
Phàm việc gì cũng vậy, đều cần phải siêng năng tinh tấn thì mới có kết quả. Thế gian thì thật ra cũng có người có 'số hưởng' do phước báu từ đời trước, nhưng nói chung đều phải nổ lực cố gắng mới có thu hoạch. Pháp xuất thế gian thì càng cần phải vậy. Phật nói trong Kinh rằng có bốn thứ chướng ngại chuyện thâm nhập hành trì Pháp môn này, đó là "Ác, kiêu, biếng nhác và tà kiến. Pháp vi diệu Như Lai khó tin. Như người mù hằng thấy tối đen. Không thể dẫn đường cho kẻ khác". Dĩ nhiên chúng ta đa phần đền là phàm phu, tập khí xấu ít nhiều không thể không có và chẳng thể hết ngay trong một sớm một chiều, nhưng quan trọng là đường đạo ngày một tiến lên, thói quen không tốt ngày một tiêu trừ, như thế thì mới gọi là thật 'hành đạo'. Vì sao bốn thứ này Phật khuyên nhắc phải kiêng cử, đoạn trừ. Ví dụ, biếng nhác, chúng ta thấy có ai tha thiết, một lòng một dạ muốn giải thoát, sanh về Cực lạc, một đời được liễu thoát sanh tử khổ đau, lại lười biếng tu trì, giải đãi chuyện tu tập không? Rồi có ai chuyên làm điều ác [não hại chúng sanh] lại muốn cầu sanh về Cực Lạc để được làm Phật cứu độ chúng sanh? Hoặc giả, có ai mang tâm kiêu mạn, trước giờ luôn xem mình là nhất [hay nhị ba...] lại đi tin vào một thế lực siêu nhiên nào đó một cách chân thật cho được? Còn nói về lý, thì những thứ này là trái ngược với tánh đức tự tánh vậy, nên không thể dung nạp Pháp tu này được, trừ phi họ bắt đầu chuyển đổi, đả phá.
Đức Phật đã dạy, ai nấy cần tinh tấn, “Tất đắc siêu tuyệt khứ”, thế nên chúng ta hãy yên tâm mà hành trì. Chắc chẳng có Pháp môn nào mà Ngài lại khẳng định chắc chắc thành tựu [quả vị giải thoát ngay] với chúng sanh như vậy cả. Chúng ta phải tin lời Phật dạy. Tin tưởng, siêng năng hành trì, ắt có kết quả. Chữ "tinh tấn" ở đây mà Đức Phật ngài dạy phải hiểu rộng, đó là phải bao gồm cả tín tâm kiên định, nguyện tâm tha thiết, chứ không chỉ có hành trì không thôi. Tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên, ấy mới là sự "tinh tấn" một cách đầy đủ mà Đức Phật ngài muốn truyền trao. Thật sự mà nói, Pháp môn này hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tin của hành giả tới đâu mà thôi. Tin sâu ắt kéo theo nguyện thiết, rồi hành chuyên. Không có tín tâm chân thật chẳng nghi, đố mà có nguyện chân thật thiết tha [có thể xả ly tất cả mà theo Phật về, bất luận nơi đâu lúc nào, ở cảnh duyên nào], trừ phi công phu đạt đến mức thượng thừa nào đó.
Đoạn cuối: Câu “dị vãng nhi vô nhân” (dễ đi mà chẳng có người theo) được Tịnh Ảnh Sớ giảng như sau: “Tu nhân liền được sanh về nên gọi là ‘dị vãng’ (dễ đi). Không có kẻ tu nhân, ít người vãng sanh nên bảo là ‘vô nhân’ (chẳng có người)”. Ngài Gia Tường bảo: “Chỉ tu mười niệm thành tựu liền được vãng sanh, mà ít người thực hành nên mới bảo là dễ đi mà chẳng có người theo”.
Một lần nữa, Đức Phật lại nói Pháp môn này không khó [dễ đi], nhưng chẳng có người theo. Phải chi ai ai cũng theo, cũng tin nhận [Pháp Phật] mà hành trì, y giáo phụng hành, ắt hẳn ai ai cũng thành tựu. Cái cốt lõi ở đây là "y giáo phụng hành", đừng có thêm bớt hay sai lệch gì hết, thì chắc chắn ai ai cũng thành tựu. "Y giáo phụng hành" ở đây là như thế nào [với pháp môn này]? Chúng ta đã học tập nhiều rồi, đến đây có thể cô đọng ngắn gọn cốt lõi là nằm ở chỗ "chí tâm tin ưa", ai thọ dụng được chỗ này chắc chắc có vé. Còn việc liễu giải như thế nào, thọ dụng ra sao, hành trì thế nào, cần những điều kiện gì gì? Chúng ta đã học tập lời Kinh, lời Tổ, lời Thánh Hiền quá nhiều rồi, ở đây không nhắc đến nữa.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)
Phẩm 32. Thọ Lạc Vô Cực
Ngài Hoàng Niệm Tổ