Quanh Năm Niệm Phật

NPSTD7

 

Quanh Năm Niệm Phật

Thư trả lời cư sĩ Trầm Thọ Nhân
(năm Dân Quốc 20 - 1931)

Vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, quả thật là may mắn lớn lao

Nhận được thư ông từ ba hôm trước, biết lệnh lang là Hà Sanh đã niệm Phật vãng sanh. Tuy về Thế Đế, tựa hồ [đó là] chuyện bất hạnh, nhưng vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, quả thật là may mắn lớn lao. Nên luận theo Thật Tế, đừng chấp vào tướng thế gian rồi sanh bi cảm. Nay những kẻ mù quáng, khuấy rối đều do cha mẹ họ mong mỏi họ sẽ hưng gia lập nghiệp, vẻ vang tổ tông, nhưng chẳng biết cách nuôi dạy, nên đều trở thành những kẻ ác tự hại, hại người, hại đời. Do vậy, con người phải mở rộng tầm mắt để nhìn thì trong tâm sẽ thản nhiên, không lo lắng.

 

Quanh năm niệm Phật
Chùa Báo Quốc có tất cả bốn mươi hai vị Tăng, ai nấy đều có chức trách, chẳng thể làm Phật sự. [Với số tiền] một trăm đồng ông đã gởi, tôi bảo chùa Linh Nham lập một bài vị trong Niệm Phật Đường. Chùa Linh Nham niệm Phật có thể coi là bậc nhất trong vùng Giang - Chiết, công khóa mỗi ngày chẳng khác gì khi đả Phật thất! Khi đả thất chỉ thêm ba lượt hồi hướng sáng, trưa, tối. Chùa này thuộc địa phương của Hòa Thượng Chân Đạt chùa Thái Bình, gần đây đã đổi thành [đạo tràng] thập phương, chuyên môn niệm Phật. Phàm những chuyện như niệm kinh, bái sám, Phóng Diệm Khẩu, làm đàn Thủy Lục, giảng kinh, truyền giới, thâu nhận đồ đệ, truyền pháp v.v… đều chẳng làm. Quanh năm niệm Phật, những tháng mùa Hạ nếu thuận tiện sẽ giảng pháp môn Tịnh Độ, chẳng chèo kéo người ngoài đến nghe.

Nhận được thư ông thì trong ngày hôm sau tôi đã bảo Hoằng Hóa Xã đem những sách đã in trong một hai năm qua gởi đi mỗi loại một cuốn, chắc là ông đã nhận được rồi. Lại thêm do người ta thường nhân dịp nghỉ Tết đến thăm nhiều lắm, hiện thời không rảnh rang, đợi đến tháng Giêng năm sau sẽ vì Hà Sanh niệm Phật suốt ba ngày hầu thỏa tâm nguyện của ông. Mười đồng ông đã gởi sẽ dùng vào chi phí in sách.

 

Thư trả lời tiên sinh Trịnh Quán Tịnh
(năm Dân Quốc 20 - 1931)

Ngã Chấp chẳng bỏ thì làm sao theo lời người ta cho được?

Dùng giấy có chữ để bọc kinh hay lót mõ chẳng những là khinh nhờn giấy có chữ mà còn là khinh nhờn kinh điển, khinh nhờn đạo tràng! Ông là người đọc sách mà còn phải hỏi người khác chuyện này mấy lần ư? Dùng giấy báo để luyện viết chữ cũng không phải là không được, nhưng chớ nên viết bừa xóa loạn. Viết bừa xóa loạn sẽ trở thành thiếu ý thành kính. Ông Cổ Nông nói xét theo giá trị của chữ viết trên báo cũng gần hợp lẽ, nhưng ai dùng cái tâm ấy? Kinh truyện của thánh hiền đâu có chữ nào đặc biệt không dùng đến những chữ thông thường! Công Quá Cách nói “đưa con em đi xuất gia mắc lỗi” là nhằm ngăn ngừa thói tệ “kẻ ác do ác tâm ruồng bỏ con em mà vẫn muốn được tiếng tốt”, chứ không phải là chuyện cha - con, anh - em cùng phát Bồ Đề tâm đưa nhau đi xuất gia mà cũng bị tội. Tri kiến của ông hạn hẹp, chẳng hiểu biết viên dung, nên mỗi chuyện trong thế gian đều phải hỏi người khác nhiều lượt mà vẫn chẳng thể giải quyết được! Vì sao vậy? Do có Ngã Chấp. Tuy người khác đã giải mối nghi này cho ông, ông lại do lời giải thích mà sanh nghi, Ngã Chấp chẳng bỏ thì làm sao theo lời người ta cho được?
Mấy câu nói ấy người hiểu rõ lý cố nhiên chẳng cần phải bận lòng suy tính, vì vốn đã tự hiểu rõ rồi. Nếu ông dùng tâm tư ấy để học Phật pháp thì suốt đời cũng chẳng thể vượt ra lối mòn tình tưởng phân biệt được!

 

dttd121

Ảnh: Một đạo tràng Tịnh Độ tại TPHCM

Thư đầu, đoạn đầu "Nhận được thư ông từ ba hôm trước, biết lệnh lang là Hà Sanh đã niệm Phật vãng sanh. Tuy về Thế Đế, tựa hồ [đó là] chuyện bất hạnh, nhưng vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, quả thật là may mắn lớn lao..."

Đối với hành giả Tịnh Độ hay người hiểu đạo thì việc được vãnh sanh là chuyện thành tựu viên mãn một đời hành đạo, được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, nhưng đối với người thế gian [Thế Đế] do họ không thấy được lợi ích chân thật của việc này nên cứ xem như một cái 'đám ma' [bình thường] vậy. Họ nào là đau buồn, an ủi, chia sẻ, động viên khích lệ nhau rằng 'hãy cố gắng vượt qua nỗi đau này', 'thời gian sẽ phôi phai thôi dần sẽ chữa lành tất cả', hay 'chuyện sinh ly tử biệt chẳng ai tránh khỏi', rồi 'mong hương linh [ai đó] sớm được siêu thoát về cõi vĩnh hằng'... Nói chung đó là những tình kiến trong thế gian, chúng ta [nếu là người trong cuộc] có thể hiểu và thông cảm được, nên về mặt hình tướng bên ngoài chúng ta nhiều khi cũng [tùy thuận] đón nhận những nổi niềm chia sẽ ấy của họ. Nhưng việc hậu sự thì ngoài những nghi lễ thế gian chúng ta cần chú trọng thực hành các việc tạo công đức để giúp lợi lạc cho thần thức người mất [nếu đã được vãng sanh] tăng trưởng phẩm vị, cùng kết duyên lành với các hữu tình, đấy mới là điều cần ra sức thực hiện.

Đoạn tiếp: "Chùa Linh Nham niệm Phật có thể coi là bậc nhất trong vùng Giang - Chiết, công khóa mỗi ngày chẳng khác gì khi đả Phật thất! Khi đả thất chỉ thêm ba lượt hồi hướng sáng, trưa, tối..."

Linh Nham Sơn Tự là nơi Chư Tổ Sư tịnh tu những năm tháng cuối đời, có đạo tràng chuyên tu Tịnh Độ, 'công khóa mỗi ngày chẳng khác gì khi đả Phật thất', thật trang nghiêm thanh tịnh! Đạo tràng chẳng có 'niệm kinh, bái sám, Phóng Diệm Khẩu, làm đàn Thủy Lục, giảng kinh, truyền giới...', chỉ 'quanh năm niệm Phật'. Nói chung là chẳng có lễ lạc hay pháp hội gì cả, một năm như một ngày, chỉ chuyên tu niệm Phật thôi. Đạo tràng như thế ở VN ta hiện nay có không? Dạ vâng, cũng có đấy, nhưng thật hiếm! Chúng ta chỉ cầu mong có đạo tràng chuyên tu Tịnh Độ, trong đó thường ngày là niệm Phật, đến các kỳ Lễ, Vía thì tổ chức theo nghi lễ, kèm các Phật sự này kia, giúp lợi lạc chúng sanh, thuận theo cảnh duyên, thời thế, như vậy cũng là quý hóa lắm rồi. Điều quan trọng là các đạo tràng phải hành trì đúng Chánh Pháp mà Chư Phật, Tổ đã chỉ dạy thì mới đem lại lợi ích chân thật, rốt ráo cho chúng sanh vậy. Đồng ý là trong tu tập, càng chuyên thì càng tốt [sẽ đỡ cho phần Lý rất nhiều], nhưng để gầy dựng được những đạo tràng như thế trong thời cuộc [tạp loạn] như hiện nay là điều chẳng hề dễ dàng gì! Rồi gầy dựng đã khó, việc duy trì cho bền lâu lại càng khó khăn hơn nữa. Lý do vì đâu? Điều này thôi nhường lại cho độc giả cùng suy ngẫm vậy! Cho nên, nói chung trong thời cuộc này, tốt nhất cứ giữ mức 'bình bình. trung trung' vậy thôi, [về mặt hình tướng] chẳng khác gì nhiều với người ta, cứ thế mà duy trì, ổn định, bền lâu, đừng làm điều gì có vẻ đặc biệt, khác người, khác xu thế hay nổi trội quá... mà kẻo dễ bị các thế lực này kia làm chướng ngại. Chúng ta nên nhớ đây đã là thời Mạt Pháp khá sâu rồi, chúng sanh nghiệp nặng chướng dày, các thế lực [ngoại đạo] rất hẫy hừng! Về mặt hình tướng bên ngoài là vậy, nhưng cái 'nội dung' bên trong mới là quan trọng, nhất định phải theo đúng Chánh Pháp trong Kinh giáo dạy. Điều này cần kiên định, chẳng thể 'tùy thuận' theo thế gian được. Nếu tùy thuận theo [số đông] thế gian, ban đầu chỉ là 'phương tiện', chút ít, rồi dần dần chiếm phần lớn, đâm ra mất luôn 'bản gốc' hồi nào không hay. Bởi vậy theo thời gian, Chánh Pháp dần mai một, người thành tựu ngày càng ít đi là vậy.

Trong thư thứ hai, có một số nội dung quan trọng cho việc tu học, mà chúng ta hay gặp phải thường ngày, chúng ta cùng đọc kỹ và học tập lời Chư Tổ dạy vậy. Chỉ có vài dòng nhưng có những điều rất trọng yếu cho việc tu học của chúng ta.

Phần còn lại, chúng ta tiếp tục dành chút thời gian để tiếp tục công việc thường ngày, đó là việc gầy dựng giữ gìn Tín Nguyện tâm cho thật chắc chắn, vững chãi, cho dần đạt tới 'giới hạn' mới được. Như đã biết, trích từ Kinh giáo, cùng lời Chư Tổ Sư các ngài chỉ dạy, chúng ta được biết có một số cách để gầy dựng, giữ vững Tín Nguyện tâm cho chân thật, thiết tha. Nếu đã gầy dựng được cách nào đó rồi thì chúng ta cần phải 'cất kỹ vào túi', xem đó chính là 'bảo bối' cho việc vãng sanh, liễu thoát sinh tử của mình vậy. Rồi tiếp tục gầy dựng theo cách khác xem như thế nào, xem chúng có hay hơn cách kia không? Rồi các cách đó dung thông với nhau ra sao?... Ở đây chúng ta đề cập đến cách đầu tiên [tạm gọi cách 1], như các Ngài chỉ dạy, rằng "Phật đã tại thế thành Phật, thế nên Bổn Nguyện chẳng hư dối", [cho nên phải tin Bổn Nguyện] "Niệm Phật ắt vãng sanh". Thật sự thì cái Lý ở đây thật quá đơn giản, rõ ràng [mà hầu như ai ai cũng biết]. Cho nên dùng cái Lý này để 'đánh thức' [phát khởi] Tín tâm cho chân thực, đầy đủ, để đạt tới mức 'nhất tâm tin tưởng' [chí tâm tin ưa, bất sanh nghi hoặc], như thế kể ra khá khó khăn đấy! Như thế phải làm sao đây? Phải dựa vào 'thiện căn' sẳn có chăng? Như thế nếu 'thiện căn' chưa đủ [như đa phần phàm phu chúng ta] thì biết làm sao đây? Bởi [vì chưa đủ] nên mới cần vun bồi, gầy dựng [cho đủ], chứ còn dạng thiện căn 'sâu dày' rồi, nói cái tin ngay [rồi giữ mãi] thì thôi... cần gì phải ra sức học tập, gầy dựng chi nữa? Thế cho nên chúng ta hãy cùng suy ngẫm vậy [văn, tư, tu]!

 

Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng

Đại Sư Ấn Quang

Như Hòa chuyển ngữ

Các Bài Pháp Nổi Bật

Chỉ Giữ Tấm Lòng Tốt Lành, Nói Lời Tốt Lành, Làm Chuyện Tốt Lành, Nhất Tâm Niệm Phật, Lần Lượt Khuyên Người

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện
    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được!

  • Tích Công Lũy Đức Vô Lượng Vô Biên, Được Tự Tại Trong Hết Thảy Pháp, Chẳng Thể Dùng Ngữ Ngôn, Phân Biệt Để Biết Được Nổi

  • Mô tả

    Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
    Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
    - Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
    - A Nan thưa hỏi.
    - Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.

  • Pháp Niệm Phật Khẩn Yếu Nhất Là Có Lòng Tin Chân Thật, Nguyện Thiết Tha

  • Mô tả

    Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao.

  • Chẳng Bị Xoay Chuyển Bởi Những Thứ Tri Kiến Ấy, Lại Còn Giữ Vẹn Luân Thường, Trọn Hết Bổn Phận, Dứt Lòng Tà, Giữ Lòng Thành...

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
    (năm Dân Quốc 20 -1931)

    Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
    Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp.

  • Hương Báu Xông Khắp

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Sẽ Vĩnh Viễn Không Còn Lo Ngờ Nữa!

  • Mô tả

    Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']

    Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ.

  • Hồng Danh Vạn Đức Chính Là Vô Thượng Giác Đạo Như Lai Đã Chứng Nơi Quả Địa!

  • Mô tả

    Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới

    Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! 

  • Trụ Chánh Định Tụ; Vui Như Lậu Tận

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.