Thư trả lời cư sĩ Vu Quy Tịnh
(năm Dân Quốc 22 - 1933)
Đã ăn chay trường niệm Phật, [vẫn cần] hãy nên đem tông chỉ Tịnh Độ và những nghĩa lý tu trì quan trọng kể...
Muốn học Phật phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì mới được. Chẳng thể làm hiền nhân, thiện nhân trong thế gian, làm sao được lợi ích chân thật nơi Phật pháp? Mẹ ông đã ăn chay trường niệm Phật, hãy nên đem tông chỉ Tịnh Độ và những nghĩa lý tu trì quan trọng kể cho mẹ ông nghe, ngõ hầu mẹ lẫn con cùng sanh về Liên Bang. Lại phải đem pháp này nói với khắp hết thảy bạn bè hữu duyên, ngõ hầu mọi người cùng được gội ân giáo hóa của Phật, cùng tu Tịnh nghiệp, cùng sanh về Tây Phương. Ông đã tốt nghiệp, trong cõi đời lúc này tuyệt đối chớ nên xuất gia, huống chi mẹ ông lại không bằng lòng! Ngay cả bế quan cũng không cần! [Nay tôi] vì ông tính kế, ông có thể làm thầy giáo trong trường tư thục, hoặc trông coi sổ sách cho công ty của người khác, đều có thể nhận được một ít lương bổng để sống qua ngày. Nhưng cần phải chuyên cần đọc sách sao cho văn tự thông suốt thì mới nên, chớ có biếng trễ, lười nhác đến nỗi chẳng có thành tựu gì!
“Tự thị bất quy, quy tiện đắc. Cố hương phong nguyệt hữu thùy tranh?”
Pháp danh [của ông] vốn sẵn có hai chữ Quy Tịnh thật hay. Cổ nhân nói: “Túng nhiên sanh đáo Phi Phi Tưởng, bất như Tây Phương quy khứ lai” (Phi Phi Tưởng dẫu được sanh, chớ hề bằng được trở về Tây Phương). Nếu có thể chất phác niệm Phật thì nương theo nguyện thuyền của đức Di Đà, trở về quê hương Cực Lạc Tịnh Độ là điều có thể đoán chắc. Đây chính là điều ngàn kinh muôn luận, đâu đâu cũng chỉ dẫn hướng về. Nếu chẳng trở về đây, chắc chắn sẽ như đứa con nghèo túng, chẳng biết quê cũ, chẳng nhớ cha lành, cam phận lênh đênh quê người, lê la khe rãnh. Nếu chẳng so đo, chẳng bàn đi tính lại, cứ nhất tâm quay về, mới biết tự tánh vốn sẵn thanh tịnh, còn có chỗ nào để cầu tướng quay về và tướng tịnh nữa ư? Cổ nhân lại nói: “Tự thị bất quy, quy tiện đắc. Cố hương phong nguyệt hữu thùy tranh?” (Tự mình chẳng về, về liền được. Gió trăng quê cũ há ai giành?) Quy Tịnh hãy trở về cõi tịnh, niệm tại đâu nghĩ tại đó nhé!
Thư trả lời cư sĩ Tông Thành
(năm Dân Quốc 22 - 1933)
Cùng với trời - đất xưng là Tam Tài
Học đường hiện thời đúng là một cái bẫy hãm người, chẳng hãm trong đảng phái sẽ lại hãm trong tự do luyến ái, mặc tình chơi bời bừa bãi. Phải biết: Con người chỉ là một loài động vật cao năm sáu thước mà sánh cùng trời đất xưng là Tam Tài thì danh xưng Con Người cao quý không chi bằng được! Danh đã tôn quý, ắt phải có thực chất đáng tôn quý thì mới có thể gọi là Người! Nếu không, chính là loài cầm thú mặc áo đội mũ, do chẳng có khí phận của con người vậy! Tài chính là khả năng. Trời có thể sanh ra muôn vật, đất có thể chở muôn vật, con người có thể kế thừa bậc thánh đời trước, giúp cho thế hệ tương lai học theo, giúp cho [những chỗ] mà sự sanh thành, dưỡng dục của trời đất chưa thấu tới, nên cùng với trời - đất xưng là Tam Tài. Nếu chỉ biết ăn uống, trai gái, chẳng biết hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ thì còn kém hèn hơn loài cầm thú, uổng một đời mang thân con người, trọn chẳng có khí phận của con người chút nào! Hễ một hơi thở ra không hít vào được nữa, sẽ đọa vào địa ngục trải trăm ngàn kiếp trọn chẳng có kỳ ra. Muốn được làm cầm thú còn chưa thể được, huống gì lại được làm người ư?
Giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành...
Do ông thuở đầu chẳng biết nghĩa này, nghe bạn ác dụ dỗ nên chơi bời bừa bãi, đến khi đã mắc bệnh phong tình, đau đớn không kham nổi. Lành bệnh rồi lại ăn chơi, lại phát bệnh, [lành bệnh xong] lại phạm, cũng là kẻ chẳng biết tốt - xấu quá đáng, quá thiếu chí hướng, khí tiết vậy! Phải biết đàn ông chơi bời bừa bãi và đàn bà lén lút [tằng tịu] với người khác trọn chẳng khác gì nhau! Người đời thường cho đàn bà lén lút [tằng tịu] với người khác là hèn hạ, nhưng đàn ông chơi bời bừa bãi lại chẳng bị chê trách. Đấy đều là vì chẳng biết ý nghĩa cái tên gọi Con Người nên mới có tri kiến hèn kém ấy! May là ông đã nhiều lần chịu khổ, mới biết quay đầu, cũng là do thiện căn đời trước xui khiến, nhưng Quang lại phải nói cặn kẽ nguyên do, vì sợ cái tâm ông chưa nguội lạnh, sau này có thể lại dẫm theo vết xe ấy. Do vậy, muốn làm cho ông biết danh hiệu Con Người tôn quý, chẳng đến nỗi tự ruồng rẫy, tự vứt bỏ bản thân, và đem điều này khuyên dụ hết thảy nam nữ thanh niên đều cùng bẩm thụ danh xưng Con Người tôn quý, thực hành những điều lành trong thế gian là giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành.
Chẳng có chút nào hư giả mảy may và ý niệm xấu hèn
Lại còn phát Bồ Đề tâm, lợi khắp mình lẫn người, đều cùng sanh lòng tin, phát nguyện, niệm thánh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương, để tu điều lành xuất thế ngõ hầu đáng gọi là Người. Tuy chẳng thể kế tục người xưa, nêu gương cho đời sau, giúp vào quyền sanh trưởng, dưỡng dục của trời đất như bậc cổ thánh tiên hiền, cũng vẫn có chút công đức kế tục người xưa, nêu gương cho đời sau, giúp vào quyền sanh trưởng, dưỡng dục của trời đất thì danh xưng Con Người mới có thực chất, chẳng trở thành chuyện nói xuông! Nay đặt pháp danh cho ông là Tông Thành. Tông là chủ, là gốc, [Tông Thành] nghĩa là dùng lòng chân thật chí thành để tự hành, dạy người, chẳng có chút nào hư giả mảy may và ý niệm xấu hèn để đến nỗi cô phụ chữ Người. Ngũ Giới có thể tự trì trước. Khi đã trì thật sự lâu ngày rồi thì lại [chánh thức] thọ giới nào khó chi đâu? Nếu tâm vẫn còn do dự thì đáng gọi là trò trẻ con đùa bỡn, chẳng những chính ông mắc tội lỗi, mà Quang cũng có tội lỗi nữa đấy!
Ảnh minh họa: Con người sinh sống cùng với thiên nhiên
Thư đầu, đoạn đầu: Muốn học Phật phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì mới được. Chẳng thể làm hiền nhân, thiện nhân trong thế gian, làm sao được lợi ích chân thật nơi Phật pháp? Mẹ ông đã ăn chay trường niệm Phật, hãy nên đem tông chỉ Tịnh Độ và những nghĩa lý tu trì quan trọng kể cho mẹ ông nghe...
Thật ra Phật Pháp là giúp cho mọi người trước hết trở thành những người hiền đức nơi cõi đời này đã, sau mới là rốt ráo giải thoát nơi cuối đời. Cho nên, với các vị phát tâm sớm, không thể không chăm lo vun bồi giáo dưỡng đức hạnh, tâm tánh, giữ giới, tu Tịnh Nghiệp Tam Phước [hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tấm bất sát...], tu Lục Độ [bố thí, trì giới, nhẫn nhục...], rồi cạn lòng thành tận lòng kính... Đó thật sự là những trợ hạnh trợ duyên đắc lực trên con đường Đạo. Thật ra đây là những việc chỉ tốt cho mình lợi cho người, chẳng phải chỉ là gò bó khuôn phép [một cách nhàm chán, tẻ nhạt, khó khăn] mà thật sự sinh động, thuận theo tự nhiên, thuận theo luân lý của Trời Đất vậy. Chẳng qua con người ta sống trong cõi Tục này hay làm những chuyện trái nghịch, chẳng hợp những tánh đức của chúng sanh, lâu ngày từng đời từng đời riết rồi trở thành 'tập quán, lối mòn' luôn, ví dụ như việc ăn mặn, sát sanh, cậy mạnh hiếp yếu, coi như đó là việc 'tự nhiên' chẳng có lỗi lầm chi cả. Nào đâu hay rằng, con vật cũng có tánh linh, cũng có nhận biết, chẳng qua chúng nó do bị nghiệp lực quản thúc nên chẳng thể nói được, chẳng thể có năng lực để tự bảo vệ, trước cái chết sắp phải chịu hành hình chúng cũng đau buồn, kinh sợ, run rẩy vậy.
"Mẹ ông đã ăn chay trường, niệm Phật..." như thế đã là một bước tiến lớn trên đường Đạo. Một khi đã phát tâm ăn chay trường, niệm Phật [cầu vãng sanh] là đã tiến bước 'phần nào' đoạn đường rồi, thế nhưng để chắc ăn lúc cuối thì cần phải nắm được vài cương lĩnh trọng yếu của Pháp môn mới được, dù già hay trẻ cũng chẳng nên 'tu mù' được đâu. Người già có cái khó của người già, người trẻ có cái khó của người trẻ, để rốt ráo một đời này thành tựu giải thoát chẳng phải là chuyện giản đơn, bàn suông nơi cửa miệng hay thực hành theo kiểu 'hình thức' được đâu. Chúng ta thấy sống ở thế gian này việc lớn việc bé muốn thành công đều phải bỏ công bỏ sức ra thực hành nghiêm túc, kiên trì, vượt khó này kia... huống hồ việc xuất thế, liễu thoát sanh tử. Dẫu chúng ta có được Nhân duyên tốt lành, bắt gặp được Chánh Pháp cứu cánh, nhưng đó mới chỉ một phần [ba], để thành tựu còn cần nhiều thứ khác nữa, dĩ nhiên là không thể thiếu những giọt mồ hôi [và cả nước mắt] đổ xuống nữa. Nhiều khi chúng ta phải 'vận hành' tất cả tâm lực, trí lực, sức lực để sống và tu tập, dung hòa giữa cõi đời và cõi đạo này, gọi là giữa cõi đời học đạo, tu chân nơi cõi tục này, nhiều khi phải nổ lực gấp đôi người bình thường [thế gian] là đằng khác, chẳng phải chuyện chơi.
Đoạn hai, có câu nói rất hay: Cổ nhân lại nói: “Tự thị bất quy, quy tiện đắc. Cố hương phong nguyệt hữu thùy tranh?” (Tự mình chẳng về, về liền được. Gió trăng quê cũ há ai giành?)
Câu này coi vậy chứ mang nhiều ý nghĩa, đạo lý rất thâm sâu. "Tự mình chẳng về, về liền được", ý là nếu muốn về thì Phật sẽ rước mình về thôi, phải như vậy chăng? Thật ra câu này là các Ngài đang 'đứng trên phương diện Phật' mà nói, thật sự là như vậy, chúng sanh muốn về thì niệm Phật rồi Phật rước về thôi [lúc mãn phần]. Song đã là chúng sanh, mang nặng nghiệp [phàm phu] thì vấn đề đâu có đơn giản như vậy. Nếu đơn giản vậy thì đâu cần mồ hôi [và nước mắt] phải tuông rơi, đâu cần phải trì giới tinh nghiêm, đâu cần tu Lục độ vạn hạnh: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn... [tức cả mồ hôi và nước mắt]. Những vấn đề này chúng ta đã đề cập không ít lần rồi, khi nào tâm lực chúng ta 'khế hợp' được tâm Phật, cảm ứng đạo giao thì chắc chắn rằng "Tự mình chẳng về, về liền được". Vế sau: "Gió trăng quê cũ há ai giành?" Thật sự Đức Phật Ngài luôn duỗi cánh tay để đón chúng sanh trở về 'quê hương', nhưng chúng sanh thì lại cứ mãi miết rong ruỗi tìm cầu nơi chốn nao, lặn ngụp trôi nổi, mịt mù... Ai có chút 'thị giác' thì cũng tam tứ phen [chìm nổi] rồi mới đến được bến bờ bên kia. Phật nói trong Kinh rằng: "Nếu xa xưa không tu phước huệ, thì Chánh pháp này không thể nghe". Tức là sao? Tức lúc đầu phải nghe những Chánh pháp khác đã, cầu Phước huệ, như những Pháp thế gian, rồi "đã từng cúng dường các Như Lai", như thế mới có khả năng "vui mừng tin pháp này", rõ ràng chẳng phải đơn giản. Chẳng hạn, có nhân duyên bắt gặp đi, rồi Kinh Phật rõ ràng trước mắt, từng câu từng chữ đọc rõ ràng trước mắt, nhưng nói tin đi hành theo đừng nghi ngờ gì cả, sẽ được giải thoát [khỏi hết mọi khổ đau], sẽ được an vui mãi mãi... Nhưng chúng sanh [vì lý do gì đó] lại rằng 'nói vậy chứ, không đơn giản thế đâu, nếu vậy thì ai cũng về đó hết rồi chứ ở đây làm chi cho cực khổ vậy', rồi 'phải thế này, thế nọ, thế kia còn chẳng ăn thua nữa là...'. Đấy, tâm lý chúng sanh đa phần là vậy, lý do vì sao? Một, thiếu Phước huệ như Phật thuyết, hai, nghiệp quá dày [nên phát sanh nghi hoặc, tà kiến, thế trí biện thông...]. Cho nên các Ngài rất kiên nhẫn với chúng sanh, tạo phương tiện, dìu dắt, khéo léo dẫn dụ, dần dần cho nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận phước tăng, rồi từ từ mới tin nhận được. Chứ phàm phu chúng ta chẳng dễ dàng gì 'gật đầu' ngay được đâu. Cho nên Phật từng nói "cái ngã chúng sanh còn cao hơn núi Tu Di" là vậy, rằng 'ta đây', 'tôi đây' [đã từng hành cái này, biết cái nọ]...
Trong thư thứ hai, chỗ: Phải biết: Con người chỉ là một loài động vật cao năm sáu thước mà sánh cùng trời đất xưng là Tam Tài thì danh xưng Con Người cao quý không chi bằng được!
Có thuyết cho rằng 'con người do từ loài vật tiến lên', là 'động vật tiến hóa bậc cao', tức cùng tổ tiên nguồn cội giống nòi với các loài động vật khác, như thế vì sao lại được xưng là Tam Tài, sánh cùng Trời Đất cho được? Rõ ràng chắc chắn không phải như vậy, để sánh cùng Trời Đất, con người phải có một năng lực gì đó [Tài] vượt trội hơn hẳn các giống nòi khác. Hay nói cách khác là ở 'đẳng cấp' khác, chứ không phải các giống nòi kia từ từ tiến hóa lên rồi sẽ thành con người [như các học thuyết kia nói]. Chẳng hạn, cho dù hàng tỉ năm nữa đi, thì con bò vẫn là con bò, con trâu vẫn là con trâu, con chim vẫn là con chim, con vượn vẫn là con vượn, con người vẫn là con người... giống y như vậy, chẳng 'xê dịch' tí nào cả, chứ chẳng phải một thời gian lâu sau gì đó thì tất cả các con vật đều biến mất mà thay thế bằng những con vật cao cấp hơn, rồi dần dần thành 'người' hết cả. Không có như vậy đâu, nghiệp lực chúng sanh mà, chẳng thể nghĩ bàn, súc sanh mãi vẫn là súc sanh, con người mãi là con người [nói về cảnh giới], còn riêng từng cá thể thì thoạt chìm thoạt nổi tùy nghiệp thọ sanh vậy. Cho nên, trong Đại Nguyện của Phật, Nguyện đầu tiên là nước không có ba đường Ác, bởi chỉ như vậy [Phật ra tay cứu độ] thì mới 'dẹp' được các cảnh giới đó thôi. Hay nói rộng hơn chút, là chỉ nhờ như vậy thì chúng sanh nói chung [có phàm phu chúng ta trong đó] mới thoát khỏi những cảnh giới đó, cùng luân hồi sanh tử nói chung vậy.
Các đoạn khác chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Đại Sư Ấn Quang
Như Hòa chuyển ngữ