Pháp Môn Vừa Cực Khó Vừa Cực Dễ

NPSTD7

 

Pháp Môn Vừa Cực Khó Vừa Cực Dễ

Thư trả lời cư sĩ Tập Hoài Tân
(năm Dân Quốc 20 - 1931)

Dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh

Ông đã biết lợi ích của việc niệm Phật thì từ rày hãy nên gắng công hơn để tự được nhất tâm. Nhưng một pháp niệm Phật chú trọng vào ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh, chỉ biết niệm nhưng không sanh lòng tin và phát nguyện, dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt nhất tâm bất loạn, vẫn có thể cậy vào Phật từ lực để vãng sanh. Những người tu hành ngoài rìa phần nhiều cầu giác ngộ, cầu được các thứ cảnh giới, chẳng lấy chuyện quyết định cầu sanh làm chánh yếu, đấy gọi là “bỏ gốc chạy theo ngọn” vậy! Vì sao? Vì ngộ đến cùng cực, nhưng nếu chưa đoạn hết sạch Phiền Hoặc, vẫn là kẻ luân hồi trong lục đạo. Nếu được vãng sanh, so với chuyện ngộ đến mức cùng cực nhưng chưa đoạn Phiền Hoặc, lẽ cao - thấp khác biệt dường như trời với vực! Ông muốn sớm biết cái nhân mầu nhiệm thì cũng là cái tâm tốt lành, nhưng cũng là do chẳng hiểu sâu xa pháp môn Tịnh Độ, nên nói chuyện tu hành ngoài rìa. Ông hãy chết lòng trọn ý niệm đi, sẽ tự được lợi ích chân thật. Nhưng chính mình đã may mắn nghe được pháp này, nỡ nào chẳng làm cho cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con, bè bạn, và hết thảy mọi người đều cùng nghe, cùng tu, cùng được vãng sanh ư?

 

Pháp môn vừa cực khó vừa cực dễ

Cư sĩ Giáp Tam, xưa có huệ căn, vừa nghe ông nói đến Tịnh Độ và đọc Văn Sao, An Sĩ Toàn Thư, liền có thể tin nhận phụng hành, nhưng vẫn lấy chuyện chưa gặp được Quang làm điều tiếc nuối. Đấy vẫn là hiện tượng tin đạo nhưng chưa chuyên dốc vậy. Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn vừa cực khó vừa cực dễ. Nói là khó thì [là do vì] bậc đại triệt đại ngộ thâm nhập kinh tạng còn chẳng tin được. Nói là dễ [là do vì] ngu phu, ngu phụ chí thành khẩn thiết niệm, liền có thể lúc lâm chung hiện tướng lành, vãng sanh Tây Phương. Những vị đại triệt đại ngộ, thông hiểu sâu xa kinh luận kia còn chẳng mong ngang vai bằng lứa với họ! Ấy là vì một đằng bỏ Phật lực, chuyên cậy vào tự lực; một đằng chuyên cậy vào Phật từ lực, lấy Phật lực dẫn phát tự lực. Do Phật lực, pháp lực, sức sẵn có trong tự tâm, ba pháp khế hợp, nên được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử.

 

Có Tín - Nguyện sẽ chắc chắn chịu tích cực tu trì
Pháp này quan trọng nhất là Tín - Nguyện. Có Tín - Nguyện sẽ chắc chắn chịu tích cực tu trì. Chịu tu trì liền được lợi ích vãng sanh. Chẳng giống như Thiền Tông, Mật Tông phải thường có thiện tri thức chỉ dạy. Nếu không, sợ rằng sẽ đi vào đường ma, ngay cả đức Phật cũng khó cứu! Nhưng hành theo lời Quang đã nói, chắc chắn chẳng bị nguy hiểm và chẳng lo không được lợi ích thật sự. Nếu [cư sĩ Giáp Tam] tuổi trẻ, nhà giàu, thời cuộc thái bình thì xuôi Nam cũng được. Đã vừa già vừa nghèo, lại nhằm lúc loạn lạc, cứ đi thì đâm ra có chướng ngại lớn cho sự tu trì, đấy chính là dấu vết thật sự của chuyện “chẳng hành xử thuận theo địa vị” vậy!

 

Thư trả lời cư sĩ Bào Xung Sĩ
(năm Dân Quốc 20 - 1931)

Chẳng để một dục niệm dấy lên
Tai họa, bệnh tật trùng trùng, nói chung là do ác nghiệp đời trước sâu đậm, do hành vi hiện thời chẳng cẩn thận mà ra. Đời người muốn được không bệnh khỏe mạnh ắt phải cực lực tiết dục. Hễ lắm dục sự thì đủ mọi bệnh tật đều phát sanh. Người đời cho làm chuyện dâm dục là vui, chẳng biết vui chỉ trong khoảng khảy ngón tay, khổ cả đời thường chịu! Ông nên lắng lòng niệm Phật và niệm Quán Âm, coi thê thiếp của chính mình như bạn đạo, kính trọng như khách, chẳng để một dục niệm dấy lên. Lâu ngày như thế thì các chứng bệnh đều được lành hẳn. Nếu đã lành bệnh hoàn toàn, vẫn chẳng nên ăn nằm ngay. Phải là sau khi khỏe mạnh hoàn toàn rồi, vì để có kẻ nối dõi thì vừa chung đụng nhau ắt sẽ có con, [đứa con] lại mũm mĩm, thông minh, không mắc các bệnh tật, do Tiên Thiên được vun bồi vậy. Nếu không biết nghĩa này thì thê thiếp của chính mình và con cái sanh ra đều chẳng được hạnh phúc mạnh khỏe, không bệnh hoạn. Cũng nên nói với thê thiếp lời này, đây chính là “cầu nơi chính mình vậy”, còn như niệm Phật là cầu nơi chư Phật. Chính mình không tiết dục, Phật cũng chẳng dễ gì gia hộ được. Chính mình chịu tiết dục, lại thêm chí thành niệm Phật thì chắc chắn các bệnh chẳng sanh.

 

Ăn chay có tác dụng dưỡng sinh

Nói về ăn chay thì vốn là thương chúng nó đau khổ, nuôi dưỡng lòng nhân từ của ta. Mỡ và thịt nào có phân biệt chi, nước súp thịt cũng chớ nên ăn. Nhưng chúng sanh căn tánh khác nhau, nếu ăn chay trường được thì dạy họ trường trai. Nếu không, dạy họ giữ Thập Trai, Lục Trai, ăn những món rau ở cạnh thịt. Đấy chính là pháp phương tiện cho [những ai] không ăn chay trường được, chứ không phải là thật nghĩa! Ông đã khổ vì bệnh, hãy nghĩ thương nỗi khổ của chúng sanh, nên ăn đồ chay thanh tịnh, đừng để miệng bụng làm lụy tâm tánh. Phàm những thứ có tri giác đều chẳng nên ăn. Tuy không có tri giác nhưng có mầm sống như các loại trứng cũng không nên ăn. Uống sữa bò thì không trở ngại gì, nhưng sữa cũng là lấy chất bổ béo của bò để bồi bổ thân thể ta; do vậy, cũng không nên dùng. Đậu nành, dầu đậu nành có nhiều chất bổ nhất, hãy nên thường dùng. Trong cháo ăn điểm tâm nên bỏ thêm đậu nành đã xay vỡ. Với loại dầu để thường ăn thì chuyên dùng dầu đậu nành, so với mỡ heo, [dầu đậu nành] có nhiều chất bổ hơn, sao lại khổ sở đem tiền chuốc họa để mong được bồi bổ ư? (Bởi ăn thịt sẽ mắc nợ giết chóc, nên nói là “chuốc họa”). Người ăn mặn nếu chịu ăn chay chắc chắn ít bệnh, khỏe mạnh, bởi ăn thịt gây trở ngại cho phép dưỡng sinh, ăn chay có tác dụng dưỡng sinh.

 

Chớ mua con vật còn sống về giết trong nhà

Mắm tôm độc nhất, muôn vàn chớ có ăn, vì lúc làm, người ta đào một cái hố to bên bờ biển, trong vòng năm sáu tháng, đánh bắt các loài tôm và những thứ cá nhỏ, đổ vào trong hố, phơi dưới nắng gắt, cả hố trở mùi, thối suốt mấy dặm. Những loài ruồi, kiến, rắn v.v… ưa mùi đó đều tự gieo mình chết ngủm trong hố. Đến khi mắm đã ngấu, bèn cà nhuyễn, đựng trong sọt đem bán. Người ăn mặn coi như món hàng quý báu, đáng thương quá chừng! Đây là do một vị Tăng trông thấy cách làm kể cho Quang nghe. Ông đã ăn chay, nếu chẳng thể làm cho cả nhà ăn chay thì bảo họ hãy bớt ăn [mặn] đi, chớ mua con vật còn sống về giết trong nhà, trong nhà hằng ngày giết chóc sẽ trở thành chỗ giết hại, xui xẻo lắm đấy!

 

HVDS1155

Ảnh: Đại Sư Huệ Viễn - Sơ Tổ Tịnh Độ Tông

Đoạn đầu: Ông đã biết lợi ích của việc niệm Phật thì từ rày hãy nên gắng công hơn để tự được nhất tâm. Nhưng một pháp niệm Phật chú trọng vào ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh, chỉ biết niệm nhưng không sanh lòng tin và phát nguyện, dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt nhất tâm bất loạn, vẫn có thể cậy vào Phật từ lực để vãng sanh.

Những điều này chắc chúng ta đều đã đọc được nhiều lần rồi, chẳng có gì mới lạ cả. Nhưng có điều này, nếu ai càng đọc [đi đọc lại] mà càng thấy thích, chẳng sanh lòng nhàm chán thì như vậy mới là... đúng. Còn như càng đọc càng thấy chán, muốn đi tìm cái mới thì chứng tỏ là... chưa. Giống như chất bổ dưỡng vậy, càng dùng thì càng mang lại lợi ích thì mới đúng, chứ còn dùng mà thấy chán ngấy đến cổ thì thôi..., lại đổi cái mới chăng? Nói chung, sở dĩ Pháp môn này thù thắng vi diệu, vượt trỗi các Pháp môn khác, đó chính là chỗ phàm phu cũng được lợi ích chân thật, chẳng kém gì các bậc thượng căn là mấy, tức cùng được có cơ hội liễu thoát, siêu phàm nhập thánh trong đời này như nhau cả. Tức là cho dù mức công phu còn nông cạn, yếu kém nhưng vẫn có cơ hội 'đới nghiệp vãng sanh' do nhờ nương cậy vào Phật từ lực. Hễ nương cậy được vào Phật từ lực [tức có cảm ứng đạo giao cùng Phật] thì chắc chắn được thành tựu giải thoát trong đời. Ngược lại, nếu chẳng có được điều này, dẫu cho là bậc thánh nhân đi nữa [Đại triệt đại ngộ] cũng chịu, chẳng được lợi ích giải thoát chân thật.

Tiếp theo: Những người tu hành ngoài rìa phần nhiều cầu giác ngộ, cầu được các thứ cảnh giới, chẳng lấy chuyện quyết định cầu sanh làm chánh yếu, đấy gọi là “bỏ gốc chạy theo ngọn” vậy! Vì sao? Vì ngộ đến cùng cực, nhưng nếu chưa đoạn hết sạch Phiền Hoặc, vẫn là kẻ luân hồi trong lục đạo.

Vì sao "những người tu hành ngoài rìa phần nhiều cầu giác ngộ, cầu được các thứ cảnh giới" mà chẳng xem trọng cầu vãng sanh liễu thoát sanh tử? Đơn giản bởi vì họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyện sanh tử, tức nói nôm na là chưa 'hiểu thấu đạo', vẫn còn 'văn tự, ngoài da' [phần nhiều là để hòng chứng tỏ với mọi người]. Tuy nhiên, 'cái gì cũng phải từ từ', tu học cần mưa dầm thấm đất, từ thấp đến cao, từ ngoài vào trong... chúng ta phần đông đều hãy còn phàm phu, chẳng mấy ai là 'thần đồng Phật học' cả. 

Chúng ta thấy rằng, bậc đại triệt đại ngộ minh tâm kiến tánh, cái gì cũng biết cũng thấu tỏ, nhưng một khi 'vô' Pháp môn này lại là câu chuyện hoàn toàn khác. 'Ngộ' là ngộ với các Pháp môn tự lực thông thường khác nhưng với Tịnh Độ tông này cần phải y cứ Kinh giáo Phật thuyết ra mới được, 'ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết' ngay, cho dù đó là bậc Thánh nhân đi nữa, thậm chí là Bồ Tát hay Đại Bồ Tát tái lai xuống đây độ sanh cũng không đáng tin, nếu chẳng y cứ [một cách chính xác] Kinh giáo Tịnh Độ. Cho nên chúng ta đừng tưởng thấy các Ngài thị hiện xuống đây thì nói cái gì cũng đúng như Chánh Pháp Phật thuyết ra đâu! Riêng với Pháp môn này là cần phải 'kiểm chứng, xác thực' lại mới được [tin hành theo]. Bởi vậy, chúng ta thấy trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật thuyết đấy, trên cõi Biên Địa, vẫn không thiếu các vị Bồ Tát [các bậc thấp cao] vẫn phải 'thọ sanh' ở đó một thời gian đã, "khi đã hết nghiệp rồi mới được ra khỏi", "nghiệp" ở đây với các Ngài ấy chính là nghi hoặc ["Phật trí, cho đến quảng đại trí, đối với thiện căn thiếu lòng tin sâu..."]. Cho nên chúng ta phàm phu đây, tu học cố gắng 'tẩy trừ' cái nghiệp chướng này càng sớm càng tốt, thứ nhất vừa đảm bảo chiếc vé về Tây, liễu thoát sanh tử, lại có bến đỗ 'ngon lành' vào Chánh Quốc, khỏi phải vào Biên Địa rồi lại cũng phải 'tẩy trừ' suốt năm trăm năm.

Bởi vậy, tu học chúng ta cần nhận biết cái nào là trọng yếu để đầu tư, gầy dựng [ngõ hầu đạt được]. Ở đây chúng ta thường nghe nói 'diệt trừ [hay điều phục] tham sân si', hầu như ai ai hành giả Tịnh Độ cũng đều thuộc lòng điều này, dĩ nhiên cũng khá quan trọng, nhưng lại rất ít được nghe nói 'diệt trừ nghi tâm', rất ít, quá ít... Mà như trên đã phân tích, thì cái nào quan trọng hơn, cần đặt trọng tâm hơn? Bậc Thượng nhân đại triệt đại ngộ, chí ít cũng điều phục được phiền não, nhưng liệu có chắc chiếc vé vãng sanh đâu? Huồng hồ là phàm phu tục tử như chúng ta?

Các đoạn tiếp theo chúng ta cùng đọc và học tập.

 

Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng

Đại Sư Ấn Quang

Các Bài Pháp Nổi Bật

Chỉ Giữ Tấm Lòng Tốt Lành, Nói Lời Tốt Lành, Làm Chuyện Tốt Lành, Nhất Tâm Niệm Phật, Lần Lượt Khuyên Người

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện
    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được!

  • Tích Công Lũy Đức Vô Lượng Vô Biên, Được Tự Tại Trong Hết Thảy Pháp, Chẳng Thể Dùng Ngữ Ngôn, Phân Biệt Để Biết Được Nổi

  • Mô tả

    Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
    Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
    - Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
    - A Nan thưa hỏi.
    - Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.

  • Pháp Niệm Phật Khẩn Yếu Nhất Là Có Lòng Tin Chân Thật, Nguyện Thiết Tha

  • Mô tả

    Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao.

  • Chẳng Bị Xoay Chuyển Bởi Những Thứ Tri Kiến Ấy, Lại Còn Giữ Vẹn Luân Thường, Trọn Hết Bổn Phận, Dứt Lòng Tà, Giữ Lòng Thành...

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
    (năm Dân Quốc 20 -1931)

    Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
    Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp.

  • Hương Báu Xông Khắp

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Sẽ Vĩnh Viễn Không Còn Lo Ngờ Nữa!

  • Mô tả

    Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']

    Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ.

  • Hồng Danh Vạn Đức Chính Là Vô Thượng Giác Đạo Như Lai Đã Chứng Nơi Quả Địa!

  • Mô tả

    Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới

    Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! 

  • Trụ Chánh Định Tụ; Vui Như Lậu Tận

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.