Luân chuyển sanh tử bao kiếp dài lâu
Hết thảy các pháp môn được nói trong giáo pháp cả một đời của đức Như Lai tuy Đại - Tiểu bất đồng, Quyền - Thật đều khác, nhưng không pháp nào chẳng nhằm làm cho chúng sanh đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, phô bày trọn vẹn cái họ sẵn có, thành ngay vào Phật đạo đó thôi! Nhưng vì chúng sanh căn cơ bất nhất, khiến cho đức Như Lai phải tùy thuận cơ nghi, lập ra đủ mọi cách thuyết pháp Thiên - Viên - Đốn - Tiệm. Nhưng chúng sanh luân chuyển sanh tử bao kiếp dài lâu, Hoặc nghiệp sâu dầy ngăn lấp diệu minh, nếu không phải là người túc căn thành thục lại muốn ngay trong một đời này hoàn thành thì thật là hiếm có mấy ai. Đã chẳng thể hoàn thành ngay trong một đời này thì phải thọ sanh lần nữa, những kẻ vừa mê vừa thoái thất trong vạn người có đến mười ngàn, những người vừa ngộ vừa tiến trong ức người chẳng được ba bốn.
Dùng chính tín nguyện của mình để niệm Phật
Cậy vào tự lực tu Giới - Định - Huệ để đoạn phiền hoặc chứng Niết Bàn khó khăn như thế đó, khiến cho bản hoài phổ độ chúng sanh của Như Lai bị ngăn trở chẳng thể thông suốt được, đạo làm cho chúng sanh mau thoát sanh tử bị bế tắc không thông. Nhưng đức Như Lai đại từ ắt muốn làm cho hết thảy chúng sanh cùng trong một đời này được liễu thoát sanh tử siêu phàm nhập thánh nên bèn mở ra pháp môn Tịnh Độ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, bất luận thượng trung hạ căn đều được độ thoát ngay trong đời này, dùng chính tín nguyện của mình để niệm Phật cảm Phật từ bi nhiếp thọ, do cảm ứng đạo giao nên đạt được lợi ích ấy. Những người đã đoạn được phiền hoặc sẽ có thể chóng chứng được Pháp Thân, mau thành Phật đạo. Dẫu là kẻ Hoặc nghiệp sâu dầy cũng có thể cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Do vậy, trong hội Hoa Nghiêm các bậc Đẳng Giác Bồ Tát chứng bằng với chư Phật còn phải dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc; trong Quán Kinh những tội nhân nghịch ác sắp đọa A Tỳ địa ngục do xưng niệm hồng danh mười lượt mà được dự vào các phẩm cuối. Độ khắp ba căn, lợi - độn gồm thâu, hết thảy chúng sanh trong tận pháp giới cứ hễ có tín nguyện thì không một ai chẳng được thấm nhuần, viên đốn thẳng chóng, vượt trỗi hết thảy các pháp môn. Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh tử mà chẳng tu pháp này, cứ tu tràn lan các pháp môn cậy vào tự lực khác thì chỉ đạt được cái nhân đắc độ trong tương lai, quyết khó thể đắc quả liễu thoát ngay trong đời này!
Quy Tông
Cư sĩ Vương Chửng Bang ở Hạ Môn túc căn sâu dầy, hạnh trong đời này tinh thuần, tin chắc nhân quả, chuyên dốc tu Tịnh nghiệp, muốn cho khắp mọi người đều sanh Tịnh Độ bèn dựng tinh xá tại bên trái Thái Bình Nham ở Bổn Phụ, ngõ hầu những người cùng chí hướng tùy theo thân phận đến đấy niệm Phật, gieo nhân vãng sanh. Vào ngày Chủ Nhật, đặc biệt thỉnh những người thông hiểu đến giảng diễn duyên do pháp môn Tịnh Độ và pháp tắc tu trì cũng như mọi lợi ích trong hiện đời và sau khi chết đi, cũng có thể nói ông ta là người đầy đủ tâm đại bi, có con mắt chọn lựa pháp vậy! Ông lại gởi thư xin tôi đề biển tên [tinh xá] và trình bày đại ý. Tôi nghĩ một pháp Tịnh Độ chính là pháp môn thù thắng để tam thế chư Phật dưới độ chúng sanh, để chín giới chúng sanh trên thành Phật đạo, là pháp môn thành thủy thành chung thù thắng, cao vượt hết thảy Thiền - Giáo - Luật, thống nhiếp hết thảy Thiền - Giáo - Luật. Bởi lẽ, hết thảy các pháp truy đến nguồn gốc ban đầu thì không pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp giới này, xét đến chung cục thì không pháp nào chẳng quy hoàn pháp giới này. Do vậy, bèn đặt tên là Quy Tông, ngụ ý: Hết thảy các pháp môn rốt cuộc đều quy về pháp này, giống như ý nghĩa sông ngòi đều chầu về biển cả vậy. Nghĩa này được tìm ra từ chỗ “quy tông” ở cuối kinh Hoa Nghiêm, những ai không tin được thì xin hãy chất vấn Phổ Hiền Bồ Tát.
Tịnh nghiệp tam phước - Tín nguyện niệm Phật
Lại nữa, phàm hết thảy những thiện tín tu Tịnh nghiệp đều phải tận lực giữ vẹn luân thường, ai nấy tận sức vâng giữ bổn phận, kiêng giết, ăn chay, thanh tâm, ít ham muốn, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, dùng việc làm của chính mình để hóa độ, hướng dẫn hết thảy, trong là cha mẹ quyến thuộc, ngoài là bầu bạn xóm làng, khiến cho hết thảy những người cùng hàng đều biết “tâm này là Phật”, cố nhiên thường học theo Phật hạnh, cùng tu Phật từ, cùng niệm Phật danh để mong sao hết một báo thân này vãng sanh Tây Phương, thoát luân hồi huyễn vọng, chứng Phật tánh sẵn có mới thôi!
Ảnh minh họa: Một đạo tràng Tịnh Độ
Đoạn đầu: Nhưng chúng sanh luân chuyển sanh tử bao kiếp dài lâu, Hoặc nghiệp sâu dầy ngăn lấp diệu minh, nếu không phải là người túc căn thành thục lại muốn ngay trong một đời này hoàn thành thì thật là hiếm có mấy ai.
Liệu có khi nào chúng ta tự nghĩ, chúng ta đây đã lưu chuyển trong sanh tử luân hồi này trải qua bao lâu rồi nhỉ? Câu trả lời là vô thỉ kiếp, tức là không thể xác định được số kiếp hay thời gian nữa rồi. Tất cả chúng ta [phàm phu đây] đều là vậy cả, đều đồng như nhau như thế cả, chẳng có [biết] điểm khởi đầu đâu! Vậy còn điểm kết thúc thì sao? Dạ đừng có nói rằng cũng chẳng biết nốt thì 'mệt mỏi' đấy!
Vì thế nên, "Hoặc nghiệp sâu dầy ngăn lấp diệu minh", Kinh Phật cũng nói rằng: Nếu túc nghiệp chúng sanh mà có hình tướng thì hư không này cũng không dung chứa hết nổi! Cho nên, tự lực tu chứng, những mong hết sạch sành sanh Hoặc nghiệp này với phàm phu như chúng ta là điều thật sự bất khả thi, cho dù trải qua bao nhiêu đời đi chăng nữa, chứ đừng nói chi trong một đời này! Ấy là chưa nói, hễ thọ sanh thì phần lớn lại mê lầm [như cũ], còn dạng "những người vừa ngộ vừa tiến trong ức người chẳng được ba bốn". Nói thế để chúng ta thấy, cái chữ "đới nghiệp vãng sanh" trong Pháp môn này nó 'lợi hại' như thế nào?!
Đoạn tiếp: Nhưng đức Như Lai đại từ ắt muốn làm cho hết thảy chúng sanh cùng trong một đời này được liễu thoát sanh tử siêu phàm nhập thánh nên bèn mở ra pháp môn Tịnh Độ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, bất luận thượng trung hạ căn đều được độ thoát ngay trong đời này, dùng chính tín nguyện của mình để niệm Phật cảm Phật từ bi nhiếp thọ, do cảm ứng đạo giao nên đạt được lợi ích ấy.
Mấy câu này chúng ta đã đọc khá nhiều lần rồi, đã khá là quen thuộc. Vậy có cần học tập gì ở đây nữa không? Chắc chắn là có! Học, học nữa, học mãi... Mỗi lần học sẽ lại thấy có cái mới, có điều hay, Phật pháp khác với thế gian pháp là vậy! Nhiều khi một câu Kinh, một lời Tổ mà học suốt đời vẫn chưa 'thấm' vào đâu cả!
Như trên đã nói, 'dòng' sanh tử của chúng sanh dài vô tận, từ 'không biết lúc nào' [vô thỉ kiếp] cho đến nay. Như Lai lòng đại từ đại bi muốn 'cắt đứt' dòng sanh tử này ngay trong đời này cho chúng sanh, giúp chúng sanh siêu phàm nhập thánh bèn mở ra Pháp môn Tịnh Độ này, để cho chúng sanh được nương nhờ tu tập ngõ hầu đều được giải thoát, lìa khổ được vui, chấm dứt sanh tử. Thật là tâm bi triệt để, không cùng tận vậy.
Chỗ "dùng chính tín nguyện của mình để niệm Phật cảm Phật từ bi nhiếp thọ, do cảm ứng đạo giao nên đạt được lợi ích ấy", đây là chỗ quan trọng, yếu chỉ của Pháp môn. Chúng ta đã được đọc nhiều lần, nhưng liệu có hành đúng như thế hay chưa, đấy mới là quan trọng! "Dùng chính tín nguyện của mình để niệm Phật", tức là các Ngài không nói ra đây, nhưng chúng ta phải ngầm hiểu cần phải gầy dựng Tín Nguyện tâm của mình cho chân thật đầy đủ, rồi dùng tâm lực ấy để niệm Phật. Như thế mới đúng với Tông chỉ của Pháp môn. Rất rất nhiều hành giả cứ là niệm Phật 'suông', chẳng chú trọng gầy dựng Tín Nguyện. Vì sao biết là 'suông'? Vì họ niệm Phật để nhằm mục đích là gì? Dĩ nhiên hành giả Tịnh Độ thì phải chân thật niệm Phật cầu vãng sanh rồi, chứ làm gì nữa? Dạ đúng là như vậy, nhưng thâm tâm họ nghĩ gì? Họ nghĩ rằng bình thời phải cố gắng niệm Phật cho thật nhiều, cho thật thuần thục, cho chủng tử Phật được 'mạnh mẽ' nhất, để đến khi lâm chung chủng tử câu Phật hiệu đó 'nổi lên' trước, hay là bình thời phải cố gắng đừng quên câu Phật hiệu [điều này cố nhiên là tốt] vì là sợ lâm chung 'quên mất' câu Phật hiệu. Nói chung quy lại họ cố gắng tinh tấn niệm Phật vì sợ lâm chung không niệm được câu Phật hiệu, tức lâm chung không đạt được chánh niệm. Nếu chỉ như thế thì thành ra là, 'dùng Nguyện cầu sanh, trì danh hiệu Phật' chứ có thấy Tín gì ở đây đâu? Hay là Tín tâm là lâm chung niệm được câu Phật hiệu thì ắt Phật sẽ đến rước? Như vậy mà gọi là "Tin sâu" ư? Cả một đời niệm Phật trong sự 'sợ hãi', lo lắng, phấp phỏng và... hy vọng, như vậy liệu có thể nào mà nói "dùng Tín nguyện sâu [tức là tin chắc, chẳng nghi], trì danh hiệu Phật" cho đặng đây hởi?! Cho nên, thật sự chẳng muốn nói nhiều, nhưng càng nói ra thì càng thấy đủ thứ vấn đề trong đó [với hành giả hiện tại]! Bảo sao Phật, Tổ thì thuyết ra rả, rằng "Pháp môn một đời thành tựu", rằng "Phật không bỏ rơi căn cơ nào, không bỏ sót bất cứ ai" nhưng tỉ lệ thành tựu thực tế thì không cao, tỉ lệ 'rớt' thì nhiều, còn Hộ Niệm trở thành "Pháp đại cứu tinh" hiện thời [tức là cuối đời nếu không nương Pháp này thì chỉ có... 'chết']. Pháp môn "Mười niệm ắt vãng sanh" [Niệm Phật ắt vãng sanh], được Mười phương Chư Phật đồng hiện tướng lưỡi rộng dài thuyết thành thật ngôn tán thán xiển dương khắp tận cùng Pháp giới, mà phải chịu 'hạ mình' bị chi phối bởi chỉ một pháp Trợ Niệm [trợ duyên] cho lúc lâm chung như vậy chăng?! Thật sự mà nói, đã tu Tịnh Độ mà càng mang tư tưởng Tự Lực thì càng phải cậy vào pháp Hộ Niệm lúc cuối. Hay nói cách khác, nếu tu Tịnh Độ mà vẫn theo tư tưởng đường lối Tự Lực thông thường thì không thể thiếu pháp Hộ Niệm đi kèm [như hình với bóng vậy]. Chúng ta thử kiểm thực tế hiện tại xem có phải đúng như vậy không? Một Pháp chỉ là trợ duyên trợ lực cho hành giả giai đoạn cuối [tức là có thì tốt, không có cũng không sao cả] lại trở nên quan trọng [và mang yếu tố quyết định] như thế sao? Vì đâu như thế? Câu trả lời, như chúng ta đã phân tích bên trên, rằng là ngay từ lúc bình thời này liệu chúng ta đã hành đúng lý đúng pháp của Pháp môn này hay chưa mà thôi?!
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa cho đồng tu tịnh nghiệp của Quy Tông tinh xá (đăng lần 2)
Đại Sư Ấn Quang