Chánh kinh:
Hoặc đắc Tu Đà Hoàn, hoặc đắc Tư Đà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán. Vị đắc A Duy Việt Trí giả, tắc đắc A Duy Việt Trí. Các tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, mạc bất hoan hỷ.
Hoặc đắc Tu Ðà Hoàn, hoặc đắc Tư Ðà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán. Người chưa đắc A Duy Việt Trí thì sẽ đắc A Duy Việt Trí. Ai nấy đều tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, không ai chẳng hoan hỷ.
Giải:
Ðoạn này nói rõ người trong cõi ấy ai tu tập cách nào cũng đều đắc quả từ Tu Ðà Hoàn cho đến A La Hán. Ðấy là những quả vị khác nhau trong Thanh Văn Thừa.
Một là Tu Ðà Hoàn (Srotāpanna) quả, dịch là Nhập Lưu, Dự Lưu hoặc Nghịch Lưu, còn gọi là Sơ Quả. Nhập Lưu và Dự Lưu cùng một nghĩa: Từ phàm phu bắt đầu dự vào dòng pháp thánh đạo. Gọi là Nghịch Lưu vì khi đã nhập vào thánh vị thì ngược dòng lũ sanh tử. Những cách dịch như trên tuy về mặt văn tự tựa hồ có khác, nhưng ý nghĩa của chúng đều tương đồng. Ðoạn được Kiến Hoặc trong tam giới thì đắc quả này.
Hai là Tư Ðà Hàm (Sakrdāgāmin) quả, dịch là Nhất Lai, còn gọi là Nhị Quả. Nhất Lai là đoạn được sáu phẩm đầu trong các thứ Tư Hoặc thuộc chín địa vị trong Dục Giới, nhưng vẫn còn ba phẩm Tư Hoặc sau, nên vẫn phải thọ sanh một lần nữa trong cõi trời Dục Giới. Do đó, gọi là Nhất Lai, nghĩa là phải trở lại một lượt nữa.
Ba là A Na Hàm (Anāgāmin) quả, cựu dịch Bất Lai, tân dịch là Bất Hoàn. Bậc này đã đoạn sạch ba phẩm còn sót lại sau cùng của Tư Hoặc trong Dục Giới, chẳng trở vào trong Dục Giới nữa. Sau đó, nếu có thọ sanh thì sanh trong Sắc Giới hoặc Vô Sắc Giới.
Bốn là A La Hán (Arhat), dịch là Sát Tặc, Ứng Cúng, Bất Sanh. Ðây là quả vị cao nhất trong Thanh Văn Thừa, đã đoạn sạch hết thảy Kiến Tư Hoặc, ngay cả những Kiến Tư Hoặc thuộc cõi trời Phi Tưởng Xứ. Do đoạn sạch hết thảy Kiến Tư Hoặc nên gọi là Sát Tặc. Ðã chứng quả vị cao nhất của Tiểu Thừa, xứng đáng thọ lãnh sự cúng dường của trời lẫn người nên bảo là Ứng Cúng. Trong một đời sống đã hết sạch các quả báo, nhập Hữu Dư Niết Bàn, chẳng sanh vào tam giới nữa nên bảo là Bất Sanh.
Trên đây là những vị đã đắc tứ quả Thanh Văn, đều đã đoạn hết thảy các Hoặc; nhưng thật ra người vãng sanh cõi Cực Lạc đều đã phát Bồ Ðề tâm, đều là Nhất Phật Thừa nên dẫu có bảo họ là Thanh Văn thì cũng chỉ là phán định theo mức độ đoạn Hoặc, thuận theo cách nói thông tục mà thôi.
A Duy Việt Trí (Avaivartika) còn được phiên âm là A Bệ Bạt Trí, nghĩa là chẳng thoái chuyển nơi Phật đạo. Bản chú giải kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã của ngài Từ Ân có nói: “A Bệ Bạt Trí: A là không, Bệ Bạt Trí là thoái chuyển. Vì vậy, kinh Ðại Phẩm Bát Nhã chép: ‘Bất thoái chuyển giả, danh A Bệ Bạt Trí’ (Do chẳng thoái chuyển nên gọi là A Bệ Bạt Trí)”. Bồ Tát phải tu hành trọn cả một đại A-tăng-kỳ kiếp mới chứng nổi địa vị này; nhưng pháp môn Tịnh Ðộ thật khác xa lắm. Kinh Tiểu Bổn dạy: “Cực Lạc quốc độ, chúng sanh sanh giả, giai thị A Bệ Bạt Trí” (Chúng sanh sanh về cõi nước Cực Lạc đều là bực Bất Thoái Chuyển). Kinh này bảo: “Vị đắc A Duy Việt Trí giả, tắc đắc A Duy Việt Trí” (Kẻ chưa đắc A Duy Việt Trí sẽ đắc A Duy Việt Trí) thì thật là tương đồng.
Cuối cùng, những người vãng sanh do tùy ý tu hành nên thụ dụng các pháp lạc Ðại Thừa, đều cùng tự tại đắc quả nên “mạc bất hoan hỷ” (không ai chẳng hoan hỷ).
Ảnh minh họa: "Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như thế! Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc, chúng sanh sanh về đều là bậc A-bệ-bạt-trí. Trong đó có nhiều vị Nhất sanh bổ xứ. Số đó nhiều đến nỗi không thể tính đếm mà biết được, chỉ có dùng số vô lượng vô biên A-tăng-kỳ để nói."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta tiếp tục với đoạn còn lại trong Phẩm 16 - Đường Xá Lâu Quán. Trong đoạn Kinh văn này Đức Phật tiếp tục nói về Y báo của chúng sanh nơi cõi Cực Lạc: "Hoặc đắc Tu Đà Hoàn, hoặc đắc Tư Đà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán...". Tức là chúng sanh nơi cõi ấy đều đã nhập vào dòng Thánh cả, chẳng ai còn là phàm phu hết, từ Sơ Quả [Tu Đà Hoàn] trở lên, cho đến bậc Nhất sanh bổ xứ Bồ Tát. Hơn nữa điều đặc biệt đó là "Người chưa đắc A Duy Việt Trí thì sẽ đắc A Duy Việt Trí", tức là tất cả đều chứng bậc Bất thoái chuyển. Đây là một phẩm vị vô cùng khó nếu tu các Pháp tự lực, chúng ta đọc phần chú giải sẽ thấy rõ hơn vấn đề này. Đây là một trong những 'cột mốc' khó khăn nhất trên con đường tự lực tu chứng của các hành giả tu đạo mà không phải ai cũng có thể vượt qua được [các cột mốc khó khăn khác đó là Liễu thoát sanh tử, tức chứng nhập vào dòng Thánh quả; và Phá phẩm vô minh cuối cùng để viên chứng Phật quả]. Chúng ta thấy, nương nhờ Nguyện lực của Phật mà chúng sanh cõi ấy tất cả đều tuần tự thứ lớp chứng đắc được các cột mốc quan trọng này, cho nên chắc chắc chỉ trong một đời, dù dài ngắn thế nào không cần biết, sẽ đều viên mãn thành tựu Phật quả, rồi trở lại độ thoát chúng sanh, triển chuyển không nghỉ.
"Ai nấy đều tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, không ai chẳng hoan hỷ", thật sự đây mới là 'tự tại', 'tùy duyên' tu tập hành đạo một cách đúng nghĩa. Chứ còn chúng ta ở cõi này nói tự tại, tùy duyên hành trì là cũng trong một chừng mực nào đó thôi, không thể hoàn toàn được, bởi do còn bị nghiệp lực, do hoàn cảnh nhân duyên, phước đức ảnh hưởng chi phối nữa. Rõ ràng rằng tu cõi này không đơn giản chút nào đâu! Bởi vậy nên việc tu đạo nơi cõi này không thể không có khuôn phép, giới luật, phép tắc rõ ràng nghiêm minh được. Hơn nữa, chúng còn là nền tảng, là căn bản, là những điều không thể thiếu trong tu học. Rồi "không ai chẳng hoan hỷ", ở cõi này nếu được như vậy thì phải chứng đắc A La Hán mới được vậy, tức chứng được cái thần thông cuối cùng là Lậu tận thông, như thế thì mới có được cảnh giới này một cách trọn vẹn. Còn như phàm phu chúng ta thì thì vui vẻ, hoan hỉ trong chốc lát trong nhất thời vậy thôi, bởi căn bản thì vẫn là 'khổ' [bát khổ], 'trược' [ngũ trược], kham nhẫn [Ta Bà]... Nói chung tất cả những cái vui đó đều là hư giả, tạm thời, không thật khi còn ở cõi này, với hàng phàm phu như chúng ta đây. Chứ một khi còn ở đây mà đã mong cầu dứt hẳn khổ đau, luôn được hoan hỉ, an lạc thì chắc là hơi 'xa xỉ', tức không thực tế, không chân thật. Hoặc giả nếu tu hành tinh tấn để có thể phát sinh chút pháp hỉ gì đó để bớt khổ thêm an lạc như thế đã là tốt lắm rồi, cho nên đừng lấy [sự hoan hỉ] đó làm mục tiêu để phấn đấu hay tham cầu, như thế thì chẳng được đúng như pháp cho lắm, bởi rõ ràng đây đều là hư vọng không thật, không đúng bản chất. Tinh tấn hành đạo giúp cho hiện đời bớt khổ, thêm an lạc, thêm tự tại thì được, chỉ có thể nói như vậy. Còn rõ ràng muốn thật sự giải thoát khỏi mọi khổ đau thì đó, chắc chắn phải về Cực Lạc cái đã thì mới dứt hẳn nổi khổ được, mới sống mãi trong an lạc hoan hỉ được, với hàng phàm phu chúng ta là như vậy, không còn con đường nào khác.
Chúng ta tiếp tục nói một chút về đề tài 'muôn thuở' đó là việc gầy dựng phát khởi Tín Nguyện tâm cho chân thật đầy đủ, để một đời này tất cả đều thành tựu sự nghiệp giải thoát sanh từ, chứng Bất thoái "A Duy Việt Trí" này. Như chúng ta đã từng luận bàn nhiều lần, rằng Pháp môn này rất cần ở chỗ sự 'tới hạn', khi cái tâm chưa đạt đến sự 'tới hạn' thì chưa thể nói được gì cả. Sự 'tới hạn' ở đây đó chính là sự 'chí tâm', hay 'nhất tâm', tức không có tạp tâm nào khác. Chúng ta phải hiểu rõ đây là không có tạp tâm, dị tâm khác chứ không phải không còn tạp niệm dị niệm khác, cái 'tâm' nó hoàn toàn khác với cái 'niệm', cái niệm là có thể biến đổi theo từng sát na, còn cái quan trọng đó là cái 'tâm', cái này mới là quyết định cái pháp, cho nên nói vạn pháp từ tâm tưởng sanh là vậy. Với hàng phàm phu chúng ta thì thật sự chỉ có thể đạt 'nhất tâm tin tưởng' mà thôi, tức không còn tạp tâm đó là nghi hoặc tâm, như thế là cũng ổn rồi, còn việc hành trì cao thấp sâu cạn được bao nhiêu tốt bấy nhiêu thôi, không phải tính chất quyết định. Còn với bậc Thánh nhân hay bậc xuất thế độ sanh thì hy vọng đạt công phu nhất tâm bất loạn, vừa thành tựu giải thoát vừa có được phẩm vị cao siêu. Riêng với phàm phu như chúng ta trước hết cần chiếc vé về Tây cái đã, sau đó tính tiếp, nói cách khác là tận dụng tối đa chỗ vi diệu 'đới nghiệp vãng sanh' này của Pháp môn để giải thoát trong đời. Mà chỗ 'đới nghiệp vãng sanh' này cũng có hai loại, một là lâm chung nương Phật lực, chắc chắn được độ thoát; hai là phải tự lực cánh sinh nương Pháp Biên Địa để sau khi trút hơi thở cuối cùng mong Phật từ bi đến tiếp dẫn. Cái trường hợp thứ hai này thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự Từ Bi của Phật vậy, nói cách khác đó là phụ thuộc vào lòng Chí Thành của hành giả lúc cuối vậy, để xem xem hành giả có một lòng Nguyện sanh về đó không, rằng không còn dính mắc, hay tham sống sợ chết, hay tham luyến này kia nữa không. Nói tóm lại là phải chân thật một lòng cầu sanh về, rồi chánh niệm phân minh liên tục niệm Phật đến lúc tắt hơi luôn, như thế thì sẽ 'đắc' cái Pháp Biên Địa, sẽ được Hóa Phật đến rước. Kể ra thì đây chính là cái Pháp cứu vớt cuối cùng của Phật, mặc dù hành giả không được y giáo phụng hành nhưng vẫn được sự Từ bi của Phật cứu rỗi, vì lòng Thành đã 'cảm' được Ngài. Còn ở trường hợp đầu [tức Tín Nguyện đầy đủ, niệm Phật], đây là câu chuyện hoàn toàn khác vậy. Bởi đây là do hành giả đã hành đúng như lý như pháp cái Pháp Phật đề ra, tức đã Y giáo phụng hành, cho nên không thể không thành tựu được. Với trường hợp này Phật nhất định phải lai nghinh tiếp dẫn, không thể khác được, bởi theo đúng Lời Thệ Nguyện của mình, nếu không như thế thì Phật đã không thể tại thế thành Phật như hiện tại được. Cho nên, với trường hợp này, cũng như dạng công phu đạt nhất tâm, Phật phải lai nghinh đến tiếp dẫn trước khi hành giả xả bỏ báo thân, cho dù hành giả có [Tín Nguyện] niệm được chỉ kịp một niệm vài niệm hay mười niệm đi nữa, Phật cùng Thánh chúng vẫn đến rước trước khi tắt hơi, vào thẳng Chánh quốc. Với trường hợp này thì không có chuyện hành giả sợ bị dính mắc hay tham sống sợ chết [tức Nguyện tâm không chân thật], bởi Tín tâm chân thật sẽ kéo theo Nguyện tâm cũng chân thật, chỉ khi nào Tín tâm còn thiếu sót chưa đầy đủ thì mới dễ phát sinh những tình trạng như kia. Hơn nữa hành giả cũng không lo tâm bị điên đảo hay hôn mê gì cả bởi đã có Phật lực che chở, gia hộ, cường duyên cho nên sẽ không bị nghiệp lực chi phối, bức bách lúc đó. Sự vi diệu thù thắng, yếu tố tha lực được thể hiện có thể nói là bậc nhất của Pháp môn chính là ở chỗ này vậy, là ngay ở thời điểm 'quyết định' này vậy.
Cho nên, những hành giả nào theo đuổi con đường 'Pháp Biên Địa', tức chỉ chú trọng hành trì, không chú trọng gầy dựng Tín Nguyện tâm chân thật, thường lại bỏ qua cái Pháp vi diệu bậc nhất đối với hàng phàm phu thời Mạt này. Rằng họ có thể gầy dựng vun bồi đủ thứ hết, nào bình thời ra sức tu phước thiện lành, tu các trợ hạnh để mong lúc cuối phước báu có thể 'chan hòa' nghiệp lực, giúp thần thức được tỉnh táo sáng suốt lúc cuối; hay cố gắng ra sức hành trì 'như điên như dại' để mong lúc cuối đừng quên mất câu Phật hiệu, hoặc giả lúc cuối ra sức cầu viện cao Tăng đại đức, thiện tri thức, đồng tu, thiện thần hộ pháp... để trợ duyên trợ lực cho, nói chung tất cả đều tốt cả, không phải là không tốt. Nhưng ngặt nổi tâm lý thường chú trọng thái quá cái này thì lại xem nhẹ cái khác. Họ có thể lưu tâm đến mọi thứ, nhưng cái thù thắng vi diệu nhất, hay nói chính xác ra là cái đúng như Pháp nhất thì lại bỏ qua, không để ý tới, bởi vậy cho nên dù tu tập tốt đẹp hay tinh tấn cỡ nào đi nữa vẫn không cách gì đảm bảo chắc chắn việc thành tựu được, tức kiểu gì vẫn có sự bấp bênh trong đó, đó là chưa kể nếu thành tựu thì phải vào Biên Địa một thời gian, không được vào thẳng Chánh quốc. Cho nên các Ngài mới nói rằng bình thời đây không lo gầy dựng Tín nguyện đi, đến khi lúc cuối thì rất khó cậy được vào Phật lực là như vậy. 'Cậy vào Phật lực' ở đây ý nói là được Phật lực che chở gia hựu cho lúc cuối để có Chánh niệm rõ ràng phân minh rồi Phật đến lai nghinh tiếp dẫn, chứ không phải chỉ là hàm ý Phật đến tiếp dẫn không thôi còn thì tất cả các công đoạn trước đó đều phải tự lực cánh sinh cả [hay trông cậy vào các nguồn trợ duyên trợ lực]. Cho nên, cái chúng ta cần 'lo liệu' bậc nhất đó chính là cái này chứ không phải những cái khác, những cái khác có cũng tốt không có cũng không sao, không thành vấn đề, bởi một khi có cái này [Phật lực] thì sẽ có tất cả, kể cả những cái kia [hộ niệm, trợ duyên, thiện thần hộ pháp...], nói chung là sẽ thành tựu vãng sanh viên mãn, thù thắng, không thiếu gì cả.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 16. Đường Xá Lâu Quán
Ngài Hoàng Niệm Tổ