Chánh kinh:
Vi phong từ động, xuy chư chi diệp, diễn xuất vô lượng diệu pháp âm thanh. Kỳ thanh lưu bố, biến chư Phật quốc. Thanh sướng ai lượng, vi diệu hòa nhã, thập phương thế giới âm thanh chi trung, tối vi đệ nhất.
Gió nhẹ khẽ động thổi qua các cành, lá, diễn xuất vô lượng âm thanh diệu pháp. Những âm thanh ấy lan truyền khắp các cõi Phật: thanh tịnh, sảng khoái, bi mẫn, trong sáng, vi diệu, hòa nhã, thật là âm thanh bậc nhất trong các âm thanh trong mười phương thế giới.
Giải:
Ðoạn kinh này thuật rõ cây có khả năng diễn nói diệu pháp, lợi ích chẳng thể nghĩ bàn.
“Diệu pháp” là pháp tối thắng bậc nhất chẳng thể nghĩ bàn. Bài Tựa sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa có câu: “Diệu là [chữ để] khen ngợi pháp tốt lành chẳng thể nghĩ bàn”. Gió thổi lay cành, lá cây báu, phát ra âm thanh diễn nói chẳng thể tính kể nổi pháp âm vi diệu nên bảo là “diễn xuất vô lượng diệu pháp âm thanh” (diễn ra vô lượng âm thanh diệu pháp).
Ngài Ðàm Loan bảo: “Âm thanh ấy làm Phật sự chẳng thể nghĩ bàn”. Chữ “Phật sự” chỉ sự giáo hóa của chư Phật, cũng như hết thảy việc có lợi cho Phật đạo. Thông thường những pháp hội cầu phước, cầu siêu v.v… cũng được gọi là Phật sự. Trong cõi Cực Lạc, âm thanh do cây báu phát ra cũng làm được các Phật sự nên ngài Ðàm Loan mới khen ngợi là chẳng thể nghĩ bàn.
Hơn nữa, âm thanh ấy lại “thanh, sướng, ai, lượng, vi diệu, hòa nhã” (tạm dịch là “thanh tịnh, sảng khoái, bi mẫn, trong trẻo, vi diệu, hòa nhã”). Ngài Nghĩa Tịch bảo:
“Thanh (清) là thanh tịnh, nghe được chẳng sanh tâm trược nhiễm. Dương (揚) là tuyên dương do âm thanh ấy có thể tuyên dương pháp Thật Tướng (bản ngài Nghĩa Tịch dùng để chú giải ghi là “thanh dương”, còn hội bản ghi là “thanh sướng”. “Sướng” (暢) có nghĩa là thông suốt, vui sướng, khiến cho người nghe sảng khoái. Sướng lại có nghĩa là thông hiểu, nghĩa là pháp âm ấy khiến cho người nghe thông đạt được pháp Thật Tướng). ‘Ai’ (哀) là bi ai, pháp ấy khiến người nghe sanh tâm đại bi. ‘Lượng’ (亮) là trong trẻo, vang vọng, thấu triệt, rõ ràng. Pháp âm ấy khiến cho người nghe khai phát trí huệ. ‘Vi’ (微) là tinh tế, bí mật: Pháp âm ấy tinh tế, bí mật như tiếng âm nhạc cõi Phạm thiên. ‘Diệu’ (妙) là hay đẹp tuyệt diệu. Âm thanh ấy hay tuyệt diệu như tiếng chim Loan (chim phụng hoàng mái). ‘Hòa’ (和) là điều hòa, âm vận nhịp nhàng, réo rắt. ‘Nhã’ (雅) là thanh nhã, đứng đắn; pháp âm ấy thanh nhã, đứng đắn vì thuận theo Phật pháp”.
Những đức tánh vừa thuật của những âm thanh ấy không những chỉ đặc biệt lạ lùng nhất đối với các cõi trời mà so trong mười phương thế giới, những âm thanh ấy cũng là bậc nhất nên kinh bảo: “Thập phương thế giới âm thanh chi trung, tối vi đệ nhất” (thật là bậc nhất trong các âm thanh trong mười phương thế giới).
Ảnh minh họa: "Này Xá-lợi-phất, như ta hôm nay ngợi khen lợi ích về công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Ðà. Ở phương Ðông cũng có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Ðại Tu Di, Phật Tu Di Quang, Phật Diệu Âm..."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta đến với một đoạn trong Phẩm 15 - Bồ Đề Đạo Tràng. Phẩm này mô tả cây Bồ Đề nơi Đạo Tràng của Phật Vô Lượng Thọ ở cõi ấy, cụ thể ở đoạn Kinh văn này đó là: "Gió nhẹ khẽ động thổi qua các cành, lá, diễn xuất vô lượng âm thanh diệu pháp...". Nói chung mọi hình tướng sắc thái 'sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp' đều là trợ duyên đắc lực cho việc hành đạo, cũng như giúp thân tâm an lạc "thanh tịnh, sảng khoái, bi mẫn, trong sáng, vi diệu, hòa nhã", "thật là âm thanh bậc nhất trong các âm thanh trong mười phương thế giới". Đây rõ ràng là kết quả chọn lựa, đúc kết, lấy bỏ của Phật khi còn tu nhân địa, quán sát các cõi Phật để 'kết tinh' lại cho việc kiến lập thành tựu một cõi nước gọi là 'có một không hai' vậy. Cho nên, chúng ta thấy mọi thứ đều là "bậc nhất trong mười phương thế giới". Ở đây Đức Phật đặc biệt diễn nói về mặt âm thanh nơi cõi ấy, bởi chúng ta biết trong các căn thì nhĩ căn đóng vai trò rất quan trọng, một khi nhiếp được căn này là có thể nhiếp được các căn khác, tức là 'nhiếp trọn sáu căn'. Do đó Pháp âm là đặc biệt quan trọng, nên trong Kinh chúng ta thấy nơi đâu đâu cõi ấy cũng là diễn nói Pháp âm như từ tiếng nước, tiếng sóng, tiếng chim hót, tiếng gió reo, tiếng hàng cây báu... rồi tiếng Pháp âm của các Chư Phật trong thập Phương, cho tới Phật Vô Lượng Thọ ngày đêm thuyết Pháp. Nói chung là nếu muốn thì nhân dân cõi ấy có thể nghe bất cứ Pháp âm nào từ bất cứ nơi đâu trong Thập phương, còn không muốn nghe nữa thì những tiếng ấy liền biến mất, trả lại sự yên lặng, thanh tịnh, an lạc tối thượng. Chứ không giống như đây, cái muốn nghe lại không được nghe, còn cái không muốn nghe lại phải nghe suốt ngày...
Chúng ta đọc đoạn chú giải của các Ngài để hiểu biết thêm.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 15. Bồ Đề Đạo Tràng
Ngài Hoàng Niệm Tổ