Nhân tại ái dục chi trung, độc sanh độc tử, độc khứ độc lai, khổ lạc tự đương, vô hữu đại giả. Thiện ác biến hóa, truy trục sở sanh, đạo lộ bất đồng, hội kiến vô kỳ. Hà bất ư cường kiện thời, nỗ lực tu thiện, dục hà đãi hồ?
Trong ái dục, con người sanh một mình, chết một mình. Một mình đến, một mình đi, khổ vui tự chịu lấy, chẳng ai thế cho. Thiện, ác biến hóa theo đuổi đến từng kiếp sống. Ðường lối bất đồng, không dịp gặp gỡ. Sao chẳng ngay trong lúc còn khỏe mạnh, nỗ lực tu thiện, còn muốn đợi đến khi nào?
Giải:
Ðoạn này, Phật khuyến dụ người đời bỏ ác tu thiện.
“Ái dục” là tình ái và tham dục; ái dục chính là cội gốc sanh tử. Ái chẳng nặng chẳng đọa Sa Bà! Toàn thể người đời chìm đắm trong ái dục cho nên chết đây sanh kia, lưu chuyển vô cùng. Dẫu cho quyến thuộc đầy nhà nhưng lúc sanh tử: Sanh thì trơ trọi một thân đi đến, chết thời riêng một mình ta ra đi, chẳng có ai theo, không ai thay được. Vì thế, kinh nói: “Độc sanh độc tử, độc khứ độc lai” (Sanh một mình, chết một mình; một mình đến, một mình đi).
Câu “khổ lạc tự đương, vô hữu đại giả” ý nói: Quả báo sướng hay khổ đều do tự mình tạo, tự mình hưởng, cũng không ai khác thay thế được. Ngài Cảnh Hưng nói: “Tự đương tức là tự mình nhận lấy”.
Câu “thiện ác biến hóa” được ngài Cảnh Hưng giảng như sau: “Thiện biến hóa chính là quả báo trong đường lành. Ác biến hóa là quả báo trong đường ác”.
Sách Hội Sớ nói: “Ðời này tuy là thiện quả, nhưng tạo nghiệp nhân ác thì đời sau sẽ chiêu cảm, biến thành tai ương. Ðời này tuy là ác quả nhưng làm lành thì đời sau sẽ hưởng phước báo. Thiên biến vạn hóa chẳng thể nói trọn”. Ðây lại là một cách giải thích khác của chữ “biến hóa”. Ngài Gia Tường lại giảng: “Nhân ác chịu khổ, nhân lành hưởng vui. Quả báo nhanh chóng”.
“Truy trục sở sanh”: “Trục” (逐) là đuổi theo, [“truy trục sở sanh”] nghĩa là sanh về đâu quả báo cũng đuổi theo ngay đó, chẳng hề bỏ rời. Tùy theo nghiệp nhân mà cảm được quả báo thiện hay là ác.
Gia Tường Sớ giảng câu “đạo lộ bất đồng” như sau: “Làm lành thì quả báo chốn thiên đường chờ sẵn. Làm ác thì núi đao rừng kiếm đón chờ”. Nhân quả mỗi người sai khác nên sẽ sanh về những nơi khác xa nhau. Bởi vậy, lúc lâm chung chia tay nhau trọn thành vĩnh biệt. Một phen chịu báo trong tam đồ là cả trăm ngàn kiếp, trôi lăn trong sáu nẻo, biết ngày nào gặp lại nhau. Dẫu có trùng phùng cũng chẳng hề nhận biết nổi nhau nên mới nói: “Hội kiến vô kỳ” (Không dịp gặp gỡ).
Bởi đấy, đức Thế Tôn xót thương cảnh tỉnh khuyên lơn người đời sao chẳng ngay lúc mạnh khỏe hãy “nỗ lực tu thiện” chứ còn đợi đến khi nào nữa? Người già thể xác suy yếu, khó bề siêng tu như kinh Niết Bàn đã bảo: “Ca Diếp! Thí như cam giá, ký bị áp dĩ, tể vô phục vị. Tráng niên thịnh sắc, diệc phục như thị. Ký bị lão áp, vô tam chủng vị: Nhất, xuất gia vị. Nhị, độc tụng vị. Tam, tọa Thiền vị” (Này Ca Diếp! Ví như cây mía đã bị ép, bã mía chẳng còn vị gì. Tuổi trẻ khỏe mạnh cũng giống như thế, khi bị tuổi già ép thì chẳng còn có ba thứ vị: Một là vị xuất gia, hai là vị đọc tụng, ba là vị tọa Thiền).
Tuổi già mất cả ba thứ vị như vậy nên phải gấp rút nỗ lực, chớ nên chần chừ.
Ảnh: Một gia đình "Tứ đại đồng đường"
Nhờ nhân duyên gặp gỡ trong đời này, nhưng do “đạo lộ bất đồng”, duyên hết, mỗi người mỗi nẻo, dẫu có trùng phùng cũng chẳng hề nhận biết nổi nhau nên mới nói: “Hội kiến vô kỳ” (Không dịp gặp gỡ).
Chỉ có "con đường Tây Phương" là vĩnh cửu [để hội ngộ cùng nhau]. Bởi thế, Phật khuyên chúng sanh: "Sao chẳng ngay trong lúc còn khỏe mạnh, nỗ lực tu thiện, còn muốn đợi đến khi nào?", bởi tuổi già như cây mía bị ép chỉ còn bả [mất hết hương vị], thật gian nan hành đạo.
Con người ta thì chỉ "già đi trong bận rộn [vì ái dục vinh hoa, tài sắc danh lợi,...] mấy ai chịu buông xuống [sớm, hành đạo] trước khi vô thường đến?
Phật luôn duỗi cánh tay chờ đón, Tha Lực Đại Đạo là bất khả tư nghị, chỉ cần chúng ta nương tựa vào đó mà chăm chỉ hành trì cầu giải thoát, đừng để tâm phóng dật, buông lung, ngấp nghé [tìm cầu], thì tương lai [ngay một đời này] nhất định chúng ta cùng hội ngộ an vui tại một nơi thật tốt đẹp [không còn chịu cảnh biệt ly nữa].
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 33. Khuyến Dụ Sách Tấn
Ngài Hoàng Niệm Tổ