Cốt ở tâm [không ràng buộc]
Quý vị nói chuyện đời ràng buộc, không cách gì thoát khỏi được thì ngay trong lúc bị ràng buộc ấy chỉ cần không bị chúng xoay chuyển thì ràng buộc liền thành cởi gỡ như gương chiếu hình tượng, hình đến chẳng cự tuyệt, hình đi chẳng giữ lại. Nếu không biết nghĩa này, dẫu có trừ sạch mọi chuyện thế tục không còn có chuyện gì phải lo toan thì cũng vẫn bị cái tâm vọng tưởng, tán loạn, ràng buộc kiên cố, chẳng thể gột rửa, thoát khỏi. Người học đạo phải hành xử thuận theo địa vị, tận hết bổn phận của mình. Như thế thì dù suốt ngày việc đời ràng buộc, nhưng suốt ngày vẫn cứ tiêu dao ngoài vật. Câu nói “nhất tâm vô trụ, vạn cảnh đều nhàn, chẳng ghét lục trần vẫn đồng Chánh Giác” chính là nói về điều này vậy.
Thật vì sanh tử [thúc đẩy Tín - Nguyện - Hạnh]
Chuyện niệm Phật quan trọng nhất là liễu sanh tử, đã vì liễu sanh tử thì tự sanh lòng nhàm chán đối với nỗi khổ sanh tử, tự sanh lòng ưa thích đối với sự vui Tây Phương. Như thế thì hai pháp Tín - Nguyện sẽ được vẹn toàn ngay trong một niệm, lại thêm niệm chí thành khẩn thiết như con nhớ mẹ thì Phật lực, pháp lực, sức công đức tín nguyện nơi tự tâm, ba pháp đều phô bày trọn vẹn. Ví như mặt trời rạng rỡ giữa hư không, dẫu mây dầy, băng đóng tầng tầng, chẳng mấy chốc liền tiêu tan. Lúc sơ tâm niệm Phật, chưa tự chứng được tam-muội, ai có thể không có vọng niệm cho được? Quý sao tâm thường giác chiếu, chẳng chuyển theo vọng, ví như quân hai bên đối địch, ắt phải giữ vững thành quách của chính mình, chẳng cho quân giặc xâm phạm tí ti nào, đợi khi giặc vừa tấn công bèn đánh chặn đầu. Ắt phải xua quân Chánh Giác vây kín bốn mặt khiến cho chúng nó không lối lên trời, không nẻo chui xuống đất, khiến chúng sợ bị diệt chủng, liền đua nhau quy hàng. Quan trọng nhất là chủ soái không mê muội, không lười nhác, thường luôn tỉnh táo mà thôi! Nếu mê muội, lười nhác thì chẳng những không diệt được giặc mà trái lại còn bị giặc diệt. Do vậy, người niệm Phật không biết nhiếp tâm thì càng niệm càng sanh vọng tưởng. Nếu nhiếp được tâm thì vọng niệm sẽ dần dần mỏng nhẹ, cho đến không còn nữa! Vì thế, nói:
Học đạo do như thủ cấm thành,
Trú phòng lục tặc, dạ tỉnh tỉnh,
Tướng quân chủ soái năng hành lệnh,
Bất động can qua định thái bình.
Tạm dịch:
Học đạo dường như giữ cấm thành,
Ngày phòng sáu giặc, đêm thường tỉnh,
Tướng quân chủ soái nghiêm quân lệnh,
Chẳng dấy can qua, quyết thái bình.
(Thư trả lời cư sĩ Từ Ngạn Như, Từ Dật Như)
Thiên tai, nhân họa [cảnh sách vô thường, sanh tử]
Tai họa ở Ôn Châu nghe thê thảm quá. Thiên tai, nhân họa không biết đến mức nào. Quả đúng là “ba cõi không yên, giống như nhà lửa”, đấy cũng là lời răn nhắc thiết yếu nhất đối với chuyện tín nguyện niệm Phật vãng sanh Tây Phương. Niệm Phật tâm không quy nhất là do tâm sanh tử chưa khẩn thiết. Nếu nghĩ như đang bị nước cuốn lửa đốt, không được cứu giúp, tưởng sắp bị chết, tưởng sắp đọa địa ngục thì tâm sẽ tự quy nhất, không cần đến diệu pháp nào khác. Vì thế, trong kinh thường nói: “Nghĩ cái khổ trong cõi địa ngục, phát tâm Bồ Đề”. Đấy chính là khai thị thiết yếu nhất của đức Đại Giác Thế Tôn, tiếc là con người chẳng chịu thật sự suy nghĩ! Cái khổ trong địa ngục so với sự thảm thương của nước - lửa sâu nặng hơn vô lượng vô biên lần. Thế mà nghĩ đến nước dâng lửa đốt bèn run rẩy, nghĩ đến địa ngục lại coi thường là vì một đằng do tâm lực nhỏ nhoi chẳng thể thấu hiểu sự khổ ấy, còn một đằng là chính mắt thấy, bất giác lông tóc đều dựng đứng!
(Thư gởi cư sĩ Bao Sư Hiền)
Ảnh: Một số hình ảnh thiên tai, nhân họa ngày nay
Lửa thiêu, nước chìm, dịch bệnh, chiến tranh... đang xảy ra khắp nơi trên thế giới. Mật độ ngày càng dày hơn, khốc liệt hơn. Nguyên nhân là vì đâu Quý vị? Dạ vâng, nghiệp lực chúng sanh chiêu cảm mà thành, từ nhiều đời nhiều kiếp tích tụ dần lên, nay gặp những nhân duyên bất đồng, cứ lần lượt 'trổ quả', làm cho con người, chúng sanh hiện tại phải gồng mình gánh chịu lấy [những nghiệp báo do chính mình đã gây ra]. Con người hiện nay chỉ thấy bề nổi của vấn đề, nên chẳng hiểu ngọn nguồn căn nguyên, cứ mặc tình đổ tội cho nhau, hoặc thán trời trách đất, đổ tại số mệnh, hay do hoàn cảnh đẩy đưa v.v...
Nổi khổ nơi thế gian là thế, cái khổ trong Tam đồ càng khốc liệt hơn gấp bội phần, dài lâu và 'vô tình, phản cảm' hơn ngàn ức vạn. Bởi thế, Phật dạy “ba cõi không yên, giống như nhà lửa”, Chư Tổ sư dạy "nghĩ khổ trong sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng Tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ". Dùng cái tâm giác 'biết sợ' này [cho mình, người] để thúc đẩy cái tâm tu đạo, cầu giải thoát. Như thế thì ba pháp Phật Lực [Nguyện lực] - Tâm Lực [Tín - Nguyện] - Pháp Lực [Niệm Phật] mới được trọn vẹn, cảm ứng đạo giao, ắt đắc pháp [vãng sanh giải thoát].
Chúng ta hiện nay được thân người, được gặp Tịnh Độ, được ở nơi chốn [tương đối] bình an, kể cũng là có phước có phần lắm lắm! Nhân duyên rất hy hữu đấy. Thử xem, trên thế giới này được mấy nơi [vùng, lãnh thổ] có Phật pháp, chứ đừng nói là biết đến Tịnh Độ. Rồi ngay nơi đây [Việt Nam] có mấy nhiêu người [trên tổng số] phát tâm tu đạo cầu giải thoát? Rõ ràng, nhân duyên chẳng hề dễ dàng chút nào! Phật thuyết "Chẳng thể dùng chút ít Thiện căn, Phước đức, Nhân duyên mà được sanh về cõi ấy". Chúng ta [những hành giả Tịnh Độ] phải nói là về Nhân duyên như thế là khá đầy đủ. Còn Thiện căn, Phước đức? Tín - Nguyện [Thiện căn] - Niệm Phật [Phước đức], đấy cả.
Cho nên, tu thì phải tu cho thật tu Quý vị, Tin thì phải tin cho sâu, Nguyện phải cho thiết, hành cho chuyên [càng chuyên càng tốt], thì mới khế hợp lời Phật thuyết, gọi là "y giáo phụng hành". [Được] như thế ắt đắc pháp [được Phật rước] ngay một đời này, vạn người chẳng sót một.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Đại sư Ấn Quang