Bệnh Nặng Kiệt Sức, Xả Bỏ Tạp Hạnh

NPSTD7

 

Bệnh Nặng Kiệt Sức, Xả Bỏ Tạp Hạnh

Trần Thúy Lan, nữ, 68 tuổi, là người Tuyên Thành, tỉnh An Huy, được đưa làm dâu từ nhỏ, không biết chữ. Ba mươi hai tuổi ở góa, tự mình đơn độc nuôi 4 đứa con, nếm trải đủ mọi cay đắng cuộc đời. Điều đó cho thấy bà là người can cường, kiên nhẫn vô song.

Năm 1990, bà Quy Y Tam Bảo, bà tiêu dùng tiết kiệm, siêng cúng dường bố thí, tinh tấn kiền thành, ít ai bì được. Bà tự làm những tấm đệm lạy đẹp đem cúng dường tứ đại danh sơn. Bà ưa thích khuyên người tin Phật niệm Phật. Những người được bà khuyên vào cửa Phật có đến hàng trăm người.

Tám năm trước bà đã may sẵn quần áo và mền để chuẩn bị vãng sanh. Ba năm trước, khi bà trồng cây Tỳ Bà, con trai trưởng có hơi nhược trí hỏi:

- Mấy năm ra trái?

Bà trả lời:

Ba năm

Con trai liền nói:

- Đến lúc đó không biết mẹ còn sống không?

Câu nói này càng khơi lại cảm giác vô thường của cư sĩ Trần.

Năm đó khi đến Cửu Hoa Sơn, bà lập ra đại nguyện: Nguyện trong vòng ba năm, Đức Phật A Di Đà nhất định đến rước con.

Vào ngày 13 tháng 9 năm ngoái, bà lập ra di chúc đối với hậu sự của bà sau khi vãng sanh, y theo nghi lễ Phật Giáo mà làm.

Cư sĩ Trần tuy không biết chữ mà lại học thuộc nguyên bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Mỗi ngày bà quỳ tụng 3 bộ Kinh Vô Lượng Thọ, lạy Phật vài trăm lạy, xưng danh hiệu Phật vài vạn tiếng, làm thêm nhiều việc thiện hồi hướng vãng sanh. Điều đó có thể thấy bà vô cùng nhàm chán cõi Ta Bà, ưa thích vãng sanh Cực Lạc. Bà sẵn sàng vãng sanh Tịnh Độ bất cứ lúc nào. Do vì không biết được hạnh nghiệp quyết định vãng sanh, cho nên bà tuy tinh cần nhưng cũng chưa được an tâm. Vả lại do thời khóa mỗi ngày đặt ra quá nhiều, bà không thể hoàn thành, nên hôm nay phải bù thời khóa hôm qua còn nợ, ngày mai lại phải bù thời khóa hôm nay. Cứ thế gánh nặng tâm lý vô cùng nặng nề.

Cuối năm 1996, lần đầu nghe được Bản Nguyện Phật A Di Đà, bà vô cùng hoan hỉ, nói:

- Bây giờ tốt rồi, có thể nương vào Đấng Cha Già rồi!

Sau đó bà bị ảnh hưởng bởi biệt giải biệt hạnh, trở lại nghi ngờ, cho rằng chỉ nương Bản Nguyện Niệm Phật cầu vãng sanh e rằng không nắm chắc. Nửa năm sau bà không theo nữa, quay về tìm cầu công phu nhất tâm bất loạn, với quan niệm và hành trì nhiều việc thiện hồi hướng cầu vãng sanh.

Bạn tốt của bà là cư sĩ Thẩm Kim Lan, vốn do cư sĩ Trần hướng dẫn vào cửa Phật, tin sâu Bản Nguyện, chuyên tu niệm Phật. Vì cảm niệm ân sâu mà cư sĩ Trần đã hướng dẫn vào cửa Phật nên cư sĩ Thẩm thường đến khuyên cư sĩ Trần nên chuyên xưng danh hiệu Phật, nương nhờ Phật lực vãng sanh. Cư sĩ Trần không thích nghe mà còn nói là nhất định phải đạt nhất tâm bất loạn. Cư sĩ Thẩm lòng ngay dạ thẳng nói:

- Bảo bà tin vào Phật lực, chuyên xưng Phật danh, không tạp hạnh tạp tu, tức là nhất tâm bất loạn. Bà muốn đạt được công phu nhất tâm bất loạn ư? Bà ngồi đó niệm Phật thì không khởi vọng niệm sao? Tôi thì không tin niệm đến nhất tâm bất loạn! Tôi thấy bà càng niệm càng loạn. Tôi dám nói, tôi nắm chắc vãng sanh, còn bà, bà có chắc chắn không?

Trước câu nói thẳng thắn của cư sĩ Thẩm, cư sĩ Trần chỉ nhỏ tiếng trả lời:

- Không rõ nữa!

Vì tông chỉ bất đồng, ngôn ngữ không hợp, hai người dần dần xa cách. Thỉnh thoảng gặp nhau cũng tránh không nói về Phật Pháp. Như thế 4 năm trôi qua, cho đến tháng 4 năm nay, cư sĩ Thẩm gặp con gái của cư sĩ Trần trên đường. Bà hỏi thăm:

- Mẹ con dạo này khỏe không?

Con gái cư sĩ Trần trả lời:

- Mẹ con bị bệnh nặng lắm!

Cư sĩ Thẩm nghe xong trong lòng cảm thấy nặng trĩu, bà biết nguyện vọng lớn nhất suốt đời của cư sĩ Trần là vãng sanh Tịnh Độ. Vì để đạt được mục đích này mà bà ta đã không tiếc hy sinh tất cả. Niệm tình Pháp lữ giữa hai người đang lúc bà sống không còn bao lâu nữa, bất cứ thế nào mình phải đến thăm bà. Lại nói cho bà nghe về Bản Nguyện Phật A Di Đà để bà quyết định vãng sanh. Trong lòng có sẳn ý định như thế, cư sĩ Thẩm tìm đến nhà cứ sĩ Trần. Không ngờ vừa mới gặp mặt, cư sĩ Trần liền nói:

- Bà Thẩm ơi, bây giờ tôi cũng giống mấy bà, cũng theo Nguyện thứ 18 rồi, sáng dậy lạy 3 lạy, ngoài ra suốt ngày từ sáng đến tối tôi chỉ chuyên niệm một câu Phật hiệu.

Cư sĩ Thẩm nghe xong quá đỗi vui mừng, liền chấp tay lại và nói:

- Nam Mô A Di Đà Phật! Cuối cùng bà đã khai ngộ rồi. Phật thấy bà tội nghiệp quá, Phật muốn cứu bà. Bà xem, bà bao nhiêu năm trời, nếm bao nhiêu khổ, chịu bao nhiêu tội, đi vòng hết bao nhiêu vòng. Sư phụ giảng Pháp bà đang nghe theo yên lành, sao lại bị người ta lôi kéo đi làm tạp hạnh tạp tu, để đến hôm nay ra nông nổi này rồi, bà mới chịu tin Bản Nguyện Phật?

Cư sĩ Trần nói:

- Đúng vậy, đúng vậy! Không thể trách người ta, chỉ trách tôi lúc đó cơ duyên chưa chín mùi.

Và bà sám hối:

- Tôi cũng có tội, lúc đó Sư phụ giảng Pháp tôi cũng có nói xấu.

Cứ sĩ Thẩm nói:

Nếu đã giác ngộ sám hối, càng phải tin Bản Nguyện, nhất hướng niệm Phật. Tất cả mọi tội lỗi đều giao cho Phật A Di Đà lo liệu.

Cư sĩ Trần vì bị ung thư phổi thời kỳ cuối, sốt cao liên tục, nằm giường hơn hai tháng không dậy nổi. Ngày xưa mỗi ngày bà tụng Kinh vài vạn câu, bây giờ một câu cũng tụng không nổi. Lúc trước mỗi ngày bà lạy Phật A Di Đà vài trăm lạy, bây giờ một lạy cũng lạy không nổi. Lúc trước bà bái kiến các danh sơn, thăm viếng các chùa lớn, bây giờ một núi cũng bái kiến không nổi, một chùa cũng không đến được. Bà tinh cần dũng mãnh tu hành mười mấy năm đã hơi cùng sức cạn rồi. Mấy nghìn ngày ngưỡng cầu vãng sanh nhưng trong lòng vẫn không chắc chắn, an tâm. Già bệnh tàn phá, vô thường cận kề, tính mạng như ngọn đèn cày trước gió, sẽ tắt bất cứ lúc nào. Một người thật lòng mong cầu vãng sanh như bà không thể không phản tỉnh xem xét lại quá trình tu hành của mình. Mấy năm nay giáo lý Bản Nguyện được nghe qua từ trước đã ấp ủ trong lòng dần dần lên men. Bây giờ tỏa ra mùi hương cứu độ ngào ngạt. Ánh từ bi cứu độ của Phật A Di Đà theo tiếng niệm Phật soi chiếu vào ruộng tâm của bà. Lúc này hoa sen tín tâm thanh tịnh đã hé nở ra. Bà nói với cư sĩ Thẩm:

- Tôi thường nghĩ đến câu nói của bà “Muốn đạt đến nhất tâm bất loạn, chỉ e là càng niệm càng loạn”. Đích xác là như vậy!

Cư sĩ Thẩm nói:

Lúc đó tôi hỏi bà có nắm chắc vãng sanh không? Bà nói không rõ nữa! Bây giờ thì như thế nào?

Cư sĩ Trần đáp:

- Bây giờ khác xa lúc trước rồi! Bây giờ niệm Phật trong lòng tôi rất thản nhiên, an tâm.

Khoảng thời gian bệnh nặng, cư sĩ Trần không nói, không nghe những lời linh tinh mà nhất tâm niệm Phật. Bà thích các Liên hữu và Sư phụ Bản Nguyện đến khai thị và niệm Phật. Những lúc này bà vui như hoa nở, tươi cười hớn hở. Còn gặp những người giải hạnh bất đồng, nói những chuyện không liên quan đến niệm Phật, bà liền quay mặt đi không nhìn, nhắm mắt lại không nói.

Một lần có người đến khuyên bà tụng Kinh Kim Cang, Kinh Địa Tạng để tiêu nghiệp. Sau khi người đó đi, cư sĩ Trần nói:

- Những người này thật không thức thời vụ. Tôi bây giờ như thế này rồi niệm một câu Phật hiệu cũng khó khăn, còn nói tụng Kinh này Kinh nọ, lãi nhãi lôi thôi, tôi nghe mà phát phiền.

Cư sĩ Trần giờ đây đã hoàn toàn cảm nhận được Bản Nguyện Phật Di Đà cực kỳ từ bi, duy chỉ Tuyển Trạch Xưng Danh dễ thực hành là Chánh Định Nghiệp để vãng sanh.

Trước ngày vãng sanh một tháng, tôi và Pháp sư Long Đạo đến thăm cư sĩ Trần. Bà đã sốt cao nằm hơn tháng trời, người rất gầy ốm nhưng mặt mũi thanh tú, tinh thần sảng khoái. Bà nói:

- Bây giờ con chỉ một câu duy nhất: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Lúc trước khi nói chuyện với người khác là trong lòng con mất câu Phật hiệu, bây giờ nói chuyện với mọi người, trong lòng con vẫn đang niệm Phật. Bây giờ tâm trạng niệm Phật của con không giống lúc trước, hoan hỉ an tâm!

Tôi hỏi:

- Bệnh khổ có cảm thấy khó chịu không?

Bà nói:

- Không khó chịu.

Đồng thời bà dùng tay vuốt từ cổ xuống lồng ngực nói:

- Chỗ này rất thoải mái.

Thần thái nhẹ nhàng vui vẻ mỉm cười của bà giống như bầu trời trong xanh không thấy một áng mây mờ lo lắng nào. Pháp sư Long Đạo tức thời đoán định:

- Cư sĩ Trần quyết định vãng sanh không nghi ngờ!

Trước khi bà vãng sanh mười mấy ngày còn có người đến vấn nàn:

- Sư huynh Trần, bà cả đời học Phật, tu tốt như thế, đừng đem một trận gió làm bà ngã gục!

Ý muốn nói bà đã dụng công tinh tấn bây giờ chỉ cần nương Bản Nguyện niệm Phật vãng sanh, buông bỏ lập trường tu hành tự lực không vãng sanh được. Cư sĩ Trần im lặng, bà nói thầm trong bụng:

- Gục ngã hay không gục ngã, lòng tôi tự biết, không cần các người lo.

Hoàn toàn phù hợp với Đại sư Thiện Đạo đã dạy trong Quán Kinh Sớ: “Dẫu cho các ông có trăm nghìn vạn ức lần nói không vãng sanh được. Điều đó chỉ làm tăng trưởng thành tựu thêm niềm tin vãng sanh của tôi thôi”.

Trước vãng sanh ba ngày có Liên hữu đến thăm bà nói:

- Chúng tôi đều ở nhà niệm Phật, hồi hướng công đức cho bà vãng sanh Tịnh Độ.

Cư sĩ Trần dùng tay chỉ chỉ vị Liên hữu này lại chỉ chỉ tượng Phật A Di Đà, và nói:

- Không cần đâu, đã có Phật A Di Đà rồi!

Trước vãng sanh 2 ngày, tôi lại đến thăm cư sĩ Trần. Bà đã suy yếu cực độ, không nói chuyện được. Tôi hỏi:

- Cư sĩ Trần, bà có nguyện vãng sanh không?

Bà gật gật đầu. Tôi lại hỏi:

- Đối với việc vãng sanh bà còn có lo lắng gì nữa không?

Bà lắc đầu.

Tôi lại nói thêm vài lời rằng: Bản Nguyện Phật A Di Đà là không hư dối, niệm Phật quyết định vãng sanh, để an ủi bà. Khi tôi tạm biệt ra về, bà bỗng toàn thân ngồi dậy, chấp hai tay lại, mỉm cười rạng ngời với chúng tôi. Người nhà luôn ở cạnh bà thấy cảnh tượng này đều cảm thấy bất khả tư nghì.

Bốn giờ chiều ngày mùng 3 tháng 8 năm 2001, trong tiếng niệm Phật ngân vang đều đặn của đại chúng, cư sĩ Trần đã lặng lẽ vãng sanh Tịnh Độ. Hơi thở cuối cùng của bà chậm rãi an nhàn, giống như xe hơi sau khi tắt máy theo quán tính từ từ dừng lại, khiến cho Liên hữu không phát hiện ra. Chúng tôi ngồi ở phía trước thấy bà ngưng thở một hai phút rồi mới tin chắc rằng bà đã ngưng thở. Một hơi thở ra không trở vào là thần thức đã về Tịnh Độ, lúc vừa nhắm mắt đã diện kiến Phật A Di Đà. Tận mắt thấy cư sĩ Trần vãng sanh thù thắng, tôi cảm nhận được cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà cách chúng ta rất gần như thế.

Sau 2 giờ đồng hồ niệm Phật, dỡ mền vãng sanh ra xem, thấy miệng bà khép lại, nét mặt cười vui vẻ, ửng hồng sống động, đẹp hơn lúc sanh tiền. Tám giờ đồng hồ sau, đưa tay để cách đỉnh đầu một hai tấc thăm dò, hơi nóng bốc lên tay còn hơn người sống.

(Ngày 24 tháng 8 năm 2001, Pháp sư Thích Tịnh Tông ghi)

 

qmp0

 

Trích Một Trăm Truyện Niệm Phật Cảm Ứng

Pháp sư Huệ Tịnh - Pháp sư Tịnh Tông

Các Bài Pháp Nổi Bật

"Tự Mình Chẳng Về, Về Liền Được; Gió Trăng Quê Cũ Há Ai Giành?"

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Vu Quy Tịnh
    (năm Dân Quốc 22 - 1933)

    Đã ăn chay trường niệm Phật, [vẫn cần] hãy nên đem tông chỉ Tịnh Độ và những nghĩa lý tu trì quan trọng kể...
    Muốn học Phật phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì mới được. Chẳng thể làm hiền nhân, thiện nhân trong thế gian, làm sao được lợi ích chân thật nơi Phật pháp?

  • Quanh Năm Niệm Phật

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Trầm Thọ Nhân
    (năm Dân Quốc 20 - 1931)

    Vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, quả thật là may mắn lớn lao

    Nhận được thư ông từ ba hôm trước, biết lệnh lang là Hà Sanh đã niệm Phật vãng sanh. Tuy về Thế Đế, tựa hồ [đó là] chuyện bất hạnh, nhưng vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, quả thật là may mắn lớn lao. 

  • Cậy Vào Phật Từ Lực Đới Nghiệp Vãng Sanh, Nếu...

  • Mô tả

    Phát khởi mạnh mẽ chí hướng lớn lao

    1) Hết thảy chúng sanh đều sẵn có Tánh Đức, nhưng rất ít có Tu Đức. Nay đã phát tâm học Phật là do từ Tánh Đức khởi lên Tu Đức. Tuy có tâm ấy, nhưng nếu chẳng kiệt thành tận kính tu trì thì Tu Đức chẳng thể tăng trưởng, Tánh Đức vẫn bị phiền não ác nghiệp gây chướng ngại như cũ, chẳng thể hiển hiện được! Như mặt trời trong mây, trọn chẳng thấy được tướng sáng. Vì thế, phải phấn chấn tinh thần, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, làm các điều lành trong thế gian.

  • Chứng Bất Thoái Ngay Trong Hiện Đời

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới chư Bồ Tát chúng văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch đà-ra-ni, thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ. Tu Bồ Tát hạnh, cụ túc đức bổn. Ứng thời bất hoạch nhất nhị tam nhẫn. Ư chư Phật pháp, bất năng hiện chứng Bất Thoái Chuyển giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi liền chứng ly sanh pháp, đắc đà-ra-ni, thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ, tu Bồ Tát hạnh, đầy đủ cội đức; nếu ngay lập tức chẳng đạt được một, hai, hay ba thứ Nhẫn, với các Phật pháp nếu chẳng thể chứng ngay được Bất Thoái Chuyển thì chẳng lấy Chánh Giác.

  • Pháp Môn Vừa Cực Khó Vừa Cực Dễ

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Tập Hoài Tân
    (năm Dân Quốc 20 - 1931)

    Dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh

    Ông đã biết lợi ích của việc niệm Phật thì từ rày hãy nên gắng công hơn để tự được nhất tâm. Nhưng một pháp niệm Phật chú trọng vào ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh, chỉ biết niệm nhưng không sanh lòng tin và phát nguyện, dù có đắc nhất tâm cũng chưa chắc được vãng sanh. Nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu chưa đạt nhất tâm bất loạn, vẫn có thể cậy vào Phật từ lực để vãng sanh.

  • Đắc Đà-Ra-Ni

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, tha phương thế giới chư Bồ Tát chúng văn ngã danh giả, chứng ly sanh pháp, hoạch đà-ra-ni, thanh tịnh hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ. Tu Bồ Tát hạnh, cụ túc đức bổn. Ứng thời bất hoạch nhất nhị tam nhẫn. Ư chư Phật pháp, bất năng hiện chứng Bất Thoái Chuyển giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các thế giới phương khác nghe danh hiệu tôi liền chứng ly sanh pháp, đắc đà-ra-ni, thanh tịnh, hoan hỷ, đắc bình đẳng trụ, tu Bồ Tát hạnh, đầy đủ cội đức; nếu ngay lập tức chẳng đạt được một, hai, hay ba thứ Nhẫn, với các Phật pháp nếu chẳng thể chứng ngay được Bất Thoái Chuyển thì chẳng lấy Chánh Giác.

  • Chiếu Tột Mười Phương

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, sở cư Phật sát, quảng bác nghiêm tịnh, quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương vô lượng vô số bất khả tư nghị chư Phật thế giới. Chúng sanh đổ giả, sanh hy hữu tâm. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, cõi Phật tôi ở rộng rãi nghiêm tịnh, sáng ngời như gương, chiếu thấu mười phương vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn thế giới của chư Phật. Chúng sanh trông thấy sanh tâm hy hữu. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Hễ Có Tín Nguyện Thì Không Một Ai Chẳng Được Thấm Nhuần, Viên Đốn Thẳng Chóng

  • Mô tả

    Luân chuyển sanh tử bao kiếp dài lâu

    Hết thảy các pháp môn được nói trong giáo pháp cả một đời của đức Như Lai tuy Đại - Tiểu bất đồng, Quyền - Thật đều khác, nhưng không pháp nào chẳng nhằm làm cho chúng sanh đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, phô bày trọn vẹn cái họ sẵn có, thành ngay vào Phật đạo đó thôi! Nhưng vì chúng sanh căn cơ bất nhất, khiến cho đức Như Lai phải tùy thuận cơ nghi, lập ra đủ mọi cách thuyết pháp Thiên - Viên - Đốn - Tiệm. Nhưng chúng sanh luân chuyển sanh tử bao kiếp dài lâu, Hoặc nghiệp sâu dầy ngăn lấp diệu minh, nếu không phải là người túc căn thành thục lại muốn ngay trong một đời này hoàn thành thì thật là hiếm có mấy ai.