Nghi các tinh tấn, cầu tâm sở nguyện. Vô đắc nghi hối, tự vi quá cữu, sanh bỉ biên địa, thất bảo thành trung, ư ngũ bách tuế thọ chư ách dã. Di Lặc bạch ngôn: - Thọ Phật minh hối, chuyên tinh tu học, như giáo phụng hành, bất cảm hữu nghi.
Ai nấy hãy nên tinh tấn, tâm nguyện cầu, chẳng được nghi hối, tự tạo thành ương họa: Sanh vào biên địa của cõi ấy, ở nơi thành thất bảo, trong năm trăm năm chịu các tai ách.
Di Lặc bạch rằng: - Tuân lời giảng dạy tường tận của Phật, chuyên ròng, siêng năng tu học. Phụng hành đúng như lời dạy, chẳng dám có nghi.
Giải:
Thế Tôn rủ lòng Từ đã khuyên đại chúng nên yêu thích cầu sanh Cực Lạc, lại khuyên chúng sanh nên bỏ nghi hoặc để khỏi sanh trong biên địa. Ðấy là điểm thứ tư trong lời khai thị của Phật. Kinh dạy: “Nghi các tinh tấn, cầu tâm sở nguyện” nghĩa là: Chúng sanh phải thành kính chuyên tu, nhất tâm đạt tịnh nghiệp. “Vô đắc nghi hối, tự vi quá cữu” (Chẳng được ngờ vực, hối hận, tự tạo thành ương họa).
Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương giảng chữ “hối” (悔) như sau: “Hối là nghĩ ngược lại”, tức là nghĩ trái lại rồi đâm ra thụt lùi. “Quá cữu”: Quá (過) là tội, Cữu (咎) là ác, là tai họa. Ý Phật khuyên chúng sanh chớ nên nghi hoặc để tự tạo ra tai ương cho chính mình ngõ hầu khỏi phải “sanh bỉ biên địa... thọ chư ách dã” (sanh vào biên địa của cõi ấy… chịu các ách nạn).
“Biên địa” còn gọi là “nghi thành” hay Giải Mạn Quốc. Sách Tịnh Ðộ Lược Luận viết: “Trong năm trăm năm thường chẳng thấy nghe Tam Bảo và cõi An Lạc thì gọi là Biên Địa hoặc là Thai Sanh”.
“Ách” (厄) là nạn. Gia Tường Sớ ghi: “Ở đây, trước hết răn dạy phải đoạn nghi hoặc, dạy rõ: Hoài nghi sẽ sanh trong Biên Địa, chẳng được gặp Phật, suốt cả năm trăm năm hoa chẳng nở. Hoa chẳng nở thì chẳng thể đến mười phương cúng dường chư Phật”.
Sách Hội Sớ nói: “Trước sau chẳng lui sụt thì gọi là tinh tấn. ‘Cầu tâm sở nguyện’ là nguyện cầu vãng sanh. ‘Nghi hoặc’ là chẳng hiểu rõ Phật trí. “Hối” là ác tác: Trước tin, sau ngờ, đối với lòng tin hiểu khi trước sanh lòng hối hận, nửa đường bỏ lửng. ‘Tự tạo quá cữu’ là dẫu ‘bỉ quốc vô nghịch vi’ (nước ấy chẳng trái nghịch) mà tự cam lòng sanh trong biên địa. ‘Chư ách’ là chẳng thấy Tam Bảo, chẳng nghe kinh pháp”. Lời giải thích của Hội Sớ rất tường tận.
Đối với vấn nạn Biên Địa có thuộc vào ba bậc vãng sanh hay không, sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao đã bàn rất tỉ mỉ. Sách viết:
“Các kinh nói chẳng giống nhau. Theo như Giác kinh (tức bản Hán dịch) và Ðại A Di Ðà kinh (tức bản Ngô dịch), Biên Địa thuộc vào trung bối và hạ bối (Ý nói: Cả trung bối lẫn hạ bối đều có Biên Địa); còn kinh này (chỉ bản Ngụy dịch) chẳng những không giống như thế mà lại còn dạy khác đi. Bởi thế, các Sư cũng hiểu khác nhau.
Chẳng hạn như ngài Ðàm Loan, ngài Nguyên Hiểu, ngài Pháp Trụ, ngài Như Trạm… đều cho rằng Biên Địa chẳng thuộc trong tam bối.
Ngài Nghĩa Tịch, ngài Cảnh Hưng, ngài Long Hưng, ngài Nhân Nhạc… lại nghĩ Biên Địa gộp trong các bối.
Mỗi vị căn cứ vào một khía cạnh nên các ý kiến ấy chẳng trái nghịch nhau. Nhưng kinh này là bản phiên dịch chính và đại sư Ðàm Loan lại là cao tổ của Tông ta nên nay phải thuận theo ý Ngài, tức là như Ngài đã viết trong sách Lược Luận: ‘Lại có một thứ vãng sanh cõi An Lạc chẳng thuộc vào trong ba bậc’.
Phàm ba bậc đều là do tín tâm vãng sanh; ấy chính là điều nên khuyên bảo. Biên Địa là do tâm nghi mà vãng sanh; ấy chính là điều phải răn dè. Tin, ngờ, khuyên, răn khác nào như trời với đất, lửa với nước, làm sao dung được nhau!”
Lời luận của sách rất hay: Người đầy đủ tín tâm thì thuộc vào ba bậc vãng sanh, kẻ ôm lòng nghi thì rớt vào Biên Địa. Do hai tâm chẳng đồng, tất nhiên chỗ sanh về phải khác. Bởi đó, trong hội bản này, ngoài ba bậc vãng sanh ra, kinh dạy rõ về “biên địa nghi thành”. Trong phẩm bốn mươi ở phần sau sẽ giảng rõ điều này.
Ngài Di Lặc lãnh thọ lời Phật nên hướng về Phật bạch rằng: “Thọ Phật minh hối” (Vâng lãnh lời dạy rõ ràng của Phật). “Minh” tức là trí huệ, hoàn bị, rõ ràng, khai phát. “Minh hối” (明誨) tức là lời răn dạy có tác dụng khiến cho đại trí được hiển lộ, khai phát, là lời dạy minh bạch, hoàn bị. “Chuyên” (専) là chuyên nhất, “tinh” (精) là tinh tấn (trong phần chánh kinh, chữ “chuyên tinh” được dịch ý là chuyên ròng, siêng năng). “Tu” (修) là tu hành, “học” (學) là học đạo. Kinh Pháp Hoa dạy:
“Tiệm tiệm tập học, tất đương thành Phật” (Tu học dần dần, ắt sẽ đều thành Phật).
“Như giáo phụng hành” (Phụng hành đúng như lời dạy): Ngài Di Lặc lãnh thọ lời Phật giáo huấn, quyết định tuân hành. Câu “bất cảm hữu nghi” (chẳng dám có nghi) ngụ ý khuyên chúng sanh vâng lãnh lời Phật, dứt bỏ lòng ngờ. Nghi là căn nguyên phát sanh muôn mối lầm lạc nên phải đoạn nghi.
Ảnh minh họa: Một chút cảnh giới Tây Phương Cực Lạc
Sách Hội Sớ nói: “Trước sau chẳng lui sụt thì gọi là tinh tấn. ‘Cầu tâm sở nguyện’ là nguyện cầu vãng sanh. ‘Nghi hoặc’ là chẳng hiểu rõ Phật trí. “Hối” là ác tác: Trước tin, sau ngờ, đối với lòng tin hiểu khi trước sanh lòng hối hận, nửa đường bỏ lửng. ‘Tự tạo quá cữu’ là dẫu ‘bỉ quốc vô nghịch vi’ (nước ấy chẳng trái nghịch) mà tự cam lòng sanh trong biên địa. ‘Chư ách’ là chẳng thấy Tam Bảo, chẳng nghe kinh pháp”.
Rõ ràng chúng ta thấy, trong tu tập, tinh tấn chẳng phải là chỉ nói về mặt hành [sự], chăm chỉ, chẳng lui sụt, mà còn về mặt Tâm [lý] nữa, cũng phải kiên cố, bất động [chẳng dao động] mới được. Đó mới thật sự là tinh tấn.
Câu: "Lời luận của sách rất hay: Người đầy đủ tín tâm thì thuộc vào ba bậc vãng sanh, kẻ ôm lòng nghi thì rớt vào Biên Địa". Vậy đầy đủ tín tâm này là tín tâm cái gì? Nói một cách ngắn gọn, cô đọng, đó chính là tín tâm vào chuyện vãng sanh của mình [nhờ hành trì pháp Niệm Phật]. Và có thể xa hơn một bước, dùng lòng tin đó để khuyến tấn, khuyên bảo người khác [cùng tin tưởng mà hành trì để cùng được đại lợi ích vãng sanh]. Bước tiếp theo này thì tùy nhân duyên, tùy phận tùy lực, không cưỡng cầu, miễn là một đời này thành tựu đạo nghiệp giải thoát, vãng sanh về Tây, liễu thoát sanh tử, từ đây tu thành Phật đạo, tùy nguyện hóa độ chúng sanh. Như thế đã là viên mãn đạo nghiệp của một cuộc đời này.
Phật tổng kết dạy rằng: "Tâm nghi hoặc tổn thất rất lớn, mất lợi ích lớn đối với Bồ Tát. Nên phải tin tưởng minh bạch vô thượng trí huệ của Phật". Tin tưởng trí huệ của Phật là tin tưởng điều gì? Đó chính là tin vào Tha Lực đại đạo tiếp độ chúng sanh của Phật, tức Di Đà Bổn Nguyện. Thật sự, nếu ai có lòng chân thật cầu nguyện sanh về quốc độ của Ngài, [tâm tin tưởng] nương vào Đại Bi Tha Lực Tiếp Độ của Ngài [Nguyện lực], niệm danh hiệu của Ngài, hành trì vững chắc một đời như thế, lúc mãn phần không một ai không được Phật rước.
Chú Giải Kinh Vô Lượng
Phẩm 34. Tâm Đắc Khai Minh
Ngài Hoàng Niệm Tổ