Vọng tưởng chấp trước là rác bẩn!
“Vui vẻ không buồn lo, gọi là Phật.” Trước đây khi còn ở Học Viện Y Học, chúng tôi đã từng thảo luận qua câu này. Có một vị đồng học bảo: “Điều này không có gì kỳ diệu đặc biệt! Tôi cũng làm được. Tôi bây giờ vui vẻ không lo buồn, vậy hiện tại tức là Phật rồi! ” Mọi người nghe xong đều phì cười! Có một sinh viên lớp trên liền trả lời: “Ngày mai giáo sư cho anh rớt, lại bị bạn gái bỏ rơi, thử xem anh còn vui vẻ không lo buồn được nữa không! Hay đến chừng đó mặt mày anh ủ dột, oán trời trách người!”
Mọi người ai nấy đều cười! Anh bạn học đó cũng cười bảo: “Quả đúng như vậy! Cái Phật này của tôi rất ngắn ngủi! Một ông Phật bong bóng nước, không biết sẽ vỡ lúc nào!”
Thực ra, Phật vốn nói với chúng ta: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể giác ngộ và vui vẻ không lo buồn. Nhưng trong tâm chúng ta đầy dẫy những vọng tưởng chấp trước. Vì vậy, mỗi ngày mình đều bị phiền não, chướng ngại và những tư tưởng lăng xăng dẫn dắt, khiến chúng ta không thể sống vui vẻ, an lạc. Do đó, sức mạnh và tiềm năng Phật tánh cũng không sao phát huy ra được. Thực ra, chúng ta ai cũng có thể quyết định: Buông bỏ những vọng tưởng chấp trước như đổ bỏ rác bẩn, để tận hưởng bản tánh thanh tịnh tự tại. Đây là điều mà không ai có thể ngăn chúng ta. Nhưng lạ lùng thay chúng ta cứ thích “chiếm hữu”! Chính là sự chiếm hữu đau khổ! Chúng ta ôm chặt lấy đau khổ, cam chịu với nó mà không sao thoát ra được.
Mất đi phân dơ, được nhẹ nhàng.
Một hôm, tôi nói với một người bạn: “Chị nghĩ xem, đi vệ sinh là được hay mất?”
Cô ấy nghe xong cười lớn bảo: “Tôi đã sống và đi vệ sinh bốn mươi năm, thế mà vẫn chưa nghĩ đến vấn đề này!” Rồi cô ấy suy nghĩ một chút, lại bảo: “À, có lẽ là được, mà cũng có nghĩa là mất. ”
Tôi liền hỏi: “Chị được cái gì và mất cái gì?”
Cô nói: “Đơn giản là mất đi phân hôi thối, và được nhẹ nhàng dễ chịu!”
Tôi lại hỏi: “Phân có được kể là cái của chị hay không?”
Chị lại cười và bảo: “Vấn đề này thực tức cười! Nếu bạn bảo nó không phải là cái của mình, thì nó từng ở trong bụng, do ruột của mình gia công tạo ra. Còn như bảo nó là cái của mình, tại sao nó lại không thể ở mãi trong bụng? Lại cũng không ai muốn giữ, mà phải bỏ nó ra ngoài.”
Chúng ta thử suy nghĩ phân dơ từ đâu đến? Chúng ta phải cực khổ bôn ba kiếm tiền, lại cũng cực khổ mua đồ nấu ăn. Ăn xong cũng phải cực khổ tiêu hoá ra “kết quả” như vậy. Nhưng chúng ta không thể giữ lấy nó, phải bỏ ra mới được. Nếu không bài tiết ra ngoài mà giữ lại trong bụng sẽ rất nặng nề, khó chịu, vừa đau lại vừa khổ! Phải giải quyết xong thì mới dễ chịu!
Tu hành như bài tiết phân dơ, buông bỏ phiền não, được thư thới.
Trong quá trình tu học Phật Pháp, tôi chỉ được kể là có chút duyên với Phật mà thôi, không có tu hành bao nhiêu. Nhưng một chút kinh nghiệm này, khiến tôi cảm thấy tu hành như bài tiết phân dơ, xả bỏ những rác bẩn phiền não làm chướng ngại trong tâm, để được nhẹ nhàng, thư thới. Nếu chúng ta biết tiết kiệm sức lực và tinh thần tiêu tốn trong những vọng tưởng lăng xăng, thì thể lực của mình sẽ khá hơn rất nhiều. Còn như phân dơ trong bụng nếu không bài tiết ra ngoài, thì dùng bất cứ thuốc nào cũng không dễ chịu. Cũng vậy, rác bẩn phiền não làm chướng ngại trong tâm nếu không thực sự giải quyết được, thì niệm Phật sẽ không đắc lực, không được nhẹ nhàng, thư thới. Kinh Hoa Nghiêm có nói:
“Tâm khéo an trú: không gì bằng,
Ý thường thanh tịnh: niềm vui lớn”.
Phật dạy Tâm khéo an trú, Ý thường thanh tịnh
Trích Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư
Pháp Sư Đạo Chứng