Thư trả lời cư sĩ Lưu Nguyên Nhân
Muốn cầu siêu cho cha mẹ được vãng sanh Tây Phương, hãy nên suất lãnh người nhà, thân thuộc cùng niệm Phật hiệu thì mới là chân thật tu trì. Quán Thế Âm Kinh, Tâm Kinh công đức chẳng thể nghĩ bàn, nhưng cần phải hồi hướng công đức ấy cho cha mẹ. Pháp môn Niệm Phật là pháp môn thường tu suốt đời, nhưng sao sau khi mẹ qua đời lại ngược ngạo chẳng chú trọng đến pháp tu này? Ông đã làm khách trọ tại thành Hàng Châu đã lâu, sao trọn chẳng biết có thể niệm Phật để cầu siêu cho cha mẹ vãng sanh Tây Phương vậy? Người biết Phật pháp chẳng nói đến kinh của Đạo giáo. Vì sao vậy? Do kinh của Đạo giáo là pháp để cầu phước báo nhân thiên, trọn chẳng phải là pháp liễu sanh thoát tử.
Vẫn chẳng tốt bằng chính mình chí thành niệm Phật
Còn như ông nói niệm kinh còn thiếu phương pháp thay đổi hơi thở [để giữ được nhịp] là vì ông vốn chẳng biết quy củ niệm kinh. Niệm kinh chính là cứ một mực mà niệm, trọn chẳng cần tới cách thay đổi hơi thở đặc biệt [để niệm], cứ thuận theo hơi thở ra vào, sao lại đến nỗi hụt hơi? Nhưng cậy người bình thường thiếu đạo tâm niệm kinh, dẫu cho kẻ ấy niệm từ đầu đến cuối hoàn toàn chẳng sót một chữ nào thì công đức vẫn rất hữu hạn, vẫn chẳng tốt bằng chính mình chí thành niệm Phật. Ngay như thỉnh Tăng [đến tụng niệm] vẫn là bày vẽ phô trương, niệm Phật vẫn tốt hơn.
Trước hết nhiễu niệm, kế đó ngồi niệm, rồi quỳ niệm danh hiệu ba vị Bồ Tát
Chương trình niệm Phật thì trước hết tụng một biến A Di Đà Kinh, rồi niệm ba biến chú Vãng Sanh, hoặc bảy biến, hay hai mươi mốt biến, tiếp đến niệm kệ tán Phật. Rồi niệm Phật, trước hết nhiễu niệm, kế đó ngồi niệm, rồi quỳ niệm danh hiệu ba vị Bồ Tát. Tiếp đấy, niệm bài văn phát nguyện, rồi niệm Tam Quy Y xong, lễ Phật ba lạy, lui ra. Đây là pháp tắc lễ niệm cho lần thứ nhất; lần kế tiếp chiếu theo đây cũng được; hoặc chẳng niệm kinh Di Đà, chú Vãng Sanh, chỉ đốt hương lễ Phật xong liền niệm kệ tán Phật, sau đấy đều niệm giống như lần đầu. Nếu không biết, hãy nên hỏi cư sĩ Niệm Phật sẽ tự biết rõ. Ông muốn cho cha mẹ đạt được lợi ích chân thật, hãy nên nghe theo lời tôi!
Thư trả lời cư sĩ Ngô Quế Thu
Cần phải chú trọng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành...
Pháp danh được viết riêng trong một tờ giấy khác. Đã biết Đồng Thiện Xã vô ích có hại, hãy nên triệt để vứt bỏ tất cả những học thuyết, công phu [của bọn chúng], nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Cần phải chú trọng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều ấy để tự hành, lại còn khuyên cha mẹ, anh em, các quyến thuộc và những người cùng hàng trong xóm giềng làng nước đều cùng tu Tịnh nghiệp. Hiện nay khoa học phát minh đủ mọi cách khéo léo để giết người chẳng thể kể xiết! Nếu chẳng sanh Tây Phương, đời sau lại làm người, so với lúc này sẽ càng khổ sở hơn gấp trăm lần!
Lời văn trong Văn Sao tuy vụng về, chất phác, nhưng nghĩa vốn lấy từ các kinh luận Tịnh Độ. Đọc Văn Sao rồi đọc các kinh luận Tịnh Độ sẽ đều được hướng dẫn thuận dòng, thế như chẻ tre vậy. Chớ nên xen tạp ý kiến nhà Thiền vào đấy! Hễ bị xen tạp thì Thiền cũng chẳng phải là Thiền, mà Tịnh cũng không ra Tịnh, hai môn đều bị phá, vô ích cả đôi bề! (Ngày Hai Mươi Bốn tháng Bảy năm Dân Quốc 26 - 1937)
Thư trả lời cư sĩ Đường Thụy Nham (thư thứ nhất)
Trì danh niệm Phật lại thêm lắng tai nghe kỹ là ổn thỏa, thích đáng nhất
Đối với chữ Niệm (念) trong Niệm Phật (念佛), muôn phần chớ nên thêm chữ Khẩu (口), có rất nhiều người viết là Niệm (唸), đánh mất ý nghĩa đến tột cùng! Một pháp Trì Danh Niệm Phật lợi khắp ba căn, còn Quán Tượng, Quán Tưởng thì chỉ có người thấu hiểu pháp môn tâm địa mới tu tập được. Nếu không, chắc sẽ đến nỗi khởi lên các ma sự. Trì danh niệm Phật lại thêm lắng tai nghe kỹ là ổn thỏa, thích đáng nhất. Bất luận thượng - trung - hạ căn đều có lợi ích, đều không bị khuyết điểm. Ông thích niệm kinh Kim Cang, hãy nên đem công đức ấy hồi hướng vãng sanh thì đấy chính là Trợ Hạnh cho Tịnh Độ. Nhưng Tịnh Độ Ngũ Kinh công đức cũng chẳng kém gì kinh Kim Cang. Đối với những kinh sách đã gởi, hãy nên đọc kỹ lời Tựa do Quang viết, sẽ có thể hiểu rõ được ý nghĩa chánh yếu. Tiếp đó, lắng lòng cung kính đọc thì sẽ đích thân đạt được vô biên lợi ích (Ngày mồng Sáu tháng Bảy)
Ảnh minh họa: "Này các Tỷ-kheo, người hiền phụng dưỡng cha mẹ là một phong tục tối cổ" (Kinh Tiểu Bộ)
Thư đầu, đoạn đầu: Muốn cầu siêu cho cha mẹ được vãng sanh Tây Phương, hãy nên suất lãnh người nhà, thân thuộc cùng niệm Phật hiệu thì mới là chân thật tu trì.
Cái này thì tất cả chúng ta chắc đều đã rõ. Khi cha mẹ, hay người thân quá vãng, dù đã được vãng sanh hay chưa được vãng sanh thì ngoài các công việc hậu sự này kia ra thì cần phải ra sức hành trì dụng công hồi hướng cho hương linh cha mẹ, nếu đã vãng sanh thì được tăng trưởng phẩm vị, nếu chưa vãng sanh thì nhờ công đức chí thành niệm Phật, hồi hướng Tây Phương này cũng có thể giúp cha mẹ đã quá vãng được liễu thoát sanh tử, vãng sanh Cực Lạc, đặc biệt là trong vòng 49 ngày sau khi mất. Như vậy liệu hương linh cha mẹ có thể vãng sanh được hay không [nếu chưa vãng sanh]? Thật ra nếu cha mẹ chưa vãng sanh thì trong vòng 49 ngày thần thức ở dạng thân trung ấm, như thế rất cần công đức tu trì hồi hướng của người thân để nếu tốt nhất thì được Phật rước siêu sanh Tịnh Độ, còn thấp hơn thì được siêu thoát về cảnh giới an lành, tránh vào ba đường ác đạo. Còn như liệu có chắc giúp cha mẹ vãng sanh hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bởi một khi đã mất thân người, đang ở dạng thân trung ấm, thật ra thì cũng là một dạng cảnh giới của chúng sanh thôi, nhưng lúc này thật sự đang bị nghiệp lực chi phối rất nhiều rồi nên không dễ gì phát khởi lên được Tín tâm chân thật để mà niệm Phật cầu sanh Cực Lạc [theo người thân] cho được, nên việc được Phật tiếp dẫn vãng sanh sẽ trở nên khó khăn, hiếm hoi hơn nhiều, trừ phi dạng vốn có túc căn sâu dày cộng với sự chí thành của con cái thì có thể phát khởi được Tín tâm chân thật, niệm Phật Phật rước, vào thẳng Chánh quốc luôn. Lúc này có cái là không bị cái thân trói buộc nữa nên hễ có đủ Tín Nguyện tâm chân thật, niệm Phật là Phật rước ngay, bất cứ lúc nào, không phải đợi thọ mạng hết này kia như người sống. Đây là nói chung cho dạng này [thân trung ấm] cũng như các cảnh giới vô hình khác của chúng sanh vậy.
Đoạn tiếp: Chương trình niệm Phật thì trước hết tụng một biến A Di Đà Kinh, rồi niệm ba biến chú Vãng Sanh, hoặc bảy biến, hay hai mươi mốt biến, tiếp đến niệm kệ tán Phật. Rồi niệm Phật, trước hết nhiễu niệm, kế đó ngồi niệm, rồi quỳ niệm danh hiệu ba vị Bồ Tát...
Đây là một thời khóa tu trì mà Chư Tổ nêu ra để tham khảo, còn thì tùy nhân duyên hoàn cảnh mỗi người mỗi nhà. Nếu có tụng Kinh thì tụng một thời Kinh, sau đó lễ Phật, nhiễu Phật, đọc kệ Tán Phật, rồi ngồi niệm Phật [Địa Chung], rồi quỳ lạy ba vị Bồ Tát: Quán Âm, Đại Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát, tiếp đó đọc phát nguyện hồi hướng, đọc Tam Quy Y, rồi lễ Phật ba lễ, lui ra. Nói chung là về hình thức thì tùy hoàn cảnh nhân duyên mỗi nơi, mỗi đạo tràng, mỗi nhà vậy, không nhất thiết phải giống như nhau.
Trong thư tiếp theo, đoạn: Cần phải chú trọng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều ấy để tự hành, lại còn khuyên cha mẹ, anh em, các quyến thuộc...
Trong thời cuộc hiện nay thì những điều này thực sự cần thiết đối với hành giả Tịnh Độ, đặc biệt với giới trẻ và trung niên, những người còn đủ sức khỏe để gánh vác bổn phận, nhiệm vụ đối với từng cá nhân. Trong tu học chúng ta chẳng thể đùn đẩy trách nhiệm cho người khác được đâu, chỉ là đừng nên tham đắm hay sa đà vào những thứ thuộc phước báu thế gian như ngũ dục [tài sắc danh thực thùy], lục trần [sắc thanh hương...], chứ còn sống trong cõi trần này, đặc biệt đối với hàng cư sĩ tại gia, ở tuổi còn trẻ hay trung niên, tức còn phải mang nhiều trọng trách phải gánh vác lắm, không thể buông xuôi tất cả được. Ví dụ, phận làm con phải hiếu dưỡng cha mẹ, từ những Pháp thế gian như miếng ăn giấc ngủ, sức khỏe tinh thần, đến Pháp xuất thế như Pháp tu trì, cầu sanh Cực Lạc..., tất cả đều phải tậm tâm tận sức mà làm hay cùng làm, chẳng thể đùn đẩy phó mặc cho người khác, hay dạng làm qua loa cho xong chuyện, chẳng thể như thế được. Bởi đây là những việc rất trọng đại của cả một đời người [cho cả mình và người thân] nếu làm cho qua loa chiếu lệ thì kết quả đạt được cũng thế thôi [qua quýt cho xong một đời], rồi đến lược mình cũng như thế thôi, cũng chỉ là qua loa chiếu lệ... Cho nên các Ngài dạy cần phải cạn lòng thành, tận lòng kính là vậy. Đời đạo phải dung thông, tương trợ, chẳng thể phế bỏ một thứ chỉ dành cho cái còn lại, đặc biệt với hàng cư sĩ, tại gia. Bởi thực tế là chúng ta vẫn còn phải mang cái xác phàm này, vẫn còn ở cõi trần này, tức vẫn còn phải cần cái ăn cái mặc, vẫn còn vai trò trách nhiệm trong đó, chưa thể rũ sạch được, chỉ là đừng tham đắm, đừng dính mắc sâu nặng mà 'quên cả lối về', như thế mới thật là nguy hiểm.
Thật sự là với Pháp môn này không nhất thiết là chúng ta phải buông bỏ tất cả để mà tu trì đâu, bởi về cảnh giới, công phu hành trì không đòi hỏi gì cao siêu cả, nên không cần phải 'ép xác' dụng công hay vạn duyên buông xuống, trừ phi đang ở giai đoạn cuối cuộc đời như đang lâm bệnh hiểm nghèo hoặc giả tuổi đời đã cao v.v... Chứ còn dạng đang trẻ, khỏe mà cố 'ép xác' để dụng công thì hoặc chỉ được một thời gian rồi bỏ cuộc thay đổi, hoặc giả càng ra sức dụng công càng mất Tín tâm và phát sanh... ngã mạn. Vì sao vậy? Bởi một khi cố gằng dụng công nhiều nhưng lại chưa được gì cả, rồi nhìn những người dụng công ít hơn hay mức độ công phu thấp hơn lại nói rằng 'chắc chắn vãng sanh', như thế thì làm sao không 'bực mình' cho được, hay làm sao tin cho được, rằng ta dụng công tu tập, làm công đức này kia như thế [còn chẳng ăn thua] huống hồ mấy người tu trì như vậy mà nói chắc được Phật rước chăng, đúng là đại vọng ngữ, rồi sanh tâm 'khó chịu' vô cùng! Bởi thế, những người thiếu Tín tâm nghe những hành giả Tín tâm chân thật nói không cách gì 'nghe vô' được, rất bực bội khó chịu là khác. Bởi thế mặc dù tu Tịnh Độ nhưng theo đường lối Tự lực, như gầy dựng công phu, tâm tánh... lại rất dễ phát sanh 'ngã mạn', tức hay so sánh hơn kém này kia theo kiểu Pháp thế gian, Pháp tự lực, bởi họ cho rằng đó mới là yếu tố quyết định thành bại. Bởi họ đâu biết rằng thành bại nó được quyết định ở chổ khác chứ hoàn toàn không phải ở các yếu tố đó. Nếu họ nhận ra điều này, chắc chắn cái 'ngã' họ tự nhiên 'tiêu mất', lúc đó thì Tín tâm mới thực sự có cơ hội 'trỗi dậy' vậy. Chứ một khi còn chấp nhiều vào các yếu tố tự lực, cái ngã còn quá lớn, tình chấp còn sâu nặng thì thôi, chịu, không cách gì phát khởi lên được. Bởi vậy, đây là điều Phật, Tổ các Ngài đã nói rất rõ trong Kinh, luận. Cho nên tu học quan trọng nhất vẫn là phải đi cho đúng đường, đây mới là yếu tố quyết định vậy, những cái khác đều không quan trọng bằng.
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc và học tập, sẽ có nhiều lợi ích.
Văn Sao Tam Biên, quyển 2
Đại Sư Ấn Quang
Như Hòa chuyển ngữ