Thư trả lời cư sĩ Châu Trí Trinh
Một pháp giản lược
Sao ông chẳng biết sự vụ? Cứ không có chuyện gì lại bới ra chuyện, sai Thừa Tuân hai lượt sang đất Hỗ (Thượng Hải) để hỏi về chuyện thọ giới. Hơn nữa, Văn Sao, Gia Ngôn Lục tuy sâu, nhưng chẳng lẽ hoàn toàn không biết, lại cứ muốn Quang khai thị cho ông những pháp thiển cận ư? Thiển cận thì đã có Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú Giải, há lẽ nào chẳng hiểu được lý ư? Quang chẳng ngại giảng cho ông một pháp giản lược. Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm Tông, cần phải thật sự vì liễu sanh thoát tử để phát đại Bồ Đề tâm “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”, dùng lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha để niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Do vậy, Triệt Ngộ thiền sư nói: “Thật vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”. Mười sáu chữ ấy là cương tông lớn lao của pháp môn Niệm Phật. Đấy chính là yếu quyết giản tiện nhất.
Hơn nữa, khi niệm, ắt phải tâm, miệng, tai từng câu từng chữ rành rẽ phân minh: Niệm cho rõ ràng, nghe cho rõ ràng, tâm tự chẳng tán loạn. Tâm còn phải thường giữ chánh niệm, chẳng để cho hết thảy những ý niệm tham -sân - si đủ mọi thứ bất chánh chớm sanh. Nếu chúng ngẫu nhiên sanh khởi liền dùng Phật hiệu để chế ngự khiến cho chúng bị tiêu diệt.
Muốn được lợi ích nơi Phật pháp sẽ khó thể đạt được lắm!
Cha ông và ông đều cùng quy y, Thừa Tuân hai phen đến gặp, chỉ thấy khẽ vòng tay. Dẫu cho vái chào một cái thật sâu cũng chẳng chịu làm! Như vậy thì chẳng những khinh Tăng mà còn là khinh cha. Gặp thầy của cha, đến hỏi Phật pháp chẳng chịu tỏ lộ ý muốn cung kính chút nào, mà muốn được lợi ích nơi Phật pháp sẽ khó thể đạt được lắm! Quang đã quyết định ẩn giấu tung tích, nhưng muốn lợi người nên chẳng ngại nói với ông! (Mồng Chín tháng Tư, viết dưới đèn)
Thư trả lời cư sĩ Trần Vị Ân
[Nền tảng gốc rễ] Phật pháp vốn chẳng khác gì với Nho giáo
Vừa nhận được thư của Cung Tông Nguyên cho biết ông muốn quy y. Tôi muốn viết thư cho Tông Nguyên, nhưng do Tông Nguyên là pháp danh, chẳng nhớ tên thật, lại không có địa chỉ, sợ thư chẳng dễ giao được. Lại sợ ông ta ở Vô Tích, nên gởi thư trực tiếp cho ông. Cần biết rằng: Phật pháp vốn chẳng khác gì với Nho giáo. Phàm là đệ tử Phật ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Muốn nương theo Phật pháp để liễu sanh tử thì phải hành trọn luân thường thế gian để trở thành người hiền, người lành. Nếu không, dẫu học Phật pháp cũng khó được lợi ích chân thật vì đã thiếu căn bản sẽ khó thể hoàn toàn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp.
Cần biết rằng: Phật pháp là pháp chung cho hết thảy chúng sanh, không một ai chẳng nên tu, mà cũng không có một ai chẳng thể tu được. Bọn Lý Học dùng đủ mọi lời lẽ sai lầm để báng bổ Phật pháp; đấy là những lời lẽ mê tâm trái lý, chứ không phải là những lời bàn luận hết mực công chánh. Họ bảo Phật pháp dùng nhân quả luân hồi để làm căn cứ gạt gẫm ngu phu ngu phụ, đấy là những chuyện bịa đặt không căn cứ, chứ thật ra không có chuyện ấy. Do vậy, bọn chúng đã khơi ra đầu mối khiến cho thiên hạ đời sau trọn chẳng kiêng sợ, ồ ạt [làm càn] cho tới nay bèn biến hiện thành những cảnh tượng thê thảm: phế kinh điển, phế luân thường, chôn vùi lòng Nhân, chôn vùi đạo đức. Học thuyết lầm người cùng cực đến thế!
Cực lực đề xướng nhân quả báo ứng, chí thành niệm Phật, Bồ Tát
Nay phải nên cực lực đề xướng nhân quả báo ứng để mong vãn hồi phong tục suy đồi, nhất là phải nên chí thành niệm Phật, niệm Quán Thế Âm để mong khi sống thì tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng thiện căn, lúc mất cậy vào Phật từ lực, vãng sanh Tây Phương. Lại còn dùng những điều này để trong là khuyên cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ, dâu, con cái, ngoài là khuyên xóm giềng, làng nước, thân thích, bằng hữu để hết thảy mọi người đều cùng được gội Phật ân. Dùng công đức ấy để làm tư lương vãng sanh cho ta, ắt sẽ mau lên Thượng Phẩm.
Lấy Phật pháp làm cái gốc chủ yếu
Nay đặt pháp danh cho ông là Tông Pháp. Tông (宗) là chủ, là tột bậc. Nghĩa là lấy Phật pháp làm cái gốc chủ yếu để hành trọn vẹn luân thường thế gian ngõ hầu siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nếu có các sách Tịnh Độ thì tốt lắm. Nếu không, cứ chiếu theo danh sách mà thỉnh từ Hoằng Hóa Xã để đọc thì nguyên do của pháp môn và các pháp tu trì sẽ đều hiểu rõ ràng. Quang già rồi, mục lực, tinh thần, công phu đều chẳng đủ, chớ nên thường gởi thư đến. Chịu lắng lòng đọc Văn Sao, Gia Ngôn Lục, Tịnh Độ Thập Yếu, Phật Học Cứu Kiếp Biên, Chánh Tín Lục thì không cần phải gởi thư hỏi han. Nếu không chú ý, tuy hằng ngày viết thư thưa hỏi vẫn vô ích! Hơn nữa, Một Lá Thư Gởi Khắp quả thật là bài viết đáng cho hết thảy mọi người trân trọng gìn giữ để tu trì. Văn chương tuy chẳng hay, nhưng nghĩa đầy đủ mọi lẽ, càng phải nên hành theo đó (Ngày Mười Hai tháng Ba năm Dân Quốc 22 - 1933)
Ảnh minh họa: Vua Diêm La Vương phán xử công tội.
Thư đầu, đoạn: Quang chẳng ngại giảng cho ông một pháp giản lược. Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm Tông, cần phải thật sự vì liễu sanh thoát tử để phát đại Bồ Đề tâm “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”...
Pháp môn Tịnh Độ lấy Tín Nguyện Niệm Phật làm Tông chỉ tông yếu, tức trước hết phải giác ngộ "thật sự vì liễu sanh thoát tử" cái đã. Mà muốn giác ngộ được điều này thì phải hiểu được sanh tử luân hồi nó khủng khiếp như thế nào, chúng ta đã vô lượng kiếp đến nay trôi lăn trong vòng sanh tử này rồi, kể từ lúc nào? Dạ vâng, đây là câu hỏi lớn đặt ra cho tất cả chúng ta, rằng chúng sanh nói chung vốn xuất phát từ đâu? Tức điểm khởi đầu của chúng sanh là từ đâu, lúc nào? Có ý kiến rằng 'chúng sanh vốn dĩ là Phật', tức chúng sanh vốn từ cõi... Niết Bàn, nhưng do một ý niệm lầm lạc ban đầu rồi cứ tiếp nối tiếp tục lầm lạc mãi, trôi lăn mãi trong Pháp giới, như vậy liệu có đúng chăng? Hoặc giả có tư tưởng lại cho rằng chúng sanh vốn do Thượng Đế sanh ra? Vậy Thượng Đế là ai? Rồi ai sanh ra Thượng Đế v.v... Nói chung quy lại thì tất cả đó đều không chính xác cả nhé! Mà câu trả lời ở đây đó là sao? Dạ, chúng sanh vốn dĩ chỉ là... chúng sanh thôi, chẳng có gì khác cả, chẳng có gì sanh ra mà cũng chẳng có gì khởi đầu cả, vốn trước giờ là như vậy, chỉ là biến chuyển luân hồi qua các cảnh giới khác nhau mà thôi. Chứ chẳng phải thấy chúng sanh đều có tự tánh làm Phật rồi nói chúng sanh vốn dĩ trước kia là Phật đâu nhé, mà thật ra tự tánh làm Phật chỉ là một thuộc tính của chúng sanh thôi, không có chúng sanh nào không có thuộc tánh này cả, và Phật chính là chúng sanh đã qua quá trình tu tập đã hoàn toàn hiển lộ đầy đủ tánh đức của thuộc tánh này. Bởi vậy nên mới nói chúng sanh và Phật cùng có tự tánh làm Phật như nhau không hai không khác, duy chỉ khác nhau mức độ hiển lộ mà thôi. Cho nên, không phải cái gì cũng có 'điểm đầu' rồi điểm 'kết thúc' cả đâu. Thế gian này [kiến thức, khoa học ở đây] cứ là chấp vào tư tưởng mọi sự mọi việc đều phải có khởi đầu, kết thúc, đó là tư tưởng hạn hẹp của thế gian. Cho nên những gì Kinh Phật nói thì ta tin, còn thế gian 'nói' thì ta cần phải xét kỹ lại nhé. Sẵn đây nói thêm, vậy vũ trụ vốn sinh ra từ đâu? Từ vụ Nổ Lớn [Big Bang] chăng? Dạ cũng chẳng phải luôn, vũ trụ vốn là... vũ trụ, chỉ là có biến đổi co giản không ngừng gì đó thôi, chứ chẳng phải do cái gì sanh ra cả, chẳng phải từ vụ nổ lớn hay nổ bé gì cả, chỉ là vũ trụ luôn co giản biến chuyển không ngừng thôi, có thể là theo những chu kỳ nào đó, hết co lại giản, hết giản lại co..., giống tuổi thọ con người ở đây vậy, cứ hết kiếp tăng lại kiếp giảm, hết giảm lại tăng, cứ tuần hoàn như vậy mãi...
Trở lại vấn đề, rằng chúng ta đã mãi trôi lăn trong vòng tuần hoàn sanh tử này từ vô thỉ đến nay rồi, chưa một lần thoát ra được, chắc chắn là như thế, bởi nếu chỉ dẫu một lần được thoát ra khỏi Ngục tù Tam giới này thôi thì sẽ vĩnh viễn không phải trở lại đó nữa, còn một khi còn trong đây là chứng tỏ chưa một lần ra khỏi vậy. Bởi vậy chúng ta mới nhận thấy được tầm quan trọng của việc thoát ly khỏi sanh tử là như thế nào? Và nếu tu theo lối tự lực thì sẽ khó khăn ra sao? Bởi nếu dễ dàng thì chúng ta đã có thể thoát ra từ lâu rồi chứ đâu còn ngồi đây, đúng không? Đây là chúng ta còn được thân người còn đỡ, chứ còn hằng ha sa số chúng sanh đang kêu gào trong Địa Ngục, tầng tầng lớp lớp ở dưới đó, vô lượng vô biên chúng sanh đang chịu hành hình ở dưới đó. Rồi hằng sa chúng sanh nơi cõi Ngạ Quỷ, đói khát, vất vưởng, kéo dài hàng ngàn, hàng vạn năm, không có nhân duyên nào để thoát ra được cả. Rồi tiếp đến là súc sanh, chúng ta thấy số lượng nhiều hay ít, trên bờ, dưới nước, trên không... Rồi các cảnh giới phía trên nữa, trời người, a tu la, mặc dù có vui có khổ nhưng chung quy vẫn là chưa thoát ra khỏi cái vòng 'kim cô' này được, hết thăng lên rồi lại đọa xuống, mà càng xuống dưới đáy thì lại càng đông đúc, chi chít ra vậy. Bởi vậy, đời này được thân người, được gặp Pháp môn Tịnh Độ, chúng ta phải nắm bắt, không để vuột khỏi cơ hội này. Một lòng một dạ "thật vì [sợ] sanh tử mà phát đại bồ đề tâm". Đại Bồ Đề tâm ở đây là gì? Như các Ngài nói đó là “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”, cụ thể với hành giả Tịnh Độ đó chính là cầu sanh về Cực Lạc để “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh”. Nói một cách rõ ràng hơn, Đại Bồ Đề tâm [hay Vô thượng Bồ Đề tâm] đó chính là Tín Nguyện tâm, rằng Tin sâu Nguyện thiết, rồi dùng tâm lực này trì danh hiệu Phật, đó chính là Tông chỉ Pháp môn, được Ngài Triệt Ngộ thiền sư đúc kết ra và các Chư Tổ Sư khác đều xiểng dương, tán thán, hoằng truyền, rằng “Thật vì sanh tử phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”. "Bồ Đề tâm" ở đây phải hiểu là Đại Bồ Đề tâm, tức Vô Thượng Bồ Đề tâm, chứ không chỉ là Bồ Đề tâm thông thường của thế gian, tức là phải cầu cho đạt được rốt ráo viên mãn thành Phật Đạo và cứu độ khắp chúng sanh, chứ không phải hạn cuộc trong những lợi ích chúng sanh này kia thông thường thế gian hay chỉ mong đạt thoát lìa sanh tử không thôi [tức đắc Thánh quả A La Hán]. Dĩ nhiên một khi phát tâm Vô thượng Bồ Đề thì đương nhiên phải có tâm Bồ Đề 'lớn nhỏ' thông thường gì đó trong đó chứ không phải không có, bởi chỉ cầu cái lớn mà cái nhỏ chẳng làm được thì thành ra trái nghịch, không chân thật. Cho nên các Ngài luôn nói là phải "tận hết bổn phận [tức từ thân đến sơ mới hợp lẽ], giữ vẹn luân thường đạo lý [tức giữ gìn giới luật, rồi cha từ con hiếu, anh nhường em kính, chồng xướng vợ theo, hiếu đễ trung tín...], rồi đoạn ác tu thiện, kiêng giết, phóng sanh, ăn chay v.v... Nói chung đây đều là những Bồ Đề tâm thế gian cần phải có, bởi có nhỏ rồi mới có lớn, không nhiều thì ít, không thể thiếu, như thế mới không bị trái nghịch [với Đại Bồ Đề tâm]. Cho nên, đọc Kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy đều là "Phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà".
Bởi như đã từng nói nhiều lần đó là, với riêng Pháp môn này thì rất cần cái 'tới hạn', cái gì cũng phải cho 'tới hạn' luôn mới được, chứ kiểu nửa chừng không ăn thua đâu. Cũng vậy, ở đây đã phát tâm Bồ Đề thì cũng phải 'tới hạn', Vô Thượng Bồ Đề, cầu thì phải cầu thành Phật quả, độ thì phải độ khắp chúng sanh, không có giới hạn nào cả. Rồi Tín tâm cũng vậy, phải tới hạn "chí tâm tin ưa", bất sanh nghi hoặc mới được, còn không thì phải công phu tới hạn, Nhất tâm bất loạn, liệu phàm phu chúng ta có làm nổi hay không? Còn nếu cả hai không được gì cả thì chỉ còn trông mong vào Pháp Biên Địa mà thôi, mà điều này thì chắc chắn phải nương cậy vào Pháp Hộ Niệm rồi, bởi một khi Tín Nguyện tâm không đủ hay công phu không tới thì lúc lâm chung nguy hiểm lắm, không thể nói trước được gì cả, nó giống như ngày ba mười tháng chạp vậy, chủ nợ ùn ùn kéo đến, nếu không được Phật lực che chở thì căng lắm. Chứ không phải nghĩ rằng tôi đây cả đời tu tập, ăn chay niệm Phật, làm các việc thiện lớn nhỏ, rồi cố gắng giữ tâm 'thanh tịnh' này kia thì cuối đời hay lúc lâm chung luôn được an ổn, có thể tự chủ được tất cả... Hoặc giả tin tưởng rằng tôi đây đã đi Hộ Niệm cho nhiều ca vãng sanh thành công, hay làm Phật sự, trợ duyên thù thắng này kia, đảm bảo cuối đời ta sẽ tỉnh táo, rồi sẽ được người trợ duyên, hộ niệm lại, rồi niệm được câu Phật hiệu đến cuối cùng. Dạ không dám chắc thế đâu ạ, nghiệp lực chúng sanh thì không thể 'nói trước' được điều gì đâu, bởi nghiệp lực [lúc đó] là do nhiều đời nhiều kiếp nó 'dồn' lại thế chứ đâu phải chỉ kể trong một đời này không đâu! Cho nên, nếu như cái niềm tin đó [tức tin mình lúc cuối được an ổn, có thể làm chủ, có thể giữ được chánh niệm hay được hộ niệm này kia] được đổi lại thành Tín tâm đối với Di Đà Bổn Nguyện thì hay biết mấy, tức tin chắc rằng niệm Phật đây đến cuối đời sẽ được Phật rước [do dựa vào chỗ chứng cứ "nãi chí thập niệm"], nếu quả thật đặt niềm tin chân thật mà 'đúng chỗ' như thế, rồi chân thật hành trì thì thật sự cuối đời Phật sẽ rước 'sạch sẽ' luôn. Thật sự là như vậy!
Các đoạn còn lại chúng ta cùng học tập sẽ có thêm nhiều lợi ích thiết thực trên bước đường tu học.
Văn Sao Tam Biên, quyển 1
Đại Sư Ấn Quang
Như Hòa chuyển ngữ