Cầu siêu cho cha mẹ, chỉ mong họ được vãng sanh
Người tu Tịnh nghiệp lấy lòng tin chân thành, nguyện thiết tha làm gốc. Nếu niệm đến mức nhất tâm bất loạn thì rất tốt. Chớ nên nghĩ rằng “chưa đạt được nhất tâm bất loạn sẽ chẳng thể vãng sanh!” Nếu thường giữ ý tưởng ấy, đắc [nhất tâm] thì được. Nếu không đắc thì do thường giữ ý nghĩ “chẳng được vãng sanh” nên chẳng tương ứng với Phật! (Đây là căn bệnh lớn “biến khéo thành vụng”). Cầu siêu cho cha mẹ, chỉ mong [cha mẹ] được vãng sanh Tây Phương, sao lại hỏi “sẽ đọa lạc trong đường nào?” Ý ấy dường như tốt đẹp, nhưng quả thật đã gây ra chướng ngại, vì thần thức của con người bị nghiệp chuyển. Ông dùng tâm chí thành niệm Phật cho mẹ, do cậy vào Phật lực nên mẹ liền được vãng sanh. Hỏi chỗ đọa lạc tức là nghĩ [mẹ] chưa được vãng sanh! Ông đã đọc Văn Sao, Thập Yếu, cố nhiên chẳng cần xin Quang khai thị nữa! Con người hiện thời thường chuộng hư danh, chẳng tu thật hạnh, đấy là một chướng ngại lớn cho sự học đạo. Nếu chẳng làm giả thì mỗi một giọt mưa sẽ là một giọt thấm; hễ làm giả sẽ như ăn cơm trong mộng, vô ích cho cái bụng rỗng! (Ngày Hai Mươi Ba tháng Bảy năm Dân Quốc 26 - 1937)
(Trích Thư trả lời cư sĩ Hà Hy Tịnh)
Thờ phụng, cúng giỗ ông bà tổ tiên, việc thế gian này nên trọn vẹn.
Ngoài ra, con cháu còn phải giúp thần thức các cụ được vãng sanh.
Đừng nghĩ rằng việc này chẳng thể! Giữa tổ tiên ông bà thân quyến và con cháu có sự câu thông, cộng nghiệp rất lớn, họ chưa thực sự giác ngộ, thì chúng ta 'chí thành' giúp họ. Thật sự tin tưởng, ắt có kết quả. Tự lợi lợi tha.
“Trọn hết bổn phận”
Gần đây các tai nạn chiến tranh, giặc giã nối tiếp nhau xảy ra, căn bản là do gia đình thiếu giáo dục mà nên nỗi! Người học Phật ai nấy ắt phải trọn hết bổn phận. Nói “trọn hết bổn phận” chính là phải chăm chú “cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành”. Tám sự này mỗi một người đều có đủ. Trên có cha mẹ thì là mang bổn phận làm con. Dưới có con cái thì là mang bổn phận làm cha. Tự mình dùng người thì mang bổn phận làm chủ. Làm việc cho người khác tức là mang bổn phận tớ. Những chức phận khác đều có thể làm trọn, chỉ có mỗi chức phận cha mẹ là khó thể trọn hết được! Thật ra, trọn hết [chức phận làm cha mẹ] không khó, chỉ vì cả cõi đời không ai đề xướng, mọi người chỉ biết nuông chiều [con cái] mà chẳng biết giáo dục, đến nỗi nuôi [con cái] thành phường bại hoại, tàn sát lẫn nhau, khiến cho nước chẳng ra nước, dân chẳng thành dân.
Nói đến giáo dục thì từ lúc trẻ nhỏ bắt đầu hiểu biết liền nói với nó về nhân quả báo ứng và đạo lý làm người, ắt phải làm sao cho tâm nó biết sợ ác báo, hâm mộ thiện báo, sẽ chẳng đến nỗi phạm thượng, chẳng chịu làm theo lời dạy. Lúc bé đã như thế, tập quen thành tánh, dưỡng thành thiên tư lương thiện. Đó gọi là Dục (育). Dục là dưỡng. Nếu chẳng biết điều này thì sẽ dưỡng thành tánh chất hung ác, nhẹ thì ngỗ nghịch bất hiếu, nặng thì giết cha giết mẹ. Xét đến nguồn cội, đều là do cha mẹ chúng chẳng chịu dạy dỗ từ thuở nhỏ mà ra.
Tôi thường nói: “Công đức lớn nhất trong thế gian không gì bằng khéo dạy dỗ con cái. Tội lỗi lớn nhất trong thế gian không gì bằng chẳng dạy dỗ con cái. Ai nấy đều khéo dạy dỗ con cái thì thiên hạ tự nhiên thái bình. Ai nấy chẳng dạy bảo con cái thì thiên hạ chắc chắn tang tóc, loạn lạc”. Vì vậy nói: “Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm”. Lời này cả cõi đời không ai nói, nên tôi nói đại lược với các ông. Đối với chuyện ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương thì đã có trong các sách được gởi đến. Quang đã bảy mươi chín tuổi rồi, sáng chẳng đảm bảo được tối. Từ nay chớ nên gởi thư đến nữa, cũng đừng giới thiệu ai khác đến quy y vì không có mục lực, tinh thần để thù tiếp vậy! (Ngày Hai Mươi Tám tháng Giêng năm Dân Quốc 28 - 1939)
(Thư trả lời cư sĩ Trương Bội Phân Mộ Lan)
Rộng tuyên lưu ấn phẩm khuyến thiện, Tịnh Độ
Nhận được lá thư trước và món tiền sáu trăm đồng, liền gởi thư phúc đáp ngay. Đem một trăm đồng cậy người bạn giao cho Kim Lăng Lưu Thông Xứ. Ông ta có gởi thư cho ông, chắc đã nhận được rồi. Mấy hôm gần đây lại nhận được ba trăm bốn mươi bốn đồng, Văn Sao, An Sĩ [Toàn Thư], Gia Ngôn, Bảo Giám, bốn loại sách và bưu phí đều đã thanh toán xong xuôi. Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú, Cảm Ứng Thiên Trực Giảng, chẳng bao lâu nữa sẽ được gởi đến. Lại còn có sách Học Phật Thiển Thuyết khá thích hợp sơ cơ, năm nay tôi cho in hai lần, mỗi lần hai vạn cuốn. Lại tính cho in [sách ấy] với khổ chữ Tam Hiệu Tự cho to hơn. Trong năm nay hoặc vào tháng Giêng năm tới sẽ in xong. Nếu ông cần, xin báo cho biết.
Thêm nữa, lần sau nếu chuyển tiền xin hãy gởi qua Giao Thông Ngân Hàng. Giao Thông Ngân Hàng nhận được thư, liền giao thư và tiền cùng một lúc, khá thuận tiện! Trung Quốc Ngân Hàng nhận được thư bèn gởi thư và phiếu giao tiền đến trước, yêu cầu ký tên xác nhận, lại còn phải có ngân hàng khác bảo đảm. Ý họ làm ra vẻ thận trọng, nhưng sự thật là muốn kéo dài thời gian để kiếm tiền lời, đáng ghét tới cùng cực! Cố nhiên Quang không bị trở ngại gì, nhưng những người yếu thế không được bảo chứng như thế sẽ bị họ chèn ép không ít. Thủ đoạn mượn tiếng thận trọng ấy để đặc biệt kéo dài thời gian đúng là tệ ác đến cùng cực. Nếu [ở chỗ ông] không có [chi nhánh ngân hàng] Giao Thông thì dùng ngân hàng Trung Quốc cũng được. Nếu không, chẳng cần phải nhờ họ chuyển tiền. (Ngày Mười Bốn tháng Mười năm Dân Quốc 17 - 1928, viết dưới đèn)
(Trích Thư trả lời cư sĩ Vương Chiếu Ly)
Đại Sư Ấn Quang