Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, quốc vô phụ nữ. Nhược hữu nữ nhân, văn ngã danh tự, đắc thanh tịnh tín, phát Bồ Đề tâm, yếm hoạn nữ thân, nguyện sanh ngã quốc, mạng chung tức hóa nam tử, lai ngã sát độ. Thập phương thế giới chư chúng sanh loại, sanh ngã quốc giả, giai ư thất bảo trì liên hoa trung hóa sanh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, nước không có phụ nữ. Nếu có nữ nhân nghe danh hiệu tôi sanh lòng tin thanh tịnh, phát Bồ Ðề tâm, chán ngán thân nữ, nguyện sanh cõi tôi, chết đi liền hóa thành nam tử sanh về cõi tôi. Các loài chúng sanh trong mười phương thế giới sanh về cõi tôi đều hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện hai mươi hai: Nước không nữ nhân; nguyện hai mươi ba: Chán thân nữ, chuyển thân nam; nguyện hai mươi bốn: Liên hoa hóa sanh)
Giải:
Chương này gồm ba nguyện: Nguyện hai mươi hai “nước không nữ nhân” (trích từ bản Ngô dịch); câu “nhược hữu nữ nhân… mạng chung tức hóa nam tử lai ngã sát độ” (nếu có nữ nhân... mạng chung sẽ hóa thành nam tử, sanh về cõi tôi) là nguyện thứ hai mươi ba “chán thân nữ, chuyển thành thân nam”, còn gọi là nguyện “nữ nhân vãng sanh”; nguyện hai mươi bốn là “liên hoa hóa sanh” (trích từ bản Ngô dịch).
Bản Ngô dịch chép nguyện “nước không nữ nhân” như sau: “Linh ngã quốc trung, vô hữu phụ nữ” (Khiến cho trong nước ta không có phụ nữ). Trong bản Hán dịch, phần kinh văn thuật về sự thành tựu của lời thệ nguyện có ghi: “Nữ nhân vãng sanh giả, tắc hóa sanh, giai tác nam tử” (Nữ nhân vãng sanh thì đều hóa sanh, biến thành nam tử). Kinh còn nói: “Kỳ quốc trung tất chư Bồ Tát, A La Hán, vô hữu phụ nữ” (Trong nước ấy, đều là Bồ Tát, A La Hán, không có phụ nữ).
Hơn nữa, ngài Ðạo Tuyên luật sư đời Ðường còn dẫn kinh như sau: “Thập phương thế giới, hữu nữ nhân xứ, tức hữu địa ngục” (Mười phương thế giới chỗ nào có nữ nhân, chỗ đó có địa ngục). Nay Cực Lạc không có ba ác đạo, ắt hẳn chẳng có phụ nữ, thuần là người đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu. Ðó là vì giữa nam nữ dễ sanh tình ái, trở thành duyên thoái chuyển. Vì vậy, cõi đồng cư Cực Lạc thù thắng hơn Sa Bà nhiều.
Trong Quán Niệm Pháp Môn, Thiện Ðạo đại sư giải thích về nguyện thứ hai mươi ba “nhàm chán thân nữ, chuyển thành thân nam” như sau: “Ấy là do sức bổn nguyện của Phật Di Ðà nên nếu nữ nhân xưng danh hiệu Phật thì ngay trong lúc lâm chung liền chuyển thân nữ trở thành nam tử. Di Ðà dắt tay, Bồ Tát nâng thân, đặt ngồi trên hoa sen báu theo Phật vãng sanh” và: “Hết thảy nữ nhân nếu chẳng nhờ sức danh hiệu của Phật Di Ðà thì trong ngàn kiếp, vạn kiếp, kiếp số như cát sông Hằng, trọn chẳng thể đổi được thân nữ”.
Ngay như Phật Thích Ca lúc còn tu nhân còn phải mất cả một đại kiếp tu hành siêng năng mới dần dà thoát khỏi thân nữ, đủ thấy nữ chuyển thành thân nam thật chẳng dễ dàng. Nay do nghe danh hiệu Phật “đắc thanh tịnh tín” (sanh lòng tin thanh tịnh - thanh tịnh là lìa khỏi các lầm lỗi ác hạnh, không phiền não cấu nhiễm. Lòng tin không cấu nhiễm gọi là lòng tin thanh tịnh). Do lòng tin thanh tịnh mà phát Bồ Ðề tâm, nhàm chán thân nữ, nguyện sanh Cực Lạc, tin sâu, nguyện thiết thì ắt khởi thắng hạnh niệm Phật, được bổn nguyện của Phật gia hộ, nên lúc lâm chung liền chuyển nữ thành nam, vãng sanh Cực Lạc. Ðó là nguyện “nhàm chán thân nữ, chuyển thành thân nam”.
Nguyện thứ hai mươi bốn là liên hoa hóa sanh: “Sanh ngã quốc giả, giai ư thất bảo trì liên hoa trung hóa sanh” (Sanh trong cõi ta đều hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu). Phẩm mười bốn trong kinh đây chép: “Nhược hữu chúng sanh minh tín Phật trí, nãi chí thắng trí, đoạn trừ nghi hoặc, tín kỷ thiện căn, tác chư công đức, chí tâm hồi hướng, giai ư thất bảo hoa trung tự nhiên hóa sanh, già phu nhi tọa. Tu du chi khoảnh, thân tướng, quang minh, trí huệ, công đức như chư Bồ Tát, cụ túc thành tựu” (Nếu có chúng sanh tin rõ Phật trí cho đến thắng trí, đoạn trừ nghi hoặc, tin vào thiện căn của chính mình, tạo các công đức, chí tâm hồi hướng thì tự nhiên hóa sanh, ngồi xếp bằng trong hoa bằng bảy báu. Trong khoảnh khắc, được thành tựu đầy đủ thân tướng, quang minh, trí huệ, công đức như các Bồ Tát).
Kinh A Di Ðà Cổ Âm Thanh Vương Ðà Ra Ni cũng dạy: “Tây Phương An Lạc thế giới, kim hiện hữu Phật, hiệu A Di Đà. Nhược hữu tứ chúng, năng chánh thọ trì bỉ Phật danh hiệu, dĩ thử công đức, lâm dục chung thời, A Di Đà Phật tức dữ đại chúng vãng thử nhân sở, linh kỳ đắc kiến. Kiến dĩ, tầm sanh khánh duyệt, bội tăng công đức. Dĩ thị nhân duyên, sở sanh chi xứ, vĩnh ly bào thai uế dục chi hình, thuần xử diệu bảo liên hoa trung tự nhiên hóa sanh, cụ đại thần thông, quang minh hách dịch” (Tây Phương An Lạc thế giới hiện đang có Phật hiệu A Di Ðà. Nếu có tứ chúng có thể thọ trì chân chánh danh hiệu đức Phật ấy thì do công đức đó, lúc sắp chết, A Di Ðà Phật liền cùng đại chúng đến chỗ người ấy cho kẻ ấy được thấy. Thấy rồi, liền sanh lòng mừng rỡ, vui sướng, tăng thêm công đức bội phần. Do nhân duyên ấy, với chỗ sẽ sanh về liền vĩnh viễn thoát khỏi thân uế dục bào thai, thuần tự nhiên hóa sanh trong hoa sen diệu bảo, đủ các đại thần thông, quang minh chói lọi). Hai kinh trên cùng bảo người vãng sanh Cực Lạc đều tự nhiên hóa sanh trong hoa sen, thanh tịnh vô cấu, thần thông, trí huệ, phóng đại quang minh đầy đủ như Bồ Tát. Ðấy là do lời nguyện này nên chứng được như thế. (...)
Ảnh minh họa: "Hình ảnh người Phật tử"
Đoạn Kinh văn này gồm ba Nguyện quan trọng: "Nước không nữ nhân", "Chán thân nữ, chuyển thân nam" và "Liên hoa hóa sanh". Vì sao Phật A Di Đà không chọn cả nữ nhân trong cõi nước của Ngài, mà chỉ có nam nhân vậy? Bởi vì đọc đoạn chú giải trên đó ta sẽ thấy có Ngài nói rằng vì có phụ nữ là có... Địa Ngục. Thật sự thì phàm phu chúng ta chẳng dám lạm bàn chuyện này [là đúng hay không?], nhưng rõ ràng có hai chủng phái sẽ sanh nhiều rắc rối, tạo tội nghiệp [và dĩ nhiên sẽ dẫn tới khổ đau] hơn hẳn nếu chỉ thuần một chủng phái [hoặc thuần nam, hoặc thuần nữ]. Điều này thì rõ ràng chúng ta đều thấy được như vậy cả, không cần bàn luận gì nhiều ở đây.
Thật ra, Nguyện "Nước không có nữ nhân" này là lẽ tất yếu, không thể khác được [ở cõi nước của Ngài]. Vì sao vậy? Đó là vì chúng sanh trong cõi nước Ngài là từ "Liên hoa hóa sanh" nên không cần có nữ nhân nữa, đơn giản chỉ là vậy. Còn việc có thuần một chủng phái chúng sanh [nam nhân] cũng lại là một lẽ tất nhiên nữa, bởi chúng sanh ở đó "Thân không có sai biệt" [Nguyện thứ 5], thế thì làm sao không thuần nhất một chủng phái cho được?! Đó là về lời Nguyện thứ 22 "Nước không nữ nhân".
Nguyện thứ 23: "Chán thân nữ, chuyển thân nam" , đây mới là chỗ chúng ta cần luận bàn nhiều hơn.
"Nếu có nữ nhân nghe danh hiệu tôi sanh lòng tin thanh tịnh, phát Bồ Ðề tâm, chán ngán thân nữ, nguyện sanh cõi tôi, chết đi liền hóa thành nam tử sanh về cõi tôi".
Ở đây chúng ta thấy "nghe danh hiệu tôi sanh lòng tin thanh tịnh" chứ không giống như trong Đại Nguyện thứ 18 "nghe danh hiệu tôi, chí tâm tin ưa". "Lòng tin thanh tịnh" như các Ngài giải thích "thanh tịnh là lìa khỏi các lầm lỗi ác hạnh, không phiền não cấu nhiễm. Lòng tin không cấu nhiễm gọi là lòng tin thanh tịnh". Vậy "lòng tin thanh tịnh" này có giống với "chí tâm tin ưa" không? Chắc chắn là không rồi, chứ nếu giống nhau về ý nghĩa thì Đức Phật ngài dùng một thứ thôi chứ dùng riêng hai cụm từ khác nhau như vậy để làm gì?! Thật ra thì "chí tâm tin ưa" chắc chắn bao hàm có "lòng tin thanh tịnh" trong đó, tức là một khi đã "chí tâm tin ưa" thì chắc chắn có "lòng tin thanh tịnh". Nhưng ngược lại thì không chắc, có "lòng tin thanh tịnh" thì chưa hẳn đã đạt "chí tâm tin ưa". Hay nói cách khác, "lòng tin thanh tịnh" ở một 'tầng lớp' không bằng "chí tâm tin ưa" [dễ đạt được hơn]. Rõ ràng rằng, đây là một yêu cầu quan trọng, không thể thiếu trong lời Nguyện này. Nhưng mấu chốt của vấn đề, tức 'tâm điểm' của lời Nguyện này [giống như chỗ "chí tâm tin ưa" trong Đại Nguyện 18] lại là ở chỗ khác. Đó chính là chỗ "yếm hoạn nữ thân, nguyện sanh ngã quốc" [nhàm chán thân nữ, nguyện sanh cõi tôi]. Chỗ này đương nhân [nữ] phải 'đạt' đến mức 'tới hạn' [chí tâm] thì mới ứng hợp với lời Nguyện này. Tức là nói nôm na theo thế gian đó là đã 'ngấy đến tận cổ', quyết chí phải về [cõi ấy] để đổi thành thân nam tử mới được! [Hết đời này thôi, là phải 'đổi', không thể chờ đợi thêm được nữa!]. Do nương theo 'tâm lực' này mà tu tập hành trì thì chắc chắn đời này được Phật rước, không sảy đi đâu được, thật sự là vậy! Còn nếu chưa 'gầy dựng' đạt được tới 'cảnh giới' đó thì thôi, tốt nhất cứ y theo Đại Nguyện 18 mà rèn luyện cho được 'chí tâm tin ưa' [giống như nam nhân] vậy thôi. Còn nếu 'gầy dựng' được cả hai thì lại càng thù thắng, chúng sẽ tương hỗ lẫn nhau một cách thật đắc lực [mà nam giới nhiều khi không có được!]. Thật ra, trong một số hoàn cảnh trường hợp đặc thù, việc đương nhân hành giả [trong cuộc] đạt được những điều trong Kinh nói [tức là "Y giáo phụng hành"] sẽ dễ dàng hơn những người khác rất nhiều. Thế nên Đức Phật ngài mới phát ra thêm những lời Nguyện tiếp dẫn khác như thế [ngoài Đại Nguyện 18].
Thật sự ngày nay, số lượng nữ nhân phát tâm tu tập luôn áp đảo nam nhân, có thể gấp cả chục lần chứ không ít. Dĩ nhiên như thế thì số lượng thành tựu giải thoát dành cho nữ nhân cũng nhiều hơn hẳn nam nhân, đó là hệ quả tất yếu. Điều này chẳng phải do căn tánh hay gì cả, mà chính là do những yếu tố 'đặc thù' tạo hoàn cảnh, nhân duyên nên khiến nữ nhân tìm đến với Đạo đông hơn, 'quyết chí cầu sanh' đông hơn hẳn nam nhân. Bởi vậy, vô hình chung, lời Nguyện này giúp tương hổ tích cực cho chúng sanh nữ được nhập đạo tu hành và hướng tới thành tựu giải thoát ngay trong đời này nhiều hơn hẳn nam nhân [cùng hướng về Đại Nguyện tiếp dẫn 18].
Các phần còn lại chúng ta cùng đọc và học tập các chú giải của các Ngài về đoạn Kinh văn này.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục)
Ngài Hoàng Niệm Tổ