Cậy vào sức Thập Niệm
Phật pháp sâu rộng, khác nào đại hải. Hạng phàm phu sát đất ai có thể thấu nguồn tột đáy, một hơi nuốt hết cho được? Tuy nhiên, nếu sanh được tâm chánh tín sẽ tự có thể tùy phần tùy sức ai nấy được lợi ích. Ví như Tu La, hương tượng và các loài muỗi mòng uống nước biển cả, loài nào loài nấy đều được no bụng mới thôi. Như Lai xuất thế tùy thuận chúng sanh, vì họ thuyết pháp, khiến ai nấy đều được lợi ích cũng giống như thế. Nhưng chúng sanh thời Mạt nghiệp chướng sâu nặng, thiện căn cạn mỏng, tâm trí hẹp kém, thọ mạng ngắn ngủi. Lại thêm tri thức hiếm hoi, tà ma ngoại đạo tung hoành, nếu tu những pháp môn khác mà muốn cho trong đời này đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử quả thật là chuyện rất khó, hiếm có. Chỉ có một mình pháp Tịnh Độ chuyên cậy vào Phật lực cho nên chẳng cần luận đến đoạn chứng, chỉ dựa vào tín nguyện. Tín nguyện nếu có đủ, dù là phường tội lớn cực ác sắp đọa A Tỳ địa ngục cũng vẫn có thể cậy vào sức Thập Niệm, chóng nhờ vào Phật từ tiếp dẫn vãng sanh.
Không mối nghi nào chẳng cởi gỡ, dù nghĩa nào cũng đều phục
Ôi! Như Lai đại từ phổ độ, chẳng bỏ sót một ai. Chỉ có mỗi pháp này thật là châu đáo, thiết tha nhất. Do vậy, Tây Thiên, Đông Độ, Bồ Tát, tổ sư, cao tăng, đại nho, không ai chẳng dùng pháp này để tự lợi, lợi tha. Tất cả trước thuật cực kỳ rộng lớn, muốn tìm hiểu nguyên ủy nào phải là chuyện dễ dàng. Cư sĩ Vị Ngư Lâm Sư Thượng túc căn sâu dầy, dốc lòng tu Tịnh nghiệp, tận tâm chuyên tinh nghiên cứu đã nhiều năm, muốn hướng dẫn khắp các đồng nhân đều sanh về Tịnh Độ nên trích lấy những nghĩa trọng yếu từ các kinh luận, trước thuật Tịnh Độ, soạn thành tác phẩm, như ghép các miếng da thành áo cừu, như gom hoa làm mật, quả thật thích hợp thời tiết, căn cơ, phô diễn biện tài khéo léo, soạn thành tất cả năm mươi bảy thiên, đặt tên là Tịnh Độ Thích Nghi (cởi gỡ mối nghi về Tịnh Độ). Lời lẽ ngắn gọn nhưng tinh xác, lý sâu nhưng rõ ràng, khiến người đọc không mối nghi nào chẳng cởi gỡ, dù nghĩa nào cũng đều phục. Do đây, chẳng muốn phát sanh lòng tin phát nguyện trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương cũng chẳng thể được!
Tận tâm, chuyên tinh, dốc kiệt lòng thành
Nhưng cư sĩ đã có thể tập hợp một hai câu, một tiết, một đoạn của tiền nhân, rồi lại dựa theo ý của mình kết hợp thành văn, sao không dùng văn của chính mình để phát huy? Ấy là vì muốn cho người đọc biết được những điều vừa nói ấy đều có xuất xứ. Tuy do chính mình soạn tập, nhưng quả thật trích từ kinh, luận, ngữ lục và các trước thuật, là những điều do Phật, Bồ Tát, tổ sư, các thiện tri thức đã nói, gây ảnh hưởng sâu cho người, gây xúc cảm thiết tha cho người, so với việc chuyên dùng lời lẽ của mình để trình bày thật hơn hẳn nhiều lắm. Trộm nghĩ: Thuyết pháp cho bậc thượng trí thì dễ, bởi người trí hiểu được lý, không còn ngờ vực; như ngựa hay thấy bóng roi liền chạy, lúa tốt được mưa ngọt liền sum suê. Vì kẻ hạ ngu thuyết pháp cũng dễ, do tâm kẻ ấy không có thành kiến, tin tưởng hành theo ngay; như chất ngọt có thể trộn được, như lụa trắng dễ nhuốm màu. Chỉ khi nào vì kẻ trung căn thuyết pháp thì quả thật chẳng dễ. Bởi lẽ tri thức của họ phức tạp, lộn xộn, tà - chánh chẳng phân, thường hay dùng phàm tình suy lường thánh trí, dùng tục kiến (kiến giải thế gian) để lãnh hội chân lý. Dù nói đủ mọi thứ hướng dẫn, khơi gợi, họ vẫn cứ hoài nghi hết điều này sang điều khác. Do vậy, phải đặt ra những câu vấn đáp đến hơn năm mươi bảy lần, khiến cho những mối hồ nghi hết sạch, Phật lý được tỏ bày. Người biết tốt - xấu thảy đều tuân hành. Có thể nói là tận tâm, chuyên tinh, dốc kiệt lòng thành, là bậc kiện tướng dẹp sạch nghi hoặc.
Phải dũng mãnh phát đại chí
Nhưng mọi mối nghi đã cởi gỡ, phải dũng mãnh phát đại chí, chỉ giữ mỗi một niệm thì tâm vương do Phật lực sẽ luôn tỉnh giác, giặc cướp phiền não không đất dung thân, muốn chẳng quy hàng cũng không được! Giặc cướp phiền não đã quy thuận sự giáo hóa của Phật thì tuy chưa ra khỏi Sa Bà đã không còn là người khách lâu ngày ở Sa Bà nữa; tuy chưa sanh Cực Lạc nhưng đã là khách quý cõi Cực Lạc. Như thế, trên chẳng cô phụ Phật giáo hóa, dưới chẳng phụ bạc tánh linh của chính mình. Đến cùng tột đời vị lai, cùng với hải hội đại chúng thân cận A Di Đà Phật trong cõi Tịch Quang Tịnh Độ, há chẳng phải là bậc đại trượng phu hùng mãnh ư? Nguyện người thấy nghe đều gắng sức lên.
Ảnh: Tượng Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát
Đoạn đầu: "Chỉ có một mình pháp Tịnh Độ chuyên cậy vào Phật lực cho nên chẳng cần luận đến đoạn chứng, chỉ dựa vào tín nguyện. Tín nguyện nếu có đủ, dù là phường tội lớn cực ác sắp đọa A Tỳ địa ngục cũng vẫn có thể cậy vào sức Thập Niệm, chóng nhờ vào Phật từ tiếp dẫn vãng sanh."
Câu "Chỉ có một mình pháp Tịnh Độ chuyên cậy vào Phật lực cho nên chẳng cần luận đến đoạn chứng, chỉ dựa vào tín nguyện" thì chắc chúng ta đã được nghe nhiều lần rồi, nhưng cũng phải cần nhắc đi nhắc lại suốt để 'hâm nóng' vậy. Thật sự thì Pháp môn này rộng độ khắp chúng sanh, bất luận căn cơ, hoàn cảnh, bất luận công phu, nghiệp chướng, bất luận công đức nhiều ít... nếu chịu nương vào Pháp môn mà tu trì đều có cơ hội được đại lợi ích giải thoát trong đời cả. Bởi thế cho nên mới được Mười phương Chư Phật cùng tán thán, xiển dương, khuyến tu, Thập phương chúng sanh đều [phải] nương nhờ mới mong thành tựu được Đạo quả.
Cái câu sau "Tín nguyện nếu có đủ, dù là phường tội lớn cực ác sắp đọa A Tỳ địa ngục cũng vẫn có thể cậy vào sức Thập Niệm, chóng nhờ vào Phật từ tiếp dẫn vãng sanh" đây mới là chỗ chúng ta cần luận bàn một chút để cùng nhau học tập, sáng tỏ thêm. Ở đây chúng ta thấy chỗ "cậy vào sức Thập Niệm" tức là sao? Dĩ nhiên là mười niệm lâm chung rồi, chính xác là vậy. Nhưng chỉ có vậy thì cần gì phải luận bàn làm gì? Nếu hiểu theo ngữ cảnh riêng câu này [cho "phường tội lớn cực ác sắp đọa A Tỳ địa ngục"] thì đúng nghĩa đen là vậy, những niệm cuối lâm chung. Nhưng nếu xét rộng ra thì đây chính là ý nói: Sức "Thập Niệm ắt vãng sanh", tức Sức Bổn Nguyện (Đại Nguyện thứ 18). Thật vậy, bởi nếu quả thật tất cả các trường hợp, tất cả các căn cơ đều phải "lâm chung niệm được mười niệm" như trường hợp này thì các Ngài phải nói chung cho tổng quát [đều phải như thế] chứ đâu phải là như đây, chỉ nói cho riêng trường hợp này [đến lâm chung mới gặp được Chánh Pháp]. Hay nói cách khác, việc [cố gắng] niệm được mười niệm lúc lâm chung này là miễn bàn [tức là hoặc đương nhiên đạt được, hoặc giả chẳng đạt được cũng không sao cả] đối với tất cả các hạng căn cơ hoàn cảnh khác [tốt hơn hoàn cảnh này]. Vì sao vậy? Vì một khi "Tín Nguyện nếu có đủ" thì "nếu bình thời đã niệm Phật tích lũy công đức thì khi lâm chung dẫu không niệm Phật được vẫn quyết định vãng sanh" [lý này phải tin, chẳng nghi!]. Cho nên chúng ta thấy, Chư Tổ Sư các Ngài đều đồng cùng xiển dương những ý chỉ chánh yếu của Pháp môn, rằng: Hành giả niệm Phật cầu sanh, nhờ nương cậy vào Nguyện Lực của Phật, không ai là không được vãng sanh [đến ngay cả "phường tội lớn cực ác sắp đọa A Tỳ địa ngục cũng chóng nhờ vào Phật từ tiếp dẫn vãng sanh"].
Trong đoạn cuối: "Nhưng mọi mối nghi đã cởi gỡ, phải dũng mãnh phát đại chí, chỉ giữ mỗi một niệm thì tâm vương do Phật lực sẽ luôn tỉnh giác, giặc cướp phiền não không đất dung thân, muốn chẳng quy hàng cũng không được!"
Đại sự [muốn thành tựu] thì phải cần phát đại chí dũng mãnh mới được, tâm lực yếu kém hay nửa vời là không ăn thua đâu! "Chỉ giữ mỗi một niệm thì tâm vương do Phật lực sẽ luôn tỉnh giác...", "một niệm" ở đây nghĩa là gì? Dạ, đó không phải chỉ là nói niệm Phật không thôi mà là chỉ chung cho "Nhất tâm cầu Tịnh Độ" vậy, tức là Tín Nguyện [đầy đủ], Niệm Phật. Được như thế thì tâm ta do "do Phật lực sẽ luôn tỉnh giác, giặc cướp phiền não không đất dung thân, muốn chẳng quy hàng cũng không được!". Đấy là Ngài muốn nói việc dụng công đã thuần thục, phiền não đã được điều phục [chứ không cần phải đoạn]. Đây cũng chính là điều các Ngài mong mỏi nơi mỗi hành giả niệm Phật chúng ta vậy [để đạt được phẩm vị ưu thắng hơn].
Các đoạn khác chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa sách Tịnh Độ Thích Nghi (trích đăng lần 2)
Đại Sư Ấn Quang