Chánh kinh:
Thập phương thế giới chư vãng sanh giả, giai ư thất bảo trì liên hoa trung, tự nhiên hóa sanh, tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể.
Những người từ mười phương thế giới vãng sanh đều tự nhiên hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu, đều thọ thân thanh hư, thể vô cực.
Giải:
Ðoạn này nói đến điểm chính thứ ba trong phẩm này: Người từ mười phương vãng sanh đều hóa sanh trong hoa sen nơi ao báu. Ðây chính là kết quả của nguyện hai mươi bốn: “Liên hoa hóa sanh”.
Ngài Nghĩa Tịnh giảng chữ “tự nhiên” trong câu “tự nhiên hóa sanh” như sau: “Chẳng sanh trưởng từ thai tạng (bào thai) nên là tự nhiên”. Sách Hội Sớ giảng: “Chẳng phải do vọng nghiệp chiêu cảm mà là kết quả tự nhiên của lời Phật nguyện nên bảo là tự nhiên”. Về chữ “hóa sanh” xin xem lại lời giải thích về lời nguyện hai mươi bốn ở phần trước.
Trong câu “thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (thân thanh hư, thể vô cực), hai chữ “thanh hư” trích từ bản Hán dịch và Ngô dịch; bản Ngụy dịch ghi là “hư vô”, nhưng ý nghĩa vẫn tương đồng. Ngài Nghĩa Tịch bảo: “Chẳng do uống ăn mà được khôn lớn nên bảo là hư vô; chẳng già chết, tổn hoại nên bảo là vô cực”. Gia Tường Sớ giảng: “Do thần thông không đâu chẳng đạt đến nên bảo là thể vô cực. Giống như ánh sáng nên bảo là hư vô”. Sách Hội Sớ lại bảo: “Có mà dường như không, thong dong vô ngại nên bảo là thân hư vô; một phen được sanh về thì chẳng hề có lúc dứt mạng nên bảo là thể vô cực”. Ngài Cảnh Hưng nói: “Hư vô, vô cực là không chướng ngại, là hy hữu; phải nên lần lượt hiểu như thế”. Ý nói: Do không chướng ngại nên “hư vô”; do hy hữu nên bảo là “vô cực”. Các lời giải thích của các vị đã bổ trợ ý nghĩa lẫn nhau.
Chánh kinh:
Bất văn tam đồ ác não khổ nạn chi danh, thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ. Đản hữu tự nhiên khoái lạc chi âm. Thị cố bỉ quốc, danh vi Cực Lạc.
Chẳng nghe danh từ tam đồ, phiền não, khổ nạn, [những danh từ ấy] còn chẳng được giải bày ra, huống là thật có; chỉ có âm thanh khoái lạc tự nhiên. Do đó, cõi nước ấy tên là Cực Lạc.
Giải:
Những điều được nói trong đoạn kinh này chính là do nguyện thứ nhất “nước không có ác đạo” và nguyện hai mươi tám “nước không có sự bất thiện” thành tựu. Kinh Tiểu Bổn dạy: “Kỳ Phật quốc độ thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thật” (Cõi nước Phật ấy còn chẳng có cái tên ác đạo, huống là thật có) và: “Kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc” (Chúng sanh trong cõi ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui, nên cõi ấy tên là Cực Lạc). Sách Luận Chú cũng viết: “Vĩnh viễn dứt hết các khổ não nơi thân và tâm; thường hưởng vui không gián đoạn”. Vì thế, kinh dạy: “Đản hữu tự nhiên khoái lạc chi âm. Thị cố bỉ quốc, danh vi Cực Lạc” (Chỉ có âm thanh tự nhiên khoái lạc. Vì thế cõi nước ấy tên là Cực Lạc).
Ảnh minh họa: “Xá Lợi Phất, vì sao cõi đó tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi nước đó không có những sự khổ, chỉ thọ hưởng các điều vui, nên cõi đó tên là Cực Lạc."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Phần tiếp theo trong Phẩm 17, Tuyền Trì Công Đức, đó là Phật nói đến Y báo chúng sanh được sanh ra từ hoa sen Thất bảo "tự nhiên hóa sanh, tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể" [tự nhiên hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu, đều thọ thân thanh hư, thể vô cực]. Chúng sanh được sanh về cõi ấy đã không còn sanh tử nữa, cho nên chỉ là hóa sanh từ hoa sen Thất bảo mà ra, giống như được tự nhiên 'hóa hiện' ra vậy, chẳng giống như ở đây hay các cõi khác trong luân hồi, là do nghiệp lực nên thọ sanh ra, còn ở đây là 'hóa sanh' ra, hai đằng khác biệt hoàn toàn.
Đoạn tiếp theo đó là "Bất văn tam đồ ác não khổ nạn chi danh, thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ" [Chẳng nghe danh từ tam đồ, phiền não, khổ nạn, [những danh từ ấy] còn chẳng được giải bày ra, huống là thật có]. Tức là toàn bộ thân khẩu ý đều chẳng có khổ nữa, nói chung thập nghiệp đều thuần thiện cả, ngũ căn, tam nghiệp đều tiếp xúc sáu trần đều thuần thiện, trợ pháp trợ đạo cả. Chứ như nếu còn nghe tiếng 'khổ' tức còn ý nghĩ đến 'khổ', hay các căn còn tiếp xúc cái khổ, còn đằng này tất cả các căn, các nghiệp đều hoàn toàn 'miễn nhiễm', giải thoát, thanh tịnh. Mà như thế nào? "Đản hữu tự nhiên khoái lạc chi âm" [chỉ có âm thanh khoái lạc tự nhiên], "Thị cố bỉ quốc, danh vi Cực Lạc" [Do đó, cõi nước ấy tên là Cực Lạc]. Cho nên cõi đó cũng có "khoái lạc" nữa nhé, chứ chẳng phải không có chỉ hoàn toàn 'tịnh tâm' không đâu! Chữ Lạc của Cực Lạc có cả "khoái lạc" trong đó nữa, ngoài ra là "an lạc", "hỷ lạc"... nhưng tuyệt nhiên không có 'dục lạc' trong đó đâu nhé, bởi chữ 'dục' chỉ hiện hữu ở những chỗ Dục giới ví dụ như ở cõi chúng ta đây thôi. Bởi vậy, nơi cõi ấy luôn được 'an vui' [an lạc, hoan hỉ] nhưng tuyệt nhiên không có tạo nghiệp bất thiện, mà đó đều là do những ngoại duyên thù thắng trợ duyên trợ hạnh cùng từ nội tâm, pháp hỉ lưu xuất ra. Còn cái 'lạc' ở cõi đây nếu từ Pháp thì tốt [Pháp hỉ, Pháp âm...] hay từ nội tâm an lạc lưu xuất ra mới tốt, giúp tiêu nghiệp, tăng trưởng phước huệ, còn nếu không thì toàn tạo nghiệp, tổn phước cả [tức dục lạc]. Cho nên nói "thiểu dục tri túc' là vậy.
Nói chung những cảnh giới, y báo chánh báo nơi Cực Lạc đều do Đức Phật ngài đã chắt lọc ra từ 210 ức cõi nước Phật khác nhau, đúc kết thành, rồi tu tập kiến tạo cho thành tựu nên như vậy. Bởi vậy nên không thù thắng vượt trỗi [so với các cõi nước khác] mới là lạ! Chúng sanh thập phương được vân tập về chỉ việc 'hưởng' thôi, cũng chẳng cần phải 'nổ lực phấn đấu' hay 'vượt khó' gì cả, thật sự vậy, tất cả đều toàn do nhân duyên, trợ lực xung quanh đưa đẩy, thúc liễm thôi, dẫu có muốn chẳng tiến lên cũng không được, hay dẫu có muốn thụt lùi xuống cũng không có chỗ, cho nên dù nhanh chậm hay giỏi dở gì thì trước sau cũng đưa tới thành tựu rốt ráo viên mãn cả. Chứ không phải như chắc nhiều người nghĩ được vãng sanh về đó rồi là phải tu 'chết bỏ', tu 'nghiêm mật' gì đó, dạ không có chuyện đó đâu ạ, tất cả là tùy thuận tùy ý của hành giả đương nhân thôi, hoàn toàn không có kiểu gò bó hay 'ép xác' gì ở đây cả, mà thế giới ấy luôn sống trong sự 'an vui', 'khoái lạc', Pháp hỉ tràn đầy, rồi lại chuyên làm những việc đại thiện đại ích này kia như mỗi sáng đi cúng dường muôn ức cõi Phật, đến giờ cơm lại trở về quốc độ mình thọ thực, kinh hành, nghe pháp âm...
Cho nên chúng sanh thập phương cần nên vân tập về là như vậy, dĩ nhiên trong đó có cả chúng ta nữa. Mà muốn được về cõi ấy thì phải ra sức tu tập thôi, bởi không thể tự nhiên mà được về được, không có gì tự nhiên mà có hết. Rồi tiếp nữa, muốn tu tập như thế nào thì cứ việc nương giáo pháp của Đức Phật truyền trao lại mà thực hành cho đúng vậy thôi. Riêng với những Pháp môn [tự lực] khác thì có thể có cao thấp hay dở [để mà phán định mức độ thành tựu], còn riêng với Pháp môn này thì cái quan trọng là gì? Đó là cần phải thực hiện cho đúng cái Pháp mà Phật đã truyền trao, tức gọi là 'Y giáo phụng hành', cái này mới quan trọng, mới quyết định, chứ chẳng phải ở sự hay dở hay cao thấp gì cả. Chẳng hạn, dẫu ông có năng lực vượt trội, tức hơn hẳn người bình thường, rồi dụng công hành trì ở mức độ cao siêu hơn người, nhưng như thế cũng chẳng có gì đảm bảo cho chiếc vé về Tây với ông cả. Vì sao như vậy? Bởi đây là Pháp cậy vào Tha Lực của Phật, chứ chẳng phải cậy vào Tự lực như các Pháp thông thường kia, nên dẫu [bản thân] cao siêu thế nào nhưng nếu chẳng cậy được vào Phật lực [tức Phật lực không ứng hiện với ông] thì cũng bằng không, chẳng được gì, may ra lúc cuối chỉ còn nhờ cậy vào cái Pháp cứu vớt để mong được vào Biên Địa thôi. Vậy thì làm sao để cậy được vào Phật lực? Thì như đã nói, vấn đề là phải thực hành cho đúng cái Pháp, chứ chẳng phải cao thấp hay dở gì cả, chỉ cần dụng đúng Pháp thì sẽ 'cậy nhờ' được vào Phật lực ngay, và như thế tất nhiên đảm bảo thành tựu. Còn như dụng không đúng cái Pháp mà Phật đưa ra, chẳng hạn như Phật nói rằng Pháp ta đưa ra thì phải tin tưởng, không được nghi ngờ [cái Pháp đó], nhưng chúng sanh thì lại cứ một mặt cũng ra sức tinh tấn dụng công đấy, nhưng mặt khác thì vẫn là 'bán tín bán nghi' kiểu như: Rằng Phật nói vậy chứ đâu mà dễ dàng vậy [chỗ "nãi chí thập niệm"], hay lại nghĩ chắc là mười niệm này là dành cho lúc lâm chung [cho nó 'khó khó' một chút] chứ đâu lại đơn giản thế, hoặc giả như cho rằng cõi nước ấy trang nghiêm thanh tịnh là thế, rằng 'một tiếng khổ còn không có' rồi xung quanh toàn là hàng Bồ Tát, bậc Thượng thiện nhân cả, trong khi ta đây thân tâm hãy còn ô uế, phiền não nghiệp chướng này kia thế thì làm sao cõi ấy có thể 'dung nạp' ta vào đó cho được, cho nên cần phải thế này, cần phải thế kia nữa, vân vân... Nói chung là muôn trùng, một khi chẳng đủ Tín tâm thì thôi, phát sanh đủ mọi lý do lý trấu cả, chẳng sao kể xiết. Bởi vậy, thành thật mà nói Pháp môn này rất 'sợ' mấy Ngài nói nhiều nói thao thao bất tuyệt, không phải là tất cả, nhưng thật sự phần đông trong đó cứ nói một hồi là 'phải cái này phải cái kia' ngay, làm gì có thể khẳng định "mười niệm tất sanh" [bất kỳ lúc nào] ngay giữa chốn đại chúng đồng tu đông đảo cho nổi, dám đảm bảo luôn, chẳng ai dám cả [hoặc giả rất rất ít người làm được vậy]. Bởi vậy cho nên, sự thật lại thường hay 'mất lòng' [tức chẳng được lòng đại chúng], còn nếu như nương chiều theo họ thì đành đánh mất cái Pháp [thù thắng. cốt yếu nhất], cho nên họ sẽ phải chọn lựa vậy. Còn như với hành giả thông thường chúng ta đây thì đơn giản hơn nhiều, bởi có phải 'đương đầu' với ai đâu mà sợ 'mất lòng' hay 'mất bề' gì, cứ Pháp Phật sao phải hiểu đúng vậy, cứ làm tới, quan trọng là phải bỏ ngoài tai hay không được chạy theo cái 'số đông' kia mới được. Những người can đảm như vậy đảm bảo Phật rước gần hết, số còn lại đó là do thiếu nhẫn nại, bỏ cuộc, hay không giữ được lập trường vậy.
Chúng ta dành chút xíu nói về việc gầy dựng Tín Nguyện. Mà thật ra nói cô đọng lại đó chỉ là làm sao tin cho được Bổn Nguyện, chỉ đơn giản vậy. Ai bằng 'cách thức' nào đó tin được, chẳng nghi Di Đà Bổn Nguyện thế là xong, việc gầy dựng Tín Nguyện đã hoàn thành, giờ là chỉ việc chăm chỉ dụng công hành trì theo tâm lực đó mà thôi, giữ vững mãi như vậy đến cuối đời ắt sẽ được Phật đến tiếp dẫn về. Rồi lại còn có thế tự hành khuyên người, tự lợi lợi tha nữa thì càng tốt, rồi bắt đầu nâng cao dần công tác công phu tu tập, để nâng cao dần cảnh giới, phẩm vị. Cho nên, cũng là gầy dựng công phu, nhưng ở hai tâm thế hoàn toàn khác nhau,một đằng là sống dưới 'áp lực' và lo sợ, bởi nếu nhỡ không ra gì sẽ rớt, còn một đằng đơn thuần chỉ là sở thích sở cầu muốn dốc lòng tu học vì đạo thôi, còn được tới đâu hay tới đó, chẳng quan trọng, chẳng áp lực gì cả. Hai tâm thế hoàn toàn trái ngược nhau, và quan trọng là cái kết rất có thể cũng như thế đấy. Cho nên, xin đừng xem thường cái Pháp có vẻ đơn giản này mà bỏ qua hay chẳng thèm tin theo, bởi trông vậy chứ nó 'nhỏ mà có võ' đấy, các Pháp khác có vẻ cao siêu hay làm chúng sanh lo sợ toan tính này kia nhất lại không thể bằng đâu, thật sự không bao giờ có thể sánh được.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 17. Tuyền Trì Công Đức
Ngài Hoàng Niệm Tổ