Thư trả lời cư sĩ Du Huệ Úc
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Nương dựa một câu Phật hiệu
Như nói “gặp phải đại họa, do công hạnh cạn mỏng, không có gì để nắm níu, rất có thể hoảng sợ quẫn trí, đánh mất chánh niệm” thì chỉ nên tin tưởng sâu xa rằng Phật lực, pháp lực, tự tánh công đức lực, sức trì tụng chí thành đều chẳng thể nghĩ bàn. Đừng nói là không có tai họa, dẫu gặp đại họa cũng chẳng đến nỗi quẫn trí, vì có những lực ấy gia bị! Phàm là con người hãy nên hành xử đúng theo địa vị thì chẳng đến nỗi do cảnh ngộ không tốt đẹp mà bị quẫn trí. Phàm những kẻ quẫn trí vì gặp cảnh ngộ không tốt đẹp phần lớn là do không có tín lực sâu xa, lại kèm thêm có ý niệm tiếc nuối cảnh trước, chẳng chịu buông xuống mà ra. Như lúc gặp nạn, chỉ nghĩ cách tránh né, những chuyện khác đều chẳng lo liệu tới, nhất loạt chẳng bận lòng nghĩ đến. Do bận tâm vương vấn chẳng cởi gỡ được nên bị tổn hại vô ích. Do vậy, nói: “Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn, quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên” (Gặp cảnh hoạn nạn sống theo hoạn nạn; không trong hoàn cảnh nào, người quân tử chẳng được tự tại) (Chữ Nhập (入) nên đọc là Như (如), có nghĩa là “đã qua”. Sách Trung Dung ghi là “nhập” nên vẫn ghi theo đúng như sách ấy, chứ thật ra là chữ Như). Chúng ta nương dựa một câu Phật hiệu, càng khổ càng tích cực niệm, quyết chẳng đến nỗi lo “bị quẫn trí không làm gì được!” Nếu thường ôm giữ nỗi sợ ấy, lâu ngày sẽ thành bệnh (tâm bệnh khó trị nhất), chẳng thể không biết [điều này]!
Thư trả lời cư sĩ Tống Huệ Trạm ở Dịch Huyện
(năm Dân Quốc 22 - 1933)
“Tận hiếu”
Phật giáo lấy Hiếu làm gốc, kinh Đại Thừa tỏ rõ [điều này] rất nhiều. Những kinh nói tường tận, rõ ràng nhất là kinh Phật Báo Ân, kinh Địa Tạng, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh Phạm Võng. Một chữ Hiếu [hiểu] theo nghĩa hạn hẹp là thờ cha mẹ; luận theo nghĩa rộng thì phàm những gì thuộc về Lý, về Tâm mà chẳng trái nghịch thì đều gọi là Hiếu. Nếu không, đều là bất hiếu. Người học phải tu [đạo hiếu] hạn hẹp lẫn rộng rãi thì mới có thể gọi là “tận hiếu”. Chúng sanh nhập đạo đều phải xem túc nhân như thế nào. Không riêng gì kẻ si độn khó thể giáo hóa, ngay cả người đại thông minh, đại học vấn nhưng lắm khi không bằng kẻ si độn [vì kẻ si độn] còn gieo được chút thiện căn, chẳng sanh hủy báng! Chúng ta chỉ tùy phận tùy lực khuyên dạy họ. Nếu muốn tất cả mọi người đều tuân theo sự giáo hóa của Phật thì tuyệt đối chẳng có nhân duyên tốt đẹp như vậy đâu! Chỉ có thể tùy duyên tận tâm mà thôi!
“Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”
Giới là căn bản của hết thảy thiện pháp, hãy nên xem Tại Gia Luật Yếu, nhưng kinh văn của giới luật khá nhiều, e khó thể đọc tường tận, nhớ cặn kẽ được! Chỉ cần trong tâm thường giữ tấm lòng “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Phàm khởi tâm động niệm chẳng để cho một niệm bất thiện nẩy mầm, như thế thì các giới đều giữ trọn vẹn được. Nếu chỉ tìm tòi, suy xét trên mặt sự tướng, dù chẳng phạm một giới nào nhưng vẫn chưa thể gọi là người trì tịnh giới được, bởi trong tâm vẫn có tướng phạm giới, khó khăn như thế đó!
Ông Cừ Bá Ngọc đến năm 20 tuổi biết 19 năm trước là sai, đến năm 50 tuổi, biết 49 năm trước sai trái, muốn giảm bớt lỗi nhưng vẫn chưa thể được! Khổng Tử tuổi đã bảy mươi còn mong trời cho sống thêm vài năm để học kinh Dịch hòng tránh khỏi lỗi lớn. Những vị này đều là vì tâm chưa thể hoàn toàn phù hợp khít khao với lẽ trời nên coi là lỗi, chứ không phải việc làm, hành vi của họ còn phạm lỗi. “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện” là nghĩa trọng yếu trong giới kinh của Phật pháp. Người độn căn đời sau phải nên dốc sức nơi đây thì mới có thể khế lý khế cơ.
Lợi mình, lợi người
Lúc lễ Phật nên tưởng như đích thân đối trước Phật làm lễ sẽ tiêu diệt được vô lượng tội, tăng vô lượng phước. Ở mức cao hơn thì nên y theo bài kệ lễ Phật trong sách [Tịnh Độ] Thập Yếu để quán tưởng, lại càng hay hơn! Tâm Bồ Đề là tâm tự lợi, lợi tha. Nguyện sanh Tây Phương phải lấy tâm Bồ Đề làm gốc thì mới mong cao đăng thượng phẩm. Nếu chỉ có tâm nguyện cầu sanh mà không có tâm Bồ Đề thì công đức hèn nhỏ, khó lên được thượng phẩm!
Trả lời thư cư sĩ Trần Trọng Vi
(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Chỉ có cung kính, chí thành mới hoàn toàn đạt được lợi ích thật sự nơi Phật pháp. Ngoài ra, tùy theo lòng thành lớn hay nhỏ mà được lợi ích lớn hay nhỏ. Nếu chỉ phô trương, màu mè giả dối hầu sướng mắt khoái tai người khác thì rất có thể lại mắc tội khinh nhờn. Ông muốn làm việc công đức để cầu siêu cho cha mẹ, thật là có lòng hiếu, sao còn phải hỏi việc ấy có công hiệu hay chăng? Hỏi như vậy cho thấy tín tâm của ông chưa chân thật, thiết tha! Chí thành khẩn thiết niệm Phật, niệm đến cùng cực thì có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, cho đến rốt ráo thành Phật. Huống chi ông dùng cái tâm hiếu vì cha mẹ đã khuất mà niệm lại chẳng có công hiệu ư? Chỉ sợ tâm ông chẳng hết sức chân thành thì cha mẹ ông đạt được lợi ích cũng chẳng cao trỗi lớn lao cho lắm.
Thấy ông vì làm công đức để cầu siêu cho cha mẹ, viết thư hỏi tôi, mà vẫn chưa chịu nhún mình, chỉ kính một cái rồi thôi thì biết tâm vì cha mẹ của ông cũng hời hợt mà thôi! Hãy nên phát tâm chân thật thì mới có thể quyết định cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương!
Ảnh minh họa: "Cung kính"
Văn Sao Tục Biên
Đại Sư Ấn Quang