Lại có kẻ nghĩ lâm chung thập niệm quá dễ dàng nên toan tính đợi lúc lâm chung mới chuyên tu niệm. Sách An Lạc Tập đả phá quan điểm ấy như sau:
“Thập niệm liên tục tựa hồ chẳng khó, nhưng kẻ phàm phu tâm như ngựa hoang, thức quá khỉ vượn, rong ruổi sáu trần chưa từng tạm dừng. Ai nấy phải nên phát lòng tin, tự hạn định tu niệm trước để tích tập thành thói quen cho thiện căn kiên cố như Phật đã bảo đại vương: ‘Nhân tích thiện hạnh, tử vô ác niệm. Như thụ tiên khuynh, khuynh tất tùy dã’ (Người tích hạnh lành, khi chết không có ác niệm. Như cây trước đấy đã nghiêng về hướng nào thì khi đổ sẽ ngã theo phía đó). Một phen đao phong xảy đến, trăm nỗi khổ quấy thân, nếu trước đấy đã chẳng từng quen tu tập thì [lúc ấy] niệm làm sao nổi?
Ai nấy nên cùng với năm ba người cùng chí hướng kết thệ sẵn để lúc lâm chung thay phiên nhau đến giảng giải, vì ta xưng danh hiệu Di Ðà, nguyện sanh cõi An Lạc, tiếng niệm tiếp nối cho thành mười niệm. Ví như ấn sáp ấn xuống đất bùn, ấn dẫu hoại nhưng các đường khắc trên ấn đã in xuống. Lúc mạng này dứt chính là lúc vãng sanh An Lạc quốc. Một khi đã nhập vào Chánh Định Tụ thì còn lo lắng gì. Ai nấy đều nên suy nghĩ cái lợi lớn này, sao còn chưa định sẵn số hạn để niệm đi”.
Sách Di Ðà Yếu Giải cũng nói:
“Nếu lúc bình thời chẳng có công phu bảy ngày thì làm sao lúc lâm chung đạt được mười niệm hay một niệm. Vả lại, kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác trong Hạ Hạ Phẩm đều là do túc nghiệp chín muồi nên lúc lâm chung mới gặp thiện hữu khai ngộ liền tín nguyện. Ðiều này trong muôn trường hợp chưa có được một, há nên cầu may như thế ư?”
Do vậy, ta thấy rằng cảnh giới nhất tâm thật là sâu xa, u huyền. Bởi thế, kinh này đề cao chuyên niệm. Ngẫu Ích đại sư bảo:
“Ðức Phật trong một câu niệm hiện tiền cũng vốn đã siêu tình ly kiến, sao lại còn mất công bàn huyền, luận diệu, chỉ cốt tin cho chắc, giữ cho bền, cứ thẳng thét mà niệm. Suốt ngày đêm hoặc là mười vạn tiếng, hoặc năm vạn, ba vạn làm số nhất định hoặc chẳng định số làm chuẩn. Trọn cả một đời này thề chẳng biến đổi. Nếu chẳng được vãng sanh thì tam thế chư Phật thành ra nói dối hay sao?”
Ngài còn viết:
“Muốn đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn thì cũng chẳng có thuật gì khác. Bước đầu tu tập thì dùng xâu chuỗi để nhớ số cho rành rẽ nhằm ấn định công khóa quyết định chẳng thiếu. Lâu ngày thuần thục chẳng niệm mà tự niệm. Lúc đấy, nhớ số cũng được, chẳng nhớ số cũng được!
Nếu là kẻ sơ tâm mà lại toan nói chỉ ưa học khán thoại đầu, chẳng nên chấp tướng, muốn học viên dung tự tại, thì đó chỉ toàn là kẻ tin chẳng sâu, hành chẳng tận sức vậy”.
Ðạo Xước đại sư cũng dạy: “Nếu người mới học chưa thể phá được tướng thì cứ nương vào tướng mà chuyên chí, không ai chẳng được vãng sanh, đừng nghi ngờ gì!”. Do vậy, kinh này chỉ dùng “Phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm” làm tông.
Kinh này đề cao "chuyên niệm".
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 24. Tam Bối Vãng Sanh
Ngài Hoàng Niệm Tổ