Phục thứ A Nan! Bỉ Phật quốc độ, vô hữu hôn ám, hỏa quang, nhật, nguyệt, tinh diệu, trú dạ chi tượng, diệc vô tuế, nguyệt, kiếp số chi danh, phục vô trụ trước gia thất. Ư nhất thiết xứ, ký vô tiêu thức, danh hiệu, diệc vô thủ xả phân biệt, duy thọ thanh tịnh tối thượng khoái lạc.
Lại này A Nan! Cõi nước Phật ấy chẳng có tối tăm, ánh lửa, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cảnh tượng ngày đêm; cũng không có danh từ năm, tháng, kiếp số, cũng lại chẳng trụ trước nhà cửa. Hết thảy mọi nơi đã chẳng có tiêu thức, danh hiệu, lại cũng chẳng có phân biệt lấy bỏ, chỉ hưởng khoái lạc thanh tịnh tối thượng.
Trong đoạn này, trước hết nói rõ cảnh tướng vô phân biệt; kế đến thuật rõ tâm niệm không phân biệt.
Câu “vô hữu hôn ám, hỏa quang, nhật, nguyệt, tinh diệu, trú dạ chi tượng” (không có tối tăm, ánh lửa, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cảnh tượng ngày đêm) tổng hợp từ năm bản dịch. Hai bản dịch đời Hán và Ngô nói đến mặt trời, mặt trăng, hư không; bản Ngụy dịch chẳng nói rõ là có hay không; bản Ðường dịch và Tống dịch cùng nói chẳng có mặt trời, mặt trăng.
Sách A Di Ðà Sớ Sao bảo: “Nếu nói một cách dung hòa thì tuy có mặt trời, mặt trăng, nhưng bị quang minh của Phật và thánh chúng che lấp nên cũng như chẳng có. Xét về mặt Lý, phải không có mặt trời, mặt trăng mới hợp lẽ. Vì sao vậy? Từ cõi trời Ðao Lợi trở lên đã không cần đến mặt trời, mặt trăng, huống là cõi Cực Lạc?” Theo Liên Trì đại sư, xét về mặt Lý thì phải không có mặt trời, mặt trăng mới đúng. Hội bản đây lấy ý hai bản Ðường dịch và Tống dịch, nói thẳng là chẳng có mặt trời, mặt trăng, thật phù hợp với ý của Liên Trì đại sư: Từ trời Ðao Lợi trở lên, chư thiên còn chẳng cần đến mặt trời, mặt trăng huống hồ là thế giới Cực Lạc ư?
Bản Hán dịch lại ghi: “Vô Lượng Thanh Tịnh Phật đảnh trung quang minh cực đại minh. Kỳ nhật, nguyệt, tinh thần, giai tại hư không trung trụ chỉ, diệc bất phục hồi chuyển vận hành, diệc vô hữu tinh quang. Kỳ minh giai tế bất phục hiện” (Quang minh từ trên đảnh của Vô Lượng Thanh Tịnh Phật (tức là A Di Ðà Phật) sáng chói cùng cực; mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao đều bị ngưng giữa không trung chẳng xoay chuyển vận hành được nữa, cũng chẳng còn có tinh quang. Các quang minh ấy đều bị khuất lấp, chẳng còn hiện). Câu này rất phù hợp với cách nói dung hòa của đại sư Liên Trì, quang minh của mặt trời, mặt trăng cõi ấy bị quang minh của các vị thánh che lấp chẳng hiện được như kinh này đã nói: “Nhật, nguyệt, hỏa, châu giai nặc diệu” (Mặt trời, mặt trăng, lửa, châu đều bị ẩn giấu ánh sáng).
Phẩm Lễ Phật Hiện Quang trong kinh đây cũng nói: “Thanh Văn, Bồ Tát nhất thiết quang minh, tất giai ẩn tế, duy kiến Phật quang, minh diệu hiển hách” (Hết thảy quang minh của Thanh Văn, Bồ Tát đều bị ẩn lấp, chỉ thấy quang minh của Phật sáng ngời rực rỡ). Quang minh của Bồ Tát còn bị phủ lấp, huống là quang minh của mặt trời, mặt trăng, tinh tú v.v…Vì vậy, cõi ấy “vô hữu hôn ám, hỏa quang, nhật, nguyệt, tinh diệu, trú dạ chi tượng” (chẳng có tối tăm, ánh lửa, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cảnh tượng ngày đêm), chỉ luôn sáng chói, chẳng có ngày đêm.
“Diệc vô tuế nguyệt kiếp số chi danh” (Cũng chẳng có danh từ năm, tháng, kiếp số): Trong cõi thế gian này thì phải có năm, tháng, ngày, đêm, kiếp số vì địa cầu, mặt trăng, mặt trời, tinh vân… đều vận hành, tự chuyển hoặc là bị chuyển động (do Thái Dương hệ chứa các tinh tú ấy cũng xoay vần) nên bèn có ngày, đêm, một tháng, một năm, một kiếp v.v… Do đó, năm tháng dần trôi.
Còn theo bản Hán dịch: “Nhật, nguyệt, tinh thần, giai tại hư không trung trụ chỉ, diệc bất phục hồi chuyển vận hành” (Mặt trời, mặt trăng, tinh tú đều ngừng giữa hư không, chẳng còn xoay chuyển vận hành được) thì cõi ấy dẫu có mặt trời, mặt trăng, tinh tú đi nữa nhưng chúng không vận chuyển thì làm sao có ngày đêm sai khác cho được!
Thời gian không biến đổi nên “vô tuế nguyệt kiếp số chi danh” (chẳng có danh từ ngày đêm, năm, tháng, kiếp số). Chỉ do thuận theo các phương khác nên mới bảo là có năm tháng (Ta nên biết rằng: Thời gian sanh từ chuyển động. Xét về cội gốc, chuyển động phát sanh từ ý niệm. Do vọng niệm tiếp nối nên có thời gian. Khoa học cận đại đã thừa nhận thuyết của Ái Nhân Tư Thản (Einstein): Thời gian chỉ là do ảo giác của con người. Thuyết này khá phù hợp với điều ta đang bàn ở đây).
Với ý “phục vô trụ trước gia thất” (lại cũng chẳng trụ trước nhà cửa), các bản dịch cũng chẳng hề nói xác quyết là có nhà cửa hay không. Câu kinh: “Sở cư xá trạch tận cực nghiêm lệ, hoặc tại hư không, hoặc tại bình địa” (Nhà cửa họ ở đều hết sức trang nghiêm, đẹp đẽ hoặc ở trên hư không, hoặc trên mặt đất) trong phẩm Thụ Dụng Cụ Túc ở phần trước đã nói rõ chẳng phải là nhất định không có nhà cửa; chữ “vô” dùng trong đoạn này chỉ có nghĩa là chẳng chấp trước vào tướng nhà cửa.
Hội chúng cõi Cực Lạc nghe toàn âm thanh Vô Ngã nên tâm họ thanh tịnh một cách tương ứng với điều được nghe, không có các phân biệt. Ðã không có Ngã thì làm sao có ý tưởng “nhà cửa của mình”? Vì vậy đối với nhà cửa mình ở chẳng hề chấp trước. Do đó, kinh nói: “Phục vô trụ trước gia thất” (Lại không trụ chấp nhà cửa). Hơn nữa, do Nhân và Ngã đều không, nên mọi thứ cần gì đến “tiêu thức, danh hiệu” (tiêu thức là những biểu tượng nhằm để phân biệt một cá nhân; chẳng hạn như các huy hiệu gia tộc).
Diệu cảnh như vậy chính là do trí và tâm xa lìa “thủ xả phân biệt” (phân biệt lấy bỏ) tạo thành. Tâm tịnh ắt quốc độ tịnh, tâm lìa phân biệt nên cảnh cũng chẳng phân biệt. Tâm ấy, cảnh ấy vốn chẳng phân biệt. Trí và cảnh như một, dứt tuyệt các trần cấu nên bảo: “Duy thọ thanh tịnh tối thượng khoái lạc” (Chỉ hưởng khoái lạc thanh tịnh tối thượng) như kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ nói: “Duy hữu vô lượng thanh tịnh hỷ lạc” (Chỉ có vô lượng hỷ lạc thanh tịnh).
Ảnh: Một số hình ảnh nhật nguyệt, ngày đêm.
"Cõi ấy chẳng có nhật nguyệt, tinh tú, ngày đêm, chẳng có năm tháng, kiếp số...", "mọi nơi không có danh hiệu, tiêu thức...". Cõi này thì mọi thứ phải rõ ràng nhé, càng rõ ràng càng tốt [để khỏi phải tranh dành, lộn xộn]. Thật sự, một sự trái nghịch hoàn toàn, một đằng [sinh ra] từ nghiệp lực, một đằng từ nguyện lực, sao so sánh được. Bởi, tu chân cõi trược [tục] kể cũng khó ha, thường là phải đi ngược lại mọi thứ [thế gian].
Cõi ấy “Duy thọ thanh tịnh tối thượng khoái lạc” (Chỉ hưởng khoái lạc thanh tịnh tối thượng), cõi này có 'khoái lạc' không? Cũng có, nhưng là khoái lạc của Ngũ dục, từ Ngũ dục sanh ra [là hư, giả, nghiệp], còn khoái lạc thanh tịnh kia [vốn] là chân tâm tự tánh, từ Nguyện lực của Phật thành tựu [cho chúng sanh nương nhờ]. Hai sự hưởng thụ, cùng là 'khoái lạc' , nhưng bản chất hoàn toàn trái nghịch, một đằng là từ tánh đức tự tánh, một đằng là từ nghiệp [giả] sanh ra. Chúng ta không nên nhầm lẫn chỗ này. Nhiều người tu phước duyên [nhân thiên] sâu dày, từ đời trước hay đời này, khi quả trổ, cũng được hưởng cái 'khoái lạc' này, thấy thích thú, cứ mặc tình hưởng thụ, cứ tưởng đó là an lạc, là 'hoan hỉ', là 'thanh tịnh cái tâm', nào đâu biết đó chỉ là hưởng cái dục lạc [của ngũ dục] đấy thôi. Sự thanh tịnh, an lạc thật sự là phải từ nội tâm, từ Pháp hỉ lưu xuất ra, mới là đúng [nghĩa của nó] và mới có lợi lạc. Dĩ nhiên, chúng ta đa phần là phàm phu, còn sống ở cõi này, ít nhiều phải có sự đắp đổi [giữa hai cái 'lạc' kia], thân khỏe tâm an, thảy đều là Pháp trợ đạo đắc lực khi còn ở thế gian này. Bảo rằng hãy bỏ tất cả [khoái lạc kia] đi, thì chắc ...Phật xuống rước chúng ta rồi [đâu còn ngồi đây].
Cho nên, trong hành đạo, nhiều khi cũng phải tùy duyên [mà sống cái đã], sống tốt tu tốt, giả giả thật thật, gọi là 'vàng thau lẫn lộn' ấy, phải chấp nhận phần nào thôi. Quan trọng nhất là gì Quý vị? Dạ vâng, tâm ta luôn nghĩ gì, niệm ta là niệm gì? Ví như, một đứa con thơ chẳng thể không luôn nghĩ tới mẹ [cha] nó, hai người yêu thương nhau [thật lòng] chẳng thể không luôn nghĩ về nhau. Cũng vậy, ở đây, Phật thương chúng sanh còn hơn cha mẹ thương con, còn chúng ta có nhớ nghĩ Phật như con thơ nhớ mẹ cha chăng? Để bảo rằng là, "một đời này con phải về với Phật"!
Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, tâm lực chúng ta [Tín - Nguyện tâm] cũng phải chẳng thể nghĩ bàn, như thế mới tương ưng, cảm ứng đạo giao [nhất định thành tựu].
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 22. Quyết Chứng Cực Quả
Ngài Hoàng Niệm Tổ