Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, thập phương thế giới, vô lượng sát trung, vô số chư Phật, nhược bất cộng xưng thán ngã danh, thuyết ngã công đức, quốc độ chi thiện giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, vô số chư Phật trong vô lượng cõi nước trong mười phương thế giới nếu chẳng cùng khen ngợi danh hiệu của tôi, thuật sự tốt lành của cõi nước và công đức của tôi thì chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện mười bảy: Chư Phật khen ngợi)
Giải:
Ðây là nguyện thứ mười bảy: “Chư Phật xưng thán”. Xưng (稱) là xưng dương, Thán (歎) là tán thán. Bản Hán dịch ghi: “Ngã tác Phật thời, linh ngã danh văn bát phương thượng hạ, vô số Phật quốc, chư Phật các ư đệ tử chúng trung, thán ngã công đức quốc độ chi thiện. Chư thiên nhân dân nhuyễn động chi loại, văn ngã danh tự, giai tất dũng dược, lai sanh ngã quốc” (Lúc tôi thành Phật, tiếng tăm của tôi vang khắp tám phương, trên, dưới. Trong vô số cõi nước, các đức Phật vị nào cũng ngự giữa chúng đệ tử, khen ngợi công đức và sự tốt lành của cõi nước tôi. Chư thiên, nhân dân, các loài ngọ nguậy, bò trườn nghe được danh hiệu tôi thảy đều hớn hở sanh về cõi tôi). Bản Ngô dịch ghi tương tự.
Ngài Vọng Tây bảo: “Trong bốn mươi tám nguyện, nguyện này rất thiết yếu” và “nếu không có nguyện này, làm sao mười phương [nghe được danh hiệu Ngài]. Nay chúng ta được gặp gỡ giáo pháp vãng sanh hoàn toàn là nhờ vào nguyện này, khá nên suy nghĩ kỹ”. Ý của ngài Vọng Tây là nếu không có nguyện này thì bọn chúng ta thân đang trong cõi Sa Bà uế độ, làm sao nghe được danh hiệu của vị giáo chủ và cõi nước ấy? Dẫu cho cõi ấy, Phật ấy công đức mầu nhiệm tuyệt vời, thanh tịnh trang nghiêm, nhưng nếu ta chưa từng được nghe biết thì còn biết nhờ vào đâu để phát khởi nguyện thù thắng cầu vãng sanh cõi ấy? Vì vậy, ngày nay bọn chúng ta nghe được pháp môn Tịnh Ðộ thật là nhờ vào sức của thệ nguyện này. Do đó, trong cõi uế độ này, đức Bổn Sư Thích Ca mới xưng dương, tán thán A Di Ðà Phật và công đức chẳng thể nghĩ bàn của cõi Cực Lạc cho chúng ta được nghe biết. Bởi thế, ngài Vọng Tây khen rằng: “Trong bốn mươi tám nguyện, nguyện này quan trọng nhất”.
Ngài Pháp Tạng cầu nguyện danh hiệu mình vang dội mười phương chỉ là để nhiếp trọn mười phương hết thảy chúng sanh vãng sanh Cực Lạc, rốt ráo thành Phật. Nếu không có lời nguyện này thì cái nguyện “mười niệm vãng sanh” cũng chỉ vô ích bởi có nghe được pháp thì mới biết cách trì danh!
Sách Hội Sớ lại giảng câu “xưng thán ngã danh” (khen ngợi danh hiệu của tôi) như sau:
“Câu ‘xưng thán ngã danh’ có ba nghĩa:
1. Chư Phật xưng dương đức hiệu của đức Phật ấy.
2. Chư Phật khen ngợi người xưng danh như Tiểu kinh (kinh A Di Ðà) thật đã nói rõ chư Phật hộ niệm người xưng danh.
3. Chư Phật vừa khen ngợi lại vừa tự mình xưng niệm danh hiệu A Di Ðà Phật”.
Sách còn nói thêm: “Tam thế chư Phật do niệm Di Ðà tam-muội mà thành Ðẳng Chánh Giác”.
Ý sách Hội Sớ là: Câu “chư Phật xưng thán” có ba nghĩa: Chư Phật khen ngợi thánh hiệu của Phật A Di Ðà, chư Phật khen ngợi hết thảy người trì niệm danh hiệu A Di Ðà và bản thân chư Phật cũng xưng niệm thánh hiệu A Di Ðà. Chư Phật nhờ Niệm Phật tam-muội mà trọn thành Chánh Giác.
Ảnh minh họa: "Mười phương Chư Phật tán thán"
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đây là đoạn Kinh văn lời Nguyện thứ 17 của Đức Phật: "Chư Phật Tán Thán". Tán thán điều gì? "Khen ngợi danh hiệu của tôi, thuật sự tốt lành của cõi nước và công đức của tôi". Sự tán thán này là nhằm mục đích giúp chúng sanh các cõi đều được gia duyên với Pháp môn Tịnh Độ này, rồi nương nhờ tu tập mà được giải thoát, lìa khổ được vui, tiến dần thành Phật đạo viên mãn, triển chuyển độ thoát khắp chúng sanh. Vì thế mà Ngài cần thiết phải có lời Nguyện này. Chúng ta đọc các chú giải của các Ngài về đoạn Kinh văn này để hiểu rõ nghĩa lý, các Ngài đã liễu giải tường tận, ở đây không cần nói gì thêm về văn tự, mà chỉ luận bàn thêm một số vấn đề mở rộng liên quan.
Đây là một lời Nguyện quan trọng, giúp chúng sanh trong Thập phương biết được đến Vạn đức hồng danh A Di Đà Phật, cõi Cực Lạc thù thắng trang nghiêm, và công đức oai lực không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà. Bản thân mỗi chúng ta đang tu Tịnh Độ cầu giải thoát đây cũng là nhờ hồng ân của Đại nguyện này 'tưới tẩm' cho nên mới có nhân duyên thù thắng này [cùng việc tu phước huệ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta nữa].
Thật ra thì Nguyện này được phát ra như một lẽ tất yếu. Không phải là Phật phát ra [nguyện này] để 'mong cầu' Chư Phật khắp nơi tán thán, giới thiệu với chúng sanh; mà đó như là một sự tất yếu không thể khác được. Thật vậy, Phật A Di Đà là bên 'chủ động', không phải 'bị động' ['nương nhờ' các Chư Phật khác tán thán]. Tức là Thập phương Chư Phật không thể không tán thán Ngài và cõi nước Ngài cho chúng sanh nghe. Thật sự là như thế! Vì sao nói như vậy? Vì theo Kinh văn, các trước tác của Chư Tổ Sư, cùng các đoạn chú giải bên trên chúng ta đều thấy “Tam thế chư Phật do niệm Di Ðà tam-muội mà thành Ðẳng Chánh Giác”. Bởi vậy sao Tam thế Chư Phật không tán thán A Di Đà Phật cùng Danh hiệu Ngài, cõi nước Ngài cho được. Bản thân các Chư Phật thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đều là nhờ A Di Đà Phật, vậy thì sau khi thành Phật đi độ sanh thì tán thán ai đây? Đó là luận điểm thứ nhất. Thứ hai đó là, bổn hoài của tất cả Chư Phật đều là mong muốn chúng sanh lìa khổ được vui, rồi tiến dần đến rốt ráo viên mãn Bồ Đề Vô Thượng [thành Phật]. Mà các Ngài đều thấu rõ rằng, không có Tịnh Độ Pháp môn để nương nhờ thì chúng sanh không cách gì thành tựu được điều này. Thế nên không giới thiệu tán thán Tịnh Độ [có Danh hiệu, cõi nước, Bổn Nguyện, công đức Phật...] thì giới thiệu tán thán điều gì nữa đây?! Từ những luận điểm trên chúng ta thấy rằng lời Nguyện này như một lẽ tất yếu [không thể không thành tựu], chứ chẳng phải Thập phương Chư Phật [vì do A Di Đà Phật có phát ra lời thệ nguyện này] nên phải tán thán. Đã được thành Phật và đi khắp các cõi nước cứu độ chúng sanh thì nhất định phải tán thán, không thể khác được là vậy.
Đức Phật [lúc đó là Tỳ Kheo Pháp Tạng] phát ra nguyện này xong, lập tức nói đến cái Pháp bí yếu để cứu độ chúng sanh trong khắp Thập phương. Dạ vâng, đó chính là Đại nguyện thứ 18 "Mười niệm ắt vãng sanh". Chúng ta sẽ luận bàn kỹ thêm trong phần sau. Ở đây, chúng ta lại dành chút thời gian để nói một chút về một vần đề quan trọng trong tu học, đó là công tác Hộ Niệm. Dĩ nhiên, chúng ta chẳng có thời gian để đi chuyên sâu vào Pháp Hộ Niệm này, mà chỉ đề cập đến một vài vấn đề quan trọng. Rằng, mỗi hành giả niệm Phật cầu sanh chúng ta, dù chẳng nói ra, nhưng chắc ai ai cũng mong muốn lúc cuối có được hoàn cảnh nhân duyên được người hộ niệm đưa tiễn mình một đoạn cuối con đường để về Cực Lạc. Để có được nhân duyên này thì có nhiều cách, có người thì chuyên đi hộ niệm cho người, vừa để cứu người, vừa tạo nhân duyên để lúc cuối mình cũng được người hộ niệm lại. Lại có người chỉ chuyên cần dụng công hành trì 'một nơi' [đạo tràng, già lam, nhà...] tin tưởng cuối đời 'Phật sắp đặt' hết cả. Vậy cái nào thù thắng hơn đây? Dạ thật sự là chẳng thể nói được. Mỗi cách đều có ưu nhược điểm, chúng ta tùy nhân duyên hoàn cảnh của mình mà chọn lựa thôi. Chúng ta không thể phán định được gì cả về vấn đề này. Vậy chúng ta nêu ra vấn đề này để chi vậy? Là để nói rõ một vấn đề rằng, với Pháp môn này, cách thức tu tập, hành trì như thế nào thì tùy hoàn cảnh nhân duyên, không cần biết, làm cái gì làm nhưng phải có "Phật" trong đó thì mới mong thành tựu được. Ví dụ, chúng ta đi hộ niệm cho người, mong họ được vãng sanh, còn mình cũng được viên mãn công đức, để thành tựu được việc này không thể không cậy vào Phật lực gia trì. Có Phật lực gia trì là có tất cả. Nhiều vị đi hộ niệm cho người chỉ cậy vào các thế lực như: Lực các thiện thần hộ pháp, lực đại chúng đồng tu, lực Chư Thầy, quý thiện tri thức, người thân trong gia đình... nhưng có một thế lực quan trọng bậc nhất thì lại quên mất, không để ý tới, đó chính là Phật Lực. Họ làm mọi thứ có thể để cảm vời các thế lực kia, sợ các thế lực kia đi mất không bảo hộ, nhưng lại chẳng sợ không có Phật lực gia trì. Đây là do họ quá đặt nặng vào tư tưởng Tự Lực, không chú trọng Tha Lực. Rất nguy hiểm! Xin khẳng định lại rằng, có Phật lực là có tất cả [thường là được hộ niệm đầy đủ, oan gia nghiệp chướng không quấy nhiễu bức bách, lâm chung chánh niệm, tiếp dẫn vãng sanh, lo hậu sự, làm biểu pháp để lại...]. Còn làm sao để có được Phật lực kia thì chắc chúng ta đều đã biết cách. Dĩ nhiên, như đã nói nhiều lần, 'có' Phật lực này càng sớm càng tốt, ngay từ lúc bình thời mới chắc ăn, đừng đợi 'nước đến chân mới nhảy' thì nhiều khi không kịp đấy. Bởi vô thường liệu có hẹn chúng ta chăng?!
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (lần 2)
Ngài Hoàng Niệm Tổ