Ðây là nguyện thứ mười hai: “Chắc chắn thành Chánh Giác”.
Vãng sanh là quyết định thành Phật; điều này thể hiện thật rõ tâm nguyện Phật Di Ðà: Chỉ dùng một Phật Thừa để đưa trọn vô biên chúng sanh vào Niết Bàn rốt ráo.
Câu “viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh” (xa rời phân biệt, các căn tịch tĩnh) trích từ bản Tống dịch. Câu “nhược bất quyết định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn giả, bất thủ Chánh Giác” (nếu chẳng quyết định thành Ðẳng Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn, thì chẳng lấy Chánh Giác) trích từ bản Ðường dịch. Bản Ngụy dịch ghi là: “Bất trụ Định Tụ, tất diệt độ giả, bất thủ Chánh Giác” (Chẳng trụ Định Tụ, đều diệt độ thì chẳng lấy Chánh Giác).
Khi đại sư Thiện Ðạo chú giải bản Ngụy dịch, lắm chỗ Ngài dẫn bản Ðường dịch để làm rõ thêm ý nghĩa. Ðại sư đặt cho nguyện này bốn cái tên: Một là nguyện “ắt đạt diệt độ”, hai là nguyện “chứng đại Niết Bàn”, ba là nguyện “vô thượng Niết Bàn”, bốn là nguyện “trụ tướng chứng quả”.
Sách Bình Giải ca tụng: “Cao tổ (chỉ ngài Thiện Ðạo) đặt tên các nguyện đã hiển lộ tột cùng ý nghĩa lời nguyện vậy”. Nay hội bản không những đã trích lấy câu kinh từ bản Ðường dịch, lại còn đặt tên nguyện này là nguyện “quyết thành Chánh Giác” thì thật là rất phù hợp ý chỉ đại sư Thiện Ðạo vậy.
Trong bốn mươi tám nguyện, đại sư Thiện Ðạo gọi năm nguyện “quyết thành Chánh Giác”, “quang minh vô lượng”, “thọ mạng vô lượng”, “chư Phật khen ngợi” và “mười niệm ắt được vãng sanh” là chân thật nguyện. Ngài coi chúng là tâm yếu của cả bốn mươi tám nguyện. Như vậy, nguyện này là tâm tủy của Di Ðà hoằng thệ.
Bổn hoài của đức Phật chỉ là cốt sao khiến cho hết thảy chúng sanh quyết định thành Phật. Ðể thực hiện lời nguyện này, Ngài lại có đại nguyện thù thắng “mười niệm ắt vãng sanh”, chúng sanh chỉ việc nương theo con đường tắt cực viên, cực đốn, giản dị bậc nhất, niệm Phật vãng sanh, sẽ quyết định thành Phật.
Giản dị
Ngài Hoàng Niệm Tổ