Nên hồi hướng cho hết thảy oán gia [trong đời trước và đời này]
Bệnh và ma đều do túc nghiệp mà ra. Ông chỉ nên chí thành khẩn thiết niệm Phật thì bệnh sẽ tự lành, ma sẽ tự xa lìa. Nếu tâm ông không chí thành, hoặc khởi lên những ý niệm bất chánh, tà dâm v.v… thì toàn thể cái tâm ông đọa trong hắc ám. Do vậy, ma quỷ khuấy nhiễu! Niệm Phật xong, lúc hồi hướng, ông nên hồi hướng cho hết thảy oán gia trong đời trước, khiến cho ai nấy đều được hưởng lợi ích do việc niệm Phật của ông, siêu sanh đường lành. Ngoài ra, nhất loạt chẳng bận tâm đến chúng. Nếu chúng phát ra tiếng, cũng chẳng quan tâm, đừng sợ hãi. Chúng không phát ra tiếng, cũng đừng bận tâm sanh lòng hoan hỷ, cứ chí thành khẩn thiết niệm, tự nhiên nghiệp chướng tiêu, phước lẫn huệ đều được tăng trưởng.
[Tâm đã nhơ] nên chí thành niệm Phật
Xem kinh điển chớ bắt chước như người đời nay đọc sách, trọn chẳng cung kính mảy may nào! Ắt phải như đang đối trước Phật, Tổ, thánh hiền giáng lâm thì mới có ích thật sự! Nếu ông làm được như thế thì tâm địa chánh đại quang minh, bọn tà quỷ, tà thần kia sẽ không có chỗ nào để ở yên được. Nếu tâm ông tà vạy trước thì sẽ do tà chiêu tà, làm sao có thể khiến cho bọn chúng xa lìa không quấy nhiễu cho được! Tuy quỷ thần có Tha Tâm Thông, nhưng vừa nhỏ lại vừa gần; còn nếu là bậc nghiệp tận tình không thì như gương báu đặt trên đài, có hình liền hiện bóng. Ông không chí tâm niệm Phật, lại muốn nghiên cứu chân tướng ấy, chẳng biết tâm ấy sẽ thành ma chủng. Ví như gương báu, không có mảy may bụi nhơ, sẽ tự có thể chiếu trời, chiếu đất. Tâm ông đã bị bụi nhơ phủ kín dày chắc, mà muốn được như thế, thì cũng như tấm gương bị bụi phủ dày kín mít, trọn chẳng thể tỏa sáng. Nếu có phát sáng thì cũng là ánh sáng yêu quái, chứ không phải là ánh sáng của gương. Hãy nên gác lại chuyện ấy, hãy niệm Phật như đang mắc nạn lửa nước, như cứu đầu đang bị cháy thì không nghiệp nào, ma nào chẳng tiêu!
(Thư trả lời cư sĩ X...)
Để thiện căn, phước đức đều quy về Thật Tế [Tây Phương Cực Lạc]
Quang chỉ là một ông Tăng tầm thường vô tri vô thức, chỉ biết cơm cháo. Do ông Từ Úy Như lầm lẫn bốn lần đem bản cảo dở tệ của Quang ra ấn hành, đến nỗi làm bẩn mắt xanh. Ông không những không chê bỏ là ô uế, trái lại, còn khen là Nho - Thích dung thông, có Thể, có Dụng. Đúng là chí tại kính Phật nên quên mất sự hèn kém, tầm thường của ông Tăng. Cảm thấy hết sức xấu hổ! Dịch Viên và Quang đã có túc duyên, thường muốn lôi kéo các hạ cùng về Tây Phương để thiện căn, phước đức đã vun bồi từ vô lượng kiếp đến nay cũng như trong đời hiện tại đều quy về Thật Tế. Quang hết sức bội phục! Bởi lẽ các hạ là bậc văn chương lỗi lạc đương thời, còn Quang là một ông Tăng sống nhờ ăn bám vô tri vô thức, nên chẳng dám tuân theo lời mời dự vào ban tu thư của Dịch Viên.
Toàn tâm tức Phật, toàn Phật tức tâm [vẫn cần sanh lòng tin, phát nguyện]
Nay nhận được tờ hoa, nét mực của các hạ, thấy ông đã từng xem kinh, chẳng biết Thiền như thế nào, chỉ giác Tịnh mà thôi, khôn ngăn vui mừng, an ủi! Đủ biết các hạ đã gieo chủng tử Bát Nhã chẳng phải chỉ ở chỗ một, hai, ba, bốn, năm đức Phật. Phàm Thiền đến mức chẳng biết nó là gì thì mới là chân Thiền, bởi thấy - nghe - hay - biết đều là chuyện thuộc về ý thức, chỉ không biết thì mới có thể linh quang riêng chiếu, vượt thoát căn trần, thể lộ chân thường, chính là Như Như Phật vậy! Tịnh đến mức chỉ giác thì toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm - Phật chẳng hai, tâm - Phật như một. Nếu không, sao gọi là Giác cho được? Các hạ kiến giải như thế, đã là vượt trỗi vàn muôn lần những kẻ học Phật trong thời gần đây. Nếu lại có thể sanh lòng tin, phát nguyện, hồi hướng vãng sanh thì đài sen thượng phẩm sẽ tự độc chiếm. Chỉ sợ các hạ đối với duyên do của Thiền và Tịnh, Phật lực và tự lực, lớn - nhỏ, khó - dễ còn chưa biết sâu xa; cho rằng “đã ngộ tự tâm thì ngay nơi này chính là Tây Phương, chẳng cần cầu vãng sanh” thì nỗi sai lầm ấy chẳng cạn đâu!
Ngộ đến cùng cực [minh tâm kiến tánh] là chưa đủ [để cậy tự lực liễu sanh tử]
Vì sao vậy? Do phàm phu dù có thể ngộ đến cùng cực, nhưng nếu còn có tập khí phiền não từ vô thỉ đến nay chưa thể nhanh chóng đoạn được thì hễ còn có mảy may phiền não tập khí sẽ chẳng thể siêu xuất ra ngoài sanh tử luân hồi được! Đây chính là sự khó khăn của việc cậy vào tự lực để liễu sanh tử. Pháp môn Niệm Phật chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, bất luận công phu cạn hay sâu, công đức lớn hay nhỏ, đều có thể cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh tử mà chẳng y vào pháp này sẽ khó khăn chẳng thể sánh ví được nổi! Mong hãy đọc kỹ sách Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, ắt sẽ tự biết Quang nói không sai. Nếu chẳng cho lời Quang là sai lầm, lại không rảnh rỗi nhiều, chỉ cần lắng lòng đọc Văn Sao sẽ tự biết hết.
(Thư trả lời tiên sinh Trương Quý Trực)
Ảnh: Đạo tràng Tịnh Độ
Chúng sanh đời Mạt nếu chẳng dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, trì danh niệm Phật, để cậy vào Phật từ lực, đới nghiệp vãng sanh, thì việc liễu sanh thoát tử có thể nói là ...không thể [như Chư Tổ nói]. Do đó, những việc này phải nói là quan trọng nhất với người tu hành thời nay, phải ra sức gầy dựng và hành trì. Bởi, [nếu tu những pháp khác] mà mình không giải thoát được thì càng tu càng nhanh trở lại ...quê nhà [thường trú ấy, chẳng phải Quê Hương kia]. Có đúng vậy không Quý vị? Đời thứ nhất tu tốt [nhưng tiếc], đời thứ hai hưởng [si] phước, đời thứ ba về đâu đây hởi?
Thật sự là, Phật lực luôn vẫy gọi, Pháp lực sẳn [duyên, biết], chỉ còn đợi Tâm lực là đủ. Thành thật mà nói, gầy dựng Tín - Nguyện khó không Quý vị? Dạ, quan trọng là tâm [tư] chúng ta trụ vào một nơi thôi, tức là đặt trọn niềm tin vào một Pháp thôi, thì tín tâm chúng ta mới kiên cố vững chắc, bền lâu được, mà tâm thái thật nhẹ nhàng, tự tại. Còn nếu có từ con số hai [pháp] trở lên là bản chất khác hẳn rồi, một là không có [thật tín], hoặc hai là căng sức, gượng ép [để giữ], mệt mỏi, khó chịu lắm lắm! Đối với các bậc căn cơ cao cả thì chẳng dám nói làm gì, chứ như phàm phu chúng ta thì đều vậy cả. Giống như thế gian hay nói 'bắt cá hai tay' vậy. Nói thế thì những Pháp khác thì sao? Không lẽ chúng ta phế hết sao? Không phải vậy, chúng ta cứ tùy duyên, đụng duyên cứ làm, nhiệt tình mà làm, chẳng nề hà chi. Nhưng quan trong là ở chỗ này, "trong đầu" chúng ta chỉ có một [và chỉ một] mà thôi. Để liễu thoát sanh tử, vãng sanh thành Phật cứu độ chúng sanh, chỉ [cần] có một là đủ, mặt dù tất thảy [công đức] tu tập được đều hồi hướng về Tây hết [chẳng phải vì sợ 'thiếu', mà vì chúng ta rốt ráo chẳng muốn ở lại đây chút nào nữa]. Vậy còn như khuyên người, dạy người, khuyến tu...thì sao? Cũng thế, chúng ta tu sao, hành sao thì khuyên họ y như vậy, chẳng khác, rồi thì tùy nhân duyên [họ thọ nhận]. Niệm Phật, một Pháp một, một là tất cả, tất cả là một. Cứ tu như thế thì như từng đời từng đời Chư Tổ Sư đều nói "vạn người tu vạn người về". Chứ cứ bảo hãy phát khởi Tín tâm Nguyện tâm đi mà chẳng biết từ đâu, chẳng nói "tuyệt chiêu [Phật, Tổ] dạy" thì nhiều khi cả đời cũng chẳng gầy dựng xong.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Đại sư Ấn Quang