Chánh kinh:
Bỉ Như Lai quốc đa chư bảo thụ: Hoặc thuần kim thụ, thuần bạch ngân thụ, lưu ly thụ, thủy tinh thụ, hổ phách thụ, mỹ ngọc thụ, mã não thụ. Duy nhất bảo thành, bất tạp dư bảo. Hoặc hữu nhị bảo, tam bảo, nãi chí thất bảo, chuyển cộng hợp thành. Căn, hành, chi, cán, thử bảo sở thành, hoa, diệp, quả, thực, tha bảo hóa tác. Hoặc hữu bảo thụ, hoàng kim vi căn, bạch ngân vi thân, lưu ly vi chi, thủy tinh vi sao, hổ phách vi diệp, mỹ ngọc vi hoa, mã não vi quả. Kỳ dư chư thụ, phục hữu thất bảo, hỗ vi căn, cán, chi, diệp, hoa, quả, chủng chủng cộng thành.
Cõi đức Như Lai ấy có nhiều cây báu: hoặc cây thuần bằng vàng, cây thuần bằng bạc, cây lưu ly, cây thủy tinh, cây hổ phách, cây mỹ ngọc, cây mã não, cây lưu ly, chỉ do một thứ báu tạo thành, chẳng lẫn các thứ báu khác. Hoặc có cây bằng hai báu, ba báu, cho đến bảy báu lần lượt hợp thành. Rễ, thân, cành, nhánh do các thứ báu này hợp thành. Hoa, lá, quả, hạt do các thứ báu khác hóa thành. Hoặc có cây báu vàng ròng làm rễ, bạch ngân làm thân, lưu ly làm cành, thủy tinh làm ngọn, hổ phách làm lá, mỹ ngọc làm hoa, mã não làm quả. Các cây báu khác cũng bằng các thứ bảy báu lần lượt hợp thành rễ, thân, cành, lá, hoa, quả.
Giải:
Chữ “thủy tinh” (水晶) giống như “thủy tinh” (水精), tiếng Phạn là Pha Lê (sphatika), hoặc còn phiên là Pha Ly, thường được dịch là Thủy Tinh. Pha Lê có bốn màu tía, hồng, trắng, biếc.
Lưu ly (Virudya) là tiếng Phạn, Hán dịch là “thanh sắc bảo”. Loại bảo thạch này màu xanh dương, các thứ báu khác chẳng thể phá vỡ nó nổi. Lưu ly cứng chắc, màu sắc rạng rỡ, hiếm có trong đời nên được coi là quý báu.
Hổ phách, mã não cũng đều là các thứ quý báu trong thế gian.
Nói chung, bảy báu kể trên đều là miễn cưỡng tạm dùng tên các chất báu trong thế gian này để so sánh, chứ thật ra hết thảy vạn vật trong cõi Cực Lạc đều lạ lùng kỳ diệu, đẹp đẽ vượt xa mười phương, đâu có thật sự giống như những vật báu phàm tục trong cõi đời ô trược này!
Theo Vãng Sanh Luận, những cây báu đó hiển thị các sự công đức trang nghiêm thành tựu trong cõi ấy. Luận ghi: “Mượn tánh chất các thứ trân bảo để trang nghiêm khéo léo viên mãn”. Hiểu nông cạn thì câu “mượn tánh chất các thứ trân bảo” diễn tả cây cối do diệu bảo tạo thành. Hiểu sâu sắc hơn, câu ấy diễn tả tánh đức của Phật Di Ðà. Tánh đức của Phật Di Ðà vốn sẵn hết thảy diệu bảo, trong mỗi thứ trân bảo đều đầy đủ diệu đức của hết thảy trân bảo. Hiểu một cách nông cạn thì “trang nghiêm khéo léo viên mãn” chính là những điều như “vinh sắc quang diệu” (màu sắc rạng rỡ, ánh sáng chói ngời) và “xuất ngũ âm thanh” (phát ra tiếng ngũ âm) sẽ được nói tới trong đoạn kế. Hiểu sâu hơn, câu ấy có nghĩa là mỗi một cây báu đều viên minh cụ đức.
Ảnh minh hoạ: "Này Xá-lợi-phất, chúng sanh nghe được điều này, phải nên phát nguyện, nguyện sanh về nước kia. Tại sao thế? Vì được cùng ở một chỗ với các bậc thượng thiện nhơn. Này Xá-lợi-phất, không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia đâu."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta đến với Phẩm 14 - Bảo Thụ Biến Quốc, đây là Phẩm nói về Y báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc, tức là nói về những phương tiện, cảnh giới vạn vật của cõi ấy. Nói chung là tất cả vạn vật, từ cây cối, đài các, ao nước, hoa sen... tất cả đều do các báu hợp thành, có thể một, hai, ba... cho đến bảy báu, các báu này có thứ ở thế gian có có thứ không, như các Ngài chú giải là "bảy báu kể trên đều là miễn cưỡng tạm dùng tên các chất báu trong thế gian này để so sánh, chứ thật ra hết thảy vạn vật trong cõi Cực Lạc đều lạ lùng kỳ diệu, đẹp đẽ vượt xa mười phương, đâu có thật sự giống như những vật báu phàm tục trong cõi đời ô trược này!". Nói chung tất cả đều từ Tự tánh cùng công đức lực của Phật tu tập kiến tạo ra thì chắc chắc là thù thắng viên mãn rồi, mười phương Chư Phật, kể cả những cõi nước Phật siêu việt thù thắng nhất còn chưa thể sánh nổi, huống hồ gì nếu đem so sánh hay tìm kiếm nơi cõi thế gian ô trược này. Nhưng cái thù thắng nhất ở đây đó là mặc dù cõi ấy trang nghiêm, đẹp đẽ lạ lùng hay rực rỡ, vi diệu... nhưng lại không có mang tính chất làm 'đắm say' lòng người như các cõi Thiên ở đây, mà lại tất cả đều đang hộ Pháp, diễn Pháp, nói Pháp dưới nhiều hình thức khác khau, ví dụ như "sóng gợn lăn tăn phát ra vô lượng âm thanh vi diệu, nào tiếng Tam Bảo, tiếng Ba la mật, tiếng chỉ tức tịch tịnh, tiếng vô sanh vô diệt...", tất cả đều là 'trợ duyên' đắc lực cho việc chắc chắn "một đời thành tựu viên mãn Phật đạo" của nhân dân cõi ấy.
Chúng ta tiếp tục dành chút thời gian để nói về một đề tài 'bất tận', đó là việc gầy dựng phát khởi cho được Tín tâm chân thật đầy đủ với Bổn Nguyện của Phật, ngõ hầu tất cả đều một đời này cùng "Dùng Tín Nguyện sâu này trì danh hiệu Phật" để cùng liễu thoát sanh tử, vãng sanh Cực Lạc hết cả. Chúng ta thấy rằng, một trong những vướng mắc mà hành giả Tịnh Độ hay gặp phải đó là việc không phân biệt được giữa 'tin' và 'hành'. Rằng Bổn Nguyện nói chỉ cần "nãi chí thập niệm" là sẽ được vãng sanh, nhưng đây là yêu cầu để 'tin' chứ không phải để 'hành'. Còn nói riêng về Hành thì thậm chí ít hơn, một niệm, vài niệm... cũng có thể được vãng sanh, ví dụ như dạng lâm chung mới bắt gặp được nhân duyên, được khai thị, rồi nếu phát khởi lên được Tín tâm thì dù thời gian chỉ còn cho phép niệm lên được một niệm hay vài niệm cũng được Phật tiếp dẫn, vẫn được sanh vào Chánh quốc, nhưng ở phẩm vị thấp nhất, Hạ phẩm hạ sanh. Nói về Hành [Hạnh] thì một niệm hay mười niệm cũng có thể vãng sanh là như thế, nhưng cũng có thể cả đời tinh tấn nhưng vẫn chẳng thành tựu, vẫn bị 'rớt', đó là do Tín Nguyện không đủ, rồi Pháp Biên Địa cũng không kham nổi luôn. Cho nên, Bổn Nguyện của Phật nói "nãi chí thập niệm" chúng ta phải hiểu đó là yêu cầu dành cho Tín tâm của chúng sanh phải tin tưởng chẳng nghi điều này mới được, tức "chí tâm tin ưa". Điều này là yêu cầu chung cho tất cả, không riêng bất kỳ hạng nào, chẳng hạn như hạng bét vừa nói đó, nếu lâm chung kịp niệm được vài niệm đi nữa, nhưng tâm vẫn còn hoài nghi không tin tưởng thì cũng không chắc Phật đến rước, họa may nếu lúc đó liên tục niệm được thì có thể 'khế hợp' với Pháp Biên Địa thì sau khi tắt hơi sẽ được Hóa Phật đến rước về Biên Địa.
Cho nên, Bổn Nguyện nói "nãi chí thập niệm" là để chúng sanh lấy làm cơ sở để phát khởi duy trì Tín tâm chân thật rằng mình niệm Phật đây chắc chắc trong đời này sẽ được Phật rước vãng sanh. Chứ không phải Phật tuyên thế thì chỉ hiểu là chỉ cần niệm mười niệm hay một niệm, vài niệm gì đó rồi thôi, nghỉ khỏe, cứ đợi đến cuối đời Phật rước, bởi một khi hiểu như thế cho nên chẳng ai chịu tin cả, nói đâu mà dễ dàng thế, nghĩ vậy cũng có cái lý của nó. Nhưng vốn bản chất vấn đề hoàn toàn khác hẳn, rằng đó chỉ là điểm nương tựa để hành giả phát khởi lên được Tín tâm chân thật đầy đủ thôi, rồi phải dùng tâm lực này mà hành trì cả đời không gián đoạn, không biếng trễ, bất chấp mọi cảnh duyên thuận nghịch đến đi hay thay đổi tác động như thế nào đi nữa, chúng ta vẫn một lòng một dạ "Tín Nguyện, Niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc". Được như thế thì chuyện vãng sanh như các Ngài nói là có thể đoán định được.
Thật sự rằng, trong Bổn Nguyện, Phật tuyên cụ thể mười niệm tất sanh ["nãi chí thập niệm"] là có dụng ý hẳn hoi chứ không phải không, rằng phải cụ thể rõ ràng như vậy thì chúng sanh mới có thể đạt được Tín tâm 'tới hạn', tức "chí tâm tin ưa", bất sanh nghi hoặc. Chứ còn chẳng hạn nếu Phật tuyên rằng như 'chỉ cần ít niệm' thôi thì sẽ được vãng sanh thì chúng sanh lại nghi ngờ, tranh luận, rằng không biết 'ít niệm' ở đây là bao nhiêu niệm. Hoặc giả, nếu Phật nói 'chỉ một câu A Di Đà Phật là đủ' hay là 'chỉ niệm Phật thôi là đủ' thì chúng sanh cũng khó Tín tâm được chân thật đầy đủ, bất sanh nghi hoặc, bởi rằng nếu như vậy thì niệm Phật bao nhiêu là đủ để được Phật rước đây, niệm nhiều niệm ít thế nào, công phu cao thấp sâu cạn ra sao, cứ thế mà chúng sanh mặc sức 'tranh luận', kiến giải này kia suốt. Mà thực tế đã có không ít vị đã nói thế, rằng 'Một câu A Di Đà Phật là đủ', mới nghe qua ai cũng cho rằng như thế mới thật sự là Tín tâm đầy đủ, rằng như thế mới không bị xen tạp này kia. Nhưng thật ra nói như thế thì chúng sanh lại càng 'bán tín bán nghi', phát sanh đủ thứ kiến giải khác nhau hết, rồi cứ lúc niệm thì tín tâm, hết niệm lại nghi tâm, cứ như thế suốt, không cách gì Tín tâm chân thật được. Hoặc giả, dạng ngu phu ngu phụ, chẳng biết gì cả, được Thiện tri thức khuyên cứ một câu Phật hiệu mà niệm đi, chắc chắn lâm chung Phật rước [tức là cứ Tín tâm đối với việc niệm Phật mà niệm], với các dạng kiểu này thì cần cái Hạnh [niệm Phật] phải tương ưng với cái Tín, tức là chỉ chuyên có niệm Phật không thôi, không có xem tạp gì cả [hoặc gần như vậy], rồi trong tâm tưởng cũng vậy, chẳng cần biết thêm cái trợ hạnh trợ duyên gì khác, như phải diều hòa tâm tánh, hay phải thế này thế kia, tức là trong tâm chỉ cần biết niệm Phật thôi là đủ vãng sanh, chẳng cần thêm bất cứ thứ gì khác. Như thế mới đúng là Tín tâm chân thật đầy đủ với 'Niệm Phật' hay 'một câu Phật hiệu' [thể hiện qua cái 'Hạnh']. Như thế thì cứ duy trì đến cuối đời chắc chắn vãng sanh, bởi đúng là có Tín tâm chân thật đầy đủ. Cái này thường có ở bậc ngu phu ngu phụ, chẳng biết gì cả, và thời xưa mới thường có. Nhưng với thời nay, thông tin tạp loạn, lại thay đổi hay tác động không ngừng, những cảnh duyên thuận nghịch [với đức tin] cứ liên tục tác động, thì bậc ngu phu ngu phụ này càng dễ thay đổi, nhiều khi mất phương hướng hay cả Pháp môn luôn, chứ đừng nói đến Tín tâm. Cho nên việc vãng sanh theo dạng này lại càng hiếm hoi so với thời trước.
Bởi vậy, chúng ta thấy, Phật phải tuyên cụ thể rõ ràng luôn, "nãi chí thập niệm", dẫu chỉ mười niệm, mục đích là để chúng sanh dễ bề đạt đến 'tới hạn' của Tín tâm, bất sanh nghi hoặc. Cho nên, chúng ta thấy các Ngài nói cần nương Bổn Nguyện là vì lý do như vậy. Nói chung là việc 'nương vào Bổn Nguyện' sẽ khác hẳn so với việc không nương vào Bổn Nguyện, ở bất kể căn cơ nào, hoàn cảnh nhân duyên nào, kể cả việc gầy dựng Tín tâm cho các ca 'quãng đường ngắn' còn lại cũng dễ dàng đạt Tín tâm tới hạn hơn nhiều. Nhưng vấn đề là người gọi là Thiện tri thức đến khai thị gì đó phải có Tín tâm chân thật với Bổn Nguyện kìa, còn không thì cứ khai thị dạng 'chung chung' thôi vậy. Bởi thế, Pháp Phật thông qua Kinh điển, lời Chư Tổ Sư, nếu chúng ta chịu khó thâm nhập mới thấy được sự vi diệu không thể nghĩ bàn trong đó. Bởi vậy, một lần nữa chúng ta lại phải lập lại câu này mà các Ngài hay nói, rằng 'Pháp Môn vừa cực khó vừa cực dễ', là như vậy đó. Rằng mười niệm này là để 'làm tin' [tức làm bằng chứng] chứ không phải để hành chỉ bấy nhiêu đó thôi [rồi nghỉ khỏe, đợi Phật đến rước]. Chúng ta cần nói thêm là, với mười niệm này, thì chỉ có Hạng Bét như nói bên trên, tức là dạng lâm chung mới bắt gặp Chánh Pháp, thời gian thọ mạng còn rất ít ỏi, thì chỉ có dạng này thì cái Tín và cái Hành nói mới giống nhau mà thôi, tức đúng là phát khởi được Tín tâm rồi chỉ niệm mười niệm hay một niệm cũng được Phật rước luôn. Còn tất cả các dạng khác, bắt gặp Chánh Pháp sớm hơn, thì đều chỉ lấy điều này để làm cho Tín tâm chân thật thôi, rồi ra sức hành trì, dụng công đều đặn hằng ngày không biếng trễ cho tới lúc mãn phần mới được, như thế mới đúng là có Tín Nguyện tâm chân thật.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 14. Bảo Thụ Biến Quốc
Ngài Hoàng Niệm Tổ