Phật cáo Di Lặc Bồ Tát, chư thiên nhân đẳng:
- Vô Lượng Thọ quốc, Thanh Văn, Bồ Tát, công đức trí huệ, bất khả xưng thuyết. Hựu kỳ quốc độ vi diệu an lạc, thanh tịnh nhược thử. Hà bất lực vi thiện, niệm đạo chi tự nhiên.
Phật bảo Di Lặc Bồ Tát [và] các hàng trời người rằng:
- [Trong] nước Vô Lượng Thọ Phật, công đức trí huệ của Thanh Văn, Bồ Tát chẳng thể nói kể. Cõi nước ấy lại vi diệu, an lạc, thanh tịnh như thế. Sao không ra sức làm lành, niệm đạo tự nhiên?
Ðoạn kinh này nêu lên cả thánh chúng lẫn cõi nước để khuyến dụ chúng sanh.
Câu “Phật cáo Di Lặc” (Phật bảo Di Lặc) ngụ ý: Từ phẩm này trở đi, ngài Di Lặc là đương cơ chính, A Nan chỉ đóng vai phụ. Trong phẩm bốn mươi tám, Phật bảo ngài Di Lặc: “Ngã kim như lý tuyên thuyết như thị quảng đại vi diệu pháp môn, nhất thiết chư Phật chi sở xưng tán, phó chúc nhữ đẳng, tác đại thủ hộ” (Ta nay đúng như lý tuyên nói pháp môn vi diệu rộng lớn như thế này, [là pháp] được hết thảy chư Phật khen ngợi, phó chúc các ông thực hiện sự thủ hộ lớn lao). Như vậy Di Lặc Bồ Tát trong tương lai giáng sanh ắt sẽ tuân lời phó chúc của Phật mà diễn thuyết kinh này.
Sách Hội Sớ giảng câu “vi diệu, an lạc, thanh tịnh” như sau:
“Trang nghiêm siêu tuyệt nên bảo là ‘vi diệu’. Chẳng có khổ não nên bảo ‘an lạc’. Tướng vô lậu, tướng vô tướng nên bảo là thanh tịnh”. Ý nói: Hết thảy sự tướng cõi Cực Lạc đều là diệu tướng vô lậu. Hơn nữa, Thật Tướng chẳng phải là vô tướng, cũng chẳng phải là bất tướng nên mọi thứ hiện ra đều là Thật Tướng. Do mọi tướng hiện hữu trong cõi Cực Lạc đều là tướng vô lậu, tướng Thật Tướng nên Phật bảo là “thanh tịnh”.
Hai câu cuối của đoạn chánh kinh trên được Tịnh Ảnh Sớ giảng như sau: “Sao chẳng tận hết sức làm lành để cầu sanh nên bảo là ‘lực vi thiện’ (gắng sức làm lành). Niệm đạo thì tự nhiên vãng sanh nên bảo là tự nhiên”.
Sách Hội Sớ giảng: “Hai chữ ‘hà bất’ (sao chẳng) là lời khích lệ, dẫn đến hai nghĩa: Có hai điều lành! Thứ nhất là xưng danh niệm Phật, đây chính là điều lành căn bản. Thứ hai là rộng hành các điều thiện, hồi hướng vãng sanh.
Niệm gồm hai nghĩa: Niệm là năng niệm, đạo là điều được niệm (sở niệm).
Ðạo cũng có hai thứ:
- Thứ nhất là Di Ðà bổn nguyện, đây là tha lực đại đạo; chẳng cậy vào tự lực để tu thiện, hễ vượt thoát liền chứng nhập ngay nên gọi là tự nhiên.
- Thứ hai là đạo được chứng bởi tam thừa vô vi tự nhiên, tánh chẳng tạo tác nên cũng gọi là tự nhiên.
Tuy có hai nghĩa, nhưng chủ yếu là nghĩa thứ nhất”.
Tịnh Ảnh Sớ dùng ý “làm lành cầu được vãng sanh” để giảng chữ “lực vi thiện” (gắng sức làm lành), coi tự nhiên vãng sanh là ý nghĩa chữ “niệm tự nhiên”. Nói như vậy là nói vắn tắt. Ý Ngài Tịnh Ảnh là dùng công đức của việc lành để hồi hướng Tịnh Ðộ, tận lực cầu vãng sanh thì gọi là “lực vi thiện”. Giảng như vậy rất hay.
Tiếp đó, Ngài nói: Tự nhiên vãng sanh chính là “niệm đạo chi tự nhiên”. Giảng như vậy quá vắn tắt, cách giải thích của Hội Sớ hay hơn, chỉ thẳng ra: Xưng danh niệm Phật là cội gốc của làm lành và đó là chánh hạnh. “Rộng làm các điều thiện, hồi hướng cầu được vãng sanh” cũng là “làm lành” nhưng chỉ là trợ hạnh. Nêu lên cả chánh hạnh lẫn trợ hạnh, chánh phụ phân minh chính là ưu điểm của Hội Sớ.
Ðến ý “đạo chi tự nhiên”, sách Hội Sớ càng giảng hay hơn nữa. Sách nêu ra hai nghĩa: Một là dùng tha lực để vượt thẳng [khỏi tam giới] cho nên là tự nhiên; hai là do vô vi vô tác nên là tự nhiên; nhưng nghĩa thứ nhất là chánh yếu. Thuyết này cực hay, vì điểm mầu nhiệm của Tịnh Tông thật đúng như sách Yếu Giải nhận định: “Từ sự trì đạt được lý trì” nên chỉ cần thật thà niệm Phật thì tự nhiên đạt được những điều như “vô tác, vô vi”…
Cả hai thuyết vừa nêu trên đều là lập luận dựa trên bản Ngụy dịch (câu kinh trước câu “niệm đạo chi tự nhiên” chỉ thấy trong bản Ngụy dịch); trong hai bản Ngô dịch và Hán dịch, tiếp ngay sau câu “niệm đạo chi tự nhiên” là cả một đoạn văn dài thuật chi tiết về công đức của Bồ Tát cõi Cực Lạc và cõi nước tự nhiên tối thắng. Hội bản chọn lấy, ghép thành phẩm này.
Do đó, trong hội bản đây, ngay sau chữ “niệm đạo chi tự nhiên” ta thấy có đến tám chữ “tự nhiên” như: “tự nhiên nghiêm chỉnh”, “tự nhiên vô vi”, “tự nhiên bảo thủ”, “tự nhiên trung, tự nhiên tướng”, “tự nhiên chi hữu căn bản”, “tự nhiên quang sắc tham hồi”, “tự nhiên sở khiên tùy”; đủ thấy hai chữ “tự nhiên” rất trọng yếu.
Ở đây, “tự nhiên” chẳng có nghĩa là tự nhiên không do nhân gì như ngoại đạo thường nói, mà “tự nhiên” có nghĩa là pháp vốn như vậy.
“Tự” (自) là tự tánh, “nhiên” (然) được hiểu là “thanh tịnh bổn nhiên” (vốn sẵn thanh tịnh như vậy) như trong kinh Lăng Nghiêm nói. Như vậy, chữ “tự nhiên” bao hàm ý nghĩa tự tánh bổn nhiên; mà tự tánh bổn nhiên chính là Chân Như, Thật Tướng. Như vậy, “niệm đạo chi tự nhiên” chính là trì danh niệm Phật, cũng chính là niệm Thật Tướng như sách Di Ðà Yếu Giải đã giảng:
“Thật Tướng vô nhị mà cũng vô bất nhị. Vì thế, toàn thể làm y báo, chánh báo, làm pháp thân, làm báo thân, làm tự, làm tha, cho đến người nói, pháp được nói; kẻ độ, người được độ; người tin, vị Phật được tin; người phát nguyện, điều phát nguyện; người trì danh, danh hiệu được trì; người vãng sanh, cõi được vãng sanh về; người khen ngợi, vị Phật được khen ngợi. Không gì là chẳng được chánh ấn Thật Tướng in vào”.
Vì vậy, sách Hội Sớ coi đạo vô vi vô tác là đạo tự nhiên; lại còn xem tha lực pháp môn hễ vượt thoát (vãng sanh) liền chứng nhập ngay là tự nhiên. Giảng như vậy đều nói lên ý chỉ chánh yếu của Trung Ðạo. So ra, tuy lời văn có khác với lời giảng của Yếu Giải, nhưng ý chỉ tương đồng. Nương theo tín nguyện trì danh, nương vào tha lực đại đạo liền được vãng sanh Cực Lạc. Trì danh chính là niệm Thật Tướng, là con đường trang nghiêm để hễ vượt thoát liền chứng nhập ngay. Con đường như vậy, pháp tánh của nó vốn sẵn tự nhiên.
Ảnh: Tượng A Di Đà Phật ở Hồng Kông
"Nương theo tín nguyện trì danh, nương vào tha lực đại đạo [Di Ðà bổn nguyện] liền được vãng sanh Cực Lạc", ấy chính là ý chỉ chánh yếu của "ra sức làm lành, niệm đạo tự nhiên". Từ đây chứng nhập ngay "công đức trí huệ, bất khả xưng thuyết của Thanh Văn, Bồ Tát" [tự nhiên].
Rõ ràng, chúng ta thấy, muốn về cõi ấy cũng phải "tự nhiên", nghĩa là phải nương cậy vào Tha Lực đại đạo mới được; chẳng thể cậy vào bất cứ [pháp] nào khác, chẳng thể trái với [pháp] tự nhiên ấy. Rồi về cõi ấy, cũng được "tự nhiên" chứng nhập, thọ dụng mọi thứ vi diệu an lạc, công đức trí huệ, y báo chánh báo...
Dĩ nhiên, không có gì "tự nhiên" mà có, không có quả nào chẳng có nhân. Cái gì là nhân? Tin là nhân, Nguyện là Nhân, Trì danh là nhân. Coi vậy chứ những cái nhân này cũng chẳng đơn giản chút nào, phải tu tập từ nhiều đời nhiều kiếp đấy. Bởi "Nếu xa xưa không tu phước huệ, thì Chánh pháp này không thể nghe". Để ngày nay gặp được Di Đà Bổn Nguyện, rồi biết tin tưởng mà nương tựa vào, là cả một vấn đề [quá trình] chứ chẳng chơi. Rồi lại giữ vững, hành trì cả một đời như thế.
Thời thế nhiều kiếp nạn, thế lực [ngoại đạo] hẫy hừng, nhân duyên [gặp gỡ] bất đồng, đường đời [đạo] muôn vạn lối, nếu không lập chí nguyện vững chắc "như giữ bạch ngọc", không có một tín tâm kiên định "bất tử" [sẽ được gia hựu, che chở] thì việc bị lầm lạc, thoái thất thật chẳng thể kể hết, rồi luống uổng một đời học đạo.
Mỗi người chúng ta hãy tự phản tỉnh, răn nhắc mình mà thôi. Đại sự cần phải có đại chí mới thành tựu được. Con đường sáng đang ở ngay phía trước, chúng ta cần nắm bắt lấy cơ hội này, đừng để vuột thoát. Cần nhớ kỹ, Pháp môn này là Pháp phổ độ chúng sanh, độ thoát khắp ba căn, thế nên đừng sợ [không được]. Người ta làm được, mình cũng làm được, ai ai cũng [có thể] làm được.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 32. Thọ Lạc Vô Cực
Ngài Hoàng Niệm Tổ