Chánh kinh:
Phật cáo A Nan: - Như thị Phật sát, hoa quả thụ mộc, dữ chư chúng sanh nhi tác Phật sự. Thử giai Vô Lượng Thọ Phật, oai thần lực cố, bổn nguyện lực cố, mãn túc nguyện cố, minh liễu, kiên cố, cứu cánh nguyện cố.
Phật bảo A Nan:
- Cõi Phật như thế, hoa, quả, cây cối và các chúng sanh đều làm Phật sự. Ðấy đều là do sức oai thần, do sức bổn nguyện, do mãn túc nguyện, do nguyện rõ ràng kiên cố, rốt ráo của Vô Lượng Thọ Phật vậy.
Giải:
Đức Phật bảo A Nan: Thế giới Cực Lạc hy hữu chẳng thể nghĩ bàn đến như thế ấy. Hoa, quả, cây cối đều làm Phật sự, tăng trưởng thiện căn thù thắng của hữu tình khiến họ đắc Nhẫn, chứng nhập Vô Sanh. Ðấy là do sức oai thần của quả đức của đức Phật ấy và sức bổn nguyện, sức trọn vẹn đầy đủ, sức rõ ràng, kiên cố, rốt ráo của Ngài vậy.
Ngài Tịnh Ảnh bảo: “Câu ‘giai Vô Lượng Thọ Phật oai thần lực cố’ có nghĩa là do oai lực hiện tại của đức Phật ấy nên đạt được ba thứ Nhẫn. Chữ ‘bổn nguyện lực’ hàm ý do sức bổn nguyện trong quá khứ của Ngài nên [chúng sanh trong cõi ấy] đắc ba thứ Nhẫn. Bổn nguyện là tổng, còn bốn thứ kia (tức nguyện rõ ràng, trọn vẹn, kiên cố, cứu cánh) là biệt. ‘Mãn túc nguyện’ là nguyện tâm trọn vẹn, đầy đủ. ‘Nguyện rõ ràng’ là tâm mong cầu rõ ràng, rành rẽ. ‘Nguyện kiên cố’ là các duyên chẳng hoại được [nguyện ấy]. ‘Nguyện rốt ráo’ là rốt cục chẳng thoái thất. Do các nguyện ấy nên người sanh về cõi kia sẽ đắc ba thứ Nhẫn”.
Về “bổn nguyện lực” (sức bổn nguyện), Vãng Sanh Luận bảo: “Quán sức bổn nguyện của Phật, gặp gỡ chẳng luống uổng, khiến cho được trọn đủ biển báu công đức lớn”. Sách Luận Chú giảng như sau: “Vốn là từ bốn mươi tám nguyện của Pháp Tạng Bồ Tát tạo thành cái gọi là thần lực tự tại của A Di Ðà Như Lai. Nguyện biến thành lực, lực nhằm thành tựu nguyện. Nguyện chẳng phí uổng, lực chẳng dối bày. Lực và nguyện hỗ trợ nhau, rốt ráo chẳng sai biệt”. Dựa trên bổn nguyện của Pháp Tạng Bồ Tát nên ngày nay mới có thần lực tự tại của Phật Di Ðà. Do trong lúc tu nhân, Phật Di Ðà phát nguyện “nghe danh đắc Nhẫn” nên do nguyện lực nay thành tựu công đức thù thắng: [Chúng sanh] trông thấy cây Bồ Ðề liền đắc Nhẫn nơi cõi Cực Lạc. Do nguyện phát sanh lực, nguyện được thành là do lực nên kinh mới chép: “Giai Vô Lượng Thọ Phật oai thần lực cố, bổn nguyện lực cố” (Đều là do sức oai thần, sức bổn nguyện của Vô Lượng Thọ Phật) nên trông thấy cây Bồ Đề đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, chứng ngay vào địa vị Bát Ðịa Bồ Tát.
Ảnh minh họa: "Này Xá-lợi-phất, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào nghe Kinh này mà thọ trì, và nghe được danh hiệu của chư Phật, thì những thiện nam thiện nữ ấy đều được tất cả chư Phật hộ niệm cho và đều được không thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác"
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta tiếp tục với phần đoạn Kinh văn trong Phẩm 15 - Bồ Đề Đạo Tràng. Trong phần đoạn này, Đức Phật giải thích với Ngài A Nan rằng các sự vật sự việc, hoa quả, cây cối.. ở cõi ấy làm các Phật sự như thế, "đấy đều là do sức oai thần, do sức bổn nguyện, do mãn túc nguyện, do nguyện rõ ràng kiên cố, rốt ráo của Vô Lượng Thọ Phật vậy". Nói chung tất cả đều đến từ Nguyện lực của Phật Vô Lượng Thọ mà ra cả, Bổn Nguyện đã thành tựu viên mãn đến nay đã mười kiếp, nên tất cả đều đã diễn ra đúng như Lời Thệ Nguyện ban đầu của Tỳ Kheo Pháp Tạng khi xưa tuyên thệ trước Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai, không thiếu sót, không sai lệch, không thay đổi bất cứ điều gì cả, đó là các chỗ "do mãn túc nguyện, do nguyện rõ ràng kiên cố, rốt ráo" mà Đức Phật Thích Ca muốn nói rõ ràng, chi tiết ở đây. Tức là tất cả các lời Thệ Nguyện khi xưa còn tu nhân địa đều đã thành tựu tất cả, không thiếu sót điều gì. Bởi nếu có sai sót dù chỉ một điều gì đó thôi thì chắc chắn là không thể thành Phật được!
Thật sự ra thì khi Đức Phật còn là Tỳ Kheo Pháp Tạng muốn phát Thệ Nguyện này ra để cứu độ chúng sanh thì có hai vấn đề quan trọng nhất, đó là thứ nhất phải kiến lập được cõi nước thù thắng viên mãn để chúng sanh thập phương câu hội về đó tu tập mà thứ lớp thành tựu viên mãn Đạo nghiệp, thứ hai đó là phải có cái Pháp gì đó để giúp chúng sanh được sanh về cõi đó, mà cái Pháp này phải thù thắng thế nào đó để có thể phổ độ được khắp chúng sanh trong thập phương, không chừa bất cứ hạng chúng sanh nào cả. Bởi muốn độ thoát tất cả, rồi thứ lớp rốt ráo thành tựu Phật quả hết thì phải như vậy thôi. Nên mới gọi là Thệ Nguyện rộng sâu, và được tất cả Chư Phật khắp thập phương đồng tán thán, xiển dương là vì những điều này. Cho nên các Ngài nói Pháp môn này vốn vì phàm phu kiêm luôn cả Thánh nhân là vậy, vì hàng phàm phu có thể được thì đương nhiên bậc Thánh nhân cũng có phần rồi, nói chung không ai là 'không thể' cả. Chẳng qua việc thành tựu hay không nó nằm ở chỗ chúng sanh thôi, rằng có chịu tin, có chịu hành, có chịu về hay không mà thôi, chứ chẳng phải ở chỗ cái Pháp quá khó hay không với tới được gì cả.
Chúng ta cùng tiếp tục nói một chút về vấn đề không thể thiếu trong Pháp môn này, đó là việc gầy dựng phát khởi duy trì Tín Nguyện tâm chân thật đầy đủ, bất sanh nghi hoặc, để tất cả đều đồng thành tựu giải thoát sanh tử khổ đau chỉ trong một đời này thôi. Như chúng ta biết thì trong Bổn Nguyện tiếp dẫn có chỗ đặc biệt quan trọng, đó là "nãi chí thập niệm" [dẫu chỉ mười niệm] cũng được vãng sanh. Sở dĩ Đức Phật [khi ấy còn là Tỳ Kheo Pháp Tạng] tuyên thệ như thế đó là do Ngài phát xuất từ hoàn cảnh nhân duyên của hạng bét, lâm chung mới bắt gặp Chánh Pháp, nên thời gian chỉ tính bằng phút bằng giây, cho đến tối thiểu là chỉ còn thời gian để niệm một niệm mười niệm gì đó trước khi tắt hơi, nếu có Tín tâm đầy đủ kịp niệm như thế thì cũng kịp để Phật ra tay ứng cứu trước khi lìa đời, sanh vào Hạ phẩm hạ sanh, tức thứ hạng bét. Vậy còn những thứ hạng khác, tức biết đến Chánh Pháp từ trước, thời gian hành trì lâu hơn, niệm nhiều hơn, có khi vài ngày, vài tháng, vài năm, nhiều năm, cả đời... thì sao đây? Dạ vâng, đã là cái Pháp "bình đẳng" thì là phải giống nhau cho tất cả chúng sanh, không có ưu tiên hay ngoại lệ gì cả. Chứ không thể nói là do các vị đó hoàn cảnh nhân duyên ngặt nghèo như thế [lâm chung mới bắt gặp được] thôi thì ưu tiên cho họ, rằng 'ngoại lệ' dành cho họ, còn thì các ông các bà thời gian lâu hơn, thoải mái hơn, hành trì được nhiều hơn thì ta phải dùng cái Pháp khác mới được, đâu thể dùng cái Pháp [tối giản] như thế được? Dạ hoàn toàn không có chuyện đó được, Pháp Phật được tuyên ra thì bình đẳng, đồng như nhau cho tất cả hết, do đó một khi Phật đã hạ xuống đến mức cực tiểu cho hạng bét kia thế thì tất cả các thứ hạng khác cũng đồng là như thế cả, tức cũng ở mức cực tiểu như thế [là thành tựu rồi]. Hay nói cách khác là Pháp Phật này 'không cần biết' chúng sanh là hạng nào cả, chỉ cần thực hiện đúng cái Pháp đó là Phật rước [lẽ dĩ nhiên là hạng bét cũng có thể thực hiện được].
Cho nên vấn đề gây ra sự khó tin cho những hạng chúng sanh khác, trong đó có hành giả chúng ta đang lúc bình thời đây, đó là sao mà thấy cái Pháp đó nó 'tối giản' đến mức như vậy, "dẫu chỉ mười niệm"? Rồi chính sự khó tin này mới bắt đầu phát sanh các kiến giải này kia, nào là mười niệm này là mười niệm lúc lâm chung [để cho giống trường hợp hạng bét đó], rồi là niệm cuối cùng nhất định phải là A Di Đà Phật mới được, rồi là hành giả Tịnh Độ phải buông xả hết, rồi là tâm phải thanh tịnh mới mong vãng sanh v.v... Như thế thử hỏi một chút, chẳng hạn một người Tín Nguyện tâm chân thật đầy đủ, lúc cuối nhờ cảm ứng đạo giao nên Phật đến tiếp dẫn về, rồi lúc được thấy Phật cùng thánh chúng đến liệu lúc đó tâm họ có thanh tịnh không, rồi có dính mắc thế gian gì đó không chịu theo Phật về không? Cảnh giới lúc đó của họ là như thế nào? Liệu có giống như khi bình thời đây hay không? Liệu sức Phật Nguyện gia trì hộ niệm cho họ lúc cuối chẳng nhẽ không thắng được những chủng tử nghiệp lực này kia của chúng sanh hay sao? Sao lại suy nghĩ đánh giá sức oai thần Bổn Nguyện một cách thấp kém hạn chế như vậy sao? Sao nghĩ sức Phật mà cũng đồng giống như sức chúng sanh vậy sao? Thật đúng là dùng trí phàm mà suy lường Phật trí vậy, trong Kinh gọi đây chính là thế trí biện thông thì tăng thêm tà kiến, hay là do mang nặng tư tưởng các Pháp Tự lực quá đỗi nên nghĩ Pháp này cũng thế. Rồi lại dám mạo muội nói đó là do Kinh nói thế này thế kia như thế... Chúng ta đọc khắp các Kinh điển Tịnh Độ có chỗ nào nói chúng sanh tâm không thanh tịnh sẽ không được vãng sanh không? Hay có chỗ nào nói niệm cuối cùng phải là A Di Đà Phật mới được vãng sanh không? Hay có cuốn Kinh Tịnh Độ nào nói mười niệm này là mười niệm dành cho lúc lâm chung không? Mà nếu không có như thế sao lại dám tùy tiện áp đặt như vậy, để làm gì? Để cho chúng sanh dễ tin nhận chăng? Dạ, Chánh Pháp hãy nói đúng Chánh Pháp đi ạ, không thêm không bớt gì cả, còn việc tin hay không đó là tùy nhân duyên của họ thôi, có thể hôm nay họ không tin nhưng ngày mai ngày kia hy vọng họ tin thì sao? Chánh Pháp phải đúng Chánh Pháp, tuyệt đối không được sai lệch, không được thêm bớt gì cả, trước bất kỳ ai, bất kỳ hoàn cảnh nhân duyên thời gian nơi chốn nào. Rồi có người bảo không được động tới [Pháp] của người này người kia, họ là Thánh nhân, là Đại Bồ Tát xuống đây độ sanh đấy, làm vậy là 'phạm thượng' là mang tội nghiệp nặng lắm, tổn phước hết... Dạ vâng, vậy nếu cứ theo y như họ nói không đúng Chánh Pháp, không đúng lời Kinh Phật thuyết thì lại là có phước, là không mang tội gì cả ư? Bảo vệ Chánh Pháp, bảo vệ lời Kinh lời Phật thuyết mà lại là mang nghiệp mất phước sao? Rồi lại còn có người cho rằng nên 'dĩ hòa vi quý' thôi, sao cũng được cả, tùy chúng sanh hiểu sao hiểu, đừng có nói cái này đúng cái kia sai, như thế mang tâm phân biệt chấp trước, gây thêm phiền não sân si... Dạ nếu vậy thì thôi, tin cũng được mà chẳng tin [lời Phật] cũng không sao, về Cực Lạc cũng được mà đọa lạc trong Tam Đồ cũng xong, tất cả 'tùy duyên', cái nào cũng 'tốt đẹp' hết chăng? Nếu vậy thì Đức Phật Ngài nhọc công làm gì khi phát ra 48 Lời Thệ Nguyện rộng sâu, rồi tu hành vô lượng vô biên kiếp để thành tựu viên mãn Bổn Nguyện ấy làm gì? Cứ để chúng sanh họ 'tùy duyên' đi, đọa lạc cũng tốt mà không cũng xong, rồi đến Mười Phương Chư Phật Như Lai đồng hiện tướng lưỡi rộng dài tán thán, xiểng dương cái Giáo Pháp này cho chúng sanh nghe làm chi, sao không để 'tùy duyên' đi, chúng sanh biết được cũng tốt mà chẳng biết tới cũng xong? Nếu thế thì chúng ta đây làm gì có được cái nhân duyên bắt gặp Chánh Pháp thù thắng này, bởi Phật Thích Ca Ngài thị hiện cõi này làm chi, rồi Ngài cực lực xiểng dương giáo Pháp này làm gì, cứ để mọi thứ 'tùy duyên' thôi! Bởi vậy cho nên, trong tu học có cái 'ba phải' được, có cái là không thể, đúng sai phải rạch ròi phân minh, được mất, 'có không' phải tận tâm tận sức, không thể 'tùy duyên' được vậy.
Còn về cái Tín tâm, nhiều khi là do hành giả chúng ta cứ suy nghĩ 'động não' nhiều quá, cứ chạy theo kiến giải này kiến giải kia suốt không chịu dừng lại thế thì làm sao phát khởi duy trì Tín tâm chân thật được. Phải chi cứ chân thật lời Kinh Phật thuyết sao thì cứ tin tưởng y như vậy thôi, rằng Phật nói "nãi chí thập niệm" là được vãng sanh thì cứ chân thật tin nhận vậy thôi, hạng bét chỉ vài niệm còn được Phật đảm bảo vãng sanh như thế huống hồ chúng ta ngày đêm niệm, cả đời niệm như thế này thì làm sao không được Phật rước cho được! Nếu không được Phật rước thì đâm ra Bổn Nguyện là hư dối mất hay sao? Nói chung Pháp môn vừa cực khó vừa cực dễ là ở chỗ đó, cứ đơn giản hóa vấn là nó sẽ thành dễ thôi, còn càng 'nghĩ khó' thì nó thành ra khó thật sự luôn vậy!
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 15. Bồ Đề Đạo Tràng
Ngài Hoàng Niệm Tổ