I. PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH
- Y phục trang nghiêm.
- Lễ bái.
- Ngồi ngay ngắn, kiết già hoặc bán già, lưng thẳng.
- Mắt nhắm nhẹ, định tâm.
- Bắt đầu niệm chậm rãi, ra tiếng rõ ràng từng chữ từng câu, bụng xẹp xuống theo hơi thở ra, cho đến khi hết hơi hẳn. Tùy sức người, có người niệm được 2 câu, có người được 3 câu, hay 4 câu...
- Hít vào chậm rãi, trong lúc hít vào vẫn tiếp tục niệm thầm không gián đoạn câu Phật hiệu (tùy sức và tốc độ niệm, có thể là một câu, hai câu...), tốc độ niệm thầm bằng với niệm ra tiếng, bụng căng lên (lưu ý là ở đây đề xướng dùng phương pháp thở bụng: thở ra bụng xẹp xuống, hít vào bụng căng lên, đặc biệt chú ý ở pha thở ra bụng xẹp hẳn xuống thì khi hít vào tự nhiên bụng bật ra). Cứ tiếp tục như vậy.
- Trong suốt quá trình, tâm luôn lắng nghe tiếng Phật hiệu do mình niệm ra (đây là điều quan trọng nhất, kể cả khi hít vào niệm thầm, không để gián đoạn việc nhiếp tâm nghe), không sử dụng máy niệm Phật, máy bấm số hay phương tiện gì trong suốt thời khóa này.
- Tốc độ niệm nhanh hay chậm thì tùy mỗi cá nhân. Ở đây đề xuất tốc độ niệm là 1 chữ một giây (hay khoảng như vậy), một câu A Di Đà Phật là khoảng 4 giây hoặc lâu hơn. Niệm chậm chắc, rõ ràng rành mạch, đều đặn nhẹ nhàng, sẽ dễ ghi khắc câu Phật hiệu vào tâm. Đi đứng nằm ngồi cũng dễ nhiếp tâm với tốc độ niệm này (lúc này có thể kết hợp dùng máy niệm Phật, bấm số, hay lần chuỗi...). Tuy nhiên cũng tùy nghi phương tiện hoàn cảnh căn cơ thôi, không nhất thiết ai cũng phải dùng.
- Thời lượng: Tùy theo điều kiện cá nhân. Nhưng nên từ một tiếng trở lên cho một thời khóa.
- Kết thúc thời khóa, phát nguyện, hồi hướng, lễ bái.
II. MỘT SỐ LƯU Ý
- Mỗi ngày nên có từ hai thời công phu này trở lên. Nói chung càng nhiều càng tốt.
- Thời gian để quen với cách thức công phu này: Khoảng 3-6 tháng (với người đã từng thực hành phương pháp thở bụng rồi thì khoảng 1-2 tháng).
- Khi mới bắt đầu tập, có thể xuất hiện một số hiện tượng như: xây xẩm, căng thẳng, tâm phân tán, khó nhiếp tâm vào câu Phật hiệu, khó điều tiết hơi thở, niệm mau mệt... Đó là vì chưa quen phương pháp thở bụng, chưa quen với tốc độ niệm và chưa quen với phương pháp niệm kết hợp thở sâu này. Cứ kiên trì tập luyện, sau một thời gian khi đã quen rồi, các hiện tượng tiêu cực đó sẽ không còn, các ưu điểm sẽ bắt đầu cảm nhận được. Câu Phật hiệu cũng bắt đầu dễ nhiếp tâm hơn [so với cách niệm thông thường nhiều lắm].
- Một khi đã quen với phương pháp rồi thì chỉ chú tâm lắng nghe câu Phật hiệu thôi, đừng để ý đến hơi thở nữa, chỉ còn lắng nghe tiếng niệm của mình mà thôi.
- Vẫn có thể áp dụng phương pháp này với cách thở thông thường (tức là thở bằng ngực: hít vào ngực căng lên bụng xẹp, thở ra ngực xẹp xuống bụng căng), nhưng hiệu quả dĩ nhiên không bằng với cách thở bụng.
III. ƯU - NHƯỢC ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP
- Ưu điểm: Nước uống nóng lạnh tự biết! Ở đây chỉ đề cập một chút rằng, sau một thời gian hành trì thì sức đề kháng cơ thể của hành giả sẽ tăng lên rõ rệt. Cho nên những ai thể chất không được tốt, hay đau ốm, hay những ai phải lao tâm lao lực nhiều rất nên áp dụng hằng ngày.
- Nhược điểm:
+ Chỉ thực hành cho từng cá nhân, không cộng tu cùng đại chúng theo phương pháp này được.
+ Cần có sự kiên trì tập luyện, theo đuổi không bỏ cuộc, do ban đầu hơi khó thích nghi. Phải hành trì lâu dài mới dần thấy được công hiệu, không phải dạng phương pháp dễ thấy ngay được hiệu quả.
IV. NHẬN XÉT
- Vì mỗi cá nhân căn tánh bất đồng, nên công phu cá nhân là để gầy dựng năng lực công phu riêng cho từng cá nhân, do đó rất cần thiết trong tu tập (bên cạnh các thời khóa khác như: Lễ Phật - niệm Phật, địa chung cùng đại chúng...). Chúng ta đừng nên xem nhẹ thời khóa địa chung cá nhân, bởi đây chính là chỗ chúng ta rèn giũa phát triển năng lực công phu thật sự của mình. Tu hành công phu phải ngày một tiến lên, có công phu sâu thì khi ra ngoài đối người tiếp vật tâm chúng ta mới có sức định, khó bị cảnh duyên lay chuyển, gây nhiễm ô. "Được vãng sanh hay không là do có Tín Nguyện hay không? Phẩm vị cao hay thấp là do trì danh sâu hay cạn!" - lời Chư Tổ Sư dạy.
- Việc tu hành nên tùy nghi phương tiện, không ai giống ai, mỗi cá nhân, tập thể có thể áp dụng phương pháp hành trì thời khóa công phu hàng ngày sao cho phù hợp căn cơ hoàn cảnh của mình, miễn là phương pháp nào đem lại hiệu quả tốt nhất cho chúng ta thì áp dụng.
- Cuối cùng, xin đừng xem nhẹ phương pháp có vẻ bình dị tầm thường này mà bỏ qua thì thật là tiếc lắm thay!
TP Hồ Chí Minh, 2023