(Nguyện thứ bảy: đắc Thiên Nhãn Thông; nguyện thứ tám: đắc Thiên Nhĩ Thông)
Thiên Nhãn Thông còn gọi là Thiên Nhãn Trí Thông hoặc Sanh Tử Trí Thông. Thiên Nhãn là con mắt cõi trời, thấy được hết thảy hình sắc thô to, nhỏ nhặt, xa gần và tướng trạng sanh tử của chúng sanh trong tương lai. Trong quyển năm của Trí Ðộ Luận có câu: “Thiên nhãn thấy được lục đạo chúng sanh và các vật trong tự địa và hạ địa (lấy người cõi trời mà nói thì tự địa là cõi trời, các chốn Tu La, người; súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục là hạ địa) dù xa hay gần, các sắc dù thô hay tế, không thứ gì chẳng thấy rõ”.
Thiên Nhãn Thông lại như sách Hội Sớ bảo: “Thấy được các tướng: chết đây, sanh kia, khổ, vui... của lục đạo chúng sanh và thấy hết thảy các thứ hình sắc chướng nội, chướng ngoại, thế gian, xuất thế gian chẳng bị chướng ngại”. Mắt thịt của phàm phu chỉ thấy được vật “chướng nội”. Ví dụ: tường vây quanh là Chướng. Phàm phu chỉ thấy được vật giữa các bức tường (chướng nội) chẳng biết được hết thảy vật ngoài tường (chướng ngoại). Thiên nhãn thấy được những vật chướng ngoại nên thông đạt vô ngại.
Thiên Nhãn của trời, người cõi Cực Lạc lại vượt xa Thiên Nhãn của Nhị Thừa và chư thiên. Ðại sĩ Long Thọ nói: “Bậc tiểu Thanh Văn trong hàng Nhị Thừa nếu chẳng tác ý liền thấy được một ngàn cõi. Nếu tác ý thì thấy hai ngàn quốc độ. Ðại Thanh Văn chẳng tác ý thấy được hai ngàn, tác ý thấy được ba ngàn. Bậc tiểu Duyên Giác chẳng tác ý thấy hai ngàn, tác ý thấy ba ngàn. Bậc đại Duyên Giác dù tác ý hay không cũng đều thấy được việc trong tam thiên đại thiên thế giới. Chư Phật, Bồ Tát thấy được sự việc trong vô lượng thế giới”.
Chẳng cần biết là tác ý hay không, những điều mà trời, người cõi Cực Lạc thấy được như: Chúng sanh sống chết lưu chuyển trong các thế giới và nhân duyên, hạnh nghiệp của bọn họ... đều vượt xa Nhị Thừa. Bản Tống dịch chép lời nguyện thứ năm như sau: “Nhất thiết giai đắc thanh tịnh thiên nhãn, năng kiến bách thiên câu-chi na-do-tha thế giới, thô tế sắc tướng…” (Hết thảy đều được thiên nhãn thanh tịnh, thấy được sắc tướng thô, tế... trong trăm ngàn câu-chi (trăm vạn) na-do-tha (ức) thế giới”. Hội bản ghi là thấy rõ “thập phương khứ lai hiện tại chi sự” (việc quá khứ, hiện tại, vị lai trong mười phương), ý nói: Thấy được sự việc trong vô lượng thế giới, đủ thấy thần thông của người cõi Cực Lạc chính là thần thông của chư Phật, Bồ Tát.
Với nguyện thứ bảy này, lại có hai thuyết:
- Một là như ngài Vọng Tây nói: “Do chúng sanh trong cõi nước chẳng thấy các quả khổ nên chẳng sợ cái nhân tạo khổ, cũng do chẳng thấy các quả vui nên chẳng tu cái nhân sanh vui. Ngài Pháp Tạng thương xót những bọn chúng sanh ấy nên chọn lựa cái nguyện này để nhiếp thủ chúng nó”. Sách Hội Sớ cũng bảo: “Mắt thịt mờ mịt, kém cỏi, chẳng thể thấy nổi vật bị che lấp bởi một tờ giấy. Chỉ tính cái trước mắt, chẳng thấy khổ dữ nơi địa ngục, nên chẳng dũng mãnh siêng tu; chẳng thấy được cái vui thù thắng nơi Tịnh Ðộ nên hờ hững tâm niệm ham cầu”. Ngài Trừng Hiến lại nói: “Ôi chao thương thay! Chẳng thấy quả khổ địa ngục, ngạ quỷ, chẳng thấy cha, mẹ, sư trưởng thọ báo nên hờ hững cái tâm nhàn chán, biếng nghĩ việc báo ân”. Vì vậy, ngài Vọng Tây bảo: “Việc trọng yếu thượng cầu hạ hóa, cái đạo chán khổ báo ân chỉ cốt ở thiên nhãn soi thấy mà thôi!”.
- Hai là như sách Trích Ký khai triển:
“Các sách như Hội Sớ v.v... cho rằng Phật phát nguyện như thế là để diệt ác sanh thiện, chán khổ ham tịnh. Nếu như vậy thì hóa ra là chẳng phải để đạt lợi ích nơi cõi chân độ (chỉ Cực Lạc). [Tôi cho rằng] nguyện này chính là để đạt lợi ích nơi cõi chân thật. Như có Tịnh Ðộ, tuy thánh chúng cõi ấy có thiên nhãn thấy được hai ngàn thế giới hoặc thấy ba ngàn thế giới, nhưng chẳng thấy trọn bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số cõi Phật. Hoặc có Tịnh Ðộ, Bồ Tát cõi ấy tuy được thiên nhãn, nhưng chẳng trọn đủ ngũ nhãn. Do vậy, Phật đặc biệt phát ra nguyện này.
Cũng bởi thế, trong phần Nguyện Thành Tựu có nói: ‘Nhục nhãn thanh triệt, mị bất phân liễu. Thiên nhãn thông đạt, vô lượng vô hạn’ (Mắt thịt trong trẻo không gì chẳng thấy rõ. Thiên nhãn thông đạt vô lượng vô hạn). Như vậy, hễ được một thứ thiên nhãn thì sẽ trọn đủ ngũ nhãn. Bởi thế, thấy được cõi Phật nhiều như số vi trần, thấy rõ chúng sanh chết đây sanh kia, cứu giúp, lợi lạc chúng sanh, luôn làm Phật sự. Ðó chính là lợi ích thù thắng của nguyện này vậy”.
Ý của câu trên là: Nếu cho rằng nguyên khởi của lời nguyện này chỉ là để diệt điều ác, sanh điều lành và khiến cho [người nghe] chán khổ, thích vui, thì đó chưa phải là cái lợi ích thực tế cho người cõi Cực Lạc. Trời, người cõi Cực Lạc thấy được bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số cõi Phật, nhưng do đắc Thiên Nhãn, họ liền được đầy đủ trọn vẹn cả Ngũ Nhãn: Huệ Nhãn, Pháp Nhãn, Phật Nhãn và Nhục Nhãn sẵn có. Do đó, họ thấy được cõi nước nhiều như vi trần, thấy rõ các tướng sống chết qua lại của chúng sanh, nên có thể cứu giúp quần sanh, lợi lạc vạn vật. Ðấy mới là lợi ích thù thắng của bổn nguyện.
Trong hai thuyết trên, thuyết sau rất đạt bổn nguyện của Phật Di Ðà.
Câu “triệt thính thập phương khứ lai hiện tại chi sự” (nghe rõ ràng chuyện vị lai, hiện tại trong mười phương) trong kinh chính là nguyện thứ tám: “Đắc Thiên Nhĩ Thông”. Thiên Nhĩ Thông còn gọi là Thiên Nhĩ Trí Thông. Thiên Nhĩ là tai của chư thiên trong Sắc Giới, nghe được tiếng nói của hết thảy chúng sanh trong lục đạo và hết thảy âm thanh xa, gần, lớn, nhỏ. Sách Hội Sớ bảo: “Thiên Nhĩ Thông là nghe được hết thảy tiếng nói, âm thanh: chướng nội, chướng ngoại, khổ, vui, lo, mừng... không úng trệ vậy”.
Nguyện này được bản Ngụy dịch ghi như sau: “Quốc trung thiên nhân bất đắc thiên nhĩ, hạ đáo văn bách thiên ức na-do-tha chư Phật sở thuyết, bất tất thọ trì giả, bất thủ Chánh Giác” (Trời, người trong nước chẳng được Thiên Nhĩ, tối thiểu là nghe lời dạy của trăm ngàn ức na-do tha Phật mà chẳng thọ trì hết cả thì chẳng lấy Chánh Giác).
Bản Ðường dịch ghi: “Quốc trung hữu tình, bất hoạch thiên nhĩ, nãi chí bất văn ức na-do-tha bách thiên du-thiện-na ngoại thuyết pháp giả, bất thủ Chánh Giác” (Hữu tình trong nước chẳng được Thiên Nhĩ, cho đến chẳng nghe được lời thuyết pháp cách xa ức na-do-tha trăm ngàn du-thiện-na thì chẳng lấy Chánh Giác).
Theo đó, Thiên Nhĩ Thông của trời, người cõi Cực Lạc vượt xa Nhị Thừa, chẳng những nghe được khắp tất cả âm thanh trong mười phương, mà còn có thể nghe được vô lượng chư Phật thuyết pháp.
Ngài Trừng Hiến bảo: “Thần thông này rất quan trọng. Nghe được tiếng các khổ nơi địa ngục, tiếng đói khát của loài ngạ quỷ liền thêm lớn bi tâm. Nghe tiếng nhạc Càn Thát Bà (Càn Thát Bà là nhạc thần của Thiên Ðế, gảy đàn lưu ly, tiếng vang vọng khắp tam thiên đại thiên thế giới), tiếng thần tiên tụng kinh. Nghe rồi thường thích chốn núi non tịch tĩnh; huống hồ nghe chư Phật thuyết pháp, nghe xong đều thọ trì, nghe Bồ Tát bàn bạc càng thêm khát ngưỡng!”
Đoạn: Chẳng cần biết là tác ý hay không, những điều mà trời, người cõi Cực Lạc thấy được như: Chúng sanh sống chết lưu chuyển trong các thế giới và nhân duyên, hạnh nghiệp của bọn họ... đều vượt xa Nhị Thừa. Bản Tống dịch chép lời nguyện thứ năm như sau: “Nhất thiết giai đắc thanh tịnh thiên nhãn, năng kiến bách thiên câu-chi na-do-tha thế giới, thô tế sắc tướng…” (Hết thảy đều được thiên nhãn thanh tịnh, thấy được sắc tướng thô, tế... trong trăm ngàn câu-chi (trăm vạn) na-do-tha (ức) thế giới”. Hội bản ghi là thấy rõ “thập phương khứ lai hiện tại chi sự” (việc quá khứ, hiện tại, vị lai trong mười phương), ý nói: Thấy được sự việc trong vô lượng thế giới, đủ thấy thần thông của người cõi Cực Lạc chính là thần thông của chư Phật, Bồ Tát.
"Thần thông của người cõi Cực Lạc chính là thần thông của chư Phật, Bồ Tát", không có ngằn mé, không có giới hạn [vô lượng]. Chúng ta đọc thấy các Bản Tống, Ngụy, Đường [dịch] đều luận về không gian [trăm vạn ức na-do-tha thế giới,...], riêng Hội Bản mô tả cả không gian, thời gian "thập phương khứ lai hiện tại". Chú giải của Ngài tác giả cũng chỉ dừng lại ở không gian "trong vô lượng thế giới". Vậy có thể hiểu như thế nào là tùy ý đọc giả vậy!
Đoạn: Do đó, họ thấy được cõi nước nhiều như vi trần, thấy rõ các tướng sống chết qua lại của chúng sanh, nên có thể cứu giúp quần sanh, lợi lạc vạn vật. Ðấy mới là lợi ích thù thắng của bổn nguyện.
Rõ ràng, một khi thấy được các sự khổ đau, các tướng sống chết [sanh tử] luân hồi của chúng sanh thập phương, 'trong tay' lại đầy đủ đại thần thông, đạo lược, bậc quân tử [thượng thiện nhân] cõi ấy lẽ nào lại 'ngoảnh mặt làm ngơ', họ sẽ phải dốc toàn tâm lực vì hai điều: một là ra sức hành đạo để mau chứng được Phật quả [cứu vớt khắp quần manh], song song đó là tùy nghi phương tiện thiện xảo [có sẳn, cùng Chư bạn lữ] để cứu giúp các hữu tình đang chìm đắm trong đêm dài tăm tối [sanh tử]. Mà một trong những lợi ích thù thắng nhất, đó chính là đem giáo pháp Tịnh Độ, ý chỉ Bổn Nguyện, câu Phật hiệu vạn đức hồng danh, đến với tất cả [hữu tình], hòng giúp chúng sanh cùng được gặp gỡ [nhân duyên thù thắng này], thọ dụng hành trì, cùng được về, vĩnh viễn giải thoát.
Câu: Theo đó, Thiên Nhĩ Thông của trời, người cõi Cực Lạc vượt xa Nhị Thừa, chẳng những nghe được khắp tất cả âm thanh trong mười phương, mà còn có thể nghe được vô lượng chư Phật thuyết pháp.
Quả thật, quá thù thắng, quá lợi lạc, không thể tưởng tượng được, [nghĩ bàn được], và diệu dụng đó đã được Ngài Trừng Hiến luận nói trong đoạn cuối.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện
Ngài Hoàng Niệm Tổ