Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, tự tri vô lượng kiếp thời, túc mạng sở tác thiện ác, giai năng đỗng thị triệt thính, tri thập phương khứ lai hiện tại chi sự. Bất đắc thị nguyện, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sanh sanh về nước tôi tự biết các việc thiện ác đã làm trong túc mạng đến vô lượng kiếp, đều trông thấy rõ ràng, nghe rành rẽ, biết được các việc trong quá khứ, hiện tại, vị lai suốt mười phương. Chẳng đạt nguyện này, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện thứ sáu: đắc Túc Mạng Thông; nguyện thứ bảy: đắc Thiên Nhãn Thông; nguyện thứ tám: đắc Thiên Nhĩ Thông)
Giải:
Chương này nói rõ chúng sanh cõi ấy viên mãn nguyện thứ sáu: “Túc mạng thông”; nguyện thứ bảy: “Thiên nhãn thông” và nguyện thứ tám: “Thiên nhĩ thông”.
Thông là nói tắt chữ “thần thông”. Thần dị đến cùng cực, chẳng thể lường nổi công hạnh thì gọi là “thần” (神). Làm gì cũng chẳng bị úng tắc, tự tại vô ngại thì là “thông” (通). Có sáu thứ thần thông, thường gọi là Lục Thông, tức là: Túc Mạng Thông, Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Thần Túc Thông và Lậu Tận Thông. Trong sáu loại thần thông này, loại thứ sáu chỉ bậc thánh (từ A La Hán trở lên) mới có, năm loại trước thì phàm phu, dị sanh (không phải loài người) cũng có thể đạt được.
Chư thiên trong tam giới do quả báo nên đều tự nhiên cảm được năm thứ thần thông đầu (thậm chí quỷ thần cũng có chút thần thông), nhưng chẳng đắc Lậu Tận Thông. Chỉ bậc thánh mới chứng nổi Lậu Tận Thông vì phải đoạn sạch phiền não thì mới là Lậu Tận vậy.
Cần chú ý một điều: Chúng sanh nơi Cực Lạc chứng được những thần thông vượt xa những thứ thần thông do Thiền Ðịnh phát sanh như trong các kinh luận khác đã nói. Nêu một ví dụ: Phàm phu đạt được Túc Mạng Thông thì không thể biết việc quá khứ lâu hơn tám vạn kiếp được. Trong kinh này lại nói biết đến vô lượng kiếp là do chúng sanh nơi Cực Lạc nhờ vào sức bổn nguyện của Phật mà đạt được thần thông Ðại Thừa Bất Cộng nên vượt xa phàm phu lẫn Tiểu Thừa.
Như vậy, thần thông của trời, người cõi Cực Lạc chẳng do tu tập mà chứng đắc, chẳng đợi phải tu mới có, mà là tự nhiên được thành tựu. Thần thông ấy cũng chẳng giống với Ngũ Thông do quả báo mà có của chư thiên; chỉ là nương vào Tu Đức của Phật Di Ðà làm nhân, nương theo Như Lai nguyện lực mà thụ hưởng quả đức an lạc tự nhiên. Do đó, cảm được quả báo vượt xa lệ thường. Vì vậy, sách Yếu Tập nhận định: “Chẳng nương vào bốn thứ Tịnh Lự (Thiền Định) để làm cái nhân tu tập thần thông, chỉ hễ sanh về đấy liền được quả báo tùy ý như vậy, há chẳng sung sướng lắm sao!”
Hơn nữa, thần thông của chư Phật, Bồ Tát và Nhị Thừa cũng có nhiều điểm sai khác. Sách Bình Giải dựa trên Ðại Thừa Nghĩa Chương nêu ra những điểm sau:
* Rộng, hẹp chẳng giống nhau: Như kinh Ðịa Trì nói Thanh Văn thông tỏ hai ngàn cõi nước, Duyên Giác thông tỏ sáu ngàn cõi nước (Kinh này bảo thấy trọn ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật, đủ thấy khác biệt rất lớn).
* Nhiều, ít khác biệt: Trong một tâm niệm, Nhị Thừa chỉ có thể hóa hiện được một việc, chẳng thể làm nổi nhiều việc; chư Phật, Bồ Tát có thể hóa hiện ra hết thảy hình dạng trong khắp mười phương thế giới, cùng một lúc có thể hiện thân trong năm đường.
* Lớn, nhỏ sai khác: Nhị Thừa hóa ra thân lớn chẳng vào trong được thân nhỏ, hóa thân nhỏ chẳng dung nổi thân lớn. Chư Phật, Bồ Tát hiện thân to chật cả tam thiên thế giới, lại có thể đem thân ấy nhét trong một vi trần, hóa hiện thân nhỏ như mảy trần nhưng thân ấy chứa được hết thảy. Hơn nữa, với hết thảy sắc vật, Bồ Tát có thể đem cái lớn bỏ trong cái nhỏ, dùng cái nhỏ đựng cái lớn. Nhị Thừa không thể làm nổi như thế.
* Nhanh, chậm sai khác: Nhị Thừa muốn đến được chỗ xa xôi, phải mất một thời gian mới tới vì chẳng được Như Ý Thông. Chư Phật, Bồ Tát trong một niệm đến khắp mười phương thế giới do đã chứng đắc Như Ý Thông.
* Thật, giả sai khác: Hết thảy thứ do Nhị Thừa hóa hiện chỉ là tương tự, chẳng thể thật sự dùng được. Chư Phật, Bồ Tát hóa hiện ra thứ gì cũng đều có công dụng thật sự.
* Việc làm sai khác: Chư Phật, Bồ Tát hóa ra vô lượng người khiến cho mỗi người đều có tâm, mỗi người làm một việc hoàn thành khác nhau. Nhị Thừa chẳng thể làm nổi như vậy.
* Hóa hiện sai khác: Chư Phật, Bồ Tát chỉ hiện một thân mà mỗi người mỗi thấy khác nhau; chỉ nói ra một tiếng mà mỗi người nghe mỗi khác; an trụ một cõi mà hiện đủ mười phương. Nhị Thừa không thể làm như thế được.
* Hóa các căn có công dụng sai khác: Như kinh Niết Bàn nói: “Chư Phật, Bồ Tát lục căn hỗ dụng” (Chư Phật, Bồ Tát dùng lẫn sáu căn - dùng căn này làm chuyện khác, như trong lỗ chân lông, tức là thân căn, vang ra các bài kệ. Như vậy, Bồ Tát đã dùng thân căn thay thế cho thiệt căn nói kệ). Nhị Thừa chẳng thể làm được như vậy.
* Tự tại sai khác: Như kinh Niết Bàn nói: “Chư Phật, Bồ Tát phàm sở tác vi, thân tâm tự tại, bất tương tùy trục, kỳ thân hiện đại, tâm diệc bất đại. Nhược thân hiện tiểu, tâm diệc bất tiểu. Hỷ ưu đẳng nhất thiết giai nhĩ” (Chư Phật, Bồ Tát hễ làm điều gì thân tâm tự tại, chẳng vướng theo duyên. Dẫu thân hiện lớn, tâm chẳng lớn theo. Dẫu thân hiện nhỏ, tâm cũng chẳng nhỏ theo. Hết thảy hỷ, ưu v.v… đều như vậy - ý nói thân hiện vẻ vui mừng, tâm không vui mừng). Nhị Thừa chẳng được như thế.
Thần thông của trời, người cõi Cực Lạc như sách Hợp Tán nói: “Nay đã là sức thần thông bất cộng của Ðại Thừa, lại thêm nhờ sức bổn nguyện (của Phật Di Ðà), nên há lại giống với thần thông của phàm phu, Tiểu Thừa ư!”
Câu “tự tri vô lượng kiếp thời, túc mạng sở tác thiện ác” (tự biết được việc thiện ác đã làm trong túc mạng đến vô lượng kiếp) chính là nguyện thứ sáu: “Đắc Túc Mạng Thông”. “Túc” (宿) là đời quá khứ, tục gọi là đời trước, “mạng” (命) là sanh mạng. Như vậy, “túc mạng” là nhiều kiếp sống trước trong quá khứ. Biết được các việc thiện ác trong nhiều kiếp sống quá khứ thì gọi là Túc Mạng Thông.
Nhị Thừa biết được nhiều lắm là đến tám vạn kiếp, Bồ Tát biết đến vô cực. Lời nguyện trong kinh này lại nói là Túc Mạng đến vô lượng kiếp thì chính là nói đến thần thông của Đại Thừa Bồ Tát vậy.
Nguyện này gồm hai ý nghĩa:
- Một là như sư Trừng Hiến người Nhật nói: “Do chẳng biết túc mạng nên chẳng sốt sắng làm lành, chẳng sợ điều ác. Với muôn điều thiện trở nên lười biếng, tạo tác các ác cũng chỉ do không biết túc nghiệp. Vị La Hán kia nhớ nỗi khổ trong Nê Lê (địa ngục) mà toát mồ hôi lẫn máu (Xưa kia có vị La Hán nhớ đến khi xưa ở trong địa ngục, chịu các sự thống khổ thảm thiết mà kinh sợ cùng cực, mồ hôi toát ra có lẫn cả máu).
Ngài Phước Tăng thấy xương đời trước của mình liền chợt khai ngộ. Lại có người chẳng biết kẻ ấy là mẹ đẻ trong đời trước nên lấy làm vợ, chẳng biết là oán gia đời trước nên nuôi như con, chẳng biết là cha đời trước nên đem nấu thành thức ăn ngon v.v... Ðấy đều do mê muội túc sự (chuyện trong đời trước), ham đắm nỗi vui trong đời, nay chợt nghe bổn duyên đều sanh tâm nhàm chán vậy”.
Như vậy, người cõi Cực Lạc cần phải có Túc Mạng Trí Thông là nhằm biết được hạnh nghiệp của chúng sanh trong quá khứ để nhờ vào đó mà dẫn dụ họ, dùng đó làm phương tiện hòng hóa độ chúng sanh.
- Hai là như ngài Tịnh Chiếu nói: “Nếu biết được túc mạng thì chẳng tự cao. Nhớ nghĩ đến vô số công đức trong quá khứ nên chỉ nương theo thệ nguyện của Phật để được sanh về cõi kia”. Ngài Trừng Hiến cũng nói: “Vãng sanh cõi kia liền trước hết biết túc mạng, thật là kính ngưỡng Phật đức sâu xa”. Như vậy, người cõi Cực Lạc do Túc Mạng Trí nên hết lòng cảm ngưỡng ân đức của Phật vậy.
Thiên Nhãn Thông còn gọi là Thiên Nhãn Trí Thông hoặc Sanh Tử Trí Thông. Thiên Nhãn là con mắt cõi trời, thấy được hết thảy hình sắc thô to, nhỏ nhặt, xa gần và tướng trạng sanh tử của chúng sanh trong tương lai. Trong quyển năm của Trí Ðộ Luận có câu: “Thiên nhãn thấy được lục đạo chúng sanh và các vật trong tự địa và hạ địa (lấy người cõi trời mà nói thì tự địa là cõi trời, các chốn Tu La, người; súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục là hạ địa) dù xa hay gần, các sắc dù thô hay tế, không thứ gì chẳng thấy rõ”.
Thiên Nhãn Thông lại như sách Hội Sớ bảo: “Thấy được các tướng: chết đây, sanh kia, khổ, vui... của lục đạo chúng sanh và thấy hết thảy các thứ hình sắc chướng nội, chướng ngoại, thế gian, xuất thế gian chẳng bị chướng ngại”. Mắt thịt của phàm phu chỉ thấy được vật “chướng nội”. Ví dụ: tường vây quanh là Chướng. Phàm phu chỉ thấy được vật giữa các bức tường (chướng nội) chẳng biết được hết thảy vật ngoài tường (chướng ngoại). Thiên nhãn thấy được những vật chướng ngoại nên thông đạt vô ngại.
Với nguyện thứ bảy này, lại có hai thuyết:
- Một là như ngài Vọng Tây nói: “Do chúng sanh trong cõi nước chẳng thấy các quả khổ nên chẳng sợ cái nhân tạo khổ, cũng do chẳng thấy các quả vui nên chẳng tu cái nhân sanh vui. Ngài Pháp Tạng thương xót những bọn chúng sanh ấy nên chọn lựa cái nguyện này để nhiếp thủ chúng nó”. Sách Hội Sớ cũng bảo: “Mắt thịt mờ mịt, kém cỏi, chẳng thể thấy nổi vật bị che lấp bởi một tờ giấy. Chỉ tính cái trước mắt, chẳng thấy khổ dữ nơi địa ngục, nên chẳng dũng mãnh siêng tu; chẳng thấy được cái vui thù thắng nơi Tịnh Ðộ nên hờ hững tâm niệm ham cầu”. Ngài Trừng Hiến lại nói: “Ôi chao thương thay! Chẳng thấy quả khổ địa ngục, ngạ quỷ, chẳng thấy cha, mẹ, sư trưởng thọ báo nên hờ hững cái tâm nhàn chán, biếng nghĩ việc báo ân”. Vì vậy, ngài Vọng Tây bảo: “Việc trọng yếu thượng cầu hạ hóa, cái đạo chán khổ báo ân chỉ cốt ở thiên nhãn soi thấy mà thôi!”.
- Hai là như sách Trích Ký khai triển:
“Các sách như Hội Sớ v.v... cho rằng Phật phát nguyện như thế là để diệt ác sanh thiện, chán khổ ham tịnh. Nếu như vậy thì hóa ra là chẳng phải để đạt lợi ích nơi cõi chân độ (chỉ Cực Lạc). [Tôi cho rằng] nguyện này chính là để đạt lợi ích nơi cõi chân thật.
Như có Tịnh Ðộ, tuy thánh chúng cõi ấy có thiên nhãn thấy được hai ngàn thế giới hoặc thấy ba ngàn thế giới, nhưng chẳng thấy trọn bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số cõi Phật. Hoặc có Tịnh Ðộ, Bồ Tát cõi ấy tuy được thiên nhãn, nhưng chẳng trọn đủ ngũ nhãn. Do vậy, Phật đặc biệt phát ra nguyện này.
Cũng bởi thế, trong phần Nguyện Thành Tựu có nói: ‘Nhục nhãn thanh triệt, mị bất phân liễu. Thiên nhãn thông đạt, vô lượng vô hạn’ (Mắt thịt trong trẻo không gì chẳng thấy rõ. Thiên nhãn thông đạt vô lượng vô hạn). Như vậy, hễ được một thứ thiên nhãn thì sẽ trọn đủ ngũ nhãn. Bởi thế, thấy được cõi Phật nhiều như số vi trần, thấy rõ chúng sanh chết đây sanh kia, cứu giúp, lợi lạc chúng sanh, luôn làm Phật sự. Ðó chính là lợi ích thù thắng của nguyện này vậy”.
Ý của câu trên là: Nếu cho rằng nguyên khởi của lời nguyện này chỉ là để diệt điều ác, sanh điều lành và khiến cho [người nghe] chán khổ, thích vui, thì đó chưa phải là cái lợi ích thực tế cho người cõi Cực Lạc. Trời, người cõi Cực Lạc thấy được bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần số cõi Phật, nhưng do đắc Thiên Nhãn, họ liền được đầy đủ trọn vẹn cả Ngũ Nhãn: Huệ Nhãn, Pháp Nhãn, Phật Nhãn và Nhục Nhãn sẵn có. Do đó, họ thấy được cõi nước nhiều như vi trần, thấy rõ các tướng sống chết qua lại của chúng sanh, nên có thể cứu giúp quần sanh, lợi lạc vạn vật. Ðấy mới là lợi ích thù thắng của bổn nguyện.
Trong hai thuyết trên, thuyết sau rất đạt bổn nguyện của Phật Di Ðà.
Câu “triệt thính thập phương khứ lai hiện tại chi sự” (nghe rõ ràng chuyện vị lai, hiện tại trong mười phương) trong kinh chính là nguyện thứ tám: “Đắc Thiên Nhĩ Thông”. Thiên Nhĩ Thông còn gọi là Thiên Nhĩ Trí Thông. Thiên Nhĩ là tai của chư thiên trong Sắc Giới, nghe được tiếng nói của hết thảy chúng sanh trong lục đạo và hết thảy âm thanh xa, gần, lớn, nhỏ. Sách Hội Sớ bảo: “Thiên Nhĩ Thông là nghe được hết thảy tiếng nói, âm thanh: chướng nội, chướng ngoại, khổ, vui, lo, mừng... không úng trệ vậy”.
Theo đó, Thiên Nhĩ Thông của trời, người cõi Cực Lạc vượt xa Nhị Thừa, chẳng những nghe được khắp tất cả âm thanh trong mười phương, mà còn có thể nghe được vô lượng chư Phật thuyết pháp.
Ảnh minh họa: "Bấy giờ, Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất: “Từ đây tới phương Tây, trải qua mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Trong cõi đó, có đức Phật hiệu A Di Đà, hiện đang nói pháp.”"
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn Kinh văn này gồm có 3 Nguyện: Đắc Túc Mạng Thông; đắc Thiên Nhãn Thông; đắc Thiên Nhĩ Thông. Chúng ta có thể xem phần chú giải đầy đủ trong sách Chú Giải (8 trang) hoặc phần trích lục rút gọn bên trên, đã đầy đủ nội dung chi tiết, rõ ràng tường tận tất cả lời Phật thuyết. Ở đây chỉ bàn luận thêm một vài điểm có liên quan.
Chúng sanh trong Thập phương pháp giới một khi được Phật rước về cõi ấy thì liền có được các thứ thần thông này. Mà chẳng phải là dạng thần thông thông thường của hàng Tiểu Thừa [Thánh quả] mà là Đại thần thông đại oai lực chẳng thể nghĩ bàn của hàng Đại Bồ Tát [Đại Thừa], vô cùng tận, chẳng ngằn mé, có thể thấy nghe, soi chiếu vô lượng vô biên thế giới, quốc độ.
Do đâu mà chúng sanh cõi ấy có được như vậy? Như các Ngài chú thích, tất cả đều là nhờ Thệ Nguyện đại từ đại bi của A Di Đà Phật ban phát cho chúng sanh khi được sanh về cõi ấy. Dĩ nhiên là như thế rồi. Nhưng nguồn gốc bản chất là từ nơi đâu? Không lẽ tự nhiên nhân dân cõi ấy 'bỗng dưng' có được điều này? Vâng, chắc chắc không có gì mà tự nhiên có cả. Tất cả đó là do chúng sanh vốn dĩ là có đầy đủ những điều này, không thiếu thứ gì cả. Bởi Tự tánh vốn đầy đủ [mọi loại công đức]. Chẳng qua chúng sanh do mê lầm che lấp, không cách gì hiển hiện lên được. Do đó, Đức Phật A Di Đà trải qua biết bao kiếp tu tập, giúp chúng sanh tìm lại được [phần nào] những tánh đức vốn sẳn có trong mỗi chúng sanh mà thôi. Chứ nếu bản chất [nguồn cội] vốn chẳng có gì thì Đức Phật cũng chẳng thể tự ban phát cho họ được. Cho nên mới nói chúng sanh vốn dĩ là Phật, hay chúng sanh là Phật sẽ thành. Dĩ nhiên, nhân dân cõi ấy chỉ được hiển hiện một phần nào đấy Tự tánh công đức của chính mình mà thôi, còn phải trải qua thời gian tu tập lâu dài nơi cõi ấy, hoặc đi đến các Quốc độ để Tự độ độ tha, theo thứ lớp dần dần mới tiến lên Quả vị Phật [hiển lộ hoàn toàn Phật tánh]. Trên con đường hành đạo ấy, Phật A Di Đà tạo mọi điều kiện một cách tối ưu để chúng sanh có thể dễ dàng và chắc chắc thành tựu Phật đạo [vượt trỗi hơn mọi Thế Giới khắp mười phương]. Vì thế Chư Phật trong khắp mười phương Thế Giới đồng hiện tướng lưỡi rộng dài giới thiệu, xiển dương Pháp môn Tịnh Độ, đồng ngợi khen tán thán công đức bất khả tư nghì của Đức Phật Vô Lượng Thọ [đối với Thập phương chúng sanh].
Cõi nước ấy thù thắng, bất khả tư nghì; cách thức, phương tiện để được về cũng thù thắng, bất khả tư nghì. Vấn đề của chúng sanh là phải có nhân duyên bắt gặp, chịu tin nhận, rồi y giáo phụng hành, nhất định trong một đời được thành tựu giải thoát, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Dĩ nhiên, để có được cái Thiện căn phước đức nhân duyên như thế ắt đã phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp tu tập, cúng dường hằng sa Chư Phật rồi, đến đời nay mới được như vậy. Cho nên, Đức Phật Bổn Sư đã nói trong Kinh: "Nếu xa xưa không tu phước huệ thì Chánh pháp này không thể nghe" ["nghe" ở đây tức là nhân duyên được nghe biết và Tín thọ phụng hành]. Vì sao lại khó "nghe" [đặc biệt là khó tin] như vậy? Đơn giản là vì nghiệp chướng quá dày [kể cả thiện nghiệp và ác nghiệp], phước huệ quá mỏng. "Đã từng cúng dường các Như Lai. Nên hay vui mừng tin pháp này... Chỉ từng trước Phật trồng căn lành. Cứu đời hành thiện mới tu tập". Phải trải qua nhiều kiếp tu tập, cúng dường cho tiêu bớt nghiệp, tăng phước huệ. Vì thế, ngày nay nếu ai đã gặp được nhân duyên này, chịu tin nhận, chịu hành trì, đó rõ ràng là nhờ cái nhân nhiều đời nhiều kiếp tu tập được hội tụ lại trong đời này [được thọ lãnh cái quả này]. Chúng ta cần đặc biệt trân quý và phải nắm bắt cho bằng được. Không có điều gì quý giá, thiêng liêng [và cả tốn công sức] với chúng ta hơn điều này đâu. Cho nên, làm gì làm, mọi chuyện mọi việc trong đời này đều là thứ yếu, chỉ có nắm bắt cho được cơ hội giải thoát này là trọng yếu nhất mà thôi. Đây là Pháp môn một đời thành tựu giải thoát. Đó là lời Phật thuyết trong Kinh. "Chỉ cần tinh tấn khó nhọc một đời ngắn ngủi này". Chúng ta cần vâng lời, đừng bao giờ quên và quan trọng cũng đừng bao giờ hoài nghi lời dạy này. Nếu quả như vậy là xem như chúng ta đang "y giáo phụng hành", nhất định thành tựu trong đời này.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục, lần 2)
Ngài Hoàng Niệm Tổ