Danh Khác, Thể Chẳng Khác; Vốn Cùng Một Chủng Tánh, Chỉ Là Khác Hình Hài

NPSTD7

 

Danh Khác, Thể Chẳng Khác; Vốn Cùng Một Chủng Tánh, Chỉ Là Khác Hình Hài

Đại đức là Sanh, thế mà nhẫn tâm làm chuyện tàn hại. Tàn nhẫn gây tổn thương, ác độc làm hại chính là sự ác to lớn tột bậc, xuất phát từ lòng tàn nhẫn, mặc tình buông thả, chẳng có mảy may tâm trắc ẩn, thương xót. Các điều thiện vốn xuất phát từ lòng nhân từ, các điều ác vốn do lòng tàn nhẫn. Trừ bỏ lòng tàn nhẫn, thuận theo lòng Từ, công phu để thành thánh, thành hiền, thành Phật, thành tiên ở ngay nơi đó.

Tham sống, sợ chết, yêu thương người thân, quyến luyến chốn cũ, biết đau đớn, cảm thấy khổ sở, loài vật giống hệt như con người. Nhưng con người có trí, loài vật vô trí. Người có thể nói, loài vật chẳng nói được. Con người có sức mạnh, loài vật sức yếu. Người hiện thời nấu một bữa ăn, không chỉ giết một con vật. Nếu dùng bồ câu, chim ngói, chim cút, chim sẻ, phải giết mười mấy mạng để được một nồi canh. Nếu dùng trai, sò, tôm, hến, [để nấu] một nồi canh, ắt giết hơn trăm mạng! Lại có kẻ do thích vị ngon, cầu thỏa ý, bèn tìm tòi những món ngon vật lạ từ chốn xa xôi, hoặc chuẩn bị các loài vật để chờ nấu nướng, hoặc đem cua còn sống nhăn ngâm vào hèm rượu [để làm cua muối], nuôi cá để làm chả, chất than nướng sống, chọc tiết uống máu tươi, mổ bụng [con vật] lấy bào thai, lột da, bóc mai, trăm kiểu đun nấu, ngàn cách chế biến. Ăn no kềnh bụng bèn vênh váo đắc ý; hơi chậm trễ bèn cáu kỉnh, chửi bới kẻ nấu nướng. Suy nghĩ sâu xa, thống thiết, sẽ [cảm thấy] rất kinh sợ. Kinh dạy: “Nhất thiết úy đao trượng, vô bất ái thọ mạng” (Hết thảy đều sợ đao trượng, không loài nào chẳng yêu quý thọ mạng). Vì thế, Vương Khắc giết dê, dê vùng chạy đến chỗ khách sụp lạy cầu cứu.
Trâu Sanh xẻ thịt con nai, [khi sắp bị giết], nai quỳ sụp, khóc thất thanh. Con chim kinh hãi sa mình xuống bàn, cầu vua nước Ngụy cứu mạng. Con thú cùng đường chạy tuôn vào lều mong họ Khu cứu sống. Lại như quan Nội Hàn họ Trầm làm Thông Phán ở Giang Ninh, giết dê trong bếp, nhiều lượt bị mất đao. Rình xem, thấy dê ngậm đao giấu dưới chân tường. Dương Kiệt lúc làm Đề Hình, đến chơi núi A Dục Vương. Ngủ trưa nằm mộng thấy hơn trăm người đàn bà dường như có điều muốn bẩm báo. Ông bèn ngầm xuống bếp dã chiến tìm xem, mới biết những con sò cầu xin được sống. Hễ có sanh mạng bèn yêu luyến, có tình chấp như thế đó. Huống hồ khi chúng bị bắt, chẳng có chỗ nào trốn khỏi cái chết, đoái nhìn đồng loại, lưu luyến mà chẳng [làm cách nào khác] được.
Kêu ai oán khi bị hành hình, ôm nỗi bi thương mà chết. Đã bị cắt xẻ, lại vào chảo, vạc, đủ mọi nỗi đau khổ thấu tận xương tủy. Tình trạng trong lúc ấy, khác nào con người? Người hiện thời ngẫu nhiên bị tổn thương bởi nước sôi, lửa đao, kim đâm, ắt gào thét cầu cứu. Đầu váng, mắt nhức trong chốc lát, đã gọi bác sĩ, mua thuốc, yêu tiếc bản thân dường ấy, sao lại riêng đối với loài vật bèn chẳng sanh lòng thương xót, mặc tình tàn hại, kết oán, tạo nghiệp. Than ôi! Trong các điều ác, chỉ có chuyện này là thê thảm nhất, Phật, tiên khuyên răn, đạo trời tuần hoàn. Hãy nên gấp đặt mình trong hoàn cảnh ấy, sẽ ngay lập tức mạnh mẽ tỉnh ngộ. Do vì các hạng mục [những loài vật] chớ nên giết sẽ được nói đầy đủ trong phần sau, cúi xin những bậc quân tử có lòng nhân hãy hành theo đó!
Ngày ta được sanh ra, chính là ngày mẹ mắc nạn. Cha mẹ còn sống, cố nhiên là giữ tâm trong sạch, dốc trọn lòng kính. Cha mẹ đã khuất, càng nên ăn chay, đau xót. Há nên vì thỏa thích bụng miệng mà giết chóc các loài ư? Do vậy, ngày sinh nhật chớ nên sát sanh!
Người đời hễ không có con bèn đau buồn, có con bèn vui sướng. Nay để mừng sanh con, bèn khiến cho con kẻ khác phải chết. Hơn nữa, trẻ thơ mới sanh ra, chẳng cầu [cho nó] trường thọ, lại ngược ngạo tạo nghiệp ư? Vì thế, sanh con chớ nên sát sanh!
Tang ma thì lấy đau buồn làm điều chánh yếu. Giết chóc là tội đứng đầu, bày cỗ bàn thịnh soạn trước linh vị người đã khuất, chỉ để cho người sống no say. Xếp cỗ cúng xa xỉ trước quan tài, càng tăng thêm oán nghiệp. Vì thế, tang sự chẳng thể sát sanh!
Cúng tế vào dịp Xuân Thu, hoặc ngày giỗ cúng quải tổ tiên, vốn là con cháu dốc cạn lòng thành, chỉ nên phóng sanh hòng tiêu tội trước [của tổ tiên], há nên giết hại để tạo thêm nỗi ương họa mới nữa ư? Vì thế, giỗ chạp chẳng thể sát sanh!
Người bị bệnh tật liền sát sanh cúng thần cầu phước, chẳng biết chính mình muốn cầu được sống, lại ngược ngạo giết mạng kẻ khác để mạng ta được sống! Nếu thần có linh, há đến hưởng [cỗ cúng] hay sao? Vì thế, cầu đảo chẳng thể sát sanh!
Bình đẳng là Phật, chánh trực là thần, trọn chẳng có chuyện do được hối lộ mà giáng phước. Người thời nay hễ cầu khẩn, bèn hứa nguyện giết chóc. Đó gọi là ác nguyện. Dẫu được thỏa lòng, [sẽ mắc phải] quả báo hung hiểm về sau! Vì thế, hứa nguyện chớ nên sát sanh!
Vợ chồng kết hôn nhằm nối tiếp dòng dõi muôn đời, là cội nguồn của đời đời. Dòng họ nương nhờ vào đấy, nay bèn dốc lòng giết chóc, gieo cái nhân ác [khiến cừu nhân] truy tìm báo cừu. Đấy chính là tụ tập cơ duyên giết chóc trong chốn khuê môn. Vì thế, kết hôn chẳng thể sát sanh!
Chủ khách chén anh chén chú, chẳng nghe tiếng gào ai oán trên thớt. Tiệc tùng cười nói vang nhà, nào có thấy nỗi khổ sở trong nồi? Vì thế, đối với ý nghĩa “dùng hai cái chén đựng ngũ cốc, rau dưa để cúng bái” hãy nên phỏng theo. Do vậy, đãi đằng khách khứa, chớ nên sát sanh!
Trời cao chẳng sanh kẻ nào không có lộc. Nếu có một tài, một nghề, đều có thể có của ăn, của để; sao lại khổ sở vung đao, thọc đao vậy? Đã thế, càng giết, càng nghèo túng. Vì thế, chớ nên kiếm sống bằng cách sát sanh!
Cắt xẻ cầm thú để béo thân mình, làm sao phân định giữa người linh thông và phường xuẩn ngốc? Nấu máu thịt để lèn đầy ruột gan, điên đảo quá mức! Huống hồ mỡ béo dễ hết, oán nghiệp vẫn còn ư? Do vậy, để phụng dưỡng, chớ nên sát sanh!
Giết một mạng để một mạng được sống, kẻ có lòng nhân chẳng làm. Huống hồ đối với chuyện định đoạt sanh tử, chưa chắc đã có thể sống ư? Hại loài vật để chữa bệnh, chỉ tăng thêm oán gia sau khi đã chết. Vì thế, dùng thuốc chẳng thể sát sanh!
Người bệnh cầu được an lành, cũng giống như loài vật ghét bị giết chóc. Người thời nay nói “sanh mạng loài vật khó thể kéo dài, theo đúng lẽ, đáng nên bị mổ xẻ, nấu nướng”, cũng giống như nói: “Kẻ bị bệnh tàn phế thảy đều đáng đem giết sạch” đó ư? Vì thế, dưỡng bệnh chẳng thể sát sanh!
Đạo sĩ sau khi hoàn tất pháp hội cầu phước tiêu tai, dùng lễ vật hậu hĩnh để cảm tạ thần tướng. Lớn thì dê, lợn, nhỏ thì tam sanh. Thần thánh há khăng khăng thỏa thích bụng miệng mà giáng tai họa cho kẻ tu tập, tích lũy công đức ư? Vì thế, lễ tạ thần tướng chớ nên sát sanh!
Gần đây, thế tục vào đêm Giao Thừa, lớn thì mổ dê, nấu lợn. Kém hơn thì dùng gà, cá, đầu lợn. Nào có biết lúc tháng Chạp hết, đầu Xuân chính là khi trăm thần, tổ tiên cùng giáng lâm soi xét [cõi phàm]? Vì thế, đêm Giao Thừa chẳng thể sát sanh!
Khi công danh thăng tấn, chính là lúc lòng nhân ái phải nên tràn trề, sao lại nhẫn tâm khiến cho loài vật bị chết yểu, [khiến cho chúng] nẩy sanh nỗi đau u uẩn? Tàn bạo giết chết, tổn thương sinh vật, kiêu căng, xa xỉ, khiến cho phẩm đức [của chính mình] suy bại? Vì thế, gặp dịp vinh hiển, chớ nên sát sanh!
Biếu quà vốn là lễ nghi tốt lành. Do thức ăn tươi béo mà dấy động ý niệm giết chóc. Chính mình đã vì mọi người mà giết chóc, chỉ riêng ta lãnh chịu oan khiên. Đối với người nhận quà, bất quá là thỏa thuê một bữa, nhưng họ chẳng cảm nhận ân đức [biếu xén món ngon vật lạ của ta]. Vì thế, để biếu tặng quà, chớ nên sát sanh!
[Bày tiệc] tiễn biệt, há lẽ nào vô tình? Canh chay cũng có thể giãi bày trọn hết tấm lòng. Cớ gì cứ phải xa xỉ thừa mứa một phen, để rốt cuộc chất chứa cả đống tiếng kêu gào oán hờn ư? Do vậy, tiễn biệt chớ nên sát sanh!
Kẻ nuôi cá vàng, tính ra ắt phải dùng trứng loài trùng nhỏ, tép riu số đến cả vạn. Kẻ nuôi hạc trắng, phải dùng trăm ngàn con cá nhỏ. Người phú quý do sướng mắt vui tai [mà nuôi nấng những thứ chim quý, cá kiểng], đã tạo thành sát nghiệp. Vì thế, chớ nên sát sanh để nuôi động vật làm kiểng!
Những điều vừa nói trên đây đều là nói đại lược, khái quát. Người đọc hãy nên từ đây mà suy rộng ra, ắt trong tấc lòng sẽ có tâm lượng như trời che đất chở vậy.
Ông Hoàng Lỗ Trực có bài tụng rằng: - Ta ăn thịt chúng sanh. Danh khác, Thể chẳng khác! Vốn cùng một chủng tánh, chỉ là khác hình hài. Khổ não chúng đành chịu, ngon béo ta hưởng riêng. Đừng để Diêm Vương xử, hãy tự nghĩ xem sao?
Hãy thử nghĩ [những con vật] hôm qua còn bơi lội, nhảy nhót, bay lượn, hôm nay đã đi về đâu? Dường như còn thấy chúng nó đang còn sống sờ sờ, bay lượn kêu hót, ăn uống. Nay đã hóa thân trong nồi! Lời này thật đáng khiến [cho người nghe] sanh lòng xót xa vậy!
Hứa Chân Quân thuở bé thích săn bắn. Gặp một con nai con, bèn bắn chết. Bên cạnh nó có một con nai to (nai mẹ) cứ liếm mãi một hồi lâu mà nai con chẳng sống lại. Nó bèn lẩn quẩn bi thương rồi chết. Chân Quân mổ thịt, thấy ruột nó đứt từng khúc, bèn ném cung than thở: “Buồn thay! Lòng yêu thương vốn sẵn tánh trời, loài vật mà cũng [yêu thương con cái] tột bậc như thế đó”. Bèn bỏ đi học đạo, giúp người lợi vật, chứng quả tiên.
Đời Đường, Trương Dịch Chi làm lồng sắt để nhốt ngỗng, vịt trong ấy. Chính giữa nhóm lửa than nung đốt. Bên cạnh lồng, đặt đồ đựng chứa nước ngũ vị. Ngỗng, vịt chạy quanh lửa, do khát bèn uống nước. Nước rồi cũng hết mà lửa cứ tăng thêm, [ngỗng, vịt] rụng lông, nát thịt. Hắn bèn lấy thịt chúng để ăn. Về sau, hắn bị Trương Giản Chi giết chết.
Gã lái buôn xứ Thiểm Tây là Nhậm Thiên Nhất hám lợi, tàn nhẫn. Mỗi năm hắn tới vùng Thanh Khẩu thuộc Hải Châu để mổ giết, làm thịt lợn muối. Sau đó, chở thịt lợn về vùng thủy khẩu Cao Bưu, Lục An [để bán]. Ban đêm bị gió to lật thuyền, lợn bị dân chài cướp sạch. Họ Nhậm ở trên bờ kêu khổ, bỗng cột buồm chính của chiếc thuyền lật đổ nhào vào thân, ép hắn thành bánh thịt.
Trong mạng có tiền tài thì ở chỗ nào cũng có, cớ gì cứ làm chuyện sát sanh, hại mạng ấy? Kẻ bị báo ứng như gã lái buôn họ Nhậm rất nhiều, mọi người hãy nên tự phản tỉnh. Giả sử vì chẳng thể mưu sanh, bèn ngược ngạo đi theo con đường sai trái, đến nỗi làm những chuyện như làm giặc phóng hỏa cướp của, hoặc làm thủy tặc v.v… chưa chắc sẽ không bị cõi trời dùng cái chết để trả báo cái tội giết chóc vậy.
Đời Tống, Châu Phái thích nuôi bồ câu. Do [chim] bị mèo ăn thịt, Châu Phái bèn bắt mèo, chặt đứt cả bốn chân nó. Mèo kêu gào vài ngày rồi chết. Về sau, Châu Phái sanh con tay chân đều chẳng có.
Lại nữa, Châu Ngang thích ngủ trưa. Trên kèo nhà có tổ chim yến, ba con chim non kêu rít rít chờ mớm mồi. Châu Ngang tức giận, cho chúng ăn quả tật lê, chim đều bị nứt bụng mà chết. Về sau, ba đứa con trai của hắn đều câm.
Lại nữa, Trương Lâm tức tối vì ếch kêu, bèn đổ tro nóng [giết chết nó]. Về sau, hắn bỗng bị bỏng vì nước sôi, nứt nẻ mà chết. Gộp lại [những chuyện trên đây] để xem, [sẽ biết] con người có nên nhẫn tâm tàn hại loài vật hay chăng? Đã trót làm, có thể tránh khỏi tội báo hay chăng?
Đời Đường, Lữ Tổ nói: “Ngươi nếu muốn sống lâu hãy nghe lời ta. Đối với mọi chuyện hãy tỉnh táo, giữ sao cho chính mình có lòng khoan dung. Ngươi muốn sống lâu, phải phóng sanh. Đấy là đạo lý tuần hoàn thật sự. Nếu kẻ khác chết, ngươi cứu họ; nếu khi ngươi chết, trời sẽ cứu ngươi. Sống lâu và cầu sanh con chẳng khác gì nhau. Kiêng giết, phóng sanh mà thôi!”
Trong chương Giác Xúc của Kỳ Hề Độ có đoạn viết:
- Nhổ một sợi lông kinh động Tứ Đại, đốt ngải cứu đau khổ toàn thân. Chính là vì mỗi Thể đều là cái Thể vốn trọn đủ các Thể, chúng sanh sanh ngay trong tâm ta. Đã có mối liên quan huyết khí, há lẽ nào chuyện bi thảm phát sanh [nơi kẻ khác], lại chẳng hề liên quan đến ta ư? Thế mà lại dùng sự ngon béo từ [thân thể] loài khác để thỏa thích bụng miệng ta. Hãy thử nghĩ ngày hôm qua [chúng nó] bơi lội, nhảy nhót, bay lượn, nay đã về đâu? Dường như còn thấy chúng đang sống sờ sờ bay lượn, kêu hót, ăn uống; [thế mà] đã hóa thành thứ chứa trong nồi! Do vậy, bát trân bày la liệt trước mặt, toàn là kêu gào oán nghiệp. Năm cái đỉnh bày thành hàng, đều là du hồn lẩn quẩn! Tâm tự nhiên xót xa, há còn nuốt nổi ư? Hoặc là chùn tay lại, chẳng thể dám dính dáng đến [chuyện sát hại nữa]. Luôn luôn cảnh tỉnh, niệm nào cũng dấy khởi, vâng giữ sự tỉnh giác, sẽ là đồng thể đại bi, chẳng thấy có tướng chúng sanh [khác biệt với ta], sẽ có thể vận dụng lòng nhân cứu giúp trọn khắp. Khắp toàn thân sẽ là tấm thân tỉnh giác.
Trong phần Giác Tập, ông viết:
- [Cách nói] “gà, lợn, hẹ, mận, hễ gặp bèn ăn” dường như vĩnh viễn là lời lẽ giúp chúng ta bào chữa cho chuyện “dùng cái chết [của loài vật] để nuôi sống [con người], dùng loài vật để cung cấp [thực phẩm] cho con người”. Nếu coi đó là lẽ đương nhiên, há có biết kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, loài vật còn ghét chuyện tàn hại, thương tổn! Những loài sanh vật được bẩm thọ khí thiên địa, đã có giác tánh, há đành lòng dâng thân cho ta cắn xé ư? Đặc biệt lớn tiếng hô hào [nhằm cảnh tỉnh mọi người, chúng ta] từ lúc còn ẵm ngửa, đã bén mùi vị ngon béo. Tiên thiên chưa đọa, bào thai đã quen vị tanh tưởi. Loài có vảy trong ao, loài le nhạn trong vườn, hằng ngày thành món ăn trong bếp. Lợn trong cũi, dê trong chuồng, tùy thời [biến thành món ăn] để chan, gắp. Do huân tập như vậy, khiến cho ta vạn kiếp ngàn lượt luân hồi. Vì thế, thói phàm ăn tháng ngày càng thịnh! Hãy thử ăn những thứ chưa bao giờ nếm tới, khi nhấc đũa sẽ tự cảm thấy do dự. Nếu gặp những món ngon quý chẳng phải là thứ thường ăn hằng ngày, bỏ vào miệng cũng lắm nỗi nghi ngờ, sợ sệt. Vì thế, xứ Ngô Việt coi thịt ếch là ngon lành, người đất Tề trông thấy sẽ rởn da gà! Người xứ U Yên khoái ăn bò cạp, dân Việt trông thấy điếng hồn! Đấy há có phải là do sở thích ăn uống khác nhau, mà là do tập quán lâu ngày thành ra sai khác. Thật sự nghĩ [ta cùng muôn loài] có cùng một tánh, sẽ chẳng nỡ lòng tổn thương thể tánh của [loài khác], há có thể lấy [thân thể] có sanh mạng [của loài khác] để nuôi dưỡng sanh mạng của chính ta? Hễ tháo gỡ được mắc mứu cũ, sáu căn sẽ liền thanh tịnh. Lưới dục tầng tầng, chẳng vung kiếm kim cang mà lưới tự rách. [Nếu cái tâm] có đủ mọi ý niệm giết chóc, sẽ chẳng được sanh vào cõi trường sanh! Xin hãy nghe lời luận định về thói quen, sẽ tự vỡ lẽ!
Phần Giác Nhân viết:
- Hữu tình do đã gieo cái nhân, sẽ tạo thành cái quả. Lý ấy chẳng dối, [giống như] tiếng vọng nương theo âm thanh. Do vậy, cái duyên để thọ sanh, chuyển sanh há có sai chạy? Dẫu củi đã cháy hết, lửa đã truyền, củi quy hết vào lửa. Kéo căng dây cung để mũi tên được bắn đi, mũi tên [bay xa] ắt phải do [sức bật của] dây cung. Hễ bố thí, sẽ được báo ứng. Người bố thí cố nhiên hãy nên quên đi [hành vi bố thí ấy]. Cội rễ do chính mình vun trồng; người vun trồng ắt sẽ hưởng quả lành. [Dẫu được đền đáp như Dương Bảo] được tặng đôi vòng ngọc trắng, người thông đạt sẽ chẳng quan tâm. Đối với lò lửa, vạc sôi, người trí huệ thường sanh lòng kinh sợ. Thế mà có kẻ phóng túng đối với chuyện này chẳng chán, cứ giết chóc các loài sinh vật, nấu cá, nướng rùa, há có nghĩ tới tình cảnh [đau khổ] trong vạc dầu sôi sùng sục. Lóc thịt, quay dê, chỉ vì đớp một miếng chả làm khéo đó thôi! Thậm chí [vì săn bắn mà] đuổi nhanh như gió, chạy như chớp, [khiến cho] nhiều loài chim thú yếu đuối phải kêu thét. Lật tung đầm, bãi, vét cạn rừng rậm, khiến cho chim tan đàn kinh hãi bay đi, thú lìa bầy chết trong cô quạnh! Đối với hạng người ấy, chẳng có sinh vật nào không khoái khẩu, lưỡi nếm đủ thứ. Trước hết, họ đã là cọp, sói trong loài người, đến nỗi hễ thấy có con vật ắt đều săn bắt. Dẫu tròng mắt bị rơi xuống đất, [vẫn miệt mài săn bắt]. [Hạng người như thế ấy] tránh sao khỏi đọa làm chim ưng hoặc chó trong loài thú? Hãy nên chân thành suy nghĩ! [Đối với] muôn loài chim thú, chẳng loài nào không có tình cảm. Gởi thân trong vòng trời đất, làm các loài [khác nhau], hãy nên biết đều là do báo ứng. Nguyện từ hôm nay trở đi, vĩnh viễn đoạn trừ nỗi oán xưa kia, sẽ chẳng có nỗi oán hận nào để phải đền trả, chẳng chuốc lấy cái quả lắm bệnh. [Hễ thấy] có [người nào hay loài vật] gặp nguy ắt cứu, cái nhân trường thọ sẽ tự đưa đến. Nếu niệm nào cũng tỉnh giác, sẽ chẳng phải tốn mười năm điều phục con trâu trong tâm. [Hiểu rõ] ba đời rành rành, làm sao đọa làm thân chồn hoang trong năm trăm năm cho được? Đấy chính là vì chẳng gieo duyên lành mà mê mất bè báu. Nghe ta múa lưỡi, hãy nên tự quay đầu.
Phần Giác Hủy viết:
- Có đến thì sẽ có đi, muôn vật thay cũ đổi mới vô thường. Bất diệt, bất sanh, lòng từ bi trong tâm tánh của ta tự tại. Vì thế, [luôn mong] thấy các sinh vật được sống, chẳng nỡ thấy chúng nó chết. Bậc thánh nhân từ đều ôm tấm lòng ấy. Đã tiếc nuối khi chúng bị hủy hoại, ắt sẽ vui sướng vì chúng trưởng thành. Chúng sanh đều cùng có bẩm tánh. [Ngay như đối với] ngói, gạch vô tình, bậc trí huệ còn la thất thanh khi thấy chiếc vò bị rớt vỡ. Đối với những loài trùng bé bỏng có tri giác, bậc chí nhân há vui sướng tàn sát ư? Huống hồ do trứng mà nở ra chim, từ chim con đến khi nó mọc lông vũ [đầy đủ], phải do mớm mồi nhọc nhằn. Há có phải một tiếng kêu, một cái mổ, sẽ hóa thành [một con vật trưởng thành hoàn vẹn] từ hư vô ư? Do biến hóa [dần dần] mà thành con vật sống động, hoạt bát, há có phải là một sáng, một chiều! Thế mà, [đối với] thân thể mười năm chăm bẵm ấy, chỉ vì để nấu nướng một bữa, bèn trăm kế săn bắt, giăng bẫy chỉ hòng no say chốc lát. Sao chẳng nghĩ [sanh mạng] hễ đoạn, sẽ chẳng thể tiếp tục (sẽ chẳng thể sống lại được)? Lóc xẻo thân thể, mỗi miếng đều chứa đựng nỗi đau mà thác. Đã hủy hoại rồi, há có thể phục hồi? Chi thể bị đun, bị nướng, mỗi con vật đều ôm nỗi khổ qua đời! Phàm ngũ cốc để nuôi dưỡng con người, còn khó thể tiêu hóa một hạt, huống hồ là đối với sanh mạng của muôn vật, há nên dấy khởi mảy may ý niệm xằng bậy hủy hoại? Thật sự hãy nên nghĩ: Chúng nó chết đi, trải muôn kiếp chẳng thể sống lại. Ta ăn vào, trong khoảnh khắc, đã chẳng còn chi nữa! Mong cầu sống mà chẳng được, há thấy bị chết mà đành lòng ư? Hãy vĩnh viễn làm chuyện từ bi, luôn rủ lòng cứu vớt, thương tiếc, ắt sẽ chẳng đợi đặt đôi giầy lên đỉnh đầu mà đã cứu con mèo từ trước. Cần gì phải đợi mở miệng, mới giữ vẹn cả ngỗng lẫn vò. Đấy là lý chân thật, há nên thốt lời hư giả! Hãy càng nên tuyên dương, mong sao ai nấy đều cùng dấy khởi ý niệm.

 

v6-tile

Ảnh minh họa: "Danh khác, thể chẳng khác! Vốn cùng một chủng tánh, chỉ là khác hình hài"

Chúng sanh vốn cùng một thể, đều có tự tánh làm Phật [như nhau].

 

Cảm Ứng Thiên Vựng Biên trích lục

Bửu Quang Tự Như Hòa chuyển ngữ

Các Bài Pháp Nổi Bật

Chỉ Giữ Tấm Lòng Tốt Lành, Nói Lời Tốt Lành, Làm Chuyện Tốt Lành, Nhất Tâm Niệm Phật, Lần Lượt Khuyên Người

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Úc Trí Lãng

    Vãng sanh Tịnh Độ hoàn toàn cậy vào tín - nguyện
    Tục ngữ nói: “Phú ông bất tri bần nhân chi khổ, tráng phu bất tri lão nhân chi khổ” (Phú ông chẳng biết nỗi khổ kẻ nghèo, người khỏe mạnh chẳng biết nỗi khổ của người già). Ông cho rằng Quang cự tuyệt chẳng qua là để tịnh tu mà thôi ư? Ông chẳng biết thật ra là vì mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ. Chỉ nội chuyện đọc thư ông gởi đến và để viết thư trả lời thì kiếng đeo mắt lẫn kiếng cầm tay (kính lúp) đều phải dùng đến hết, mới xem, mới viết được!

  • Tích Công Lũy Đức Vô Lượng Vô Biên, Được Tự Tại Trong Hết Thảy Pháp, Chẳng Thể Dùng Ngữ Ngôn, Phân Biệt Để Biết Được Nổi

  • Mô tả

    Phẩm 9. Viên Mãn Thành Tựu
    Phẩm thứ chín này có tên là Viên Mãn Thành Tựu. Từ phẩm thứ tư đến phẩm thứ tám đều nói hạnh nguyện của Pháp Tạng Ðại Sĩ lúc tu nhân; từ phẩm này trở đi, kinh nói về quả đức thành tựu. Nội dung phẩm này gồm ba phần:
    - Phật khen ngợi Pháp Tạng nhân viên quả mãn.
    - A Nan thưa hỏi.
    - Thế Tôn đáp thẳng vào câu hỏi.

  • Pháp Niệm Phật Khẩn Yếu Nhất Là Có Lòng Tin Chân Thật, Nguyện Thiết Tha

  • Mô tả

    Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự

    Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự. Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao.

  • Chẳng Bị Xoay Chuyển Bởi Những Thứ Tri Kiến Ấy, Lại Còn Giữ Vẹn Luân Thường, Trọn Hết Bổn Phận, Dứt Lòng Tà, Giữ Lòng Thành...

  • Mô tả

    Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực (trích lục)
    (năm Dân Quốc 20 -1931)

    Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao?
    Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp.

  • Hương Báu Xông Khắp

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, hạ tùng địa tế, thượng chí hư không, cung điện, lâu quán, trì lưu, hoa thụ, quốc độ sở hữu nhất thiết vạn vật, giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành. Kỳ hương phổ huân thập phương thế giới. Chúng sanh văn giả, giai tu Phật hạnh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi thành Phật, dưới từ mặt đất, trên đến hư không, cung điện, lầu, quán, ao, suối, cây hoa, tất cả hết thảy vạn vật trong cõi nước đều dùng vô lượng hương báu hợp thành. Hương ấy xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi thấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được vậy, chẳng lấy Chánh Giác.

  • Sẽ Vĩnh Viễn Không Còn Lo Ngờ Nữa!

  • Mô tả

    Biết tâm vui đạo hết sức chân thành, tha thiết [nên 'cảm ứng đạo giao']

    Nhận được thư biết tâm cư sĩ vui đạo hết sức chân thành, tha thiết. Còn những lời khen ngợi Bất Huệ chưa thoát khỏi thói quen thế tục. Quang là một ông Tăng tầm thường, chỉ biết học theo ngu phu ngu phụ chuyên niệm danh hiệu Phật, sao lại khen ngợi quá mức như thế? Như ông quyên góp in bộ An Sĩ Toàn Thư, thật đúng là pháp chí thành tu [thân] tề [gia] trị [quốc] bình [thiên hạ] và đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, mỗi mỗi đều đầy đủ.

  • Hồng Danh Vạn Đức Chính Là Vô Thượng Giác Đạo Như Lai Đã Chứng Nơi Quả Địa!

  • Mô tả

    Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới

    Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! 

  • Trụ Chánh Định Tụ; Vui Như Lậu Tận

  • Mô tả

    Chánh kinh:
    Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh. Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư Định Tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương. Sở thọ khoái lạc, do như Lậu Tận tỳ-kheo. Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.
    Lúc tôi làm Phật, trong nước không có danh từ bất thiện. Tất cả chúng sanh sanh trong nước tôi đều đồng một tâm, trụ nơi Ðịnh Tụ, vĩnh viễn thoát khỏi nhiệt não, tâm được thanh lương, hưởng thọ khoái lạc như là Lậu Tận tỳ-kheo. Nếu họ khởi tưởng niệm tham chấp cái thân thì chẳng lấy Chánh Giác.