Thư trả lời cư sĩ Nhạc Tiên Kiệu
“Cậy vào từ lực của Phật, đới nghiệp vãng sanh”
Nếu muốn tự được lợi ích thật sự trong đời này, hãy nên nương vào pháp môn Tịnh Độ, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương sẽ quyết định liễu sanh thoát tử. Nếu chẳng nương vào pháp môn Niệm Phật, đừng nói chi kẻ chưa đắc chân truyền của Phật giáo chẳng thể liễu, ngay cả người đắc rồi cũng chẳng thể liễu. Vì sao vậy? Vì được chân truyền chỉ là bậc đại triệt đại ngộ, chưa phải là thật chứng. Có chứng mới liễu được, còn ngộ thì chưa thể liễu. Tu các pháp môn khác đều phải đoạn Hoặc chứng Chân mới có thể liễu sanh tử. Pháp môn Tịnh Độ chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha trì danh hiệu Phật, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, hành cả Chánh Hạnh lẫn Trợ Hạnh thì chẳng những quyết định vãng sanh mà phẩm vị còn ưu thắng. Không riêng gì kẻ tinh ròng, thuần thành, sốt sắng quyết định được vãng sanh, ngay cả phường Ngũ Nghịch Thập Ác lúc lâm chung nếu có thể sanh lòng hổ thẹn lớn lao, sanh lòng lo sợ lớn lao, chí tâm niệm Phật mấy tiếng, ngay khi đó bèn mạng chung, cũng quyết định được vãng sanh. Do lòng từ của Phật rộng lớn, chuyên chăm chú độ sanh, nhất niệm hồi quang liền được Phật nhiếp thọ. Đấy gọi là “cậy vào từ lực của Phật, đới nghiệp vãng sanh”. Chúng sanh đời Mạt chẳng y vào Tịnh Độ, tu các pháp môn khác, chỉ được phước báo trời người và thành nhân duyên đắc độ trong tương lai mà thôi. Do không có sức đoạn Hoặc, nên cội rễ sanh tử vẫn còn, sao không nẩy mầm sanh tử cho được?
Lời tựa cho cuốn Vạn Niên Bạ của am Pháp Như
(trích lục phần dẫn nhập)
Tăng và Phật - Pháp gọi là Tam Bảo, là vì...
Phật pháp rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không, khó bàn, khó nghĩ, không thể diễn tả, không thể hình dung, nếu chỉ luận trên đại cương thì không ra ngoài Nhị Đế. Luận theo Chân Đế thì có Phật hay không Phật, tánh - tướng vẫn thường trụ. Do vậy, viên thông đạo tràng trải trần kiếp chẳng chuyển dời, chẳng biến đổi. Chân Như pháp môn tận cùng kiếp vị lai chẳng suy sụp, chẳng hưng khởi. Luận theo Tục Đế thì pháp theo duyên khởi, đạo do người hoằng. Có được người thì chặt gai, đốn cây để dựng phạm vũ, diệt chốn hoang vu để làm sư lâm (chỗ ở cho tăng chúng), khiến cho Phật nhật thêm sáng, pháp luân thường chuyển. Không có người thì Phật địa trở thành rừng nghiệp, dứt bặt tiếng kinh, nói chuyện cõi trần. Đến nỗi cửa Phổ Môn đóng chặt, đường giác lấp lối. Tăng và Phật - Pháp gọi là Tam Bảo, là vì việc tiếp nối huệ mạng của Phật, lưu thông pháp đạo, không có người thì không ai noi theo, chỉ có nhờ vào Tăng vậy!
Ảnh minh họa: Quy Y Tam Bảo
Đoạn đầu: Tu các pháp môn khác đều phải đoạn Hoặc chứng Chân mới có thể liễu sanh tử. Pháp môn Tịnh Độ chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha trì danh hiệu Phật, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành...
Thật sự những văn tự này chúng ta đã được nghe nhiều lần rồi, quá nhiều rồi, nhưng vẫn cứ là lặp đi lặp lại suốt như thế... Càng nhắc đi nhắc lại như thế thì chúng ta càng 'thấm' hay là càng... nhàm chán? Cũng chẳng biết nữa, tùy cảm nhận của mỗi người vậy! Nhưng những giáo lý để liễu thoát sanh tử, để 'định đoạt' chiếc vé về Tây mà mỗi khi nhắc đến chúng ta thấy thật nhàm chán là chứng tỏ Đạo tâm có vấn đề, tâm cầu giải thoát có vấn đề, hoặc là đang trên đường thoái chuyển lợt lạt dần hoặc bị những cái khác [mãnh liệt hơn] đang chi phối, hoặc đang đi 'trật đường ray' [cần điều chỉnh gấp]...
Đoạn tiếp: Đấy gọi là “cậy vào từ lực của Phật, đới nghiệp vãng sanh”. Chúng sanh đời Mạt chẳng y vào Tịnh Độ, tu các pháp môn khác, chỉ được phước báo trời người và thành nhân duyên đắc độ trong tương lai mà thôi. Do không có sức đoạn Hoặc, nên cội rễ sanh tử vẫn còn, sao không nẩy mầm sanh tử cho được?
Cái câu: Đấy gọi là “cậy vào từ lực của Phật, đới nghiệp vãng sanh”. Chữ 'đấy' ở đây là gì? Đó chính là cả đoạn văn trước đó, chứ không phải chỉ câu trước: "Pháp môn Tịnh Độ chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha trì danh hiệu Phật ... Do lòng từ của Phật rộng lớn, chuyên chăm chú độ sanh, nhất niệm hồi quang liền được Phật nhiếp thọ". Trong đó câu "Pháp môn Tịnh Độ chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha trì danh hiệu Phật..." là Pháp tổng quát nói chung để có thể “cậy vào từ lực của Phật, đới nghiệp vãng sanh”.
Thông thường trong các bức thư thì Chư Tổ chỉ nêu chung ra pháp tu là như thế, ít khi nói cụ thể rằng "tin chân thành, nguyện thiết tha" là như thế nào? Cụ thể Tín tâm ở đây là gì? Phải được gầy dựng như thế nào? Cũng có một vài thư nói cụ thể nhưng rất ít. Đó là do khuôn khổ ngữ cảnh như vậy, nên chỉ nói những điểm tông yếu, khó thể diễn giải cụ thể từng vấn đề ra được. Điều này khiến cho nhiều hành nhân nếu không đọc kỹ hết tất cả, hay ít nghiên cứu học tập thêm một số Kinh giáo Tịnh Độ thì vẫn thường bị 'giậm chân tại chỗ', khó phát huy hết ý chỉ thâm sâu bên trong các lời chỉ dạy của Chư Tổ được. Thậm chí nhiều vị chuyên hoằng truyền bộ Văn Sao của Ngài nhưng cũng chưa thể nêu bật những ý chỉ trọng yếu [đặc biệt quan trọng] trong đó. Nếu chúng ta đi song song [kết hợp] hay là nghiên cứu học tập các Kinh điển Tịnh Độ Tông trước, rồi thâm nhập vào giáo lý các bậc Tổ Sư chỉ dạy mới thấy được sự khế hợp, nét tinh túy của Pháp môn này [mà các Ngài đã diễn nói ra].
Ở đây, chúng ta tiếp tục cùng luận lại một chút vấn đề là để làm sao gầy dựng cho được "đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha trì danh hiệu Phật". Cụ thể là gầy dựng cho được Tín tâm chân thật đầy đủ. Theo Kinh giáo, trước tác của Phật, Tổ, thì chúng ta đã biết được có 3 cách để gầy dựng Tín tâm chân thật [tức "chí tâm tin ưa" trong Kinh giáo]. Đó là:
1. Đức Phật kia [A Di Đà Phật] đã tại thế thành Phật được mười kiếp, hiện đang thuyết pháp [nơi cõi Cực Lạc], cho nên lời Thệ Nguyện của Phật là chân thật, không hư dối, cho nên "chúng sanh xưng niệm tất nhiên được vãng sanh".
2. Chúng sanh niệm Phật cầu sanh, tức là được nương vào Nguyện lực của Phật để cầu sanh về, [cho nên] không ai là không được vãng sanh.
3. Y cứ Kinh điển Phật thuyết [Quán Kinh] "Quang minh biến chiếu, thập phương thế giới niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả" [do đó chắc chắn được sanh về].
Thông thường thì hành giả thành tựu được một cách thì cũng thành tựu được các cách còn lại thôi. Còn thì tùy nhân duyên, hành giả 'thích' cách nào thì gầy dựng cách đó trước vậy. Nhưng việc gầy dựng học tập này chẳng phải một sớm một chiều mà có được, nếu không chân thật nghiêm túc học tập thì khó mà có được Tín tâm chân thật. Với lại hành nhân phải "thật sự vì sanh tử" kìa, nếu tâm sanh tử lợt lạt hay chưa chân thật nghiêm túc thì những giáo lý kia thật khó mà 'thấm' vào được, nói chi đến phát khởi được Tín tâm chân thật đầy đủ [tức là "bất sanh nghi hoặc", "chí tâm tin ưa"].
Trong đoạn thư sau chúng ta cùng đọc và học tập thêm.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Đại Sư Ấn Quang
Như Hòa chuyển ngữ