Nói “ngoài việc trường trai niệm Phật ra, nên giữ quy luật”, chính là tận sức hiếu [với cha mẹ], hòa thuận [cùng anh em], chuyên chú trọn hết luân thường, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, chẳng để lòng động niệm nơi tà vạy, hư ngụy, hễ làm việc cho người bèn trọn hết chức trách, gặp kẻ hữu duyên bèn khuyên lơn khiến cho nhập đạo. Những hành tướng ấy chẳng cần phải nêu ra hết, chỉ khuyên ông nên đọc Ấn Quang Văn Sao và An Sĩ Toàn Thư sẽ tự biết. Phải biết: Làm đệ tử Phật, phàm những hành vi đều phải vượt trỗi những hành vi thế tục, thì chính mình mới hưởng lợi ích thật sự, khiến cho người ta trông vào thấy là lành. Nếu miệng nói tu hành, tâm ôm ấp những điều bất thiện, đối với cha mẹ, anh em và hết thảy mọi người trên cõi đời chưa thể trọn hết bổn phận thì người như thế gọi là thiện nhân giả dối; nhân địa đã hư ngụy, làm sao đạt lợi ích thật sự cho được! Cái học của thánh hiền đều khởi đầu từ cách vật trí tri, thành ý chánh tâm, huống chi muốn liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh ư? Về “cách vật trí tri” nên xem bài tựa bản in lại cuốn chú giải Tứ Thư của ngài Ngẫu Ích và bài tựa sách Liễu Phàm Tứ Huấn của ông Viên Liễu Phàm.
Xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Khoa thiền sư: “Thế nào là đại ý của Phật pháp?” Ngài Ô Khoa đáp: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Ông Bạch nói: “Hai câu ấy đứa trẻ lên ba cũng nói như thế được!” Ngài Ô Khoa nói: “Tuy đứa trẻ lên ba nói được, ông lão tám mươi làm không được!” Phải biết lời này chính là lời nói tổng quan thiết yếu cho hết thảy những ai học Phật pháp. Các điều ác, những điều thiện đều là từ tâm địa mà luận, chứ không chuyên chỉ về sự thực hành nơi mặt sự tướng mà thôi. Trong tâm địa trọn chẳng khởi ác thì toàn thể là thiện, niệm Phật như thế hơn công đức của người bình thường niệm Phật trăm ngàn vạn ức lần. Muốn được tâm địa “chỉ thiện không ác” thì trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, phải chú trọng lòng kính, giữ lòng thành như đối diện Phật, trời, mới hòng đạt được! Nếu tâm vừa phóng túng thì các ý niệm không đúng pháp sẽ theo nhau khởi lên.
Trích Văn Sao Chánh Biên - Quyển 2 (Thư trả lời cư sĩ Mã Khế Tây)
Đại Sư Ấn Quang