Chánh kinh:
Phật ngữ A Nan: - Bất tư nghị nghiệp, nhữ khả tri da? Nhữ thân quả báo, bất khả tư nghị, chúng sanh nghiệp báo, diệc bất khả tư nghị. Chúng sanh thiện căn, bất khả tư nghị, chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới, diệc bất khả tư nghị. Kỳ quốc chúng sanh, công đức thiện lực, trụ hạnh nghiệp địa, cập Phật thần lực, cố năng nhĩ nhĩ.
Phật bảo A Nan:
- Ông có biết chăng? Nghiệp chẳng thể nghĩ bàn! Thân ông quả báo chẳng thể nghĩ bàn, nghiệp báo của chúng sanh cũng chẳng thể nghĩ bàn, thiện căn của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn; thánh lực của chư Phật, thế giới của chư Phật cũng chẳng thể nghĩ bàn. Do công đức, thiện lực của chúng sanh cõi ấy, do trụ hạnh nghiệp địa và do thần lực của Phật nên mới được như thế đó.
Giải:
Theo sách Tiên Chú, chữ “quả báo” chỉ những kết quả và báo ứng do những hành vi thiện ác trong quá khứ cảm thành nên gọi là Quả Báo. Quả và Báo vốn cùng một Thể. Nếu phân tích tỉ mỉ thì cảnh giới mà nay chúng ta gặp phải đều là kết quả của nghiệp nhân đã tạo trong quá khứ, đấy gọi là Quả; còn hậu quả tương ứng với nghiệp duyên đã tạo thì gọi là Báo. Cái gì có khả năng sanh ra sự vật thì gọi là Nhân, còn những gì hỗ trợ cho nhân kết thành quả thì gọi là Duyên. Ví dụ như hạt giống của lúa gạo hay lúa mạch là nhân; người nông phu cày bừa, mưa, sương thấm tưới là duyên. Thóc, lúa mạch thâu hoạch năm nay chính là từ hạt giống từ năm ngoái; nên nếu so với thóc, lúa mạch năm ngoái thì thóc và lúa mạch năm nay chính là quả. Nếu đem so với sức nông phu, mưa, sương v.v… của năm ngoái thì thóc lúa năm nay chính là báo [của những duyên đó].
“Bất khả tư nghị” (Chẳng thể nghĩ bàn) là vượt khỏi sự hiểu biết, suy nghĩ, chẳng thể dùng tư duy, ngôn ngữ của chúng sanh để lãnh hội, diễn tả nổi. Trong câu “chúng sanh nghiệp báo” (nghiệp báo của chúng sanh), chữ nghiệp báo chỉ nghiệp nhân và quả báo. Do nghiệp nhân thiện hay ác nên gặp phải quả báo vui hay khổ.
Kinh Bảo Tích, quyển chín mươi sáu chép: “Diêm La thường cáo bỉ tội nhân: - Vô hữu thiểu tội ngã năng gia, nhữ tự tác tội kim nhật lai, nghiệp báo tự chiêu, vô đại giả” (Vua Diêm La thường bảo bọn tội nhân đó: - Chẳng có chút tội nào do ta có thể tự thêm vào cả, tội của chính các ngươi làm nay đến ngày báo ứng, nghiệp báo tự mình chiêu cảm lấy, không ai chịu thay cho được).
Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện cũng chép: “Bồ Tát tự niệm: Ngã ư quá khứ vô thỉ kiếp trung, do tham - sân - si, phát thân khẩu ý, tác chư ác nghiệp, vô lượng vô biên. Nhược thử ác nghiệp hữu thể tướng giả, tận hư không giới bất năng dung thọ” (Bồ Tát tự nghĩ: Ta trong vô thỉ kiếp quá khứ do tham, sân, si, từ thân, miệng, ý tạo các nghiệp ác vô lượng vô biên. Nếu những ác nghiệp đó mà có thể tướng thì trọn hết cõi hư không cũng chẳng thể chứa đựng được). Do tạo nghiệp vô biên nên báo cũng vô biên. Câu Xá Luận, quyển chín chép: “Ðến ngay cả đức Thế Tôn cũng không cách chi ngăn ngừa vì thế lực của nghiệp mạnh mẽ nhất”; bởi thế, kinh nói: “Chúng sanh nghiệp báo bất khả tư nghị” (Nghiệp báo của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn).
“Chúng sanh thiện căn bất khả tư nghị” (Thiện căn của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn) là như kinh Ðại Tập dạy: “Chúng sanh hạnh bất khả tư nghị, chúng sanh cảnh giới bất khả tư nghị” (Hạnh của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn).
Trong câu “kỳ quốc chúng sanh công đức, thiện lực” (thiện lực, công đức của chúng sanh cõi ấy), chữ “kỳ quốc” (cõi ấy) chỉ thế giới Cực Lạc. Những người vãng sanh phát Bồ Ðề tâm, một dạ chuyên niệm, dùng các thứ chánh hạnh, trợ hạnh, định thiện, tán thiện để cầu sanh Tịnh Ðộ, trì danh hiệu viên mãn vạn đức, nhập biển đại nguyện Nhất Thừa. Công đức thù thắng vô lượng vô biên như thế nên lực dụng thật chẳng thể nghĩ bàn. Lực dụng đạt được do tu tập gọi là “thiện lực”. Tịnh Ảnh Sớ viết: “Nương vào pháp để tu hành đúng đắn thì gọi là thiện lực”. Công đức và thiện lực của chúng sanh cõi Cực Lạc đều chẳng thể nghĩ bàn.
Sách Hội Sớ giảng chữ “trụ hạnh nghiệp địa” như sau: “Hạnh nghiệp địa chính là sự thành tựu đại nghiệp hạnh nguyện của A Di Ðà Phật”. Chúng sanh cõi Cực Lạc do thiện lực của vô lượng công đức nên có thể an trụ trong những thành tựu tạo bởi đại nghiệp nguyện hạnh của A Di Ðà Như Lai; vì thế bảo là “trụ hạnh nghiệp địa”.
Do thiện lực công đức của chúng sanh cõi Cực Lạc, do sức an trụ vào hạnh nghiệp địa của Phật Di Ðà, và do oai thần vô thượng của đức Phật ấy, nên cõi nước Cực Lạc chẳng cần phải nương vào núi Tu Di mà vẫn có thể an trụ một cách tự nhiên.
Ảnh minh họa: Bấy giờ, Phật bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất: “Từ đây tới phương Tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc. Trong cõi đó, có đức Phật hiệu A Di Đà, hiện đang nói pháp.” “Xá Lợi Phất, vì sao cõi đó tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi nước đó không có những sự khổ, chỉ thọ hưởng các điều vui, nên cõi đó tên là Cực Lạc."
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Chúng ta tiếp tục phần đoạn Kinh văn tiếp theo trong Phẩm 11. Trong đoạn này, Phật giải thích cho Ngài A Nan biết vì sao lại cõi nước ấy 'không cần nương tựa núi Tu Di' mà vẫn có thể tồn tại được. Mở rộng hơn là vì do đâu mà có được những cảnh giới trang nghiêm thù thắng nơi cõi Cực Lạc như thế. Phật giải thích đó là "Kỳ quốc chúng sanh, công đức thiện lực, trụ hạnh nghiệp địa, cập Phật thần lực, cố năng nhĩ nhĩ" [Do công đức, thiện lực của chúng sanh cõi ấy, do trụ hạnh nghiệp địa và do thần lực của Phật nên mới được như thế đó]. Chúng ta đọc phần chú giải trích lục bên trên hay phần đầy đủ trong sách để nắm rõ hơn nghĩa lý văn tự của dòng Kinh văn này. Chúng ta biết, để thành tựu nên cõi nước ấy, trước hết là nhờ công đức, thần lực [nguyện lực] của Phật A Di Đà từ khi còn tu nhân địa [là Bồ Tát Pháp Tạng] cho đến khi viên mãn các Hạnh Nguyện, thành tựu Phật quả. Cho nên trước hết phải kể đến "thần lực của Phật", rồi sau mới đến "do công đức, thiện lực của chúng sanh cõi ấy, do trụ hạnh nghiệp địa" của chúng sanh cõi ấy. Tức là đầu tiên là công lao Phật gầy dựng nên, rồi chúng sanh khắp muôn nơi vân tập về tu tập, tích lũy công đức cũng 'góp phần' vào ấy nữa, để trang nghiêm cõi nước. Cho nên hàng ngày chúng ta công phu tu tập xong đều hồi hướng "Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ...", đó là cũng nhằm cái lý này vậy. Tức cũng 'góp phần' trang nghiêm cõi nước Phật [trước khi được trở về]. Bởi vậy, qua nghĩa lý đoạn Kinh văn này, chúng ta thấy việc hồi hướng tất cả công đức lớn nhỏ hàng ngày có được về Cực Lạc hết, cũng là đều mang ý nghĩa chân thật, thật sự đều là vì cõi nước mà chúng ta đang hướng về. Hoàn toàn chân thật, không phải văn tự câu chữ gì ở đây cả! Tức là ban đầu Phật kiến tạo nên quốc độ, rồi chúng sanh đã về hay sẽ về cùng 'chung tay' với Phật trang nghiêm cõi nước.
Ở đây chúng ta thấy có chỗ Phật nói "nghiệp báo của chúng sanh cũng chẳng thể nghĩ bàn, thiện căn của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn". Nghiệp báo chúng sanh bất khả tư nghì thì chúng ta đã biết, do nghiệp lực chúng sanh bất khả tư nghì cho nên quả báo thọ nhận lại cũng bất khả tư nghì. Cho nên tu ở cõi này mà tu 'tự lực' là chẳng có gì đảm bảo cả, có thể 'bất khả tư nghì' [quả báo] bất cứ lúc nào, ở đâu, nên người ta hay nói cõi vô thường, tức không có thường hằng, bất định, còn Phật gọi là cõi "ngũ trược ác thế" là vậy, tức mọi thứ đều có thể xảy ra một cách bất định, không đoán được, không lâu bền, thường hằng được ["trược"]. Riêng với hành giả Tịnh Độ thì có khác, bởi nếu tu đúng đường đúng hướng thì sẽ được Phật lực gia trì che chở cho, để cái 'trược' đó ít xảy ra hơn hẳn người thông thường, hay người tu các Pháp tự lực khác. Tức không hẳn là không có nhưng Phật đã 'che chắn', giảm thiểu cho rất nhiều rồi. Cái này cũng là từ các Đại Nguyện trong 48 Đại Nguyện của Phật, cảm ứng ra. Ví dụ, hành giả thường ngày niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thì sẽ được Quang minh biến chiếu của Phật "thâu nhiếp chẳng rời", đó là do nhờ cả ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý thường niệm Phật, tưởng nhớ Phật [hay chỉ một cái] nên mới được như vậy. Như vậy đã đủ [thành tựu] chưa? Dạ vâng, vẫn còn một thứ nữa, đó là cái tâm phải tin tưởng [vào Pháp Phật đang thực hành] mới được. Chứ một mặt thì hành trì, miệng niệm Phật, thân lễ Phật, ý thức thì nhớ Phật, tai lắng nghe tiếng niệm Phật [của mình, hay máy]... nói chung dù là 'nhiếp trọn sáu căn' luôn để 'Tịnh niệm tiếp nối' nhưng như thế vẫn là chưa đủ, bởi vì chúng sanh phàm phu thì dễ gì niệm niệm [như thế] chẳng gián đoạn, chẳng ngừng nghỉ cho được, ít nhiều gì cũng có giờ phút 'giải lao, thư giản' gì đó chứ, rồi thời gian sinh hoạt, làm việc, ngủ nghỉ... chẳng thể không gián đoạn được. Bởi vậy chỉ có cái 'tâm' là mới có thể 'dụng' một cách xuyên suốt, không gián đoạn được. Cho nên trong Kinh Phật mới nói là: "Nghe rồi thọ trì và biên chép; Đọc tụng, tán thán và cúng dường; Như vậy nhất tâm cầu Tịnh Độ...". Tức là tu như vậy, hành trì như vậy [thọ trì, biên chép, đọc, tụng,...], cả Chánh, Trợ... Đó là việc hành trì, dụng công. Nhưng đến 'cái tâm' dụng thế nào thì phải khác, nhất định phải có yêu cầu rõ ràng, tức phải "nhất tâm cầu Tịnh Độ" mới được. Điều này thì chúng ta cũng đã nói nhiều rồi, việc "nhất tâm cầu Tịnh Độ" có hai dạng, một là công phu Nhất tâm bất loạn, hai là Nhất tâm tin tưởng [tức "chí tâm tin ưa"]. Chúng ta phân tích chút vậy để thấy rằng, việc để hành trì đúng theo lời Phật thuyết, tức y giáo phụng hành, thì cần phải như thế nào, dạ vâng, chắc chắn phải cần ở sự "nhất tâm", như thế mới thật sự là đang y giáo phụng hành lời Phật thuyết trong Kinh, và dĩ nhiên là chắc chắn thành tựu được Pháp ngay trong hiện đời này. Bởi thế các Ngài mới đúc kết [từ Kinh giáo] thành Tông chỉ Pháp môn là "Dùng Tín Nguyện sâu, trì danh hiệu Phật", Tín Nguyện sâu ở đây hiểu là chân thật, đầy đủ. Hoặc giả các Ngài nói là "Được vãng sanh hay không là do có Tín Nguyện [đầy đủ] hay không", tất cả đều là từ Kinh giáo rút kết ra cả, hoàn toàn không có gì là ở ngoài Kinh giáo Tịnh Độ.
Trong chỗ tiếp theo "thiện căn của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn", theo như các Ngài chú giải, dẫn chứng bên trên là:
“Chúng sanh thiện căn bất khả tư nghị” (Thiện căn của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn) là như kinh Ðại Tập dạy: “Chúng sanh hạnh bất khả tư nghị, chúng sanh cảnh giới bất khả tư nghị” (Hạnh của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới của chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn).
Do Hạnh bất khả tư nghì, Cảnh Giới bất khả tư nghì, nên Thiện Căn của chúng sanh cũng bất khả tư nghì. Ở đây chúng ta có chỗ lưu ý chút, đó là chính những cái Hạnh từ nhiều đời nhiều kiếp đã 'làm nên' Thiện căn của chúng sanh. Ví dụ, hành giả Tịnh Độ, thiện căn bất đồng, có người sâu dày có người cạn mỏng. Trong Kinh Phật nói rằng: "Nếu xa xưa không tu Phước Huệ; Thì Chánh Pháp này không thể nghe". Vậy cho nên, để đời này vun bồi thiện căn thì chúng ta phải làm gì đây? Ra sức nổ lực tu Phước Huệ? Mà trong các Hạnh để tu Phước Huệ thì cái nào là đệ nhất? Dạ vâng, chắc chắc đó là niệm Phật, chân thật dụng công hành trì mỗi ngày, đó cũng là cách vun bồi thiện căn chân thật vậy. Ví dụ, hàng ngày chúng ta niệm Phật cho nhiều, hay nghe tiếng niệm Phật cho nhiều [nhĩ căn] đó cũng là hình thức vun bồi thiện căn. Song điểm mấu chốt vấn đề, như đã bàn luận bên trên, đó là Phật 'luận' ở cái tâm dụng Pháp như thế nào, chứ chẳng phải ở mặt hành trì. Cái Phật 'cần' là sự "nhất tâm" chứ chẳng phải 'nhất hạnh'. Dĩ nhiên, như đã nói, chính cái hạnh cũng sẽ hổ trợ cái tâm, nếu thật sự là 'nhất hạnh' thì sẽ rất dễ để đạt 'nhất tâm', thật sự là vậy. Nhưng nói gì thì nói, Pháp cũng phải cần 'khế lý khế cơ', chứ chỉ 'khế lý' thôi mà chẳng 'khế cơ' thì cũng chẳng tác dụng gì, tức [Pháp] nói cho hay, cho bóng bẩy vậy thôi [văn tự cao siêu] còn chúng sanh thì 'đứng ngó' chăng? Cho nên, trong thời cuộc này, chúng ta phải dụng Pháp một cách phù hợp, để vừa có 'pháp vị', tức sự ưa thích, sinh động, vui vẻ, không chán nản gò bó, khô cứng nặng nề, vừa lâu bền ổn định, lại vừa tự lợi lợi tha. Thời cuộc hiện tại đã khác xưa nhiều rồi, thời xưa thì rõ ràng có thể 'nhất hạnh' dễ dàng cả đời, thời nay thì chẳng được mấy. Nhưng riêng đối với các cụ già, các ca Hộ Niệm giai đoạn cuối, thì rõ ràng cần chuyên nhất, một khi cái lý chưa vững [cái tâm chưa vững] thì cần dùng hạnh để hổ trợ vậy, ngõ hầu có thể tiến dần rồi đạt đến "nhất tâm" như Pháp yêu cầu. Dĩ nhiên với phàm phu chúng ta thì cần phải đạt được cái dễ đạt trước đã [nhất tâm tin tưởng, tức "chí tâm tin ưa"], để có cái 'lận lưng' cho chắc ăn đã, rồi sau đó tha hồ mà ra sức gầy dựng công phu nâng cao lên thế nào cũng được. Chứ chưa gì hết đã 'thâm nhập' vào cái khó [nhất tâm bất loạn], đem làm 'chí hướng sự nghiệp' luôn thì không khéo đến hết cuộc đời này cũng chẳng được gì cả, rồi 'tay trắng vẫn hoàn trắng tay', sanh tử vẫn là 'tử sanh' [thọ sanh tiếp].
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc phần chú giải để biết thêm nghĩa lý Kinh văn.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 11. Quốc Giới Nghiêm Tịnh (trích lục)
Ngài Hoàng Niệm Tổ