Chánh kinh:
A Nan văn dĩ, bạch Thế Tôn ngôn: “Nhược bỉ quốc độ vô Tu Di sơn, kỳ Tứ Thiên Vương thiên, cập Đao Lợi thiên, y hà nhi trụ?”
A Nan nghe xong, bạch Thế Tôn rằng: “Nếu cõi nước ấy không có núi Tu Di thì Tứ Thiên Vương thiên và Ðao Lợi thiên nương vào đâu mà trụ?”
Giải:
“Ðao Lợi thiên” (Trāyastrimśas) dịch là Tam Thập Tam thiên, là tầng trời thứ hai trong sáu tầng trời Dục Giới, ở ngay trên đảnh núi Tu Di. Chính giữa có một thiên thành là chỗ ngự của Ðế Thích (Sakya Indra). Bốn phía, mỗi phía có tám thiên thành, cộng chung thành ba mươi ba chỗ nên có tên là Tam Thập Tam thiên. Chư thiên trong cõi trời Ðao Lợi và trời Tứ Thiên Vương đều nương theo núi Tu Di để trụ nên nay A Nan nghe đức Phật nói cõi ấy không có núi Tu Di liền hỏi ngay các vị trời ấy sẽ nương vào đâu mà trụ?
Chánh kinh:
Phật cáo A Nan: “Dạ Ma, Đâu Suất, nãi chí Sắc, Vô Sắc Giới, nhất thiết chư thiên, y hà nhi trụ?” A Nan bạch ngôn: “Bất khả tư nghị nghiệp lực sở trí”.
Phật bảo A Nan: “Hết thảy chư thiên trời Dạ Ma, Ðâu Suất, cho đến Sắc, Vô Sắc Giới nương vào đâu mà trụ?” A Nan bạch rằng: “Do nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn nên đạt được như vậy”.
Giải:
“Dạ Ma” nói đủ là Tu Dạ Ma (Suyāma), là tầng trời thứ ba trong Dục Giới thiên. Tứ Thiên Vương thiên và Ðao Lợi thiên phải nương theo núi Tu Di để trụ nên gọi là Ðịa Cư thiên. Từ trời Dạ Ma trở lên đều ngự trên không trung nên gọi là Không Cư thiên. Dạ Ma dịch là Thời Phận, Thiện Phận. Phật Ðịa Luận nói: “Nói về Dạ Ma thiên thì do cõi trời này tùy thời hưởng lạc nên gọi là Thời Phần”.
Ðâu Suất (Tushita) dịch là Thượng Túc, Diệu Túc, Tri Túc, Hỷ Túc v.v… là tầng trời thứ tư trong Dục Giới. Do chư thiên đối với những sự vui ngũ dục sanh tâm vui thích nhưng tri túc, nên gọi là Hỷ Túc. Nội viện tầng trời ấy là cõi Tịnh Ðộ của Di Lặc Ðại Sĩ, ngoại viện là chốn dục lạc của thiên chúng.
“Sắc, Vô Sắc Giới”: Sắc là chư thiên Sắc Giới (Rupaloka), chữ “Vô Sắc” chỉ chư thiên trong Vô Sắc Giới (Arupaloka). Ðó là những cõi trời nằm phía trên các tầng trời Dục Giới, đều trụ trong hư không. Vì thế, Phật mới hỏi A Nan: Nếu vì không có núi Tu Di mà bảo là chư thiên không có chỗ để trụ thì các vị trời từ cõi Dạ Ma trở lên nương vào đâu để trụ? Ngay các vị trời cõi Dạ Ma trong thế giới Sa Bà này còn chẳng cần nương vào núi Tu Di để trụ trong hư không thì chư thiên trong cõi Cực Lạc cần chi núi Tu Di!
A Nan đáp rằng: Do bởi có nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn nên chư thiên mới có thể nương hư không mà trụ.
Sách Câu Xá Quang Ký, quyển mười ba giảng chữ “nghiệp” như sau: “Tạo tác là nghiệp”; ý nói: Do thân, khẩu, ý tạo tác nên gọi là nghiệp. Làm ác là ác nghiệp, làm lành là thiện nghiệp. Thiện nghiệp có công năng sanh ra quả vui, ác nghiệp có tác dụng sanh ra quả ác; do vậy gọi là “nghiệp lực”. Sách Hữu Bộ Tỳ Nại Da (Luật tạng của phái Nhất Thiết Hữu Bộ), quyển bốn mươi sáu ghi: “Nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn! Dẫu xa xôi cách mấy vẫn lôi kéo được. Khi quả báo đã thành thục dẫu có trốn tránh vẫn khó thoát được”.
Ảnh: Tượng Tứ Đại Thiên Vương - Bốn vị vua cai quản bốn phương nơi cõi trời Tứ Thiên Vương Thiên
Chúng ta tiếp tục với đoạn Kinh văn tiếp theo trong Phẩm 11 - Quốc Giới Nghiêm Tịnh. Hai cõi trời thấp nhất trong cõi Dục Giới Thiên là Tứ Thiên Vương Thiên và Đao Lợi Thiên, đều phải nương tựa vào núi Tu Di. Rõ ràng thì mắt phàm chúng ta không nhìn được thấy do ở cảnh giới khác nhau, nhưng thực tế là vẫn đang hiện hữu cùng chung với quả Địa Cầu này vậy. Như đã nói lần trước, núi Tu Di, núi Thiết Vi là những ngọn núi ở trung tâm của Tiểu Thế Giới này, nơi đang chứa đựng Lục đạo luân hồi này, kích thước lớn nhỏ như thế nào thì có nhiều dòng thông tin khác nhau, chúng ta chẳng cần lạm bàn nhiều. Chỉ biết rằng chúng thực sự có tồn tại hiện hữu cùng các cảnh giới, cùng Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng, các hành tinh khác... trong Thái Dương Hệ này.
Như các Ngài chú giải, do hai tầng trời bên dưới phải nương tựa vào núi Tu Di nên khi Đức Phật nói cõi Cực Lạc kia không có núi non hầm hố gì cả nên Ngài A Nan mới bạch hỏi Đức Thế Tôn như vậy. Thật ra Ngài chất vấn như thế là cũng vì chúng sanh đời sau mà thôi, giúp giải tỏa mối nghi cho chúng sanh hậu thế. Bởi tất cả đều là do nghiệp lực chúng sanh tạo nên không thể nghĩ bàn được, rằng: “Do nghiệp lực chẳng thể nghĩ bàn nên đạt được như vậy”. Vì sao nghiệp lực chúng sanh lại trở nên bất khả tư nghì như vậy? Bởi như các Ngài chú giải bên dưới: "Sách Câu Xá Quang Ký, quyển mười ba giảng chữ “nghiệp” như sau: “Tạo tác là nghiệp”; ý nói: Do thân, khẩu, ý tạo tác nên gọi là nghiệp.". Nghiệp thì có thiện nghiệp, ác nghiệp, nhưng tất cả đều là không thật, giả tạm, tức có biến đổi, sanh diệt. Ví dụ như thế giới này có thành, trụ, hoại, không vậy, luôn biến đổi không ngừng nghỉ như thế. Bởi thế nên không thể nghĩ bàn được, tùy nhân duyên mà phát sanh, mà tiêu diệt, luân chuyển không ngừng nghỉ. Cho nên, nghiệp lực khác với tự tánh trong mỗi chúng sanh, vốn đầy đủ [tánh đức], thanh tịnh, bất sanh bất diệt. Cõi Cực Lạc vốn chẳng được tạo ra từ nghiệp lực chúng sanh mà từ tánh đức, công đức lực cùng nguyện lực của Phật nên chắc chắn là chẳng có núi Tu Di, núi Thiết Vi, hay sông suối ao hồ... gì cả.
Nói chung các đoạn Kinh văn này chúng ta cùng đọc các chú giải của các Ngài để biết thêm kiến thức, hiểu biết vậy thôi, chứ thật sự không ảnh hưởng nhiều đến việc tu học của chúng ta. Cho nên chúng ta đọc chúng chẳng phải sợ là 'sa đà' vào văn tự gì cả, bởi các vấn đề này chỉ là phần kiến thức [để hiểu biết thêm], không phải là phần khuyến tu, chỉ dạy tu học cho chúng ta. Chúng ta đọc Kinh văn, phần để 'hiểu biết' nó khác với phần để 'tu học', chúng ta cần phân biệt điều này. Nhiều người sợ 'đụng vô' Kinh văn, văn tự, nghĩa lý nhiều, làm cho 'nặng cái đầu', gây thêm phiền phức, dạ hoàn toàn không phải như vậy. Nhiều khi chúng ta đọc những nghĩa lý này kia chỉ để cho biết vậy thôi [không quan trọng ghi nhớ]. Song với nhiều người cứ mỗi câu mỗi chữ trong Kinh văn là cần phải khắc ghi, cần phải nắm rõ [để áp dụng trong tu học này kia], như thế đúng là tu học kiểu 'nhồi nhét' văn tự thật sự, như thế thì đụng vô chỗ nào cũng thấy quan trọng [không thể bỏ qua], cũng phải khắc ghi, riết rồi thành 'tẩu hỏa nhập ma' luôn chứ tu học cái nỗi gì đây. Thật sự với riêng Pháp môn này, việc đem giáo pháp áp dụng trong tu học càng đơn giản càng tốt, giống như quy nhất tối giản vậy, như thế thì phàm phu chúng ta mới dễ quy tâm, tăng trưởng Tín tâm được. Nhưng cũng không được giản lược hết Kinh giáo, bởi như thế thì thành ra 'mất gốc', chẳng còn phương hướng đường lối Tông yếu của Pháp môn vậy.
Chúng ta dành chút thời gian để tiếp tục công việc gầy dựng Tín Nguyện tâm sao cho đạt chân thật đầy đủ, bởi như thế mới đúng là đang Y giáo phụng hành lời Phật thuyết trong Kinh, hoặc ít ra thì cũng đang trên lộ trình để đạt đến điều đó vậy. Như chúng ta được biết, tên gọi đầy đủ của cuốn Kinh này là "Phật Thuyết... Bình Đẳng Giác Kinh". Chúng ta chỉ ghi ra chỗ cần lưu tâm ở đây là "Bình Đẳng Giác Kinh". Vì sao gọi là Bình Đẳng Giác Kinh? Những Kinh giáo của các Pháp môn khác liệu có chữ "Bình Đẳng" này chăng? Nhiều người sẽ cho là tại sao lại không? Giáo Pháp Phật thuyết ra thì chỗ nào chẳng là Bình Đẳng, chứ đâu riêng gì Pháp môn Tịnh Độ này không đâu? Đức Phật Thích Ca cũng là bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nên tất cả giáo pháp Ngài thuyết ra đều giống hệt nhau, tức hoàn toàn Bình Đẳng cho chúng sanh hết, chẳng phân biệt gì cả! Dạ vâng, trước hết chúng ta cần biết là Bình Đẳng cái gì mới được? Với Pháp môn Tịnh Độ đó là Bình Đẳng đều thành tựu vãng sanh [trong đời], còn với các Pháp môn khác là Bình Đẳng cái gì? Pháp Phật thuyết ra, chúng sanh thọ dụng, thực hành theo, rồi đạt lợi ích kết quả này kia, ai thực hành tốt thì đạt kết quả tốt, ai thực hành kém thì đạt kết quả kém hơn, ai chẳng thực hành thì chẳng có kết quả gì cả, như thế tức là Bình Đẳng rồi, Bình Đẳng là như thế chăng? Bởi rõ ràng Phật chẳng 'thiên vị' ai cả, ai thọ dụng thì được lợi ích, ai chẳng thọ dụng thì chẳng có lợi ích, thế thôi, hoàn toàn Bình Đẳng, không phân biệt [chúng sanh nào cả]. Dạ vâng, nếu lý luận kiểu như thế thì giống như 'tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ' thôi, tức hoàn toàn phụ thuộc vào hành giả đương nhân thực hiện cái pháp đó như thế nào [rồi sẽ ra kết quả như vậy], tức kết quả chúng sanh đạt được đâu có giống nhau đâu, người đạt nhiều, người đạt ít, người đạt tốt người đạt kém... Như thế thì Bình Đẳng cái chỗ nào đây? Bình Đẳng chỉ là khi nào tất cả đều đạt được thành tựu y hệt như nhau vậy, bất luận là ai, nếu thực hiện đúng cái pháp đó đều cho ra kết quả y hệt như nhau hết, như thế mới gọi là Bình Đẳng chứ. Chẳng tin chúng ta đọc khắp hết tất cả Kinh giáo của các Pháp môn tự lực thông thường có cuốn Kinh nào mang cái tựa đề có chữ "Bình Đẳng" trong đó không? Chắc chắn là chẳng có đâu! Còn một khi ai đó 'đánh đồng' chữ 'Bình Đẳng' này cho tất cả đó là hoặc chưa hiểu đúng chữ này, hoặc chẳng hiểu đúng [thiếu Tín tâm] với Pháp môn này vậy.
Thật sự ra vì sao chỉ có Pháp môn Tịnh Độ này mới có tên "Bình Đẳng" trong đó, mà các Pháp môn khác thì không? Bởi đây chính là Pháp môn đặc biệt suốt một đời Đức Phật Ngài thuyết ra. Đặc biệt như thế nào? Đây là Pháp môn cậy vào Tha Lực của Phật, chẳng phải cậy vào Tụ lực như các giáo pháp khác. Đây chính là sự khác biệt hoàn toàn [về bản chất] giữa Tịnh Độ với các Pháp môn khác. Mà cũng chính từ yếu tố Tha Lực này mới có chữ "Bình Đẳng" được, tức Nguyện Lực cứu độ của Phật là bình đẳng như nhau với tất cả chúng sanh, miễn là chúng sanh thực hiện đúng cái Pháp đó là được [tức Y giáo phụng hành], bất luận chúng sanh đó ở cảnh giới nào, nghiệp lực ra sao. Tức sự thành tựu là y hệt như nhau, đều cùng được tiếp dẫn về Cực Lạc, thoát ly sanh tử. Còn cảnh giới phẩm vị mới là phụ thuộc vào từng chúng sanh tu tập ra sao, cái này thì đương nhiên phải khác nhau, phụ thuộc vào từng hành giả đương nhân, không thể 'đánh đồng' được [bởi cái này thuộc về Nhân Quả mỗi chúng sanh vậy, không thay đổi được]. Ví dụ, hành giải dù siêng năng tinh tấn, công phu cao trỗi, công đức thù thắng như thế nào nhưng thiếu Tín tâm chân thật [tức còn 'sót' chút nghi tâm gì đó] thì nếu được về cũng phải vào Biên Địa một thời gian vậy, bởi đây chính là cái nhân cái quả họ gieo họ gặt vậy, không thể khác được. Đến khi nào hết cái nhân đó [hết nghi tâm] thì mới vào được Chánh quốc, đến chỗ đúng cảnh giới phẩm vị vốn có của họ, chứ chẳng phải bảo họ phải xuống hạng bét Hạ phẩm hạ sanh bắt đầu lại từ đầu đâu nhé. Bởi đơn giản cũng là từ Nhân Quả, công đức, cảnh giới họ tới đâu thì phải trả họ về đúng vị trí đó vậy, chẳng thể khác đi được.
Cho nên, với Pháp môn này, chữ "Bình Đẳng" này đặc biệt quan trọng. Nhiều người tu học cứ cố tình 'lờ đi', rồi phải thế này thế nọ thế kia, hoặc giả 'đánh đồng' nói Pháp môn nào cũng như vậy cả, không riêng gì Tịnh Độ, rồi đem những nghĩa lý từ các Pháp môn khác áp dụng vào Tịnh Độ. Thật sự, Pháp môn này thù thắng, vi diệu chính là từ những chỗ khác biệt [mà những Pháp môn khác không có] vậy. Chứ còn đem đánh đồng hết thì thôi, còn gì là thù thắng vi diệu nữa, hoặc giả đã bị [những kiến giải đó] làm chiết giảm đi quá nhiều, mất lợi ích quá nhiều đối với chúng sanh vậy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 11. Quốc Giới Nghiêm Tịnh
Ngài Hoàng Niệm Tổ