Phật quang là tâm quang. Tâm quang ấy chúng sanh và Phật đều cùng có, bình đẳng giống hệt như nhau, nơi Phật chẳng tăng thêm, nơi chúng sanh chẳng giảm bớt. Vì thế, lúc mới thành Chánh Giác, đức Thế Tôn than thở sâu xa: “Hết thảy chúng sanh đều đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì chưa ngộ nên chẳng tránh khỏi biến trí huệ đức tướng ấy thành vô minh nghiệp thức, mê tâm đuổi theo cảnh, trái giác hiệp trần, ví như đi mãi trong đêm dài, chẳng thấy được đường chánh, chẳng va tường đụng vách thì cũng đọa hầm sụp hố, luân hồi lục đạo, trọn chẳng có thuở thoát ra!” Đức Như Lai thương xót, thị hiện giáng sanh trong thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, tùy thuận cơ nghi, diễn nói các pháp, chỉ dạy thể tướng của nhất tâm, nói ra nhân quả ba đời, pháp thế gian lẫn xuất thế gian không gì chẳng trọn khắp.
Dù thánh hay phàm đều cùng trong đời này cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương
Lại muốn lợi lạc khắp ba căn nên đặc biệt mở ra một môn Tịnh Độ, ngõ hầu hết thảy dù thánh hay phàm đều cùng trong đời này cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương hòng siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, đích thân chứng được tâm quang mà Phật và chúng sanh đều cùng có, cũng như [chứng được] tánh thể vô lượng quang thọ. Lại còn rủ lòng từ tiếp dẫn đến tột cùng đời vị lai, ngõ hầu pháp giới chúng sanh đều được đẫm Phật quang, cùng chứng tâm quang. Quang quang chiếu sáng lẫn nhau, thành một thế giới Thường Tịch Quang mới thôi! Đấy chính là cội nguồn của việc cư sĩ Dịch Viên lập ra Phật Quang Xã.
Dùng lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha để cảm Phật
Còn những gì được đề xướng trong liên xã thì trọn chẳng lập ra cách thức sai khác, tức là ai nấy đều dốc tâm thực hiện ngay trong những cư xử thường ngày của chúng ta, có nghĩa là “cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành”, mỗi mỗi đều nghiêm túc trọn hết bổn phận. Như thế thì chính là người lành “chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”. Hơn nữa, trong khi đi lại, nói năng, làm lụng, đi, đứng, nằm, ngồi, [luôn luôn] chấp trì một câu thánh hiệu A Di Đà Phật, dùng vạn đức hồng danh của Phật để hun đúc nghiệp thức vô minh của chính mình, hun đúc lâu ngày thì vô minh nghiệp thức ấy sẽ biến thành trí huệ đức tướng. Thanh Lương quốc sư nói: “Phàm phu cắm cúi niệm Phật, niệm đến cùng cực sẽ có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu”, chính là nói về điều này vậy. Huống chi dùng lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha để cảm Phật, Phật sẽ dùng thệ nguyện từ bi nhiếp thọ; do đó được cảm ứng đạo giao, vạn người tu vạn người về. Lòng từ của đức Như Lai, sự nhiệm mầu của pháp môn không chi hơn được! Nếu không có túc căn sẽ chẳng thể gặp gỡ!
Cư sĩ [Giang] Dịch Viên đã đạt được lợi ích sâu xa, lại còn khuyên dạy người trong ấp cùng tu pháp này. Do vậy, người do nghiệp tiêu trí rạng mà vãng sanh và những người cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh kể sao cho xiết! Vì thế, các vị thiện sĩ ở Xung Điền nghe tiếng tăm dấy lòng noi theo, lập riêng phân xã để mong cư dân lân cận sẽ cùng được đẫm Phật quang, cùng sanh về Cực Lạc, đủ thấy con người có cùng một tâm này, tâm cùng một lý này, đã gieo thiện căn sâu xa trong nhiều đời nhiều kiếp vậy!
Bậc hạ mà còn được như thế huống gì là bậc thượng!
Phải biết: Phật pháp vốn là tâm pháp, là gốc của hết thảy các pháp thế gian. Nếu biết Phật pháp thì đạo “cách vật, trí tri, chánh tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của thế gian đều được viên mãn rốt ráo. Nếu không, chỉ là bày biện nơi cành nhánh, chứ trọn chẳng được lợi ích thật sự nơi căn bản: Vì cái thân mưu tính sẽ chẳng thể vượt ra ngoài thân xác, vì đất nước mưu tính sẽ chẳng thể khiến cho phong thái đại đồng được thông suốt. Bậc thượng mà còn như thế thì bậc hạ cần chi phải nói nữa! Ngu phu, ngu phụ nếu y theo pháp môn Tịnh Độ do đức Phật đã nói để tu trì thì khi còn sống sẽ tận hết bổn phận, trọn hết tình nghĩa để trở thành hiền thiện, mất đi sẽ cao đăng chín phẩm sen liễu sanh thoát tử. Bậc hạ mà còn được như thế huống gì là bậc thượng! Nguyện những thiện tín tham dự liên xã và những ai thấy nghe trong hiện tại, tương lai, đều cùng nhờ vào tâm quang để đề cao Phật quang thì xã hội may mắn lắm mà thiên hạ cũng may mắn lắm thay!
Câu: Lại muốn lợi lạc khắp ba căn nên đặc biệt mở ra một môn Tịnh Độ, ngõ hầu hết thảy dù thánh hay phàm đều cùng trong đời này cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương hòng siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử...
Pháp môn độ khắp ba căn, lợi - độn gồm thâu, thánh - phàm cùng lợi ích. Ấy là nhờ "đều cùng trong đời này cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương". Nếu vậy, chẳng cậy Phật từ lực thì có vãng sanh Tây Phương được chăng? Không bao giờ có chuyện đó, dẫu cho là bậc Thánh đã chứng đắc đi nữa [đã đoạn Hoặc chứng chân, tự có thể liễu thoát sanh tử], vẫn phải nương cậy Nguyện lực của Phật mà được sanh về. Dĩ nhiên nếu được sanh về thì phẩm vị các Ngài sẽ cao, hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh ngay. Đến hàng Đẳng Giác Bồ tát như Thiện Tài Đồng Tử cùng các vị Pháp thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm cũng phải dùng Mười Đại Nguyện Vương hồi hướng cầu về Cực Lạc [để được Phật rước về]. Cho nên, con đường để liễu thoát sanh tử thì nhiều [tự lực, tha lực], nhưng để vãng sanh liễu thoát sanh tử, mà đặc biệt phù hợp với chúng sanh thời Mạt này, không thể không nương cậy vào Phật lực. Hễ nương cậy được, chắc chắn vãng sanh; còn không thì không được vãng sanh. Chỉ có vậy.
Đoạn: Có nghĩa là “cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành”, mỗi mỗi đều nghiêm túc trọn hết bổn phận. Như thế thì chính là người lành “chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”.
Đôi khi "trọn hết bổn phận" thì còn hơn cả làm nhiều việc thiện lành khác [mà chưa trọn bổn phận]. Vì sao vậy? Vì "trọn hết bổn phận" thật ra chẳng phải đơn giản, dễ dàng gì. Thế gian thường nói 'Thứ nhất là tu tại gia...' cũng có đạo lý lắm. Phải là "cha từ, con hiếu, chồng hòa, vợ thuận...", chẳng đơn giản, mà làm được thì như các Ngài nói đó chính là người lành “chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành” vậy. Như thế sẽ rất thuận lợi trong tu học, vì tâm khá tương ưng tâm Phật, học Phật dễ đạt được Như lý như pháp, dễ thành tựu.
Đoạn tiếp: Thanh Lương quốc sư nói: “Phàm phu cắm cúi niệm Phật, niệm đến cùng cực sẽ có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu”, chính là nói về điều này vậy. Huống chi dùng lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha để cảm Phật, Phật sẽ dùng thệ nguyện từ bi nhiếp thọ; do đó được cảm ứng đạo giao, vạn người tu vạn người về.
Kẻ không biết gì cả, nhờ có ai đó dạy cho niệm Phật đi, sẽ được đại lợi ích [gì đó] thế là suốt ngày cắm cúi niệm Phật, "niệm đến cùng cực sẽ có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu". Thật ra họ là những người có thiện căn, phước đức, nhân duyên rất sâu dày, nên đời này mới bắt gặp được nhân duyên tốt lành vậy, rồi lại chịu tin tưởng mà hành trì suốt, chẳng đổi thay cho đến cuối đời hay lúc mãn phần. Rõ ràng để được như vậy thì họ đã nhiều đời huân tu không gián đoạn rồi, không phải ai cũng được như vậy.
Chúng ta những hành giả Tịnh Độ đây, chắc là đa phần không được như họ, ít nhất là về mặt thiện căn [xuất phát ban đầu], cho nên cần phải vun bồi, thúc đẩy suốt để giữ vững được đạo tâm không bị biếng trễ, dao động, hay thay đổi. Cho nên cần nắm chắc, giữ vững Tông chỉ tông yếu của Pháp môn, rồi chân thật siêng năng hành trì, ắt sẽ có kết quả thành tựu như mong đợi. Đừng có cho rằng đã được bắt gặp nhân duyên Tịnh Độ thù thắng này rồi mà lại cứ đòi học theo các bậc [ngu phu ngu phụ] ấy, mà nói là chẳng cần biết chẳng cần học gì nữa cả, coi chừng người ta thì vãng sanh về An Dưỡng còn mình thì 'vãng lai' về đâu chẳng biết?! Không tin cứ thử xem lại chút là biết ngay thôi, người ta thì "suốt ngày cắm cúi niệm Phật", mình có làm được vậy không? Người ta thì không cần thấy nghe gì thêm cả còn mình "ba ngày không nghe Pháp" thì sao nhỉ? Cho nên, đã biết thì phải biết cho tới, hiểu cho tận, để nắm cho chắc, dụng công hành trì. Thật ra, Tông chỉ tông yếu Tịnh Độ tông thật ngắn gọn, đơn giản, chỉ vài dòng, thậm chí chỉ vài chữ, không có gì cao xa, huyền diệu ở đây cả. Nắm chắc, hiểu rõ thì rất dễ tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên. Vãng sanh thì phẩm vị chắc không đến nổi tệ lắm, tùy thuộc vào thời gian, thời lượng, mức độ sâu cạn trong quãng đường tu hành, công phu, độ sanh... Và đặc biệt như thế sẽ chẳng bị sanh vào Biên Địa Nghi Thành [là do tâm nghi hoặc; hoặc là do không có nhân duyên bắt gặp để hiểu rõ, trừ các vị công phu đến minh tâm kiến tánh thì sẽ tự "thông Phật trí" tự sanh chánh tín, không cần học Kinh giáo]. Câu "Huống chi dùng lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha để cảm Phật..." ấy chính là nói về những điều chúng ta vừa phân tích vậy. Cho nên, tu Tịnh Độ thì hãy "Y giáo phụng hành", đừng có tự chế, cũng đừng có ngắt bỏ, hay thêm thắt gì cả. Phật dạy thế nào thì cứ hành y chang vậy đi, yên tâm, Phật nói rằng Pháp môn này không khó "dễ đi", và trong "một đời ngắn ngủi này thôi"... Những Pháp môn khác của Phật có nhiều Giáo pháp phải nói là cực khó, không thể với tới được cho hàng phàm phu chúng ta, chúng ta nhiều khi nghe nhiều đọc biết nhiều nên khi nghe tới chữ "Y giáo phụng hành" theo Kinh điển thì đâm ra sợ làm không nổi, nên sanh tâm thoái thác, trốn tránh, làm mất lòng tin. Riêng với Pháp môn Tịnh Độ thì hoàn toàn khác. Giáo thích rất gần gủi, đơn giản, thích hợp cho mọi căn cơ Thượng trung hạ. Những vị nào giảng Tịnh Độ mà nói toàn lý huyền lý diệu, nói những thứ mà chúng sanh phàm phu thời Mạt này không thể làm tới được thì đó là nói không đúng Tông chỉ tông yếu của Tịnh Độ tông rồi, bởi đây là Pháp môn vốn dành để cứu vớt cho hàng phàm phu nhiều tội chướng không thể tự liễu thoát được, đặc biệt thích hợp căn cơ chúng sanh thời Mạt này [và kèm luôn bậc Thánh nhân]. Cho nên việc giảng giải Kinh giáo phải vừa khế lý vừa khế cơ [tức là vừa đúng như pháp vừa hợp căn cơ hiện thời] thì mới phát huy diệu dụng, đại từ đại bi. Câu mà các Ngài hay nói "Vạn người tu vạn người về" đó chính là Vạn người tu như pháp thì vạn người về. Không hề sai chạy chút nào vậy.
Văn Sao Tục Biên
Nêu tỏ ý nghĩa ẩn tàng của Phật Quang Phân Xã tại Xung Điền, Vụ Nguyên (năm Dân Quốc 20 - 1931)
Đại Sư Ấn Quang