Phàm phu có được dự phần vào bậc Thượng vãng sanh hay không là một vấn nạn lớn trong Tịnh Tông.
Cổ đức có vị bảo đây là hạnh Bồ Tát (như có thuyết bảo Thượng Thượng Phẩm phải là Bồ Tát từ Tứ Ðịa đến Thất Ðịa, Thượng Trung Phẩm phải là từ Sơ Ðịa đến Tứ Ðịa Bồ Tát; các phẩm khác cứ theo đó mà suy. Phàm phu chỉ có thể đạt từ Trung Phẩm Trung Sanh trở xuống mà thôi!). Nếu thật sự là như vậy thì đại nguyện vô thượng của Phật Di Ðà, cõi sen Tây Phương độc diệu, pháp môn trì danh dễ hành, diệu pháp vãng sanh thù thắng đều thành hý luận, khiến cho diệu pháp Tịnh Tông chẳng thể nghĩ bàn lại thành ra pháp có thể nghĩ bàn nổi ư! Vì vậy, đây chính là một điều cốt lõi của Tịnh Tông; trong phần khái yếu của bản chú giải này tôi đã tạm bàn đôi điều nhưng chưa thể giãi bày hết ý chỉ này, nên ở đây tôi lại thử trình bày rõ hơn.
Đối với những sai lầm của cổ thuyết, chúng ta may mắn có được đại sư Thiện Ðạo đời Ðường. Ngài đã dẫn đủ các kinh luận để cực lực đả phá cựu thuyết. Trong Tứ Thiếp Sớ, đại sư đã luận như sau:
“Lại xem phần Ðịnh Thiện trong Quán Kinh và ý nghĩa kinh văn ba bậc Thượng, Trung, Hạ thì toàn là sau khi đức Phật nhập diệt, phàm phu ngũ trược chỉ do gặp duyên sai khác nên đến nỗi có chín phẩm sai biệt.
Vì sao? Người trong ba phẩm Thượng là phàm phu gặp duyên Ðại Thừa. Người trong ba phẩm Trung là phàm phu gặp duyên Tiểu Thừa. Người trong ba phẩm Hạ là phàm phu ngu ác, tạo ác nghiệp, lúc lâm chung nhờ bạn lành, nương nguyện lực của Phật bèn được vãng sanh; đến khi hoa kia nở thì mới phát tâm, chứ phải đâu là người mới học Ðại Thừa (cổ đức bảo bậc Hạ là người mới học Ðại Thừa). Nếu hiểu như thế thì mình lầm, làm người khác lầm, tai hại quá sức!”
Trong bản sớ giải, Ngài còn dẫn mười đoạn Quán Kinh để chứng minh luận thuyết ấy, ở đây tôi không trích dẫn đủ. Chín phẩm đài sen cõi Cực Lạc đều là nơi để phàm phu đời trược vãng sanh, chỉ do người đời gặp duyên có Ðại Thừa, Tiểu Thừa sai khác nên sau khi vãng sanh bèn có bậc Thượng, bậc Trung, bậc Hạ bất đồng.
Tịnh Tông là giáo pháp tối cực viên đốn. Nếu phàm phu thuộc căn khí Ðại Thừa có thể tin nhận được nổi thì sẽ giải ngộ trọn vẹn, tu chứng trọn vẹn thì sẽ vượt xa thường nhân cả kiếp (người căn cơ viên đốn tu một ngày bằng thường nhân tu một kiếp). Do đó, họ có thể ngay trong một đời công hạnh viên mãn chứng ngay Thượng Phẩm.
Nay với bản kinh này, tôi dùng các luận khác để chứng minh ba bậc vãng sanh thật sự là vì phàm phu, kiêm vì thánh nhân:
* Phẩm Tất Thành Chánh Giác (ắt thành Chánh Giác) trong kinh này có những câu kệ như sau: “Linh bỉ chư quần sanh, trường dạ vô ưu não, xuất sanh chúng thiện căn, thành tựu Bồ Đề quả. Ngã nhược thành Chánh Giác, lập danh Vô Lượng Thọ. Chúng sanh văn thử hiệu, câu lai ngã sát trung, như Phật kim sắc thân, diệu tướng tất viên mãn” (Khiến các quần sanh ấy, đêm dài không ưu não, xuất sanh các thiện căn, thành tựu quả Bồ Ðề. Nếu tôi thành Chánh Giác, lập hiệu Vô Lượng Thọ. Chúng sanh nghe hiệu ấy, đều sanh trong nước tôi, thân sắc vàng như Phật, diệu tướng đều viên mãn).
Bốn câu đầu nói lên nguyên do phát khởi đại nguyện: Muốn cho hết thảy chúng sanh trong đêm dài tăm tối được lìa các ưu bi khổ não, xuất sanh căn lành thành tựu Bồ Ðề. Ta thấy rõ Ngài thật sự muốn cứu tế khắp hết thảy những phàm phu đầy rẫy phiền não còn trong đêm dài tăm tối, khiến cho họ phát sanh thiện căn.
Bốn câu kệ kế tiếp nói đến pháp Ngài dùng để phổ độ: “Chúng sanh văn thử hiệu, câu lai ngã sát trung” (Chúng sanh nghe danh hiệu này, đều sanh trong nước ta). Các chúng sanh ấy cũng chính là quần sanh còn trong đêm dài ưu não. Bởi vậy, Thiện Ðạo đại sư mới bảo: “Ba bậc chín phẩm toàn là vì bọn phàm phu ngũ trược sau khi Phật nhập diệt”.
Hai câu kệ cuối cùng: “Như Phật kim sắc thân, diệu tướng tất viên mãn” (Thân sắc vàng như Phật, diệu tướng đều viên mãn) cho thấy phàm phu ưu não một khi đã sanh cõi kia thì đều được chân thân kim sắc, diệu tướng viên mãn đầy đủ giống như Phật.
Tiếp đó, kinh còn nói: “Diệc dĩ đại bi tâm, lợi ích chư quần phẩm, ly dục thâm chánh niệm, tịnh huệ tu phạm hạnh” (Cũng dùng tâm đại bi, lợi ích các quần phẩm. Ly dục, chánh niệm sâu, tịnh huệ tu phạm hạnh), ý nói: Những người vãng sanh khi hoa nở thấy Phật, thân tâm thanh tịnh ngay, trí huệ bén nhạy, đại bi vô lượng, tự giác, giác tha thành tựu Bồ Ðề. Ðấy đều là do sức oai thần, sức bổn nguyện, nguyện trọn đủ, nguyện rõ ràng, kiên cố, rốt ráo của A Di Ðà Phật, nên mới có thể khiến cho phàm phu trong đêm dài ưu não đắc trí huệ thanh tịnh, thân tâm như Phật. Rõ ràng là phàm phu mang tâm Ðại Thừa trong cõi này được Phật gia bị bèn vãng sanh trong Thượng phẩm, đắc Vô Sanh Nhẫn thì có chi là lạ? Ngay câu đầu trong bài kệ tụng phát nguyện, tỳ-kheo Pháp Tạng đã bảo: “Ngã lập siêu thế chí” (Tôi lập chí siêu thế); những điều vừa nói trên chính là chỗ siêu thế, lẽ nào lại đem thói thường của mười phương để luận bàn phẩm vị cõi Cực Lạc ư?
Sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao còn bảo: “Ngài Cảnh Hưng bảo rõ ba bậc chín phẩm là phàm phu vãng sanh nên Ngài giảng rằng: ‘Một là phàm tiểu vãng sanh, hai là đại thánh vãng sanh’. Chữ ‘phàm tiểu’ chỉ ba bậc [vãng sanh]”.
Sách Du Tâm An Lạc Ðạo cũng viết: “Lại nữa, bốn mươi tám nguyện trước hết là vì hết thảy pháp phàm phu, rồi mới kiêm vì tam thừa thánh nhân. Do vậy, phải biết ý chỉ của tông Tịnh Ðộ là ‘vốn vì phàm phu, kiêm vì thánh nhân”.
Hơn nữa, ngay trong câu đầu của phẩm này đã bảo: “Thập phương thế giới chư thiên nhân dân, kỳ hữu chí tâm nguyện sanh bỉ quốc, phàm hữu tam bối” (Nói chung, chư thiên, nhân dân trong mười phương thế giới chí tâm nguyện sanh cõi kia thì gồm có ba bậc). Kinh nói cả ba bậc (tam bối) chỉ là chư thiên, nhân dân trong mười phương, chẳng hề nói họ là Bồ Tát hay Thanh Văn. Như vậy, ba bậc được nêu trong kinh này trước hết là nhắm đến phàm phu, nhưng trong kinh cũng nói kèm đến thánh nhân như phẩm Bồ Tát Vãng Sanh nói các hàng Bồ Tát trong mười phương thế giới “đương vãng sanh giả, đản thuyết kỳ danh, cùng kiếp bất tận” (những kẻ sẽ được vãng sanh; nếu chỉ nêu danh hiệu của họ thì hết cả kiếp cũng chẳng thể hết nổi).
"Đường đời muôn vạn nẻo, ngưởi anh phải chọn một lối đi" - Nguyễn Xuân Vinh
Trong vở 'tấu hài, tuồng cổ' này, chúng ta hãy cố gẳng 'diễn' cho tốt vai mình để còn trở về, như thế chính là Tự lợi lợi tha, Tự giác giác tha.
Pháp Nhiên Thượng Nhân dạy rằng: "Đã tu Tịnh Độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo niệm Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho niệm Phật, hễ làm chướng ngại thì nên từ bỏ."
Phần Chánh Tông - Phẩm 24. Tam Bối Vãng Sanh
Ngài Hoàng Niệm Tổ