Chánh kinh:
Diệc như quá khứ vô lượng Phật
Vị bỉ quần sanh đại đạo sư
Năng cứu nhất thiết chư thế gian
Sanh lão bệnh tử chúng khổ não
Thường hành Bố Thí cập Giới, Nhẫn
Tinh Tấn, Định, Huệ, lục Ba La
Vị độ hữu tình linh đắc độ
Dĩ độ chi giả, sử thành Phật
Giả linh cúng dường Hằng sa thánh
Bất như kiên dũng cầu Chánh Giác
Cũng như vô lượng Phật quá khứ
Làm đại đạo sư cho quần sanh
Cứu độ hết thảy các thế gian
Sanh, lão, bệnh, tử... các khổ não
Thường hành Bố Thí và Giới, Nhẫn
Tinh Tấn, Ðịnh, Huệ, sáu Ba La
Hữu tình chưa độ khiến được độ,
Kẻ đã được độ, khiến thành Phật
Giả sử cúng dường Hằng sa thánh
Chẳng bằng kiên dũng cầu Chánh Giác
Giải:
Ðoạn kệ phát nguyện trên đây diễn tả ý mong cầu đức Giác Tha của Phật.
Ý của bốn câu đầu là tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện được như hết thảy vô lượng chư Phật trong quá khứ: Làm đại đạo sư cho hết thảy hữu tình, dẫn dắt chúng sanh lìa khổ được vui, từ mê được ngộ, thoát biển sanh tử, nhập Phật tri kiến, lại dùng các thứ phương tiện khiến hết thảy chúng sanh được sức vô úy. Vì thế, Ngài nói: “Năng cứu nhất thiết chư thế gian, sanh, lão, bệnh, tử, chúng khổ não” (Cứu độ hết thảy các thế gian, sanh, lão, bệnh, tử... các khổ não).
Nói một cách thô thiển, Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới là “chư thế gian”. Tam giới chẳng an ví như nhà lửa, đều thuộc trong biển sanh tử nên nguyện cứu độ. Nói ở mức độ cao hơn, ngay cả những vị ở bậc Ðịa Tiền vẫn còn thuộc thế gian, vô minh chưa dứt, nên cũng cần phải độ thoát họ. Bốn câu từ chữ “thường hành Bố Thí” trở đi nói đến bổn nguyện đại bi vô tận của Pháp Tạng Bồ Tát: Nguyện thường hành Lục Ðộ phổ độ chúng sanh.
Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện chép: “Chư Phật Như Lai dĩ đại bi tâm vi Thể cố, nhân ư chúng sanh nhi khởi đại bi, nhân ư đại bi sanh Bồ Đề tâm, nhân Bồ Đề tâm thành Đẳng Chánh Giác. Thí như khoáng dã sa tích chi trung hữu đại thụ vương, nhược căn đắc thủy, chi diệp hoa quả, tất giai phồn mậu. Sanh tử khoáng dã Bồ Đề thụ vương, diệc phục như thị, nhất thiết chúng sanh nhi vi thụ căn, chư Phật, Bồ Tát nhi vi hoa quả. Dĩ đại bi thủy nhiêu ích chúng sanh, tắc năng thành tựu chư Phật, Bồ Tát trí huệ hoa quả” (Do chư Phật Như Lai lấy Đại Bi làm Thể, nên đối với chúng sanh khởi Đại Bi. Do Đại Bi nên sanh Bồ Ðề tâm. Do Bồ Ðề tâm thành Ðẳng Chánh Giác. Ví như trong chốn sa mạc rộng lớn có một cái cây thật to, nếu rễ của nó hút được nước thì cành, lá, hoa, quả thảy đều sum xuê. Cây chúa Bồ Ðề trong chốn đồng hoang sanh tử cũng giống như vậy: Hết thảy chúng sanh là rễ cây, chư Phật, Bồ Tát là hoa quả. Lấy nước Đại Bi làm lợi chúng sanh thì thành tựu được hoa quả trí huệ của chư Phật, Bồ Tát). Kinh Ðại Nhật cũng dạy: “Đại Bi vi căn” (Đại Bi làm rễ). Ở đây, ngài Pháp Tạng cũng thế: Do đại bi nên rộng hành Lục Ðộ, phổ độ quần sanh.
“Lục Ba La” tức là Lục Ðộ, là chánh nhân để chứng Niết Bàn. Nguyện hành Lục Ðộ chính là: “Pháp môn vô biên thệ nguyện học” và “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Hơn nữa, Bố Thí trị được keo tham, Trì Giới trị phá giới, Nhẫn Nhục trị nóng giận, Tinh Tấn trị biếng trễ, Thiền Ðịnh trị tán loạn, Trí Huệ trị ngu si. Thường hành Lục Ðộ thì chính là “phiền não vô biên thệ nguyện đoạn”. Tự giác, giác tha là dùng sự giác ngộ của chính mình để giác ngộ khắp các chúng sanh, dùng hạnh của chính mình để dẫn dắt chúng sanh, đem đức của chính mình hồi hướng cho chúng sanh. Ðấy chính là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Do vậy, trong kệ tụng có câu: “Vị độ hữu tình linh đắc độ, dĩ độ chi giả sử thành Phật” (Hữu tình chưa độ khiến được độ, kẻ đã được độ khiến thành Phật). Cứu vớt, gánh vác cho họ đều đạt tới “bỉ ngạn”. Bốn câu kệ này đã chứa trọn ý nghĩa Tứ Hoằng Thệ Nguyện.
Trong hai câu “giả linh cúng dường Hằng sa thánh, bất như kiên dũng cầu Chánh Giác” (giả sử cúng dường Hằng sa thánh, chẳng bằng kiên dũng cầu Chánh Giác), chữ “hằng sa” chỉ cát trong con sông Hằng của Ấn Ðộ. Do sông Hằng lắm cát, đại chúng ai cũng thấy rõ như vậy, nên Phật thường dùng cát sông Hằng làm thí dụ. Ý nghĩa của hai câu kệ trên là: Giả sử cúng dường chư Phật nhiều như số cát của sông Hằng chẳng bằng cầu Chánh Giác một cách kiên cố, dũng mãnh, chẳng khiếp nhược. Ðoạn kinh này giống hệt như ý nghĩa của đoạn kinh sau đây trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm:
“Thiện nam tử! Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối. Sở vị: Như thuyết tu hành cúng dường, lợi ích chúng sanh cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh cúng dường, đại chúng sanh khổ cúng dường, cần tu thiện căn cúng dường, bất xả Bồ Tát nghiệp cúng dường, bất ly Bồ Đề tâm cúng dường.
Thiện nam tử! Như tiền cúng dường vô lượng công đức, tỷ pháp cúng dường nhất niệm công đức, bách phần bất cập nhất, thiên phần bất cập nhất, bách thiên câu-chi na-do-tha phần, ca-la phần, toán phần, số phần, dụ phần, ưu-ba-ni-sa-đà phần diệc bất cập nhất. Hà dĩ cố? Dĩ chư Như Lai tôn trọng pháp cố. Dĩ như thuyết hành xuất sanh chư Phật cố. Nhược chư Bồ Tát hành pháp cúng dường, tắc đắc thành tựu cúng dường Như Lai. Như thị tu hành, thị chân cúng dường cố”.
(Này thiện nam tử! Trong các loại cúng dường, pháp cúng dường là bậc nhất. Pháp cúng dường là: Cúng dường bằng cách tu hành đúng như lời dạy, cúng dường bằng cách lợi ích chúng sanh, cúng dường bằng cách nhiếp thọ chúng sanh, cúng dường bằng cách chịu khổ thay cho chúng sanh, cúng dường bằng cách siêng tu các căn lành, cúng dường bằng cách chẳng bỏ Bồ Tát nghiệp, cúng dường bằng cách chẳng rời Bồ Ðề tâm.
Này thiện nam tử! Công đức của vô lượng các thứ cúng dường trước đó (ý nói cúng dường bằng tài vật) đem so với công đức của pháp cúng dường dẫu trong một niệm thì chẳng bằng được một phần trăm, một phần ngàn [cho đến] cũng chẳng bằng nổi một phần trăm ngàn câu chi na-do-tha, ca-la phần, toán phần, số phần, dụ phần, ưu-bà-ni-sa-đà phần. Vì sao vậy? Vì các đức Như Lai tôn trọng pháp, do tu hành đúng như lời dạy sẽ sanh ra chư Phật. Vì nếu các Bồ Tát thực hành pháp cúng dường thì chính là thành tựu việc cúng dường Như Lai. Vì tu hành như thế mới là cúng dường chân chánh).
Vì “kiên dũng cầu Chánh Giác” (kiên cố, dũng mãnh cầu Chánh Giác) chính là pháp cúng dường, là cúng dường chân chánh, là bậc nhất trong các cách cúng dường, nên cầu Chánh Giác vượt xa cúng dường hằng sa chư thánh bằng các tài vật khác.
Trong đoạn kinh Hoa Nghiêm trên đây, “câu-chi” là một ngàn vạn, “na-do-tha” là vạn vạn, những con số nói kế tiếp đó càng lớn hơn nữa. Dẫu đem cả đại địa nghiền nát thành vi trần thì con số “ưu-bà-ni-sa-đà” vẫn còn lớn hơn số vi trần ấy nữa. Công đức của pháp cúng dường ví như số vi trần trong toàn bộ quả địa cầu, còn công đức của tài cúng dường chưa bằng một hạt bụi nhỏ, làm sao sánh nổi với tất cả số vi trần của địa cầu. Ðấy chính là lời khen chi tiết về công đức chẳng thể nghĩ bàn của pháp cúng dường vậy.
Đoạn đầu: Ý của bốn câu đầu là tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện được như hết thảy vô lượng chư Phật trong quá khứ: Làm đại đạo sư cho hết thảy hữu tình, dẫn dắt chúng sanh lìa khổ được vui, từ mê được ngộ, thoát biển sanh tử, nhập Phật tri kiến, lại dùng các thứ phương tiện khiến hết thảy chúng sanh được sức vô úy. Vì thế, Ngài nói: “Năng cứu nhất thiết chư thế gian, sanh, lão, bệnh, tử, chúng khổ não” (Cứu độ hết thảy các thế gian, sanh, lão, bệnh, tử... các khổ não).
Tỳ kheo Pháp Tạng với tâm nguyện cứu độ không phải là vô lượng vô biên chúng sanh nữa mà hết thảy chúng sanh trong Thập phương pháp giới đều được lìa khổ được vui, thoát biển sanh tử, tu chứng Đạo quả. Rõ ràng ở đây là Ngài chưa phát Đại nguyện nhưng những mong ước, tâm nguyện của Ngài đã vượt trỗi hơn các Chư Phật khác. Ngài bèn vâng hỏi Đức Thế Tôn [rằng như thế có được chăng?]. Đức Tự Tại Vương Như Lai khẳng định chắc chắn [sẽ đạt được] cùng trợ duyên soi chiếu 210 ức cõi Phật cho Tỳ Kheo Pháp Tạng có thể chọn lựa, lấy bỏ, chắt lọc... Qua năm kiếp tư duy, Ngài đã đúc kết thành Đại Nguyện thâm trọng, rồi tuyên thệ trước Đức Như Lai. Khởi đầu của nhân duyên kiến tạo nên Pháp môn Tịnh Độ, cõi nước Cực Lạc, Bổn Nguyện, câu Phật hiệu...
Đoạn tiếp: "Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện chép: “Chư Phật Như Lai...” (Do chư Phật Như Lai lấy Đại Bi làm Thể, nên đối với chúng sanh khởi Đại Bi. Do Đại Bi nên sanh Bồ Ðề tâm. Do Bồ Ðề tâm thành Ðẳng Chánh Giác. Ví như trong chốn sa mạc rộng lớn có một cái cây thật to, nếu rễ của nó hút được nước thì cành, lá, hoa, quả thảy đều sum xuê. Cây chúa Bồ Ðề trong chốn đồng hoang sanh tử cũng giống như vậy: Hết thảy chúng sanh là rễ cây, chư Phật, Bồ Tát là hoa quả. Lấy nước Đại Bi làm lợi chúng sanh thì thành tựu được hoa quả trí huệ của chư Phật, Bồ Tát). Kinh Ðại Nhật cũng dạy: “Đại Bi vi căn” (Đại Bi làm rễ).
Một cái cây nếu muốn được sinh trưởng nhanh, tươi tốt, đâm chồi nảy lộc, rồi sau ra hoa kết quả thì cần phải có bộ rễ cho sâu chắc, vươn xa trong lòng đất. Cũng vậy, người tu đạo muốn vững vàng, tiến tu trên đường đạo ngõ hầu thành tựu Đạo quả về sau thì cần Đại Bi tâm cho mạnh, chắc, rộng lớn, vì Kinh dạy “Đại Bi vi căn” (Đại Bi làm rễ). Có Đại Bi tâm lớn mạnh [rễ] mới nuôi dưỡng cây [Bồ Đề tâm] lớn mạnh, tươi tốt, rồi thành tựu đạo quả [ra hoa kết quả]. Cho nên, trên bước đường hành đạo, từ tâm Đại từ đại bi [với chúng sanh] mà từng ngày một nuôi dưỡng Bồ Đề tâm của mình ngày một lớn mạnh kiên cố, chắc chắn. Riêng đối với hành giả Tịnh Độ chúng ta, Bồ Đề tâm thông thường [thế gian] là chưa đủ, mà cần phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề mới được. Vì sao vậy? Vì chúng ta cầu là cầu [vãng sanh] làm Phật, chứ chẳng phải cầu những Tiểu quả, nhân thiên... Cho nên cầu Vô Thượng đạo [Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác] thì cần phải phát cái tâm tương ứng [Vô Thượng Bồ Đề]. Trong Kinh văn Phật nói rất rõ. Dĩ nhiên, trong Vô Thượng Bồ Đề tâm này chắc chắc bao hàm, không thể thiếu [những] Bồ Đề Tâm thông thường của thế gian. Với hành giả Tịnh Độ thì tâm Vô Thượng Bồ Đề là gì thì chúng ta đã biết quá rõ!
Cho nên, Chư Tổ Sư khai thị rằng "Phải thật vì sanh tử, mà phát Bồ Đề tâm...". Vì sao phải "thật vì sanh tử"? Như đoạn bên trên đã nói, phải dùng Đại Bi tâm [rễ] để nuôi dưỡng, phát triển [cây] Bồ Đề tâm. Đại Bi tâm thì không gì hơn liễu thoát sanh tử [vĩnh viễn], vì không giúp cái gì lợi lạc cho bằng việc này. "Trước tự độ mình mới ra độ người", trước hết giúp mình lìa thoát [sanh tử] đã, rồi sau giúp người cũng được như vậy. Ấy chính là "tự lợi lợi tha" [Bồ đề tâm]. Mà một khi lìa thoát vĩnh viễn khổ đau, chắc chắn sẽ thành tựu quả vị Vô Thượng đạo, thì [cái tâm mong cầu điều này] chắc chắn chẳng phải là Từ Bi thông thường nữa mà đã là Đại Từ Bi, Đại Bồ Đề [Vô Thượng Bồ Đề] [cho mình, cho chúng sanh]. Vì thế Chư Tổ Sư dạy "Thật vì sanh tử, phát [Đại] Bồ Đề tâm" là vậy. Phát [Đại] Bồ Đề tâm xong rồi thì sao? Dùng cái này [một cách sâu chắc, mạnh mẽ, kiên cố] để thúc đẩy dụng công, trì niệm Hồng danh. Cho nên các Ngài thường nói rằng, tâm [muốn liễu thoát] sanh tử [tức Đại Từ Bi tâm] càng mạnh, càng tha thiết, thì việc học Phật, hành trì càng có kết quả, càng dễ tiến tu. Còn tâm sanh tử yếu nhớt [như cái cây có rễ yếu ớt] thì thôi... chịu thua, mọi Giáo nghĩa đều thành hý luận hết [văn tự, ngoài da], đọc chỉ để cho vui, cho biết mà thôi, vì cái 'cây' Bồ Đề đó kiểu gì mà sống và phát triển nổi [với bộ rễ đó]. Cho nên, những Kinh Giáo, trước tác của các Ngài [Chư Phật, Chư Tổ] nếu chúng ta phân tích ra sẽ thấy có một trật tự, logic từ đầu đến cuối, chẳng sai chạy chỗ nào được vậy.
Chúng ta tiếp tục đọc và học tập những nội dung quan trọng bên dưới các Ngài đã chú giải.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)
Phẩm 4. Pháp Tạng Nhân Địa
Ngài Hoàng Niệm Tổ