Sách Địch Cát Lục viết:
- Kẻ thất phu mà có lòng thương yêu loài vật, ắt sẽ giúp đỡ người khác. Để cứu tánh mạng [của người hay vật mắc nạn], chẳng tốn kém mấy. Đặc biệt là kẻ cơm áo dư dật, chẳng biết đến nỗi khổ đói rét, trông thấy [hoàn cảnh nheo nhóc của kẻ khác] cũng chẳng cảm thấy gì, hời hợt chẳng quan tâm đến. Khi thấy họ (những kẻ túng quẫn) xanh xao cũng chẳng bận lòng, đến khi thấy họ mắc bệnh ngã lăn bên đường, lại cho rằng bệnh tình đã nguy cấp, chẳng thể khỏe lại được, bèn ngồi nhìn người ấy chết. Dẫu kẻ qua đường có lòng, vẫn chỉ là than thở suông mà thôi! Những kẻ khác sẽ ghé mắt nhìn, lần lượt bỏ đi. Chẳng biết người ấy vì đói mà sanh bệnh, do bệnh nên chưa thể đi xin, cho nên càng đói khát dữ dội hơn. Bất quá là ba, bốn thưng gạo giúp đỡ người ấy dưỡng sức, mấy ngày sau người ấy lại có thể đi xin, lại được sống sót. Hoặc thừa lúc người ấy xanh xao, sắp ngã bệnh, mà cứu chữa sớm, sẽ càng hay hơn. Chi phí ăn ở một tối của người giàu đủ để cứu giúp mười người. Chi phí thỉnh sư tăng hoặc đồng cốt [làm trai đàn] đủ để cứu trăm mạng. Đối với chi dụng ăn uống ngàn vàng [của người giàu có, chỉ cần] quyên tặng một phần mười; giảm bớt một phần mười [số tiền dành cho] quần áo, ăn uống mỗi năm, mỗi tháng, sẽ đủ cứu cả ngàn mạng, thực hiện rất dễ dàng! Nếu có được mấy người cùng lập ra hội này, để ra một căn nhà trống, xếp chiếu cỏ trong ấy để chứa người nghèo đói, bệnh tật, khiến cho họ có chỗ tránh gió, khỏi phải lo toan về cơm nước, chỗ nghỉ, họ sẽ càng dễ điều dưỡng. Đối với những lúc trời rét, [chuyện này] càng cấp bách. [Nơi ấy] cần phải do một vị thiện nhân trông coi. Bốn cửa thành đều có cơ sở ấy, ắt những người bị chết yểu sẽ ít đi. Lại mở rộng chuyện này ra khắp chốn, ắt cô hồn lưu lãng sẽ rất ít. Bởi lẽ, khi người ấy đang bị bệnh, không có người trông nom, ngó ngàng, sẽ bệnh nặng hơn một phần. Ở nơi trống trải, gió máy, bệnh nặng thêm hai phần. Do lo âu về nguy cơ túng thiếu, trắng tay, bệnh sẽ nặng thêm ba phần. Trầm trọng hơn là cảnh bụng đói, áo bẩn, lần lượt bị xua đuổi, há còn có hy vọng để sống sót nữa ư? Hãy thử đặt chính mình vào tình cảnh ấy, [sẽ biết] nỗi đau khổ vì bệnh tật là như thế nào! Há có nên tiếc nuối chẳng quyên tặng một hạt gạo cho kho Thái Thương, chẳng làm chuyện ân huệ này! Hơn nữa, họ đều là người. Nếu bọn ta đầu thai chẳng đúng chỗ, sẽ lâm vào tình cảnh giống như thế đó! May mắn được no đủ, lại còn mong muốn hưởng thụ no ấm, dư dật, tính chuyện bền lâu cho con cháu, nhưng đối với chuyện cứu người trước mắt, chẳng bỏ một đồng! Chẳng biết nước, lửa, đạo tặc, tật bệnh, tai họa ngang trái, đều có thể khiến cho tài sản của ta phút chốc tan sạch. Chút phước phận nhỏ nhoi cũng do trời đất ban tặng, há có phải là do chắt bóp, keo kiệt, tham tiền như mạng mà có thể đạt được như vậy ư? Một mai vô thường, [những tài sản đã khổ công tích cóp ấy] chỉ trở thành những món tiền để con cháu rượu chè, gái gú, cờ bạc, phóng đãng đó thôi! Do vậy, đã có món tiền tiêu phí đủ cứu cả ngàn mạng người ấy, sao không dùng để tích đức? [Chuyện tích đức do cứu người] còn sâu dầy hơn cầu trời che chở nữa! Lý ấy tột bậc rõ ràng, [thế mà những kẻ bị] hơi đồng hôi thối nhuốm thân, trọn chẳng suy lường chi cả!
Đời Tống, Hứa Thúc Vi thường cầu xin đỗ đạt. Mộng thấy thần bảo: “Ngươi muốn thi đỗ, cần phải cậy nhờ âm đức”. Ông Hứa tự nghĩ nhà nghèo, không có sức, chỉ có dùng y thuật là được, bèn chuyên ròng nghiên cứu sách thuốc, lâu ngày thông hiểu đến mức hay khéo. Chẳng cần biết người bệnh giàu hay nghèo, đều gấp gáp đến [cứu giúp họ], cứu sống rất nhiều người. Thanh danh càng thêm vang dội, thiện tâm càng tha thiết. Về sau, ông đỗ đạt. Cứu người bệnh tật, vốn là cái nhân lành, nhưng nếu y thuật khó thể tinh thông thì làm như thế nào? Người có chí hãy kiền thành pha chế các loại cao đơn, hoàn tán để thí thuốc, in những bài thuốc hay quý có hiệu nghiệm để lưu truyền; đó cũng là một cách vậy!
Đời Tống, Vương Tăng lên kinh đô dự thi. Trên đường, ông nghe tiếng hai mẹ con khóc lóc rất sầu thảm, hỏi dò hàng xóm, họ cho biết: “Vì thiếu tiền thuế, không đóng được, sắp phải bán con gái, cho nên khóc lóc”. Vương Tăng bèn đến thăm nhà ấy, họ hỏi: “Có chuyện gì hay không?” Ông đáp: “Bà có thể bán con gái cho tôi, khi tôi làm quan, bà vẫn có thể lui tới [thăm viếng], có thể thường gặp gỡ nhau”. Ông bèn giao đúng số tiền họ thiếu thuế, ước định ba ngày sau sẽ lấy cô ta. Quá hạn, ông không tới. Bà mẹ hỏi thăm chỗ trọ của Vương Tăng, [tìm đến nơi, mới biết] Vương Tăng để lại thư, dặn bà ta chọn chỗ xứng đáng gả con, ông ta đã bỏ đi mấy ngày rồi! Về sau, ông Vương đậu Tam Nguyên, được phong làm Nghi Quốc Công.
Đời Tống, Ngô Khuê chơi thân với Vương Bành Niên. Ông Vương mất, nghèo túng, không có tiền chôn cất. Ngô Khuê sai trưởng nam lo liệu tang sự, trông nom việc lo an táng, châu cấp cho nhà họ, lại còn lo chuyện cưới gả cho hai cô con gái ông Vương. Về sau, ông Ngô làm quan tới chức Tể Tướng, thụy hiệu là Cung Túc.
Đời Minh, Giải Khai nhà giàu có. Hễ thân thích, bạn bè gặp chuyện cưới hỏi, ma chay mà không đủ sức, liền giúp đỡ. Hễ có người gặp cảnh ngặt nghèo, nói với ông, ông luôn dấn mình vào cảnh nước sôi, lửa bỏng để ra tay giúp đỡ. Ông thường nói: “Có ai mà chẳng muốn tích cóp cho nhiều, nhưng kẻ giàu có sẽ thành nơi kết oán, ta chỉ biết làm lành để đức cho con cháu, há cậy vào vàng, ngọc ư?” Con ông là Luân làm Thị Ngự Sử, [một người con khác tên là] Tấn làm Đại Học Sĩ.
Vùng Tân Kiến bị đói to, có người túng quẫn tột cùng, còn được khoảng một thưng gạo, bèn nấu cơm, bỏ chất độc vào, toan để vợ chồng được ăn no mà chết. Bỗng lý trưởng tìm đến muốn thâu thuế đinh, thấy cơm, toan ăn. Người nghèo vội ngăn lại, bảo: “Ông không thể ăn cơm này được đâu!” Khóc lóc kể rõ nguyên nhân. Lý trưởng xót xa, bảo: “Sao lại như thế? Nhà ta tuy túng thiếu, vẫn còn năm đấu gạo, hãy theo ta đến lấy đem về, có thể cầm cự ít lâu”. Người nghèo mang gạo về, thấy có năm mươi lạng vàng trong ấy, suy nghĩ: “Đây chắc là tiền thuế”, vội đem trả. Lý trưởng nói: “Trọn chẳng phải là tiền thuế, trời ban cho đấy chăng?” Liền chia đều ra, ai nấy đều sống thoải mái hết năm.
Đời Tống, Tôn Giác làm tri phủ Phước Châu. Những kẻ thiếu thuế bị tống giam rất đông. Khéo sao có kẻ giàu có bỏ ra món tiền năm trăm vạn đồng để xin sửa chữa điện thờ Phật. Tôn Giác bảo: “Các ngươi thí tiền là mong được phước. Điện thờ Phật chưa hư hoại quá mức, sao bằng dùng tiền để cứu những người thiếu thuế bị tù, khiến cho mấy trăm người thoát khỏi nỗi khổ gông cùm, ngay cả Phật Tổ cũng sẽ mỉm cười, rủ lòng Từ, sẽ được phước chẳng nhiều hơn ư?” Người giàu có bèn nộp tiền thuế, nhà tù rỗng không. Con cháu của người giàu có ấy đều hiển đạt. Tôn Giác làm quan tới chức Trụ Quốc.
Những người vừa kể trên đây, đều cứu giúp người khác trong tình cảnh cấp bách do ma chay, bệnh tật, hôn nhân, thiếu thuế, ly biệt, nghèo túng, được trời báo đáp sâu xa, đều là hết sức nhanh chóng. Ôi! Người gặp cảnh nguy cấp, chỗ nào cũng đều có. Kẻ có sức gặp những chuyện ấy, hãy nên khéo cứu tế; nhưng kẻ không có sức cũng nên khéo tìm cách xếp đặt, tùy duyên trọn hết tâm lực. Còn như gặp năm mất mùa, dân đói, càng là chuyện đứng đầu và lại còn là chuyện to lớn nhất trong các nỗi nguy cấp. Nếu chẳng phải là người đang giữ chức vị, hễ là kẻ có tiền tài, có thừa sức, hãy góp sức bù đắp cho sự thiếu hụt trong vận trời, hòng cứu vớt, giúp đỡ [kẻ khốn khó], ắt kẻ bần cùng sẽ chẳng bị vùi thây trong ngòi rãnh. Trong lời chú giải cho chữ Trung trong phần trước, đã nhắc đến ý này, nhưng chưa nêu rõ trọn hết. Vì thế, nay sau khi đã luận định về chuyện cứu giúp các nỗi nguy cấp, lại đặc biệt chuyên nói về chuyện này. Chỉ mong những kẻ đang giữ quan chức, những vị có lòng nhân, những vị ưa chuộng điều thiện đều cùng thấu hiểu cặn kẽ!
Đời Tống, Phạm Thuần Nhân làm tri phủ Khánh Châu. Gặp năm đói, xác người chết đói đầy đường. Thuần Nhân xin dùng gạo thóc từ kho Thường Bình để phát chẩn. [Đối với chuyện này], quan đầu quận phải tâu lên [triều đình] rồi mới được phép. Thuần Nhân nói: “Người ta không ăn sẽ chết. Tâu rồi mới phát, há có thể cứu kịp ư? Các ông đừng lo, hễ bị bắt tội, ta sẽ tự chịu”. Bèn phát chẩn ngay hôm đó, những người được cứu sống chẳng thể tính đếm! Về sau, ông làm quan tới chức Học Sĩ, được phong làm Cao Bình Công, thụy hiệu là Trung Tuyên.
Trích Cảm Ứng Thiên Vựng Biên
Như Hòa chuyển ngữ