Do nhân tâm quá hèn kém mà ra [nên chớ thuận theo trào lưu]
1) Tất cả những người xin quy y, đều viết pháp danh trên đơn gởi lại. Do nhiều người quá nên cũng chẳng nói nguyên do [của mỗi pháp danh] cho từng người được. Chỉ mong ông bảo với họ nên chú trọng giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, quyết định niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì mới chẳng thẹn làm đệ tử Phật. Hiện nay thủy tai không xứ nào chẳng có, hoặc nếu không bị tai nạn này lại bị tai nạn kia, nói chung là do nhân tâm quá hèn kém mà ra. Chúng ta là đệ tử Phật, nên lấy việc sửa sang cho đúng những thói tệ hiện thời làm nhiệm vụ, chớ nên thuận theo trào lưu, khiến cho [cõi đời] càng bị suy hãm không có mức cùng tột!
Nếu thiếu hàm dưỡng, cứ ra vẻ ngạo nghễ, khoe khoang...
Ba người con của ông đều thông minh, nếu khéo dạy sẽ thành chánh khí (hạng người có căn tánh tốt đẹp, chánh trực). Nếu không, càng thông minh càng dễ tự lầm, làm cho người khác lầm lạc. Do vậy, tôi đặt pháp danh cho Kiến Quốc là Huệ Lập, nghĩa là: Lập được thân thì hết thảy mọi sự đều có thể kiến lập được. Thân chính là căn bản của thiên hạ quốc gia và đạo Bồ Đề. Chẳng lập được thân thì trong đạo nghĩa chẳng thành được một sự nào! Đứa con thứ là Huệ Tuyền, thiên tư thông minh, dĩnh ngộ, đáng mừng mà cũng đáng lo. Do vậy, đặt pháp danh là Huệ Thao. Nếu có thể giữ kín tài năng, nhũn nhặn, chẳng phô phang tài hoa, thì có thể thành chánh khí, có thành tựu lớn. Nếu thiếu hàm dưỡng, cứ ra vẻ ngạo nghễ, khoe khoang, ắt chẳng hưởng phước, chẳng đạt thành tựu lớn lao được! Cô con út là Thúy Na cũng rất có túc căn, đặt pháp danh là Huệ Diệu. Diệu nghĩa là hợp lẽ, thích đáng. Nếu sử dụng trí thông minh vào chuyện vô ích tổn hại thì trở thành trí huệ hèn tệ, chẳng gọi là Diệu Huệ. Nếu áp dụng trí ấy hợp lẽ thì mới gọi là Diệu Huệ. Những người thông minh hiện thời thường đem trí thông minh của chính mình sử dụng trong [việc viết ra] những chuyện tiểu thuyết khêu gợi trộm cắp, dâm dật, vượt lý, khinh miệt luân thường để khoe khoang văn tài, chẳng biết: Một hơi thở ra không hít vào được, thân sau trải qua bao nhiêu kiếp chẳng biết có được nghe những danh từ “thiên địa phụ mẫu” hay không? Nếu những kẻ đó không có cái trí huệ hèn tệ ấy, sao lại đến nỗi khổ sở cùng cực như thế? Vì vậy, hãy nên vun quén sao cho cô ta nhất cử, nhất động đều hợp với chánh đạo, đối với địa vị mẫu nghi chốn khuê các hay bậc thầy nêu gương cho nữ giới trong tương lai đều có thể dự đoán được từ nơi đây. Huệ Diệu có nghĩa là như vậy đó.
Quang đã già rồi, chẳng kịp thấy chúng thành tựu, nhưng hy vọng chúng sẽ được như thế ấy. Ông cũng nên thường bảo với chúng những lời ấy ngõ hầu chúng nó nhìn vào cái tên nghĩ đến ý nghĩa, đều đáp ứng được lòng mong mỏi vậy!
Thế gian [đi đường muốn hỏi đường người ta] còn phải chắp tay tỏ vẻ cung kính
2) Phan Mậu Xuân đã muốn quy y tự viết thư xin, sao chẳng có lấy một lời khẩn cầu, mà cũng chẳng có chữ nào tỏ vẻ nhún nhường? Nếu bảo là ông ta không biết thì ông cũng không biết hay sao? Trong thế gian, đi đường muốn hỏi đường người ta, còn phải chắp tay tỏ vẻ cung kính, huống gì quy y Tam Bảo, muốn nhờ vào đó để liễu sanh thoát tử, rốt cuộc lại xem như chuyện đối xử với người bình thường thì thật là không thông hiểu sự việc quá sức! Quang nói lời này không phải là mong được người khác cung kính, mà là về lý thì phải nên như thế. Nếu không nói, suốt cả đời ông ta cũng chỉ là một người không hiểu chuyện vậy.
“Hạ nhân bất thâm, bất đắc kỳ chân”
Hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh lễ Ngọc Lâm thiền sư làm thầy, được đặt pháp danh là Hành Si. Vua viết thư cho đồ đệ của ngài Ngọc Lâm là Hành Sâm, còn ký tên là “pháp đệ Hành Si hòa-nam”. Hòa-nam (vandana) là rập đầu vậy. Hoàng đế đối với đồng môn còn như thế, huống là đối với thầy ư? Quy củ thơm thảo ấy há nên chẳng biết ư? Cổ nhân nói: “Hạ nhân bất thâm, bất đắc kỳ chân” (Chẳng hạ mình trước người thật sâu, chẳng đạt được lẽ thật); chứ không nói: “Thâm hạ ư nhân, nhân tắc tận tâm giáo đạo” (Hạ mình trước người thật sâu, người sẽ tận tâm dạy dỗ). Bởi lẽ chính mình chẳng thể sanh tâm cung kính, dù người ta có chịu dạy, nhưng trong tâm chính mình có những điều ngạo mạn gây chướng, chẳng được lợi ích! Ví như trên đỉnh núi cao chẳng đọng một giọt nước, nên [cây cối] chẳng thể sum xuê được! Không riêng gì học Phật phải như thế, mà ngay cả học lấy một tài một nghề trong thế gian cũng phải như thế. [Nghề nghiệp] trong thế gian chỉ là cách kiếm sống bằng thân hay bằng miệng, còn Phật pháp chính là nguồn cội của Tánh đạo. Mối quan hệ nặng - nhẹ cố nhiên khác biệt vời vợi một trời một vực. Xin hãy đem lời này đưa cho ông ta xem.
Giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận,... tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương
Nhưng tôi nay chỉ quan tâm đến cái tâm, chẳng quản đến vẻ ngoài, đặt pháp danh cho ông ta là Huệ Mậu. Nghĩa là dùng trí huệ để mình tự cố gắng, khuyến khích người khác, khiến cho ai nấy đều giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, sanh tín phát nguyện, niệm thánh hiệu của Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Làm được như thế thì chính là chân Phật tử. Nếu không, chỉ có cái tên, chẳng được lợi ích thật sự. Những điều khác đã nói tường tận trong bộ Gia Ngôn Lục, ở đây không viết cặn kẽ. Xin hãy nói với ông ta để luôn tận hết bổn phận vậy.
Ảnh: "Cuối đầu cung kính"
Đoạn đầu: Hiện nay thủy tai không xứ nào chẳng có, hoặc nếu không bị tai nạn này lại bị tai nạn kia, nói chung là do nhân tâm quá hèn kém mà ra. Chúng ta là đệ tử Phật, nên lấy việc sửa sang cho đúng những thói tệ hiện thời làm nhiệm vụ, chớ nên thuận theo trào lưu...
Thiên - nhân - địa vốn là "tam tài" trong cõi thế gian, chứ chẳng phải chỉ có trời đất, mà còn có con người nữa. Con người [vinh dự] được xếp chung hàng với thiên, địa. Cho nên thế gian thường nói, cần có 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa', cả ba yếu tố [thì mới hợp thời]. Do đó có thể thấy tâm con người cũng có sức mạnh thật vô song, bất khả tư nghì. Tâm người chiêu cảm đến đất trời, nghiệp [nơi tâm] cố kết lâu ngày sẽ biến thành thiên tai, địa tai, rất khủng khiếp.
Cho nên chúng ta là những người Phật tử, những người hiểu đạo, thì phải nên đối trị với những vấn đề này từ nơi cái gốc, tức là từ nơi 'nhân tâm' con người. Chứ chẳng phải tìm cách chống đỡ nơi cái ngọn [khắc phục hậu quả, đổ lỗi cho thời tiết...]. Từ đây cũng có thể nhận ra rằng, những nơi nào có nhiều thiên tai, nhân họa [thảm họa thiên nhiên, chiến tranh, ôn dịch...]thì ắt nơi đó lòng nhân 'có vấn đề', cố kết trong một thời gian dài. Ngược lại những nơi 'thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc', chính là nơi hội tụ những con người tốt, có đạo đức, có tu hành... Điều này là chắc chắn! Vì thế, có những nơi chốn vùng miền cho dù nằm trên những vị trí địa lý nguy hiểm [như vành đai núi lửa, rãnh kiến tạo địa chất...] nhưng người dân biết đạo, sống thiện lương, nhiều người tu hành... sẽ không thấy những tai họa trên, hoặc thấy rất ít, được giảm nhẹ [ví dụ Đài Loan]. Ngược lại có những nơi tai họa ngày càng liên tục, mức độ ngày càng khủng khiếp. Tất cả đều từ lòng nhân mà ra cả.
Đoạn tiếp theo: Ba người con của ông đều thông minh, nếu khéo dạy sẽ thành chánh khí (hạng người có căn tánh tốt đẹp, chánh trực). Nếu không, càng thông minh càng dễ tự lầm, làm cho người khác lầm lạc.
Con người cần nhất ở lòng thành, tránh tà vậy. Dạy con cái khi con nhỏ những đức tính tốt đẹp, ắt khi lớn lên sẽ thành tính cách như thế. Cộng với việc nếu đứa trẻ có thiên tư nữa thì ắt sẽ giúp đời, giúp người, gọi là 'lợi nước, lợi nhà'. Còn nếu là đứa trẻ bình thường thì cũng là một con người tốt, công dân tốt. Chúng ta là những người Phật tử, biết tu đạo, chắc chắc phải hướng con em ngay từ trẻ phải biết đến đạo, giống như ươm mầm gieo hạt vậy, khi lớn lên sẽ nảy nở, đơm hoa kết trái, lợi mình lợi người, cả một đời [biết sống, biết tu] như thế, thật không có gì lợi lạc cho bằng. Một con én làm nên mùa xuân [nơi chốn nào đó] là có thật vậy chăng?!
Đoạn sau: “Hạ nhân bất thâm, bất đắc kỳ chân” (Chẳng hạ mình trước người thật sâu, chẳng đạt được lẽ thật); chứ không nói: “Thâm hạ ư nhân, nhân tắc tận tâm giáo đạo” (Hạ mình trước người thật sâu, người sẽ tận tâm dạy dỗ). Bởi lẽ chính mình chẳng thể sanh tâm cung kính, dù người ta có chịu dạy, nhưng trong tâm chính mình có những điều ngạo mạn gây chướng, chẳng được lợi ích!
Con người liệu có học tập [tiếp nhận] tri thức hay không là ở chỗ nào? Đó chính là chúng ta có trân quý [điều đó] hay không mà thôi. Ví dụ, một đạo lý, nếu từ kim khẩu của bậc cao nhân, đức hạnh [Thánh nhân], lập tức chúng ta cung kính, gìn giữ, tiếp nhận học tập theo ngay, nhưng cũng đạo lý đó, lời nói đó, nhưng từ miệng một kẻ phàm phu tục tử nào đó nói ra [hay truyền lại] thì chúng ta lại chẳng thèm ngó đến, chứ đừng nói chi học tập. Cho nên Đức Phật dạy rằng, phải "Y pháp bất y nhân". Nên nhiều khi một hành vi, lời nói của một kẻ [vô danh] nào đó đôi khi cũng ẩn chứa những đạo lý thật thâm sâu, thiết thực cho mình học tập, noi theo đấy.
Đoạn cuối: Chư Tổ sư một lần nữa trong thư lại nhắc nhở: giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành... [song hành với] tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, như thế mới là chân Phật tử [mà có thể thành tựu đạo nghiệp giải thoát]. Chúng ta đã luận bàn khá nhiều về những vấn đề này rồi, không cần phải nhắc lại nữa. Nếu phải cô đọng ngắn gọn lại thì có thể nói rằng là, như thế mới là "thật tu", hay gọi là 'tu thật', không phải 'tu giả'. Vì sao như vậy thì mỗi chúng ta chắc đã rõ [từ những bài trước]. Chúng ta thấy rằng, càng về cuối đời, các Ngài càng nhấn mạnh những điểm này, ắt là có cơ sở [chánh yếu], không phải chuyện tầm thường [mà xem nhẹ] được.
Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng
Thư trả lời cư sĩ Vương Thọ Bành (hai lá thư, năm Dân Quốc 20 - 1931)
Đại Sư Ấn Quang