Phục thứ Cực Lạc thế giới sở hữu chúng sanh, hoặc dĩ sanh, hoặc hiện sanh, hoặc đương sanh, giai đắc như thị chư diệu sắc thân. Hình mạo đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí huệ minh liễu, thần thông tự tại. Thụ dụng chủng chủng nhất thiết phong túc, cung điện, phục sức, hương, hoa, phan cái, trang nghiêm chi cụ, tùy ý sở tu, tất giai như niệm.
Lại nữa, trong Cực Lạc thế giới, tất cả chúng sanh, hoặc là đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, đều được các sắc thân mầu nhiệm như thế. Hình mạo đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại. Hết thảy các thứ thụ dụng dư dật, cung điện, phục sức, hương, hoa, phan, lọng, vật trang nghiêm, tùy ý cần thứ gì đều được như lòng mong.
Mấy câu đầu trong đoạn kinh này để tiếp nối ý chúng sanh trong cõi ấy “dung sắc vi diệu” nói trong phẩm trước nên mới chép là tất cả chúng sanh hoặc là đã vãng sanh trong quá khứ, hoặc đang vãng sanh trong hiện tại, hoặc sẽ vãng sanh trong tương lai, đều được “như thị chư diệu sắc thân, hình mạo đoan nghiêm” (sắc thân nhiệm mầu như thế, hình mạo đoan chánh, trang nghiêm). Chữ “như thị” (như thế) chỉ thân họ vượt xa thân của Lục Dục thiên vương đến ngàn vạn ức lần.
Những câu kinh tiếp đó nói rõ về sự thụ dụng đầy đủ. Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ nói: “Do bỉ giới trung chư hữu tình loại, vô hữu nhất thiết thân tâm ưu khổ, duy hữu vô lượng thanh tịnh hỷ lạc” (Do các hữu tình trong thế giới ấy chẳng có hết thảy nỗi khổ nơi thân, nơi tâm, chỉ hưởng vô lượng hỷ lạc thanh tịnh); phẩm Quyết Chứng Cực Quả trong kinh này cũng bảo: “Duy thọ thanh tịnh tối thượng khoái lạc” (Chỉ hưởng khoái lạc thanh tịnh tối thượng). Ðó là “phước đức vô lượng”.
“Trí huệ minh liễu” (Trí huệ sáng suốt) là kết quả của nguyện “quang minh, trí huệ, biện tài”. Phật đã nguyện: “Thành tựu hết thảy trí huệ”; phẩm Bồ Tát Tu Trì trong kinh này cũng nói hết thảy Bồ Tát trong cõi ấy “chư Phật mật tạng, cứu cánh minh liễu” (đối với các tạng bí mật của chư Phật đều hiểu rõ rốt ráo). Những câu như vậy đều diễn tả ý “trí huệ minh liễu”. Hơn nữa, trong chữ “minh liễu”, “minh” (明) là minh bạch rõ ràng, “liễu” (了) là rạch ròi phân minh. Cái gọi là “như thật tri tự tâm” (biết tự tâm đúng như thật) trong Mật Giáo chính là trí huệ sáng suốt. Câu “chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không” (soi thấy Ngũ Uẩn đều không) cũng diễn tả ý: Trí huệ sáng suốt.
“Thần thông tự tại” chính là “thần thông biến hóa, nhất thiết thiên nhân bất khả vi tỷ, bách thiên vạn ức, bất khả kế bội” (Thần thông biến hóa hết thảy trời, người chẳng thể sánh nổi, vượt hơn thần thông trời, người cõi này đến trăm ngàn vạn ức chẳng thể tính lần). Trong phẩm Bồ Tát Tu Trì, có câu: “Dĩ phương tiện trí, tăng trưởng liễu tri, tùng bổn dĩ lai, an trụ thần thông” (Dùng trí phương tiện tăng trưởng sự hiểu biết rõ ràng; xuất phát từ cái gốc, an trụ trong thần thông). Do vậy, thấu hiểu được cái gốc của thần thông thì mới có thể biến hóa thần thông tự tại vô ngại. Vì vậy mới nói: “Đản đắc bổn, mạc sầu mạt” (Ðã nắm được cái gốc, còn lo chi cái ngọn).
Căn Bản Trí chính là cái gốc, các thứ thần thông chỉ là tánh chất phụ thuộc của Thánh Trí. Do phước đức vô lượng nên cảm được “thụ dụng chủng chủng nhất thiết phong túc” (hết thảy các thứ thụ dụng đều dư dật). Lại do trí huệ thần thông nên “cung điện, phục sức, hương, hoa, phan cái, trang nghiêm chi cụ, tùy ý sở tu tất giai như niệm” (cung điện, phục sức, hương hoa, phan, lọng, vật trang nghiêm tùy ý cần dùng thảy đều thỏa lòng mong).
Tiếp đó, kinh lần lượt diễn tả từng phương diện ăn uống, y phục, chỗ ở. Trước hết kinh nói về vấn đề ăn uống.
Nhược dục thực thời, thất bảo bát khí, tự nhiên tại tiền, bách vị ẩm thực, tự nhiên doanh mãn. Tuy hữu thử thực, thật vô thực giả. Đản kiến sắc, văn hương, dĩ ý vi thực, sắc lực tăng trưởng, nhi vô tiện uế, thân tâm nhu nhuyễn, vô sở vị trước. Sự dĩ hóa khứ, thời chí phục hiện.
Nếu lúc muốn ăn thì bình bát bằng bảy báu tự nhiên hiện ra trước mặt, thức ăn trăm vị tự nhiên đựng đầy ắp trong đó. Tuy có thức ăn như vậy, nhưng không thật sự có ăn uống. Chỉ nhìn thấy hình sắc, ngửi mùi hương, liền nghĩ là đã ăn, sắc lực tăng trưởng, chẳng có đại tiểu tiện dơ dáy, thân tâm nhu nhuyễn, không tham đắm mùi vị. Ăn xong thức ăn biến đi, đúng thời lại hiện ra.
Chữ Bát (缽) trong “bát khí” (缽器) là gọi tắt chữ Phạn, Bát Ða La (Patra), Hán dịch là Ứng Khí, hoặc Ứng Lượng Khí; đó là đồ dùng đựng thức ăn của người xuất gia. Bản Hán dịch ghi: “Mãn kỳ trung bách vị ẩm thực tự tứ, nhược tùy ý tắc chí, diệc vô sở tùng lai, diệc vô hữu cung tác giả, tự nhiên hóa sanh nhĩ” (Thức ăn trăm vị mặc lòng chứa đầy ắp trong bát, tùy ý hiện đến, cũng chẳng từ đâu đến; cũng chẳng cần phải cung cấp, nấu nướng, chỉ tự nhiên hóa sanh mà thôi). Như vậy, các thứ như bình bát, thức ăn… đều là từ bổn nguyện của Phật Di Ðà cảm thành nên chẳng cần phải tạo tác, cứ tự nhiên xuất hiện.
Trong câu “bách vị ẩm thực” (thức ăn trăm vị), chữ “bách vị” chỉ trăm thứ mùi vị ngon lành. Ðại Luận viết: “Có kẻ bảo dùng trăm thứ bánh để cúng dường nên gọi là trăm vị. Có hơn cả năm trăm loại bánh nên vị của chúng phải hơn trăm. Do đó gọi là trăm vị. Có kẻ bảo: Trăm thứ dược thảo, dược quả, nghiền làm Hỷ Hoàn cho người ăn uống nên gọi là trăm vị”. Xét ra, thức ăn có được do quả báo của Bồ Tát và thức ăn do Bồ Tát dùng thần thông biến hóa ra đã có đến vô lượng vị; vậy thì thức ăn cam lộ vị cõi Cực Lạc phải có đến chẳng thể nghĩ bàn vị. Nói “bách vị” chỉ là thuận theo thói quen của thế gian này mà thôi!
“Thật vô thực giả” (Thật sự chẳng có ăn uống): Do chúng sanh cõi ấy hóa sanh từ hoa sen, thân thanh hư, thể vô cực nên chẳng hề có cái khổ đói, khát. Vì vậy, chẳng cần ăn uống, chỉ là thích ý mà ăn thôi. Bởi thế, “kiến sắc, văn hương, dĩ ý vi thực” (thấy hình sắc, ngửi mùi hương, liền nghĩ là đã ăn), chứ thật sự chẳng ăn uống gì. Những thức ăn ấy lại có công dụng tăng thượng: Tăng trưởng hình sắc, sức mạnh. Ăn xong chẳng cần phải tiêu tiểu bẩn thỉu. Rõ ràng là hết thảy mọi thứ trong cõi Cực Lạc đều siêu thế hy hữu!
Hơn nữa, ăn vào “thân tâm nhu nhuyễn”, cũng chẳng tham đắm mùi vị kỳ diệu của những thức ăn đó. Phẩm Bồ Tát Tu Trì trong kinh này cũng bảo: “Ư sở thụ dụng, giai vô nhiếp thủ” (Với tất cả những điều mình thụ dụng đều không có tâm giữ lấy) và “xả ly nhất thiết chấp trước” (lìa bỏ hết thảy chấp trước). Vì thế, “vô sở vị trước” (chẳng tham đắm mùi vị). Ăn xong, thức ăn lại tự nhiên biến đi, khi muốn ăn hễ nghĩ tới lại hiện ra, hết thảy tự tại vô ngại vậy.
Ðoạn kinh này hiển thị môn “trang nghiêm thụ dụng công đức thành tựu” của Vãng Sanh Luận. Bài kệ trong Luận như sau: “Ái nhạo Phật pháp vị, Thiền tam-muội vi thực” (Yêu thích Phật pháp vị, dùng Thiền tam-muội làm thức ăn). Sách Luận Chú giảng: “Vì thế, Phật hưng khởi đại nguyện, nguyện trong cõi nước ta dùng Phật pháp, Thiền Ðịnh tam-muội làm thức ăn; dứt trọn vẹn cái khổ ăn uống nơi phương khác”.
“Ái nhạo Phật pháp vị” (Yêu thích Phật pháp vị) là như khi Nhật Nguyệt Ðăng Minh Phật nói kinh Pháp Hoa suốt cả sáu mươi tiểu kiếp, người nghe kinh trong hội khi ấy cũng ngồi yên một chỗ suốt sáu mươi tiểu kiếp mà tưởng chỉ lâu chừng khoảng bữa ăn. Chẳng có một ai dù là thân hay tâm sanh nhọc mỏi cả.
“Dùng Thiền Ðịnh làm thức ăn” là các đại Bồ Tát thường trụ trong tam-muội, không còn có các thứ ăn uống. Tam-muội là nếu khi các trời, người cõi ấy cần ăn thì thức ăn ngon trăm vị bày la liệt trước mặt; mắt thấy sắc, mũi ngửi hương, thân hưởng vui sướng, tự nhiên no đủ. Ăn xong biến mất đi. Nếu lại cần nữa thì tự nhiên hiện ra. Những việc như vậy có chép trong kinh nên Luận mới ghi: “Yêu thích Phật pháp vị; dùng Thiền tam-muội làm thức ăn”.
Ảnh minh họa: "Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm, thường dùng đãi y, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác, vừa đến giờ ăn, trở về nước mình, ăn cơm, kinh hành" - Kinh A Di Đà bằng tranh (phatgiao.org.vn)
Chúng sanh cõi ấy Y báo, Chánh báo, cho đến các thứ Thụ dụng cụ túc đều viên mãn, vượt trỗi hơn khắp mười phương [chứ đừng nói chi so với cõi trời, người ở đây]. Hình dung tướng mạo đoan nghiêm, phước đức thì vô lượng, thần thông tự tại không ngằn mé.... Rồi thọ dụng cụ túc thì muốn gì có nấy, "trăm thứ thức ăn tự nhiên hiện ra, chén bát bằng bảy báu, chỉ thấy sắc, ngửi hương, sắc lực tăng trưởng, thân tâm nhu nhuyến, không tham đắm hương vị, ăn xong liền biến mất, đúng thời lại hiện ra...".
Đức Phật thuyết thật tường tận, chi tiết, chân thật các y báo, chánh báo, thọ dụng thù thắng cõi ấy giúp chúng sanh có cái nhìn nhận, hiểu biết về con người, cảnh giới nơi cõi ấy. Từ đấy mà sanh lòng ưa thích muốn trở về, đừng tham đắm chi ở cõi này nữa. Cõi này có gì mà tham đắm Quý vị? Danh văn lợi dưỡng? Ngũ dục lục trần? Thân bằng quyến thuộc?... Dạ vâng, tuyệt không được tham đắm. Nhưng, [lại nhưng] nói vậy chứ chẳng phải vậy ha, "đã mang lấy nghiệp vào thân" dễ gì 'rút ra' được. Nếu khó quá thì 'từ từ', cố gắng, như Chư Tổ dạy "quan trọng là ở [làm] nhưng tâm không dính mắc, ràng buộc", như vậy cũng tốt lắm rồi. Còn công việc, gia đình, vợ chồng, con cái, bố mẹ, anh em, bằng hữu... trăm thứ [để lo]. Chúng ta phải tận hết bổn phận, đó chính là tu Tịnh nghiệp tam phước. Mỗi hành nhân chúng ta phải 'liều mạng' cắm cái gốc nơi 'đất mình', gốc rễ ăn sâu, vững chắc. Để cho gió bão có lay động cũng chẵng thể làm gì được, cùng lắm làm gãy cành gãy ngọn, gốc vễ vẫn nguyên vẹn, lại đâm chồi nảy lộc mới. Nguyên lý là như vậy. Nên tùy nhân duyên mỗi người mà cắm cái gốc cho thật chắc nơi đó. Thế nên, Chư Tổ sư dạy là 'Đôn luân tận phận" [giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận]. Bởi dù gì đi nữa, thì tu hành là việc của cả đời, chẳng phải một sớm một chiều, ai giữ được [đạo tâm] bền lâu cả đời ắt thành công, thế gian gọi là 'trường đồ truy tuấn mã' đấy.
Rồi [lỡ có] vô thường bất chợt đến thì sao? Thọ mạng chúng ta biết còn bao lâu, dài ngắn thế nào mà lường? Để có gì còn 'trở tay' cho kịp chứ? Chứ cứ 'từ từ' [tà tà?] tu thì sao trở tay kịp? Mà 'siết căng' quá thì chịu không nổi, mau chán, [bỏ cuộc]?
Cho nên, tu hành phải có phương pháp của nó. Chư Cổ đức có một câu dạy người rất hay: "Bình thường tâm thị đạo" [tâm bình thường là đạo]. Cừ bình bình, trung trung thôi quý vị. Nói thế, phải mở rộng hơn chút, là cũng có lúc sóng gào, bão thét [chứ chẳng phải không có], nhưng quan trọng là phải trở về tâm quân bình, tâm 'bất biến' mới được. Chính cái tâm [bấc biến] này mới là tâm đưa chúng ta đến thành quả. Duy trì vững chắc cái tâm này thì đó chính là lời giải đáp cho những lo nghĩ bên trên, dù vô thường hay 'hữu thường' đến thì cũng như nhau cả, chẳng lo sợ gì.
Chứ còn như tu hành mà chẳng có cái gì 'bất biến' cả, cái gì cũng thành 'vạn biến' hết, Pháp nào cũng 'đắc' hết thì thôi... 'Rất tốt, nhưng rất tiếc', xin chúc may mắn ..lần sau vậy! Ngàn người may ra được một hai [vãng sanh]. Vậy những người còn lại đi đâu, về đâu hởi?!
Có một thực tế mà chúng ta phải [cay đắng] thừa nhận rằng, ngày nay số người thành tựu vãng sanh [trên tổng số người tu] là rất ít! Nguyên nhân là do đâu Quý vị? Thật sự là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật Ngài đã huyền ký rồi, đây đã là thời kỳ Mạt Pháp, Mạt sâu lắm rồi. Mạt thì sao? Dạ, đây chính là câu trả lời [nguyên nhân trên]: Pháp nhược, Ma cường. [Chánh] Pháp thì yếu ớt, suy nhược, ngắn ngủi, chớm nở chớm tàn; mà Ma sự thì hẫy hừng khắp nơi [có Chánh pháp xuất hiện] mặc sức [dùng đủ phương tiện] hủy hoại, lôi kéo [ra khỏi Chánh pháp], chúng sanh thì mê mờ, mù mịt [rất đáng thương]. Chứ [phải chi] ai ai cũng tin nhận, hành theo [Chánh pháp] thì Chư Tổ sư nói "vạn người không sót một". Dạ, lời nói này là sắt đá, chẳng đổi, xin khẳng định như vậy. Hoàn toàn không phải sáo rỗng, cũng chẳng phải để khuyến dụ tăng tín tâm, mà là thực sự "chân thật". Riêng với Pháp môn này, xin khẳng định lại như vậy [mới là đúng Pháp].
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 19. Thụ Dụng Cụ Túc
Ngài Hoàng Niệm Tổ