Chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới
Pháp môn Niệm Phật cao cả thay! Do một niệm tâm tánh của chúng ta giống như hư không thường hằng bất biến. Tuy thường chẳng biến nhưng niệm niệm tùy duyên, chẳng duyên theo Phật giới sẽ duyên theo cửu giới, chẳng duyên theo tam thừa sẽ duyên theo lục đạo, chẳng duyên theo nhân thiên sẽ duyên theo tam đồ. Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực! Ví như hư không mặt trời chiếu thì sáng, mây đùn bèn tối. Tuy bản thể của hư không chẳng do mây hay mặt trời mà tăng - giảm, nhưng tướng hiển hiện hay ngăn lấp cố nhiên có nói trọn năm cũng chẳng hết.
Một pháp Niệm Phật chính là lấy hồng danh vạn đức của Như Lai làm duyên
Do vì nghĩa này, Như Lai dạy khắp các chúng sanh duyên niệm nơi Phật. Vì thế nói: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa”. Lại nói: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Do vậy, lúc tâm các ông tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ, tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh”. Hễ duyên theo Phật giới thì tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Nếu duyên theo các giới chúng sanh thì tâm này làm chúng sanh, tâm này là chúng sanh. Hiểu rõ điều này rồi mà chẳng niệm Phật thì chưa bao giờ có chuyện ấy! Một pháp Niệm Phật chính là lấy hồng danh vạn đức của Như Lai làm duyên, mà hồng danh vạn đức ấy lại chính là vô thượng giác đạo Như Lai đã chứng nơi quả địa! Do dùng Quả Địa Giác ấy làm Nhân Địa Tâm nên nhân bao trùm biển quả, quả thấu tột nguồn nhân. Như người nhiễm hương, thân có mùi thơm; như tò vò chúc loài sâu, lâu ngày sẽ hóa thành [tò vò]. Thành Phật ngay trong đời này, chuyển phàm thành thánh, công năng lực dụng ấy vượt trội hết thảy những pháp môn khác trong cả một đời giáo hóa. Bởi lẽ hết thảy các pháp môn đều cậy vào tự lực đoạn Hoặc chứng Chân mới liễu thoát sanh tử; còn pháp môn Niệm Phật thì tự lực lẫn Phật lực hai thứ đều đầy đủ. Vì thế, người đã đoạn được Hoặc nghiệp bèn mau chứng Pháp Thân, người còn đầy đủ Hoặc nghiệp sẽ đới nghiệp vãng sanh.
Chẳng thể dùng giáo lý thông thường để biện luận được
Pháp này cực kỳ bình thường, dẫu là ngu phu ngu phụ cũng đạt được lợi ích, nhưng lại cực huyền diệu, dẫu là Đẳng Giác Bồ Tát cũng chẳng thể vượt khỏi phạm vi pháp này. Bởi vậy, không một ai chẳng kham tu, mà cũng không một ai chẳng thể tu được. Hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít được hiệu quả nhanh chóng, thật là một pháp môn đặc biệt trong giáo pháp cả một đời của đức Như Lai, cố nhiên chẳng thể dùng giáo lý thông thường để biện luận được. Chúng sanh đời Mạt Pháp phước mỏng huệ cạn, chướng dầy, nghiệp sâu chẳng tu pháp này, cứ muốn cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử thì khó khăn muôn phần! Trụ Trì chùa Thê Chân là hòa thượng Liên Nhân thấy được điều này nên đặc biệt lập đạo tràng niệm Phật suốt năm tại điện Tam Thánh, nhờ tôi giãi bày ý ấy ngõ hầu người thấy nghe phát tâm. Do vậy, tôi bèn viết đại lược như vậy đó.
Ảnh: Tượng Phật A Di Đà bằng đá cao 27m tại chùa Phật Tích, "pho tượng Phật bằng đá cao nhất Đông Nam Á".
Đoạn đầu: Do duyên nhiễm - tịnh bất đồng cho nên quả báo khổ - vui rất khác. Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực!
Ví dụ, chúng sanh sanh trong Ta Bà này nếu chẳng hiểu đạo thì đa phần khởi hoặc tạo nghiệp, xong một đời thì vào Tam Đồ chịu khổ trăm mối; còn chúng sanh sanh trong Cực Lạc quốc thì lập tức thành Bồ Tát bất thoái, thân tâm Kim Cang Na La Diên vui như Tỳ Kheo lậu tận. Đó chính là do sanh khác 'chỗ' mà thành ra như vậy! Cho nên muốn 'sướng khổ' thế nào thì hãy tìm đúng chỗ mà sanh ha!
Câu "Tuy bản thể trọn chẳng biến đổi gì, nhưng Tướng - Dụng cố nhiên khác nhau một trời một vực!", rõ ràng tất cả chúng sanh đều 'mang trong mình' bản thể giống hệt nhau, nhưng cái thì 'đúc' ra 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp [cõi Cực Lạc], cái thì thành ra 2 chân 2 tay [nhân], cái thì 4 chi 1 đuôi [súc sanh]..., mặc dù tất cả đều cùng bản thể. Giống như nước thì có dạng băng, đá, lỏng, hơi... nhưng bản thể vẫn là nước. Đó là nói về Tướng, còn về Dụng? Ví như xét trong nhân gian đây thôi, có kẻ trí người ngu, bậc Thánh hiền kẻ phàm phu, kẻ quyền cao chức trọng kẻ là dân đen... Còn xét nơi các cảnh giới khác nhau thì thôi, không biết nói thế nào nữa! Mặc dù đồng sở hữu một thể tánh.
Đoạn hai: Một pháp Niệm Phật chính là lấy hồng danh vạn đức của Như Lai làm duyên, mà hồng danh vạn đức ấy lại chính là vô thượng giác đạo Như Lai đã chứng nơi quả địa! Do dùng Quả Địa Giác ấy làm Nhân Địa Tâm nên nhân bao trùm biển quả, quả thấu tột nguồn nhân.
"Một pháp Niệm Phật chính là lấy hồng danh vạn đức của Như Lai làm duyên", cho nên tu Tịnh Độ thì cố gắng niệm niệm là Niệm Phật nhé, đó chính là đại thiện đại nhân duyên bậc nhất, không gì sánh bằng! Dĩ nhiên các việc thiện lành, lợi lạc chúng sanh khác nếu đủ duyên cũng phải chân thật bỏ công sức mà hành, chẳng thể thoái thác, làm ngơ; bởi như vậy thì đâm ra chẳng tương ưng tâm Phật. Như thế thì Bồ Đề tâm 'hữu thượng' [thế gian] còn chưa có huống hồ chi là Bồ Đề tâm vô thượng [Tín Nguyện tâm] sao cho đặng nỗi đây!
Câu "Mà hồng danh vạn đức ấy lại chính là vô thượng giác đạo Như Lai đã chứng nơi quả địa!", đây là chỗ chúng ta cần lưu tâm một chút. Như chúng ta đã biết, câu A Di Đà Phật chẳng phải tự nhiên mà có, mà đó là do cả quá trình tích công lũy đức của Như Lai khi còn là nhân địa Bồ Tát, kiến lập dần dần lên mà thành, giống như kiến lập cõi Cực Lạc, thành tựu 48 Đại Nguyện vậy. Cho đến khi tất cả đều thành tựu viên mãn thì Ngài mới thành Phật, lấy chính Đức hiệu ấy làm Danh hiệu của Ngài. Mục đích là chi vậy? Đó chính là như trong Kinh nói: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa”. Chứ còn nếu Ngài lấy danh hiệu khác thì nhớ [nghĩ tưởng] Ngài và niệm Ngài bất đồng, không thể như thế được! Cho nên Đức Phật ngài còn có hiệu là Phật Vô Lượng Quang, Phật Vô Lượng Thọ... đó cũng là ý nghĩa Danh hiệu của Ngài. Vì thế khi niệm Phật ta niệm A Di Đà Phật [hay Nam Mô A Di Đà Phật], chứ đâu có niệm Vô Lượng Quang Phật, Vô Lượng Thọ Phật đâu?! Xưng danh cho đúng mới đặng có công năng, công đức viên mãn. Vấn đề là như vậy.
Câu "Do dùng Quả Địa Giác ấy làm Nhân Địa Tâm nên nhân bao trùm biển quả, quả thấu tột nguồn nhân". Chúng sanh lấy câu Phật hiệu ấy, tức cái quả ở Phật quả [Vô Thượng Giác] làm nhân để tu tâm [chúng sanh], cho nên nhân [Vô Thượng Giác] này đã bao trùm khắp biển quả [trí huệ Như Lai], quả [Giác] này thấu tột nguồn nhân [chân tâm tự tánh chúng sanh]. Nói chung chỗ này hơi 'nặng' về văn tự, nghĩa lý, chúng ta đọc biết để tham khảo vậy.
Vấn đề cần nói, đó là một khi câu Phật hiệu đã 'thành tựu' thì sao? Dạ vâng, chúng sanh niệm Phật trong khắp thập phương sẽ được cứu độ. Dĩ nhiên là phải có Tín tâm chân thật, Nguyện tâm là muốn về. Như chúng ta đã biết, có một số cách để gầy dựng Tín tâm chân thật. Mà muốn chẳng phải 'động tâm động trí' cho nhiều thì cứ y cứ Kinh văn Phật thuyết "Quang minh biến chiếu, thập phương thế giới niệm Phật chúng sanh, nhiếp thủ bất xả". Phật thuyết sao thì cứ tin y như vậy, chẳng cần suy nghĩ thêm gì cả, mà Chư Tổ Sư cũng đặc biệt thị hiện làm biểu pháp cho chúng sanh thấy rồi vậy. Một cách thông thì các cách đều thông, tức là "chúng sanh niệm Phật tất nhiên được cứu độ", theo đúng Bổn Nguyện Trọng Thệ tiếp dẫn của Ngài.
Các đoạn khác chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên
Lời tựa cho đạo tràng niệm Phật quanh năm tại Thê Chân (trích đăng lần 2)
Đại Sư Ấn Quang