Chánh kinh:
Ngã tác Phật thời, sanh ngã quốc giả, thiện căn vô lượng, giai đắc kim cang Na La Diên thân, kiên cố chi lực. Thân đảnh giai hữu quang minh chiếu diệu, thành tựu nhất thiết trí huệ, hoạch đắc vô biên biện tài, thiện đàm chư pháp bí yếu, thuyết kinh hành đạo, ngữ như chung thanh. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.
Lúc tôi thành Phật, [người] sanh trong nước tôi thiện căn vô lượng, đều được thân kim cang Na La Diên, sức kiên cố, thân và đảnh đều có quang minh chiếu rực, thành tựu hết thảy trí huệ, đạt được vô biên biện tài, khéo bàn các pháp bí yếu, nói kinh, hành đạo tiếng vang như chuông. Nếu chẳng được như vậy, chẳng lấy Chánh Giác.
(Nguyện ba mươi hai: Thân Na La Diên; nguyện ba mươi ba: Quang minh, trí huệ, biện tài; nguyện ba mươi bốn: Khéo bàn pháp yếu)
Giải:
(...)
Câu “thiện đàm chư pháp bí yếu” (khéo bàn các pháp bí yếu) là nguyện ba mươi bốn: “Khéo bàn pháp yếu”. “Bí” (秘) nghĩa là bí áo, tức là điểm sâu xa, huyền diệu của pháp môn. Bí cũng có nghĩa là bí mật, tức là những điểm ẩn mật của pháp môn, chẳng dễ chỉ bày cho người khác. Sách Pháp Hoa Văn Cú, quyển năm giảng chữ “bí yếu” như sau: “Ðiều Phật canh cánh trong tâm hơn bốn mươi năm, người khác chẳng hề biết là Bí. Ðạo dẫn thẳng đến Nhất Thừa nhiếp trọn muôn đường khác gọi là Yếu (要)”. Trong Pháp Hoa Sớ, quyển chín, ngài Gia Tường lại giảng rằng: “Do ngôn ngữ giản dị, tinh yếu nhưng chứa đựng trọn vẹn nghĩa lý nên bảo là Yếu. Trước đây vốn đã giấu kín chẳng truyền ra nên gọi là Bí”. Phẩm Pháp Sư kinh Pháp Hoa có câu: “Thử kinh thị chư Phật bí yếu chi tạng, bất khả phân bố, vọng thọ dữ nhân” (Kinh này là tạng bí yếu của chư Phật, chẳng thể lưu truyền, dạy dỗ bừa bãi cho người khác).
Ngoài ra, Mật Tông còn được gọi là Bí Mật Tông vì Mật pháp chính là tạng bí yếu của chư Phật, chẳng thể đem dạy cho người khác một cách khinh suất được. Nay các vị Bồ Tát cõi Cực Lạc “thiện đàm chư pháp bí yếu” (khéo bàn các pháp bí yếu) nghĩa là các vị khéo khai diễn hết thảy pháp bí yếu rất sâu dù Hiển hay Mật.
“Hành đạo” là kinh hành. Vừa đi kinh hành vừa tụng kinh là pháp Thường Hành tam-muội của tông Thiên Thai.
“Chung” (chuông) là một trong những loại được gọi là “kiền chùy” trong tiếng Phạn. Chuông là pháp khí để nhóm chúng, dùng tiếng chuông làm hiệu lệnh nhóm chúng. Tiếng chuông lại có công đức thù thắng như kinh Tăng Nhất A Hàm dạy: “Nhược đả chung thời, nhất thiết ác đạo chư khổ, tịnh đắc đình chỉ” (Khi đánh chuông, hết thảy các nỗi khổ trong ác đạo đều được ngưng nghỉ). Sách Phật Tổ Thống Kỷ, quyển sáu cũng có chép: “Người lúc sắp chết nghe tiếng chuông, tiếng khánh thì chánh niệm được tăng thêm”.
Câu “ngữ như chung thanh” (tiếng vang như chuông) ý nói thanh âm của người thuyết pháp như tiếng hồng chung trong trẻo, thánh thót, hùng hồn, liên tục vang xa, khua tan đêm dài, đánh thức những kẻ đang mê mệt khiến họ phát sanh thiện tâm, ngưng ngớt các khổ. Âm thanh thuyết pháp có công đức như tiếng chuông. Ngoài ra, trên thân chuông còn khắc những chân ngôn, những chữ chủng tử, kinh kệ Ðại Thừa. Gióng một tiếng chuông khác nào đọc lên hết thảy kinh pháp Hiển, Mật được ghi trên thân chuông. Dùng những điều đó để sánh ví người thuyết pháp: Trong mỗi một âm thanh đều hàm chứa vô biên diệu nghĩa.
Ảnh minh họa: Đọc tụng Kinh.
Đoạn trích lục này là phần chú giải tiếp theo cho Nguyện thứ 34: "Khéo bàn pháp yếu". Chúng ta đọc để nắm rõ thêm kiến thức, nghĩa lý.
Pháp "bí yếu" là gồm cả Mật pháp và Hiển pháp. Ở đây Tịnh Độ Tông tức là Hiển Tông. Vậy Pháp bí yếu trong Tịnh Độ Tông là gì? Như các Ngài giải thích, "tức là điểm sâu xa, huyền diệu của pháp môn". Với Pháp môn Tịnh Độ thì chỗ nào là "điểm sâu xa, huyền diệu"? Chắc chắn đó là 48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà, mà trong đó Đại Nguyện thứ 18 chính là Hồng Tâm. Vậy "Pháp bí yếu" ở đây là Bổn Nguyện Niệm Phật [tức Đại Nguyện thứ 18] chăng? Chắc chắn là như vậy, không thể khác được! Đại Nguyện tiếp dẫn này chính là "Pháp bí yếu" của Tịnh Độ Tông vậy. Tịnh Độ Tông có thể xem là "Pháp môn đặc biệt", là "Pháp bí yếu" trong cả một đời thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca; và trong Tịnh Độ Tông thì Đại Nguyện thứ 18 chính là "Pháp bí yếu" trong đó. Điều này trong Kinh giáo còn gọi là Tông chỉ tông yếu của Pháp môn vậy.
Có câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta có thể 'giản lược' được nữa hay không? Tức là trong cái "Pháp bí yếu" đó thì cái gì là "bí yếu" nhất trong đó? Câu trả lời là xin hãy ngừng lại ở đây, đừng có 'giản lược' thêm nữa mà đánh mất đi những nội dung quan trọng không thể thiếu được. Chúng ta nhắc đến chỗ này một chút, bởi có nhiều vị giảng thuyết Tịnh Độ thì khi 'tinh giản' Pháp môn này đến chỉ còn là "Một câu Phật hiệu", như vậy liệu có đúng Như Pháp chăng? Chắc chắn là không rồi! Nói như thế là một sự thiếu sót nghiêm trọng! Bởi chúng ta biết, Tông chỉ tông yếu của Pháp môn là gì? "Tín Nguyện Niệm Phật, Cầu Sanh Cực Lạc", chứ chẳng phải chỉ có niệm Phật không thôi đâu. Mỗi câu mỗi chữ trong Đại Nguyện thứ 18 đều thể hiện rõ Tông chỉ này, nên không thể giản lược thêm bất cứ cái gì khác nữa cả. Bởi không khéo lại thành ra như Phật đã từng thuyết "ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết" ngay đấy! "Pháp môn Niệm Phật" chỉ là cách nói tắt của Pháp môn Tịnh Độ mà thôi.
Trên đây là nhân tiện luận bàn đến đoạn Kinh văn "Khéo bàn các pháp bí yếu" chúng ta nói về cái "Pháp bí yếu" của Pháp môn mà chúng ta đang hành đạo, tức Tịnh Độ Pháp môn. Và trong cái "Pháp bí yếu" này thì cái gì là trọng yếu nhất, mang tính quyết định thành bại [và chắc chắn cũng 'khó nhằn' nhất]? Dạ vâng, chắc chắn đó chính là "chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi ta", tức Tín Nguyện tâm, phải chân thật đầy đủ. Chúng ta cùng dành chút thời gian để tiếp tục học tập vấn đề này, một 'đề tài' muôn thuở cho tất cả hành giả đa phần hãy còn là phàm phu như chúng ta đây. Thế nên chúng ta cần học, học nữa, học mãi...
Như chúng ta đã từng học tập, có ba cách để gầy dựng cho được Tín tâm để đạt được mức "chí tâm tin ưa" ngay từ lúc bình thời này. Còn đợi đến lúc cận tử nghiệp thì chúng ta không bàn đến. Bởi hiện tại đây thì chúng ta đang là 'bình thời' vậy [nhưng thọ mạng đến lúc nào thì không thể biết được!]. Cho nên cần phải gầy dựng cho được Tín tâm này một cách đầy đủ càng sớm càng tốt. Thật ra thì nếu đợi đến lúc cuối [hộ niệm, thiện tri thức khai thị] thì cũng không thể 'né tránh' được điều này [tức gầy dựng được Tín Nguyện tâm đầy đủ] nếu muốn được Phật đến rước [chỉ trừ trường hợp là lúc cuối niệm được như trong Kinh nói "liên tục nhớ nghĩ không thôi kết thành thiện nguyện cũng được vãng sanh" thì cũng được Phật tiếp dẫn, nhưng phải sanh vào Biên Địa một thời gian].
Trong ba cách vừa nói trên mà Chư Phật, Chư Tổ đã đúc kết cho hàng hậu học chúng ta học tập, thì ngoài hai cách đầu có vẻ hơi 'trừu tượng' khó hiểu, thì cách thứ ba là đơn giản nhất, trực tiếp nhất từ lời Kinh Phật thuyết ra, được Chư Tổ Sư thị hiện lại một cách tâm yếu nhất [nói xong lời Kinh rồi thị tịch!]. Chúng ta chỉ cần tin nhận chẳng nghi lời Phật [Thích Ca] thuyết, như vậy là xong! Phật đã thuyết rằng "nhiếp thủ bất xả, chúng sanh niệm Phật" tức là không bao giờ "xả" cả, trong suốt cuộc đời này. Như thế nghĩa là sao? Chắc chắn Phật không buông bỏ ta, chắc chắn sẽ cứu độ ta về Cực Lạc trong đời này. Việc còn lại của chúng ta chỉ là Tín thọ phụng hành [tin nhận, hành trì], ắt sẽ thành tựu, bất luận là ai, hạng căn cơ nào! Dĩ nhiên mới ban đầu thì chẳng ai "Tín thọ" nổi đâu, nhất là hạng phàm phu như chúng ta, nhưng cứ kiên trì, chân thật học tập, một thời gian sau ắt sẽ có Tín tâm chân thật. Chúng ta đừng cho rằng, những điều này không mấy quan trọng, chỉ cần niệm Phật là đủ. Nói như vậy chính là bạo biện cho sự giãi đãi trong tu học của mình, hoặc là không xem trọng huệ mạng của mình [tâm sanh tử không tha thiết]. Lời tất cả Chư Tổ Sư đã chỉ dạy chúng ta quên rồi sao? "Vãng sanh được hay không là do có Tín Nguyện hay không? Phẩm vị cao hay thấp là do trì danh sâu hay cạn". Rồi lời Phật thuyết trong Kinh chúng ta chắc cũng bỏ qua nốt ["chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi ta..."]. Bởi vậy, một đời này có được Phật tiếp dẫn về hay không chính là chỗ này vậy, chứ chẳng phải chỗ nào khác cả. Cho nên, sớm muộn gì cũng phải 'giải quyết' cho được 'bài toán' này thôi, có thể là ngay từ lúc bình thời này hay là muốn đợi đến lúc cuối [nghiệp khổ bức bách] thì cũng phải như vậy cả, nếu muốn được "về với Phật" trong đời này vậy.
Trên đây là chúng ta đang luận nói về pháp tu để đời này được liễu thoát, vãng sanh Cực Lạc, nên dành cho các hành giả hãy còn là phàm phu như chúng ta nhưng thật sự có tâm cầu giải thoát. Còn những trường hợp khác thì chắc là không cần thiết đâu!
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 6. Phát Đại Thệ Nguyện (trích lục, lần 2)
Ngài Hoàng Niệm Tổ