Như Lai thuyết pháp đều tùy thuận cơ nghi, với đại căn bèn chỉ thẳng Chân Như diệu tánh, khiến cho họ hiểu rõ diệu tánh viên minh, lìa các danh tướng, vốn chẳng có thế giới, chúng sanh, thường tịch, thường chiếu, bất sanh, bất diệt, Ngũ Uẩn không, sáu căn thanh tịnh, bốn tướng mất, nhưng nhất tâm hiện bày rành rành. Từ đấy, xứng tánh khởi tu, do tu chứng tánh. Mây phủ cửa Từ, sóng trào biển Hạnh. Dẫu từ bi hạnh nguyện trùm khắp pháp giới, nhưng tam luân thể không, trọn chẳng có những tướng ta - người, năng - sở!
Đốn luân, tận phận
Nhàn tà, tồn thành
Đối với tiểu căn bèn dạy cho Tam Quy để làm căn bản bỏ tà quy chánh, dạy Ngũ Giới, Thập Thiện để làm nhân được sanh trong trời, người. Gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng, vợ theo, tận lực tuân thủ luân thường, ai nấy tận hết bổn phận. Kiêm thêm kiêng giết, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Đối với kẻ căn khí thù thắng hơn một chút thì bèn dạy cho Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên để họ đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử. Lại vì hết thảy chúng sanh do thân - khẩu - ý khởi lên tham - sân - si, do tham - sân - si tạo giết - trộm - dâm. Do nhân duyên ấy luân hồi lục đạo, giết lẫn nhau, sanh ra nhau đến tột cùng đời vị lai trọn chẳng khi nào ngừng nghỉ. Tuy dạy những thừa nhân, thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, nhưng tự lực đoạn Hoặc thật chẳng phải dễ dàng!
Tín nguyện, trì danh
Cầu sanh Tịnh Độ
Huống chi chúng sanh trong đời Mạt căn cơ kém hèn, chẳng cậy vào Phật lực, quyết khó thể giải thoát. Do vậy, bèn mở riêng một pháp môn Tịnh Độ cậy vào Phật từ lực vượt ngang ra khỏi tam giới để người đã chứng thánh quả sẽ mau viên mãn Phật quả, người chưa đoạn Hoặc sẽ đới nghiệp vãng sanh. Chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, khẩn thiết chí thành trì danh hiệu Phật, làm được như thế thì vạn người chẳng sót một ai. Như người rớt xuống biển, nương vào sức thuyền cứu, mau lên được bờ; chúng sanh đời Mạt bỏ pháp này muốn thoát sanh tử thì vạn người chẳng được một ai!
Là cội nguồn của [tất cả] các pháp, làm chỗ nương cậy cho chúng sanh
Do vậy, biết rằng: Đại pháp của Như Lai vỗ về nuôi nấng quần manh, như trời che phủ khắp, như đất nâng đỡ đồng đều; sâm la vạn tượng không một thứ nào thoát ra ngoài được, không gì chẳng thuộc trong ấy! Như mặt trời, mặt trăng sáng ngời trên không, chiếu khắp muôn nước; tuy kẻ mù từ lúc lọt lòng chẳng thấy được quang minh cũng vẫn được chiếu soi. Như mưa đúng thời thấm nhuần trọn khắp muôn cây cỏ: Rễ to, thân lớn, cành nhỏ, lá bé đều cùng tươi tốt. Dẫu là mầm cháy, hạt hư cũng vẫn được bình đẳng thấm nhuần. Như đại hải chứa trọn trăm sông, sông to rạch lớn cũng đổ vào biển, ngòi nhỏ kênh bé, thậm chí một chước, một giọt cũng đổ vào biển. Đã vào trong biển cả thì cùng một vị mặn, cùng một mức sâu rộng như biển cả, đánh mất tên cũ, được mang tên là biển. Do vậy, biết Phật pháp un đúc, giáo hóa, dạy dỗ trọn chẳng bỏ ai; là cội nguồn của các pháp, làm chỗ nương cậy cho chúng sanh. Hết thảy các pháp thế gian hay xuất thế gian không pháp nào chẳng phát xuất từ pháp giới này, không pháp nào chẳng quy hoàn pháp giới này.
Những kẻ chấp nhặt, hẹp hòi chẳng biết Phật pháp chính là pháp chung cho cả mười pháp giới, chỉ thấy chuyện bỏ cõi tục đi xuất gia bèn cho là phế bỏ luân lý, đắm chìm trong không tịch, mang lỗi trái nghịch thế giáo. Nào biết Phật pháp như thái hư, không gì chẳng bao dung, như ánh nắng Xuân không gì chẳng sanh trưởng; thánh nhờ vào đây mà thành thánh, hiền nhờ vào đây mà thành hiền. Vì thế, thời cổ những người lập đại công, dựng đại nghiệp, tiếng tăm lừng lẫy trời đất, lòng tinh thành bao trùm nhật nguyệt đều là do học Phật pháp đắc lực mà phát khởi.
Hàng thượng thượng căn, kế đó...
Phật pháp truyền vào Trung Quốc gần hai ngàn năm. Trong thời gian ấy, những kinh - luật - luận dịch từ Tây Trúc và những trước thuật về Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh v.v… của cổ đức các tông cõi này mênh mông như mặt biển tỏa hơi mờ. Tùy theo căn cơ con người gần gũi pháp nào, tùy theo lòng ưa thích của mỗi người mà nghiên cứu: Hoặc nghiên cứu khắp các tông, hoặc chuyên chú nơi một môn. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thì vào bằng cửa đó. Cửa vào tuy khác, nhưng vào cùng một thành. Như một giọt nước biển, có đủ vị của trăm sông. Như một hạt châu nơi cái lưới của Đế Thích hiện bóng một ngàn hạt châu. Thâm nhập một môn thì các pháp đều thông. Đến khi vô minh hết sạch, tịch chiếu viên dung, dứt sạch ba đời, mười giới chìm lỉm, hoàn lại thiên chân vốn có, chứng giác đạo vô thượng. Cố nhiên hạng người như vậy thuộc về hàng thượng thượng căn. Kế đó là những người dứt tham - sân - si, đoạn giết - trộm - dâm, không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, tích lũy công đức dần dần, tăng trưởng phước huệ, giữ vẹn nhân luân, trọn hết tình nghĩa, yêu thương mọi người, nhân từ, kiêng giết, phóng sanh, tập thành lòng từ thiện, đối với loài vật còn thương xót, huống chi con người? Thúc đẩy phong hóa ấy đến trọn khắp thế giới, há còn có tâm tàn hại lẫn nhau, tranh giành mưu hại giết chóc, muốn tàn sát chủng tộc người khác hòng vừa ý mình nữa ư?
Theo giá vốn và chi phí chuyên chở
Lâm Hồng Du, Trần Đắc Lộc thuộc Thái Cát Đường ở Hạ Môn thương cho kiếp vận thê thảm, muốn cứu vãn, muốn cho đồng nhân khai ngộ, nên lưu thông kinh Phật. Phát hành kinh sách theo giá vốn và chi phí chuyên chở, trọn chẳng mong kiếm lời. Muốn mở mang tai mắt cho người nên xin tôi viết lời tựa. Tôi mến lòng thành của họ, bèn thuật đầu đuôi. Phải biết Phật pháp lấy nhân quả báo ứng làm đạo hạ học thượng đạt, là đạo từ đầu đến cuối đều phải có. Nay người trên không nêu gương, kẻ dưới không giữ pháp, đây - kia tranh chấp đánh nhau, lấy giết chóc làm vui, chỉ mong sao khoái ý mình, chẳng đoái hoài nước nhà diệt vong, dân tình lầm than, đều do chẳng biết nhân quả báo ứng nên tạo thành như vậy. Tôi thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Trong đời hiện thời, nếu chẳng đề xướng sự lý nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi mà muốn cho thiên hạ thái bình nhân dân an lạc, dù Phật, Tổ, thánh hiền đều xuất thế cũng chẳng làm gì được!
Ảnh minh họa: 'Đại hỏa luân' trên biển
Pháp môn "Cậy vào Phật từ lực" và Pháp môn "Tự lực tu chứng" thường được Chư Tổ sánh [ví như] đi bằng thuyền lớn và ...tự bơi, để vượt biển, đến bến bờ bên kia.
Đoạn: "Thâm nhập một môn thì các pháp đều thông. Đến khi vô minh hết sạch, tịch chiếu viên dung, dứt sạch ba đời, mười giới chìm lỉm, hoàn lại thiên chân vốn có, chứng giác đạo vô thượng. Cố nhiên hạng người như vậy thuộc về hàng thượng thượng căn. Kế đó là những người dứt tham - sân - si, đoạn giết - trộm - dâm, không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, tích lũy công đức dần dần..."
Vậy chúng ta tu hiện nay là có đang "thâm nhập một môn [huân tu lâu dài]" không Quý vị? Nếu thế thì chúng ta đây đều được liệt vào hàng 'Thượng thượng căn'? Dạ vấn đề không phải hiểu một cách đơn giản như vậy. Thâm nhập một môn có thể hiểu là [Chánh hạnh] một câu Phật hiệu chúng ta trì niệm mãi suốt đời, chẳng đổi. Đối với bậc Thượng thượng căn thì các Ngài [tự] điều hòa tâm tánh, điều phục chế ngự phiền não tham sân si, [tự nhiên] giữ vững kiên định một Pháp đến cùng [hay còn gọi là Pháp khí trong nhà Phật]. Rồi các Ngài một câu Phật hiệu niệm thuần thục từ sáng đến tối [từ tối đến sáng] chẳng gián đoạn, bất luận đi đứng nằm ngồi, nói năng động tịnh, làm gì ở đâu. Chúng ta đây liệu đã làm được như thế chăng?
Cho nên, "Phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm", hay gọn là "Tín Nguyện, trì danh", chúng ta đây do đa phần còn là phàm phu nên còn phải 'kiêm nhiệm' tu học thêm nhiều thứ khác nữa [để trợ thủ đắc lực cho việc niệm Phật] như: Phải cố gắng điều hòa tâm tánh, điều phục tập khí phiền não, ra sức giữ gìn giới luật, tu Tịnh nghiệp tam phước... Như thế thì đúng như Chư Tổ đã khuyến dạy và việc tu học mới giữ gìn bền lâu, đắc lực cả đời được.
Nói chung, càng đi sâu vào thời Mạt pháp, căn tánh chúng sanh càng trở nên hèn kém, điều kiện môi trường hoàn cảnh [cho tu học] càng trở nên khó khăn, phước báu cho tu Tịnh nghiệp càng trở nên thiếu mỏng. Thế nên, chúng ta, những người đang tu Tịnh nghiệp cầu giải thoát, nếu không biết 'khôn khéo' nương cậy vào Phật từ lực để tu hành, thì những khó khăn rắc rối trên đường đạo là thật khó thể nào đong đếm tính lượng hết nổi, và vì thế việc thành tựu giải thoát là rất chông gai và thật khó đoán định được. Chi bằng chúng ta môt lòng một dạ [tin tưởng] nương cậy Tha lực đại đạo ấy mà hành trì tu tập suốt một đời, thì ngàn vạn phần ổn thỏa hơn rất nhiều, và như Chư Tổ đã nói, kết quả [thành tựu] là hoàn toàn có thể đoán định được. "Vạn pháp từ tâm tưởng sanh", và việc thành tựu cũng từ tâm [dụng thế nào] mà quyết định vậy.
Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên (trích lục)
Lời tựa duyên khởi của Hạ Môn Phật Kinh Lưu Thông Xứ
Đại Sư Ấn Quang