“Lấy thứ xấu thay cho đồ tốt”: Như dùng sắt thay cho vàng, dùng đá thay cho ngọc, lấy vải thay cho lượt là v.v… Chuyện ấy chẳng đáng cho người thông đạt nhìn vào cười xòa một tiếng, nhưng cái tâm ấy đã gần với [cái tâm] trộm cắp vậy. Tứ Tổ nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu từ tâm khởi”. Nếu cái tâm chẳng cưỡng chia danh tự (tức là tâm có phân biệt), vọng tình khởi từ chỗ nào?
Pháp sư Nguyên Hiểu từ Đông Hải (Đại Hàn) đến đất Đường (Trung Hoa) tìm thầy [xin học đạo], ban đêm ngủ nơi mộ hoang. Do khát, muốn uống nước. Sư trông thấy cạnh chỗ ngồi có một dòng nước trong, vốc uống, thấy [vị nước] rất ngọt. Tới sáng, nhìn lại thì ra là nước chảy từ tử thi vừa chết! Khi ấy, Sư ghê tởm ói ra, bèn hoát nhiên đại ngộ, nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, tốt hay xấu là do mình, liên quan gì đến nước!”
Đời Tống, ông Tô Đông Pha cất giữ, nâng niu một viên ngọc đẹp. Có gã Chương Trìđòi xem, ngầm lấy đá Yên Sơn tráo vào. Đông Pha chẳng biết, khi bị điều tới Hoàng Châu, mở ra xem, mới biết là Chương Trì đã đánh tráo, chỉ đành cười khan. Không lâu sau, Chương Trì bị lưu đày chết ở Thai Châu, chẳng biết mỹ ngọc lại về tay ai?
“Tư” (私) là nói theo tâm tình, Công là nói theo Lý. Do sự mừng, giận, ân, oán trong ý riêng mà phế trừ lẽ đúng sai theo công đạo. Trên là chẳng thể phân biệt trung, nịnh, ắt triều đình mắc họa chia bè kết đảng. Dưới là tà chánh chẳng thẩm định, ắt trong vòng bạn bè, làng nước, sẽ có mối trở ngại kéo bè kết cánh công kích những kẻ khác ý ta! Nặng hơn nữa là do yêu ghét chẳng thích đáng, ắt người cùng một nhà như cha với con, cốt nhục chí thân cũng trở thành một lũ oán hận nhau! Thói tệ trong vòng tình cảm giữa con người với nhau, không gì quá đáng hơn chuyện này! Bất luận hiền, ngu, sang, hèn, ai ấy đều mắc phải căn bệnh này, chỉ là nghiêm trọng hay không mà thôi! Người biết thói tệ này, hãy suy xét lý để tiêu trừ tánh thiên chấp, lắng lòng để hóa giải thành kiến trong tâm. Đó là người có đại học vấn, có đại bản lãnh vậy.
Đời Tống, Triệu Biện và Phạm Trấn do bàn luận sự việc [trong triều chánh] mà có hiềm khích. Tới khi Vương An Thạch làm Tể Tướng, oán hận Phạm Trấn [trong quá khứ] đã tâu trình những lời lẽ công kích hắn, thừa dịp vua hỏi [ý kiến của hắn] về Phạm Trấn, bèn tâu: “Triệu Biện biết rõ người này!” Vua hỏi Triệu Biện, Triệu Biện thưa: “Phạm Trấn là bậc trung thần!” Vua hỏi: “Vì sao biết là trung?” Triệu Biện tâu: “Khi Nhân Tông bị bệnh, Phạm Trấn là người đầu tiên xin sách lập Hoàng Thái Tử để yên định xã tắc, đã dâng sớ mười chín lượt đợi mạng lệnh trong suốt một trăm ngày, râu tóc đều bạc phơ. Chẳng phải là trung thần thì là gì?” Khi đã lui ra, Vương An Thạch trách: “Chẳng phải là ông với hắn có hiềm khích hay sao?” Triệu Biện đáp: “Há dám vì hiềm khích riêng mà phế trừ công đạo!”
Huyện lệnh Lạc Dương là Khổng Dực đốt lửa trước sân, hễ có thư từ nào nhờ cậy đều vứt vào lửa, nói: “Quan huyện gần dân nhất. Trên con đường làm quan có khá nhiều kẻ nhờ vả, cứ làm theo, ắt dân sẽ bị hại. Chẳng làm theo, không tránh khỏi chuốc lấy oán cừu. Chỉ có cách là thư gởi tới không mở, ném ngay vào lửa. Ắt là nơi ta chẳng biết là chuyện như thế nào? Mà nơi họ cũng chẳng thấy ta ngỗ nghịch. Đúng hay sai là do dân, phán xử công bằng đúng pháp! Sao đến nỗi vì riêng tư mà phế trừ [công đạo] ư?” Về sau, một đứa con của ông mười chín tuổi đã đỗ Tiến Sĩ.
Ngưỡng Tư Trung tinh thông thuật Địa Lý. Có lần vì [một vị quan chức] hiển đạt mà chọn được cuộc đất rất tốt, ông vừa mới điểm huyệt, bỗng trời đổ mưa rào, bèn xuống núi. Ban đêm, ông Ngưỡng nằm mộng, thấy thần bảo: “Đừng cho hắn cuộc đất này. Hắn làm khảo quan (quan giám khảo trong trường thi), đã ăn của đút để chấm đậu ba sĩ tử, sẽ mắc họa nơi cõi âm. Ông cho hắn cuộc đất này, sợ rằng trái nghịch ý trời”. Ông Ngưỡng tỉnh giấc, bèn mượn cớ quay về. Chẳng lâu sau, do tranh chấp cuộc đất tốt, gã quan chức ấy bị dính vào kiện tụng, chưa chôn [tổ phụ vào cuộc đất tốt nào cả] mà nhà cửa đã nghèo nàn, suy sụp!
Trích Cảm Ứng Thiên Vựng Biên
Bửu Quang Tự Đệ Tử Như Hòa dịch