Thế gian nhân dân, phụ tử, huynh đệ, phu phụ, thân thuộc, đương tương kính ái, vô tương tăng tật. Hữu vô tương thông, vô đắc tham tích. Ngôn sắc thường hòa, mạc tương vi lệ. Hoặc thời tâm tránh, hữu sở khuể nộ. Hậu thế chuyển kịch, chí thành đại oán. Thế gian chi sự, cánh tương hoạn hại. Tuy bất lâm thời, ưng cấp tưởng phá.
Thế gian nhân dân, cha con, anh em, chồng vợ, thân thuộc, hãy nên kính yêu nhau, chớ nên ganh ghét. Kẻ có chia sẻ cho người không, đừng nên tham tiếc. Lời lẽ, vẻ mặt thường hòa nhã, đừng chống trái nhau, hoặc có lúc tâm tranh đua, hoặc là nóng giận, đến đời sau sẽ chuyển thành rất nặng nề, đến nỗi thành đại oán. Chuyện trong thế gian sẽ biến thành tai họa. Tuy chẳng xảy đến ngay, hãy gấp nên nghĩ cách trừ khử.
Giải:
Ðoạn kinh này khuyên dạy người đời đối với thân thuộc phải nên hòa kính, vì nếu chẳng hòa kính sẽ trở thành oán thù.
“Kính ái” (敬愛) là cung kính và từ ái, “tăng tật” (憎嫉) là ghét bỏ và ganh tị. “Hữu vô tương thông”: Chữ “tương thông” (相通) ngụ ý chia sẻ tài vật, đem thứ mình có để giúp đỡ cho người không có. “Ngôn sắc” (言色) là ngôn ngữ và vẻ mặt. “Vi” (違) là trái nghịch, “lệ” (戾) là kình chống, tàn nhẫn. Sách Hội Sớ nói: “Giọng vui vẻ chẳng nóng giận, lời lẽ chẳng chống trái, gay gắt, ôn hòa, khiêm cung. Mặt chẳng cau có thì gọi là thường hòa hoãn”. Như vậy, “ngôn sắc thường hòa” (vẻ mặt, lời nói thường hòa hoãn) chính là như ở phần trên kinh đã dạy “hòa nhan ái ngữ” vậy.
Trên đây, Phật đã khuyên thường hòa hoãn, tiếp theo, Phật dạy nếu bất hòa sẽ kết thành đại oán. Chữ “tránh” (諍) trong câu “hoặc thời tâm tránh” (hoặc có lúc tâm tranh chấp nhau) nghĩa là tranh chấp. Sách Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa giảng “tránh” là “kiện tụng”.
Sách Hội Sớ bảo: “Thói đời lúc bình thường vốn chẳng phẫn hận, chợt gặp cảnh trái nghịch nên bất thình lình tranh chấp nhau nên mới bảo là ‘hoặc thời’ (hoặc có lúc)”. Có lúc chợt khởi lên cái tâm đấu đá, kiện cáo, tranh chấp nhau nên mới nói là “hoặc thời tâm tránh”.
“Khuể nộ” (恚怒) là nóng nảy, phẫn nộ. Giận dữ là một trong tam độc. Một khi tâm sân lên thì tạo thành mối hận nhỏ, oan oan tương báo không lúc nào thôi. Kẻ oán ghét thường chạm mặt nhau, sát hại lẫn nhau, càng lúc thêm dữ dội nên kinh mới bảo: “Hậu thế chuyển kịch, chí thành đại oán” (Ðời sau càng chuyển thành nặng nề đến nỗi thành mối oán hận lớn) như vua Lưu Ly vì muốn báo thù cái oán đời trước mà giết hại cả dòng họ Thích.
“Thế gian chi sự, cánh tương hoạn hại” (Sự trong thế gian càng thêm tai hại) là những sự báo oán trong thế gian tạo thành họa hại. Ðã tạo nghiệp nhân, ắt kết thành ác quả. Vì sự báo ứng chẳng lập tức hiển hiện ngay trong hiện tại nên kinh mới nói “tuy bất lâm thời” (tuy chẳng thấy ngay lập tức), nhưng nhân quả chẳng hư, quyết sẽ báo ứng trong đời sau nên kinh mới nói: “Ưng cấp tưởng phá” (Phải gấp nghĩ cách phá đi). Chúng sanh sợ quả, Bồ Tát sợ nhân là vậy!
Ảnh: "Nụ Cười"
Người tu đạo chúng ta hãy tập "Sống mỉm cười với thử thách chông gai". Thật sự vậy, không có thử thách để truy rèn sẽ khó thành tựu. Giống như "bình, gốm chưa nung gặp mưa liền rã", tu tập trong trần lao chính là chúng ta đang nung phàm luyện thánh vậy.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 33. Khuyến Dụ Sách Tấn
Ngài Hoàng Niệm Tổ