Di Lặc bạch ngôn: - Phật ngữ giáo giới, thậm thâm, thậm thiện, giai mông từ ân, giải thoát ưu khổ. Phật vi pháp vương, tôn siêu quần thánh, quang minh triệt chiếu, đỗng đạt vô cực, phổ vị nhất thiết thiên nhân chi sư. Kim đắc trị Phật, phục văn Vô Lượng Thọ thanh, mỵ bất hoan hỷ, tâm đắc khai minh.
Ngài Di Lặc bạch rằng: - Lời Phật dạy răn rất sâu, rất lành, [chúng con] đều được nhờ từ ân giải thoát ưu khổ. Phật là đấng pháp vương, tôn quý, cao siêu hơn các thánh, quang minh chiếu cùng tột, thấu suốt vô cực, làm thầy của khắp hết thảy trời, người. Nay được gặp Phật, lại nghe danh hiệu đức Vô Lượng Thọ, không ai chẳng hoan hỷ, tâm được khai minh.
Giải:
Ngài Di Lặc lãnh ngộ lời Phật, tự mừng vui sâu xa, tỏ bày lời tán tụng bằng cách bạch rằng: “Phật ngữ giáo giới, thậm thâm thậm thiện” (Lời Phật dạy răn rất sâu, rất lành).
Hai chữ “giáo giới” được sách Câu Xá Giới Phẩm Tụng Sớ giảng: “Giáo (敎) là dạy dỗ khiến người tu thiện; Giới (誡) là răn đe khiến người đoạn ác. Ðoạn ác tu thiện nên gọi là Giáo Giới”. Sách Hội Sớ lại nói: “Giáo là lời người trên bảo kẻ dưới. Giới là ngăn chặn, ước thúc. Lời nói thấu triệt thật lý nên bảo là rất sâu, chuyển phàm thành thánh nên bảo là rất lành”.
Pháp âm thấm nhuần rộng rãi, khiến cho khắp mọi người nghe “giai mông từ ân, giải thoát ưu khổ” (đều được nhờ từ ân giải thoát ưu khổ). Sách Hội Sớ giảng: “Giải thoát ưu khổ là được nghe pháp yếu dứt bặt những nỗi lo trôi nổi, no say pháp lạc, thoát khổ sanh tử”. Ý nói: Ðược nghe pháp yếu nên dứt được nỗi lo bị trôi nổi trong sáu đường; nếm no nê pháp lạc nên trừ được cái khổ sanh tử.
“Phật vi pháp vương” (Phật là đấng pháp vương) là như kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương đã chép: “Như Phật vi chư pháp vương” (Như Phật là vua của các pháp). Như Lai tự tại nơi pháp nên được xưng tụng là “pháp vương”. Phẩm Thí Dụ của kinh Pháp Hoa có câu: “Ngã vi pháp vương, ư pháp tự tại” (Ta làm pháp vương tự tại nơi pháp). Ta là lời đức Thích Ca tự xưng. Chữ “quần thánh” (羣聖) chỉ các bậc thánh nhân đã đoạn Hoặc, chứng Lý từ Sơ Quả của Tiểu Thừa trở lên và từ Sơ Ðịa của Ðại Thừa trở lên. Phật là đạo sư của cả chín cõi, là bậc tôn quý nhất trong các thánh nên ngài Di Lặc bảo Phật “tôn siêu quần thánh” (tôn quý, cao siêu hơn các thánh).
Quang minh của Phật chiếu cùng tột, thấu suốt chẳng có ngằn hạn nên bảo là “quang minh triệt chiếu, đỗng đạt vô cực” (quang minh chiếu tột, suốt thấu vô cực). Ngài Tịnh Ảnh lại giảng là: “Quang minh triệt chiếu là tự phước thù thắng, thấu suốt vô cực là tự trí thù thắng”. Ngài lại giảng chữ “vô cực” như sau: “Danh cảm động mười phương, nhiếp thọ kẻ có duyên nên bảo là vô cực”.
Tổng hợp cả hai cách giải thích này thì hiểu thấu cái Không đến mức vô cực chính là tự trí rốt ráo thông đạt Ðệ Nhất Nghĩa Không, chứng ngộ triệt để Lý Thể chính là đại trí, cho nên bảo là “thù thắng”.
Phổ độ chúng sanh hữu duyên trong mười phương chẳng có ngằn hạn thì chính là đại bi. Như Lai từ Thể khởi Dụng, vận Dụng cả Bi lẫn Trí nên diệu dụng vô tận. Như vậy là ngài Di Lặc đã khen ngợi Phật đức: Phước lẫn trí đều siêu việt, thù thắng.
Thêm nữa, một trong mười hiệu của Phật là Thiên Nhân Sư. Trên trời, dưới thế chỉ có mình đức Phật là tôn quý. Ngài dạo khắp mười phương làm đại đạo sư nên bảo là: “Phổ vị nhất thiết thiên nhân chi sư” (Làm thầy của khắp hết thảy trời, người).
“Trị” (値) là gặp gỡ. Kinh dạy: “Nhân thân nan đắc, Phật nan trị” (Thân người khó được, Phật khó gặp) nên “kim đắc trị Phật” (nay được gặp Phật) là điều vui mừng lớn lao.
“Phục văn Vô Lượng Thọ thanh” (Lại được nghe danh hiệu đức Vô Lượng Thọ) là như kinh dạy: “Tín, huệ, văn pháp nan trung nan” (Tín, huệ, nghe pháp là điều khó nhất trong các điều khó); huống hồ lại được nghe diệu pháp bất khả tư nghị: Sáu chữ hồng danh, Nhất Thừa nguyện hải tối cực viên đốn. Sách Di Ðà Yếu Giải cũng nói: “Chẳng luận chí tâm, tán tâm, hữu tâm, vô tâm, hoặc hiểu hay chẳng hiểu, chỉ một phen danh hiệu Di Ðà thoảng qua tai thì dẫu cho ngàn vạn kiếp sau cũng nhờ đó mà được độ thoát”.
Vì thế, pháp này khiến cho hội chúng hoan hỷ, mừng rỡ, khai phát Phật trí, hiểu rõ tự tánh. Bởi vậy, ngài Di Lặc mới bảo: “Tâm đắc khai minh”. Sách Hội Sớ bảo: “Khai phát Phật trí, đoạn diệt vô minh nên bảo là khai minh”. “Mỵ bất hoan hỷ” (Không ai chẳng hoan hỷ) nghĩa là cả đại hội đều hoan hỷ.
Ảnh: Tượng Di Lặc Bồ Tát trên đỉnh núi Cấm An Giang
"Một trong mười hiệu của Phật là Thiên Nhân Sư. Trên trời, dưới thế chỉ có mình đức Phật là tôn quý. Ngài dạo khắp mười phương làm đại đạo sư nên bảo là: “Phổ vị nhất thiết thiên nhân chi sư” (Làm thầy của khắp hết thảy trời, người)."
Vậy rõ ràng ai mới chính là vị Thầy thật sự của [tất cả] chúng ta? Đó chính là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Hay nói cách khác, nếu ai không nhận [và tuân theo] lời dạy của Ngài thì thành ra kẻ 'tăm tối', không có giáo dục, và chắc chắn tương lai sẽ là 'một màu xám xịt', rất đáng thương.
Bởi thế, "Nay được gặp Phật, lại nghe danh hiệu đức Vô Lượng Thọ, không ai chẳng hoan hỷ, tâm được khai minh.". Đối với chúng ta ngày nay thì "Nay được gặp Pháp Phật, được nghe danh hiệu Đức Vô Lượng Thọ, Pháp môn Tịnh Độ...", giống như thấy được ánh sáng cuối con đường hầm. Giữa cõi đời ngũ trược này, mà vẫn có lối thoát ra, mang trong mình đầy rẫy Phiền Hoặc mà vẫn có [đầy đủ] cơ hội giải thoát, lìa khổ được vui ngay trong một đời này. Thật sự là may mắn, hoan hỉ lắm thay!
Sẽ có nhiều người nói một cách 'không khách sáo', rằng thì là, gặp được Tịnh Độ, đúng là một nhân duyên thù thắng thật, nhưng thử thực tế xem, ngày nay người tu [Tịnh Độ] thì nhiều, nhưng người thành tựu [vãng sanh] được bao nhiêu? Xin thưa thực [với họ] rằng, những người chân thực hành trì Pháp môn này, chân thực cầu vãng sanh về cõi ấy [những người không chân thực không tính tới vì là giả] mà cuối đời vẫn bị 'rớt', đó là do họ không thấy được sự vi diệu thù thắng của Pháp môn này [nên cũng chẳng thể phát khởi lòng tin chân thật được]. Thật đáng tiếc! Chứ bản thân họ không thiếu thứ gì cả, thiện căn phước đức sâu dày, tâm huyết, siêng năng tinh tấn, chân thực cầu giải thoát... Vì thế, rất cần có những người Thầy, các Bậc giảng sư, thiện tri thức... tiếp nhận [một cách đúng đắn] lời Phật lời Tổ, rồi giảng thuyết lại cho đúng về Tông chỉ của Pháp môn vi diệu này [khắp mười phương Chư Phật không vị Phật nào không tán thán]. Được như thế thì lợi lạc cho chúng sanh lắm lắm, giúp cho bao nhiêu chúng sanh phàm phu thoát khỏi đọa lạc, liễu sanh thoát tử, vãng sanh thành Phật, ở ngay một đời này. Thử hỏi, công đức đó bao lớn? Có thể nghĩ bàn nổi? Cho nên, rất cần, rất cần các vị như thế xuất hiện nơi cõi đời này, càng nhiều càng tốt.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ
Phẩm 34. Tâm Đắc Khai Minh
Ngài Hoàng Niệm Tổ