Tịnh Độ đại pháp môn lớn lao không gì ở ngoài nó được, như trời che khắp, như đất chở trọn. Bậc Đẳng Giác sắp thành Phật còn phải cậy nhờ pháp này; kẻ nghịch ác sắp đọa A Tỳ mười niệm lên cõi sen, thích hợp căn cơ khắp chín pháp giới, đều cùng siêng gắng đảnh lễ kính vâng, sướng thỏa tâm độ sanh của Phật, duy nhất không còn pháp thứ hai nào nữa! Tôi do sức túc nghiệp, từng làm một gã Nhất Xiển Đề, bắt chước bọn Âu, Hàn v.v… ngu xuẩn không sao chữa được. May là bị bệnh mấy năm, lúc ấy mới suy nghĩ kỹ càng: Các bậc thánh hiền xưa nay lẽ đâu đều vô tri cả? Bọn họ đều cùng tôn thờ, ta nào dám chê bai? Dẫu bậc thánh cũng có chỗ không biết, nhưng bọn họ vẫn đủ sức làm thầy bọn Âu, Hàn! Từ đó, quy y Phật, xuống tóc, khoác áo thâm. Tự lượng túc nghiệp sâu xa, Tông, Giáo ta đều chẳng thích hợp, chỉ có cậy vào Phật lực may ra mới thỏa lòng mong, nên chuyên tâm tu Tịnh nghiệp hầu được dự vào Liên Trì.
Gần mười mấy năm qua, người khác đều lầm hỏi đến, lời đáp cũng giống như thế ấy, chẳng dám vượt phận tí nào. Ông Từ Úy Như ở Hải Diêm cho rằng [những lời lẽ ấy] thiết thực, gần gũi, đôi ba lượt đem in ở Bắc Kinh, Thượng Hải. Lời lẽ tuy chất phác, nhưng mọi người chẳng chê bai, tìm đọc càng nhiều, có nhiều người sanh chánh tín. Cư sĩ Lý Viên Tịnh túc căn vừa sâu vừa dầy, chú thích các kinh luận, xiển minh Như Lai tâm, sau đó vì hao tổn tinh thần, yếu bệnh ngày càng thêm nặng, bèn bỏ nơi rộng lớn chọn lấy chỗ ước lược, lập chí nối gót Đông Lâm. Lại muốn lợi lạc hàng sơ cơ, tạo thành quy củ, châm ngôn tu trì [cho họ], nên bèn trích yếu những lời trong bộ Văn Sao, phân thành từng loại để biên tập, cũng như tự bỏ ra tịnh tài in tặng những ai hữu duyên, mong cho hết thảy mọi người đều gắng sức mong thành thánh, thành hiền, giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, ai nấy đều hoàn thành tánh thiên (bầu trời chân tánh) của chính mình, vâng làm các điều thiện, tiêu trừ sạch các điều ác, tín nguyện siêng năng niệm Phật, cầu lên được chín phẩm sen, lâm chung Phật đến tiếp dẫn, đều được như trăng in bóng trên sông, ngay lập tức vãng sanh Tây Phương, vĩnh viễn thoát vực sâu sanh tử, thấy Phật ngộ Vô Sanh, dần dần đạt đến phước huệ trọn vẹn.
Do vậy, thỉnh tôi viết mấy câu để rộng lưu truyền. Lời quê lọt vào mắt nhã, uổng chuốc lấy tiếng cười chê, thương xót. Mặt dầy mày dạn dâng tấm lòng ngu thành, mong ai nấy đều xét tỏ tường. Nếu chưa vượt lên được bậc Đẳng Giác thì cũng dự vào hàng Hồi Hướng vậy.
Pháp môn Tịnh Ðộ lý cực cao sâu, sự cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu thường xem [Tịnh Ðộ] là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Nào biết đây là pháp môn rốt ráo thành thủy, thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới độ chúng sanh! Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ tu được pháp này bèn coi thường pháp môn, sao chẳng xét trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc ngõ hầu viên mãn Phật Quả? Miệt thị pháp môn Tịnh Ðộ chẳng xứng đáng để tu tức là coi những vị trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Hơn nữa, chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường đây?
[Có thái độ như vậy] không có gì khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc biệt, cũng như sự lớn, nhỏ, khó, dễ giữa tự lực và Phật lực, nên mới đến nỗi như thế! Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm Hải Chúng, nhất trí tiến hành cùng cầu vãng sanh ư?
"Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh" - Nguyễn Du
(Ảnh: Đồng quê VN)
Trích Đề tựa cho bộ Gia Ngôn Lục
Đại Sư Ấn Quang