Chánh kinh:
Thế Gian Tự Tại Vương Phật tri kỳ cao minh, chí nguyện thâm quảng, tức vị tuyên thuyết nhị bách nhất thập ức chư Phật sát độ công đức nghiêm tịnh, quảng đại viên mãn chi tướng, ứng kỳ tâm nguyện, tất hiện dữ chi. Thuyết thị pháp thời, kinh thiên ức tuế.
Thế Gian Tự Tại Vương Phật biết ông ta cao minh, chí nguyện sâu rộng, liền vì ông ta tuyên thuyết công đức nghiêm tịnh, tướng trạng viên mãn rộng lớn của hai trăm mười ức các cõi nước Phật, ứng theo tâm nguyện ông ta đều hiện cho thấy. Lúc nói pháp ấy trải qua một ngàn ức năm.
Giải:
“Cao” (高) là trên, cao vời, xa thẳm. “Minh” (明) là sáng, chiếu, thông suốt. Sách Hội Sớ giảng: “Cao minh: Ý nói đức hạnh đầy đủ. ‘Thâm quảng’ (sâu rộng) là nói về nguyện tâm, nghĩa là: Trì Giới, Thiền Định trỗi vượt thế gian nên bảo là Cao. Phương tiện, Bát Nhã chiếu các pháp đến cùng tột nên bảo là Minh. Chiếu cùng tột đời vị lai chẳng nhiễu loạn (Ý nói: Có thể chiếu xa đến cùng cực đời vị lai, nhưng chẳng gây trở ngại) nên bảo là Thâm, bao trùm hết thảy không sót nên bảo là Quảng”.
“Tức vị tuyên thuyết” (Liền vì ông ta tuyên thuyết) là Phật thuyết pháp.
“Tất hiện dữ chi” (Đều hiện cho thấy) nghĩa là Phật hiện ra các cõi nước ấy. Thế Gian Tự Tại Vương Phật tuyên thuyết, thị hiện tướng trạng viên mãn rộng lớn, công đức nghiêm tịnh của hai trăm mười ức các cõi của chư Phật.
Đối với “hai trăm mười ức cõi” ắt có kẻ nghi rằng: Ngay khi ấy, Pháp Tạng Bồ Tát chỉ thấy có hai trăm mười ức cõi, sao lại bảo rằng quốc độ của Ngài tạo dựng “đô thắng vô số chư Phật quốc giả” (đều thù thắng hơn vô số quốc độ của chư Phật)? Có hai cách trả lời câu vấn nạn này:
- Theo phẩm Hoa Tạng Thế Giới trong kinh Hoa Nghiêm, cõi Phật vô lượng nhưng nói chung có hai mươi tầng, số lượng các cõi nước vây quanh các cõi ấy nhiều bằng hai trăm mười vi trần số. Nay trong kinh này, cũng lấy con số hai trăm mười để chỉ số các cõi nước thì đã ngầm hợp với nghĩa lý kinh Hoa Nghiêm, hàm nhiếp vô lượng cõi nước trong mười phương.
- Hai là như Trí Ðộ Luận bảo: “Khi xưa, A Di Ðà Phật làm tỳ- kheo Pháp Tạng được Phật dẫn đến khắp mười phương chỉ cho cõi nước thanh tịnh để chọn lựa những nước tịnh diệu nhất để tự trang nghiêm cõi nước mình”. Như vậy, kinh dùng chữ “hai trăm mười ức cõi” để phiếm chỉ cõi Phật mười phương.
Hơn nữa, hai trăm mười ức cõi Phật được nói ấy chỉ là những “quốc độ thanh tịnh” hay là tính cả những uế độ? Cổ đức căn cứ các câu kinh “thiên nhân thiện ác” (trời, người, thiện, ác), “quốc độ thô, diệu” mà lập ra hai thuyết khác nhau:
- Một là như Gia Tường Sớ ghi: “Về mặt nhân lành, hai trăm mười ức cõi Phật tuy có phân chia hơn, kém, nhưng các cõi nước được chiêu cảm đều bằng bảy báu hóa hiện một cách thô diệu. Thô là to lớn, diệu là đẹp đẽ. Ý kinh bảo hai trăm mười ức cõi nước được ứng hiện ấy đều là cõi to lớn, đẹp đẽ mà thôi”. Như vậy, Ngài Gia Tường cho rằng những cõi nước đã hiện chỉ là Tịnh Ðộ.
- Hai là Phật hiện cả cõi nước tịnh lẫn uế. Tịnh Ảnh Sớ chép: “Thô là chẳng tinh. Nói đến cái ác, cái thô để xa lìa. Nói đến cái lành, cái đẹp là để tu tập”, nghĩa là: Hai trăm mười ức cõi Phật được nói đó có cả tịnh lẫn uế. Các vị Cảnh Hưng, Nghĩa Tịch, Huyền Nhất, Vọng Tây cũng đều cho rằng có cả tịnh lẫn uế độ được hiện. Kinh Bi Hoa dạy: “Hoặc hữu thế giới, nghiêm tịnh diệu hảo, nãi chí hoặc hữu thế giới, hữu đại hỏa tai” (Cõi Phật được hiện hoặc có thế giới nghiêm tịnh, hảo diệu, cho đến hoặc có thế giới có đại hỏa tai). Câu này chứng tỏ trong những cõi nước được hiện có cả uế độ.
Hơn nữa, cõi nước được hiện có cõi là báo độ, có cõi là hóa độ.
Kinh Bi Hoa nói: “Hoặc hữu thế giới, thuần thị Bồ Tát, biến mãn kỳ quốc, vô hữu Thanh Văn, Duyên Giác chi danh” (Hoặc có thế giới thuần là Bồ Tát đầy khắp trong nước, chẳng có danh từ Duyên Giác, Thanh Văn). Ðấy là cõi của báo thân Phật.
Kinh cũng nói: “Hoặc hữu thế giới thanh tịnh, vi diệu, vô chư trược ác” (Hoặc có thế giới thanh tịnh, vi diệu, không có các trược ác), đấy chính là Tịnh Ðộ của hóa Phật.
Lúc bấy giờ, đức Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai “ứng kỳ tâm nguyện” (ứng theo tâm nguyện của ông ta, tức tỳ-kheo Pháp Tạng) liền đều hiện cho thấy các hình tướng của cả hai trăm mười ức cõi Phật báo, hóa, tịnh, uế.
Câu “thuyết thị pháp thời kinh thiên ức tuế” (lúc nói pháp ấy trải qua ngàn ức năm) thuật chi tiết về việc thuyết pháp, hiện cõi nước tường tận, lại còn ngụ ý: Thời gian cũng kéo dài hay rút ngắn vô ngại.
Ảnh minh họa: "Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã mười kiếp".
(Kinh A Di Đà bằng tranh)
Đoạn: “Tức vị tuyên thuyết” (Liền vì ông ta tuyên thuyết) là Phật thuyết pháp.
“Tất hiện dữ chi” (Đều hiện cho thấy) nghĩa là Phật hiện ra các cõi nước ấy. Thế Gian Tự Tại Vương Phật tuyên thuyết, thị hiện tướng trạng viên mãn rộng lớn, công đức nghiêm tịnh của hai trăm mười ức các cõi của chư Phật.
Khi Tỳ Kheo Pháp Tạng thỉnh cầu, Đức Phật chấp thuận lời thỉnh cầu này, liền vì Ngài mà tuyên thuyết cùng ứng hiện 210 ức cõi nước Phật [khoảng 21 tỉ cõi nước Phật, theo quan điểm ở Trung Hoa], trải qua 1000 ức năm [100 tỉ năm]. Như vậy vị chi mỗi cõi nước Phật 'chiếu' cho Ngài Pháp Tạng xem trung bình khoảng 5 năm. Thật tường tận, chi tiết, không thiếu sót gì cả.
Đoạn: - Hai là Phật hiện cả cõi nước tịnh lẫn uế. Tịnh Ảnh Sớ chép: “Thô là chẳng tinh. Nói đến cái ác, cái thô để xa lìa. Nói đến cái lành, cái đẹp là để tu tập”, nghĩa là: Hai trăm mười ức cõi Phật được nói đó có cả tịnh lẫn uế. Các vị Cảnh Hưng, Nghĩa Tịch, Huyền Nhất, Vọng Tây cũng đều cho rằng có cả tịnh lẫn uế độ được hiện. Kinh Bi Hoa dạy: “Hoặc hữu thế giới, nghiêm tịnh diệu hảo, nãi chí hoặc hữu thế giới, hữu đại hỏa tai” (Cõi Phật được hiện hoặc có thế giới nghiêm tịnh, hảo diệu, cho đến hoặc có thế giới có đại hỏa tai). Câu này chứng tỏ trong những cõi nước được hiện có cả uế độ.
Trong các cõi nước này có cả cõi Tịnh lẫn cõi Uế độ. Điều này giúp Tỳ Kheo Pháp Tạng có thể tư duy, chọn lựa, lấy bỏ, thành tựu trang nghiêm cho quốc độ của mình. Việc này cần có sự trợ lực, giúp đỡ của Đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương. Rõ ràng, yếu tố Tha Lực đã được hình thành ngay từ thuở sơ khai của Tịnh Độ Môn. Cho nên, nói đến Tịnh Độ tông mà không đề cập đến yếu tố Tha Lực trong đó thì đâu còn là Tịnh Độ nữa, đúng không? "Pháp đặc biệt", "Pháp khó tin", "Vượt trỗi các pháp", "Bổn hoài Như Lai một đời thuyết pháp", "Mười phương Chư Phật tán thán"... tất cả tựu chung chính là ở yếu tố này, thật sự là vậy. Lý do vì sao? Đó là vì Pháp môn này lấy Quả địa giác [của Phật] làm Nhân địa tâm [cho chúng sanh tu]. Cho nên, sự thành tựu nhanh chóng, thẳng tắt, đến rốt ráo viên mãn không thể nào tưởng tượng nổi [không thể nghĩ bàn, chỉ Phật cùng Phật mới hiểu nổi]!
Vì thế, Đức Phật mới nói rằng "Nếu xa xưa không tu phước huệ, thì Chánh Pháp này không thể nghe". "Không thể nghe" ở đây ý là 'nghe và tin', rồi hành [Văn - Tư - Tu]. Thật sự, Pháp này không khó ở Hành [không đặt yêu cầu cao], mà khó ở Tín tâm. Đến Đức Phật Ngài còn phải thuyết "Tín huệ nghe pháp khó trong khó", nghĩa là không gì khó hơn [tin pháp này]. Hễ tin được thì ra khỏi sanh tử [không còn gọi là khó với họ nữa]. Nên, đâu phải cứ nói Tin là Tin được ngay đâu. Có thể nay tin, mai lại ngờ; bây giờ tin, ngày sau có thể lại ngờ. Nếu ai Tín tâm được cả đời chắc chắn đến lúc cuối Phật rước, bất kể căn cơ thế nào, công phu ra sao, thời gian tu tập lâu hay mau [thậm chí một ngày, một giờ, mười niệm đến một niệm cuối...]. Bởi đó chính là Thệ Nguyện của Phật, quan trọng là chúng sanh thật sự tin tưởng, muốn về [sẽ cảm ứng đạo giao]. Chứ còn chẳng tin, tức cho rằng Phật nói dối [Thệ Nguyện hư dối], hay chẳng muốn về [hay chưa muốn], mà đòi cảm ứng đạo giao với Bi Nguyện để được rước về? Làm gì có chuyện đó!
Cho nên ngày nay Pháp Hộ Niệm lại được thịnh hành, 'ăn nên làm ra', 'rất có đất dụng võ'... Lý do là vì sao vậy? Đó là vì chúng sanh thời Mạt, Chánh Pháp ít được tuyên lưu, đa phần căn tánh lại kém hèn, đường dài thường chịu không nổi, 'đua' quãng ngắn thì được. Nói tín tâm giữ vững một đời e khó kham nỗi, kiểu gì cũng dễ bị 'chệch choặc', nhưng đến lúc cuối, nghiệp chướng đổ ra, đau khổ bức bách này kia... nếu có thiện căn, duyên phước thì lại dễ phát khởi và giữ được đến lúc cuối, được Phật rước. Đây là nói những trường hợp 'như tờ giấy trắng' nhé, mới dễ dàng như thế. Chứ còn cả đời đã bắt gặp Chánh Pháp Như Lai từ lâu, đã hành 'nát như tương', nhưng tín tâm vẫn chẳng thể phát khởi hay một cách 'chập chờn', lúc này lúc kia, lúc có lúc không, nói chung là chẳng chân thật, kiên cố, bất sanh nghi hoặc, thì đến lúc cuối nó cũng y như vậy đấy, không được như trường hợp kia đâu. Vì sao vậy? Bởi cả đời 'công phu' thế nào thì lúc cuối cũng ra vậy. Đó là xét theo nghĩa lý thế gian, còn xuất thế thì cũng như vậy thôi. Cả đời dẫu tinh tấn, miệt mài nhưng vẫn chẳng cảm Bổn Nguyện [giống như các Ngài nói là lên thuyền từ Bổn Nguyện], thì đến lúc cuối tâm lực, trí lực đã xuống cấp trầm trọng dễ gì đề khởi được tín tâm chân thật. Rất ít trường hợp làm được điều này. Mà tín tâm chẳng có thì Nguyện tâm cũng thua luôn, cứ cố buông đầu này lại dính mắc đầu kia, gỡ hoài chẳng hết. Ấy là chưa kể nghiệp chướng bức bách, oan gia bao vây [chiêu cảm kéo đến], do không được sự gia trì bảo hộ của Phật lực. Thật là thập phần khó khăn, nan giải!
Cho nên, tu pháp này đã tin thì hãy tin cho tới, đã hành thì hành cho tận, nguyện thì chân nguyện [không sợ chết, có thể xả bất cứ lúc nào]. Riêng về Tín tâm có thể học tập được, ai cũng có thể học tập được. Chúng ta học tập như học sinh vậy, giống như học sinh giải bài toán khó vậy. Những lúc yên tịnh, luôn thường nghiền ngẫm, tư duy, đọc tới đọc lui, nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm... ắt sẽ có lúc nó 'vỡ' ra thôi. Đến khi đó mới thật là tin. Phàm phu chúng ta chắc phải như vậy thôi, nước chảy đá mòn, đều phải trải qua một quá trình cả, chẳng phải được như Thánh nhân hay Đại sĩ hay như "Thần đồng Phật giáo" [như Lục Tổ Huệ Năng] vừa nghe đã ngộ ngay được đâu. Mà một khi đã 'giải được bài toán' tín tâm thì coi như cầm được cái vé, phần còn lại là phải giữ nó cho chắc, đừng để nó rơi mất, rồi ra sức hành trì tích lũy công đức, đợi ngày Phật rước về thôi. Như vậy có phải là tự tại biết bao! Chi mà cả đời tu tập mà cứ phập phồng lo âu đến lúc cuối thế nào đây, hay cả đời hành đạo cứ chạy theo những cái 'chưa đủ, chưa đạt' nào công phu phải đạt cái này, được cái kia, tâm ý phải thế này thế nọ... đến khi thọ mạng đến thì kiểu gì cũng 'lăn tăn' như vậy, không cái này thì cái khác, đảm bảo!
Các phần còn lại chúng ta cùng học tập và tham khảo.
Chú Giải Kinh Vô Lượng Thọ (trích lục)
Phẩm 5. Chí Tâm Tinh Tấn
Ngài Hoàng Niệm Tổ