Nếu chẳng phải là do trong đời trước đã từng gieo đại thiện căn...
Hôm qua nhận được thư biết ông đời trước gieo thiện căn sâu xa, được gặp pháp môn Tịnh Độ liền sanh lòng tin, hết sức an ủi! Họ Đinh (tức Đinh Phước Bảo) chú giải kinh phần nhiều chuyên tìm chứng cứ, chứ chưa làm sáng tỏ ý nghĩa của kinh văn cho lắm. Cuốn Di Đà Kinh Tiên Chú có rất nhiều chỗ sai, nhưng xét về mặt dẫn chứng những sự tích trong sách ấy thì cũng khá có lợi cho kẻ sơ cơ. Các nhà Nho thời Tống - Minh phần nhiều lấy những ý nghĩa trong kinh Phật để chống đỡ môn đình Nho giáo, nhưng họ chỉ nói sao cho thật cao xa, huyền diệu, chứ trọn rất ít kẻ hành đúng theo kinh Phật. Căn bệnh ấy là do chưa thể tin tưởng sâu xa sự lý sanh tử luân hồi. Nếu họ tin tưởng sâu xa, ai chịu gác bỏ lợi ích liễu sanh tử lớn lao, chuyên lấy những lời của nhà Phật giảng bày Lý Tánh để khoác mũ miện “giảng học”, nhưng chẳng chịu dựa theo đó để thực hành ư? Một pháp Tịnh Độ là con đường để thượng thánh hạ phàm cùng theo, ai có thể vừa nghe liền tin, nếu chẳng phải là do trong đời trước đã từng gieo đại thiện căn sẽ chẳng thể [nghe, tin tưởng, tu tập] được!
Một pháp liễu sanh tử nếu chẳng dùng trí để chăn dắt sẽ chẳng thể được!
Quang là một ông Tăng chỉ biết cơm cháo mà thôi! Đối với Tông lẫn Giáo đều chẳng biết gì, chỉ tự lượng kém hèn, chuyên chú trọng Tịnh Độ. Do ông Từ Úy Như ấn hành những bản sao thư từ trao đổi [với bạn bè] đến nỗi một người truyền hư, vạn người truyền thật, đều lầm tưởng Quang là tri thức, khiến cho người ta phải hổ thẹn khôn cùng! Ông đã lầm lẫn coi Quang là tri thức thì cũng chẳng ngại gì “coi sai là đúng!” Nay đặt pháp danh cho ông là Trí Mục. Ông dùng đạo đức của kẻ sĩ để chăn dắt (định hướng cho cuộc đời của chính mình), dẫu có thể kế thừa bậc thánh đời trước, khơi lối cho kẻ học trong đời sau, dùng tiên giác để giác kẻ hậu giác, sợ rằng chỉ mong thành thánh thành hiền trong thế gian mà thôi! Hãy nên biết rằng: Một pháp liễu sanh tử nếu chẳng dùng trí để chăn dắt sẽ chẳng thể được! Có thể dùng trí để tự chăn dắt thì phiền não, Hoặc nghiệp sẽ tự tiêu diệt, công đức, trí huệ sẽ tự hiển hiện. Dùng trí để tự chăn dắt, mà cũng dùng trí để chăn dắt người khác thì chuyện “kế thừa đời trước, mở lối người sau, tự giác, giác tha” mới là Thật Nghĩa rốt ráo. Nhưng muốn dùng trí để tự chăn dắt, ắt phải nên đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Phàm những điều thiện - ác đều đoạn trừ từ ngay nơi khởi tâm động niệm rồi mở rộng ra thì mới là thực tiễn, chẳng trở thành nói xuông!
“Nêu gương cho vợ, ảnh hưởng đến tận anh em rồi lan truyền ra khắp cả nước”
Nếu muốn dùng trí để chăn dắt người khác thì phải bắt đầu từ cha mẹ, vợ con. Cha mẹ còn sống, hãy khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, chớ nên để nghiệp sát sanh gây lụy cho cha mẹ, tưởng đó là phụng dưỡng ngọt bùi. Đấy chính là cái nhìn lầm lạc của thế gian, trọn chớ nên làm theo. Nếu như cha mẹ chẳng chịu ăn chay, chỉ nên chí thành niệm Phật sám hối thay cho cha mẹ, khiến cho họ tiêu trừ túc nghiệp sẽ liền ăn chay được. Vợ con chính là những người gần gũi với mình nhất, chẳng thể dùng Phật pháp đễ dẫn dắt họ, làm sao dẫn dắt người đời cho được? “Nêu gương cho vợ, [ảnh hưởng] đến tận anh em rồi lan truyền ra khắp cả nước”, pháp thế gian hay xuất thế gian không gì đều chẳng như vậy! Từ nhà đến cả nước, thì mới là đường lối “đi xa do bước từ chỗ gần, lên cao phải bắt đầu từ dưới thấp” vậy! Trong khi niệm Phật, do thương những chúng sanh khổ não, lòng chua xót ứa lệ, đấy chính là thiện căn phát hiện, nhưng chớ nên tưởng đó là đức rồi thường để xảy ra như vậy! Nếu thường như thế, sẽ bị ma bi thương dựa, điều này hết sức thiết yếu!
Niệm Phật lấy Tín - Nguyện làm chủ, có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, quyết định được vãng sanh. Còn [tâm mong] chứng tam-muội thì chẳng thể không phát tâm ấy, nhưng người đời nay thật rất ít kẻ chứng tam-muội, bởi lẽ đã chứng được Niệm Phật tam-muội là đã siêu phàm nhập thánh ngay trong đời này, chớ nên coi là chuyện dễ dàng! Không biết ông có bộ Văn Sao của Quang hay chưa? Nay gởi cho ông một bộ, xin hãy đọc kỹ thì cách tu trì, dụng tâm đều có thể hiểu rõ. Lại còn có bản in bằng lối khắc ván, so với bộ này nhiều hơn một trăm bốn mươi mấy bài; muốn xem xin hãy gởi thư cho cư sĩ Trương Thụy Tăng ở Đại Thập Tam Loan, Dương Châu xin một bộ. Ông ta thí rộng rãi các thiện thư, không ai xin mà chẳng cho; thí thiện thư rất nhiều, chứ không phải chỉ có một loại sách này.
Thêm nữa, hiện thời Thương Vụ Ấn Thư Quán đã sắp chữ gần xong, ước chừng cuối tháng Ba sẽ có thể in ra sách; so với bản khắc ván lại nhiều hơn một trăm bài nữa. Đã được bạn bè chịu trách nhiệm in hai vạn bộ, sắp chữ hoàn chỉnh xong liền bắt đầu in, sẽ in ba vạn bộ. Mỗi bộ giá ước chừng bốn cắc, chưa tính bưu phí. Nếu muốn lợi người, xin hãy đứng ra in bao nhiêu bộ đó để kết tịnh duyên. Cách chịu trách nhiệm là ai bỏ ra bao nhiêu tiền sẽ căn cứ theo số tiền ấy mà giao sách cho người đó. Trong đây chẳng có mảy may riêng tư nào để cho mọi người làm công đức chân thật. Nếu muốn đảm nhiệm in, xin hãy gởi tiền sang văn phòng chánh của Thương Vụ Ấn Thư Quán ở số Bốn Mươi Lăm, Hoa Tự đường Bảo Sơn, Thượng Hải, giao cho cư sĩ Nhậm Tâm Bạch. Ông ta nhận được liền gởi biên lai, đợi khi nào sách in ra sẽ giao theo số tiền [đã đóng góp]. [Giá tiền như đã nói trên đây] là căn cứ theo số lượng ba vạn bộ mà định giá, so với giá bán lẻ sẽ rẻ hơn một nửa.
Nguyên nhân đều là do không có trí để tự chăn dắt
Pháp do đức Như Lai đã nói trong cả một đời đều là dạy dùng tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử. Chỉ có một môn Tịnh Độ chuyên trọng Phật lực, do [nương vào] Phật lực nên tuy tội nghiệp sâu nặng mà nếu đủ lòng tín nguyện sẽ đều được vãng sanh. Nếu có thể đoạn chứng thì sở chứng càng cao. Pháp này lợi khắp ba căn thượng, trung, hạ. Cõi đời thường vì thấy ngu phu ngu phụ cũng niệm Phật được bèn cho pháp này là chuyện của ngu phu, ngu phụ, đến nỗi kẻ không ngu lại bị kẻ ngu thương xót ngược lại, nguyên nhân đều là do không có trí để tự chăn dắt vậy. Nếu có thể dùng trí để tự chăn dắt, ắt sẽ viên chứng thiên chân Phật tánh sẵn có nơi tâm này để thành Phật đạo đầy đủ phước huệ vậy! (Ngày Hai Mươi Mốt tháng Giêng năm Giáp Tý - 1924)
Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát
Trong đoạn đầu: Một pháp Tịnh Độ là con đường để thượng thánh hạ phàm cùng theo, ai có thể vừa nghe liền tin, nếu chẳng phải là do trong đời trước đã từng gieo đại thiện căn sẽ chẳng thể [nghe, tin tưởng, tu tập] được!
Như thế nào mới gọi là 'đã từng gieo đại thiện căn'? Trong Kinh Phật nói rõ rằng: "Nếu xa xưa không tu phước huệ, thì Chánh Pháp này không thể nghe; Đã từng cúng dường các Như Lai, nên hay vui mừng tin Pháp này". Như vậy chúng ta thấy rõ, cách 'gieo đại thiện căn' thù thắng đó chính là "cúng dường các Như Lai". Việc cúng dường các Như Lai có thể hiểu không chỉ là cúng dường những vật phẩm này kia mà còn là thân cận, lễ bái, trì niệm danh hiệu các Ngài, hay là học tập, đọc tụng, tán thán những Kinh điển, lời dạy của các Ngài cũng là hình thức cúng dường. Nói chung đây là Pháp Đại thừa viên giáo, để rốt ráo viên mãn đến thành Phật đạo, cho nên để 'nghe, tin tưởng, tu tập' thì nhất thiết đã từng thân cận, lễ bái, cúng dường, trì tụng, học tập từ chính các Đức Như Lai, Đại Bồ Tát mới được, chứ không thể chỉ 'cúng dường' bậc Thánh nhân, hay A La Hán gì đó mà gieo được cái nhân để đời sau 'nghe, tin, thọ trì' cái Pháp này. Cho nên thực tế cho thấy có rất nhiều người làm được những việc đại thiện ở thế gian, phước báu vô lượng, nhưng nói đến Tịnh Độ thì lại chẳng tin được, đó là do nhân duyên họ chỉ phù hợp với những thứ bậc đó, dẫu là vô lượng vô biên đi nữa thì cũng chỉ ứng hợp với những cảnh giới như vậy, chứ không phải luận nhiều ít cao thấp gì ở đây cả.
Đoạn tiếp: Hãy nên biết rằng: Một pháp liễu sanh tử nếu chẳng dùng trí để chăn dắt sẽ chẳng thể được! Có thể dùng trí để tự chăn dắt thì phiền não, Hoặc nghiệp sẽ tự tiêu diệt, công đức, trí huệ sẽ tự hiển hiện. Dùng trí để tự chăn dắt, mà cũng dùng trí để chăn dắt người khác thì chuyện “kế thừa đời trước, mở lối người sau, tự giác, giác tha” mới là Thật Nghĩa rốt ráo.
Cái 'trí' ở đây hiểu là sao? Đó là trí tuệ của thế gian? Cái này nói không phải cũng không hẳn không đúng, mà phải nói là chưa chuẩn xác. Cái 'trí' trong Đạo này phải hiểu là cái sự 'biết' rồi 'tin', tức là không cần cái gì cũng biết, hay dạng 'học một biết mười', không phải như vậy, không cần như vậy. Mà là biết những gì nên biết, còn cái gì không cần thiết thì thôi, tức là cũng phải 'biết dừng' nữa, để khỏi phải mất thời gian, tâm trí vào đó, những gì thuộc về kiến thức hữu ích cho việc tu học thì nếu hữu duyên có thể nghe đọc hay tham khảo qua cho biết, để tăng thêm đạo tâm đạo lực, vậy thôi, sau đó có nhớ hay không cũng chẳng quan trọng, chỉ nên chú trọng, khắc ghi những điều trọng yếu, những điều cần thiết để thực hành mà thôi.
Vậy tại sao phải gọi là 'trí', mà chẳng phải nói là cái 'biết' cái 'nghe' thôi? Bởi thật ra kẻ không biết gì nhiều khi chính là 'đại trí' vậy, thế gian thì coi họ là khù khờ, thậm chí ngu si, chẳng biết gì, nhưng họ biết họ tin những cái mà người thế gian không làm được. Chẳng hạn, họ biết niệm Phật, họ tin tưởng niệm Phật, họ yêu thích niệm Phật, rồi họ cứ thế niệm mãi, càng niệm càng thấy an lạc, vui vẻ... những cái này thì cái trí của thế gian thì sao biết được. Hay là họ đọc Kinh văn, tới chỗ Bổn Nguyện tiếp dẫn, họ tin lời Phật nói, tin Thệ Nguyện Phật là chân thật, không hư dối, cho nên họ tin niệm Phật chắc chắn sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh trong đời, dẫu cho ai nói ngược nói xuôi thế nào đi nữa, họ vẫn luôn tin lời Phật thôi, còn thì bỏ ngoài tai tất cả, những cái này thì trí tuệ thế gian, cho dầu có thông minh xuất chúng đi nữa cũng đâu thể làm được vậy. Nói chung cái được gọi là 'trí' tức là họ làm được những cái mà không phải ai làm cũng được, kể cả cái 'ngu', cái chân thật, cái không biết gì, hay là cái kiên định, cái 'trạch pháp', biết lấy bỏ, biết nghe theo cái gì, không nên nghe theo cái gì... Những cái này chúng sanh đâu phải ai cũng làm được vậy, tất cả đều phải từ thiện căn đời trước cũng như cả việc học tập, tích lũy dần lên trong đời này.
Tiếp theo: Nhưng muốn dùng trí để tự chăn dắt, ắt phải nên đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Phàm những điều thiện - ác đều đoạn trừ từ ngay nơi khởi tâm động niệm rồi mở rộng ra thì mới là thực tiễn, chẳng trở thành nói xuông!
Mọi hành vi, cử chỉ, lời nói đều xuất phát từ khởi tâm động niệm mà ra cả, dĩ nhiên cũng có những cái bộc phát theo kiểu 'quán tính', chưa kịp suy nghĩ, hay biết những vẫn cố làm, đó là thuộc về tập khí, tức làm lâu ngày tích tụ thành thói quen [xấu, tốt], nên đụng cảnh đụng duyên là 'bật' ra luôn, chẳng cần suy nghĩ, hoặc giả bị cái tâm nó chi phối, lôi kéo hay chiếm hữu mà muốn ngưng việc đó lại cũng không ngưng được, tức những lúc đó bị 'giặc cướp' nó điều khiển hành vi, tâm ý. Những cái tâm tham, sân, si, ngã, mạn này kia chính chủ yếu là do những yếu tố này, còn dạng như có chủ đích, có mục tiêu ý chí 'phấn đấu' rõ ràng cụ thể thì thua, đó thuộc về cái tâm xấu ác gây ra chứ không còn là tập khí hay thói quen nữa. Mà nói chung là dưới dạng gì đi nữa thì cũng phải dùng ý thức, lý trí, và cả hiểu biết, trí tuệ mà chủ động ngăn chặn, hạn chế, kìm hãm lại, đừng để chúng tự tung tự tác, như thế lâu dần chúng ta cũng sẽ có những 'tập khí', ý nghĩ hành vi lời nói tốt, tích cực phát xuất ra, còn những tập khí xấu sẽ bị tiêu trừ dần. Cho nên nói dùng trí [lý trí, trí tuệ] để dẫn dắt trên con đường học đạo là vậy.
Đoạn tiếp theo: Nếu muốn dùng trí để chăn dắt người khác thì phải bắt đầu từ cha mẹ, vợ con. Cha mẹ còn sống, hãy khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, chớ nên để nghiệp sát sanh gây lụy cho cha mẹ, tưởng đó là phụng dưỡng ngọt bùi.
Thật sự trong những cái 'độ' thì việc 'độ' cho chính mình và người thân là khó nhất, chứ không phải độ người ngoài mới khó đâu nhé. Vì sao vậy? Bởi cái này thì phải nói đi đôi với hành, mà phải 'hành' cho được, cho kết quả cụ thể, chứ chẳng phải hành kiểu qua loa, lấy tiếng. Chẳng hạn nói người tu phải thanh tịnh tâm, không được tham sân si phiền não, hay phải giữ giới, đoạn ác tu thiện, trọn hết bổn phận v.v... những việc này nói cho người ngoài nghe thì dễ chứ nói cho người trong nhà để họ chịu nghe theo rồi hành theo là cả vấn đề, cần phải kiên trì có thời gian lâu bền và đặc biệt phải làm 'biểu pháp' cho họ thấy thực tế mới được, còn người ngoài thì nhiều khi chỉ cần có tài ăn nói một chút là khiến họ tin theo ngay. Bởi vậy ông bà mới nói 'ở trong chăn mới biết chăn có rận là vậy', rằng có thể lừa dối hay chỉ nói suông với người ngoài nhưng khó lòng qua mặt người nhà lắm! Mà một khi nói được mà làm không được hay làm ngược lại thì ai thèm nghe theo, kể cả vợ chồng, con cái, anh em đi nữa. Hay chẳng hạn như việc phát tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, nếu với bậc cha mẹ đã phát tâm tu tập rồi, thấy được lợi ích chân thật lớn lao của Pháp môn, rằng muốn con cái sớm phát tâm cùng tu cùng liễu thoát, chứ cứ thấy con cái, anh em hay cả vợ hay chồng cứ mãi theo đuổi sự nghiệp, làm ăn, thế sự này kia suốt, chẳng chịu phát tâm tu tập để giải thoát, nhưng nói mãi chẳng chịu nghe, như thế thì thôi, tốt nhất cứ lo việc tu tập của chính mình cho tốt đi cái đã, nhiều khi nhân duyên họ chưa đến dù có nói nhiều bao nhiêu đi nữa cũng vậy, bởi họ hãy còn trẻ khỏe, nhân duyên thế sự còn bủa vây, cái duyên học đạo chưa tới, thì thôi cứ kệ. Khi nào nhân duyên hội tụ thì họ sẽ phát tâm thôi, bởi họ đến với chúng ta thì ắt cũng ít nhiều duyên nghiệp với nhau vậy, thậm chí là nghịch duyên hay ác duyên đi nữa, cũng là duyên nghiệp rất nặng với nhau. Mà một khi có 'nặng nợ' với nhau nhiều như thế thì sẽ rất dễ 'độ' cho nhau, còn khi không có duyên hay ít duyên mới khó độ. Cho nên, nếu độ bằng lời nói không được thì bằng việc làm, rồi bình thời chưa độ được thì cố gắng tu tốt cuối đời làm biểu pháp vãng sanh thù thắng, chắc chắn con cái xem thấy cái là tin theo ngay, đảm bảo, rằng 'trăm nghe không bằng một thấy' mà! Cho nên để 'độ' người thân phải tùy nghi, phương tiện, chẳng ai giống ai cả, nhiều khi gặp những dạng khó độ khó phát tâm thì chưa hẳn là họ thiếu thiện căn hay không có căn tu gì đâu, mà là do có thể nhân duyên chưa tới, hay túc nghiệp còn sâu nặng quá, chưa thể phát khởi lên được, thế thì hàng ngày chúng ta phải ra sức tu trì, sám hối, hồi hướng công đức cho họ vậy, kể cả với Tồ tiên ông bà người quá vãng cũng vậy.
Các đoạn còn lại chúng ta cùng đọc và học tập.
Văn Sao Tam Biên, quyển 2
Thư trả lời cư sĩ Trần Sĩ Mục
Đại Sư Ấn Quang